Đức Ngô (1994), một nhiếp ảnh gia phong cảnh tại Hà Nội đã có hơn 10 năm kinh nghiệm, say mê khám phá vẻ đẹp tự nhiên qua ống kính. Trong hành trình đến Indonesia, anh đã ghi lại những khung hình sống động về vẻ đẹp nguyên sơ và kỳ vĩ của vùng đất lửa. Bộ ảnh được anh thực hiện tại khu vực núi lửa Bromo thuộc vườn Quốc gia Bromo Tengger Semeru (miền Đông Java, Indonesia), cùng các địa danh khác tại Bali như hồ Tamblingan, thác Banyumala và rừng cổ Djawatan.


Núi lửa Bromo thuộc vườn Quốc gia Bromo Tengger Semeru (miền Đông Java, Indonesia)
“Nhắc đến núi lửa Bromo, đây là điểm đến quen thuộc với những người đam mê du lịch - nơi mà ai đặt chân đến đất nước ‘vạn đảo’ cũng đều mong được một lần trải nghiệm”, nhiếp ảnh gia Đức Ngô chia sẻ.
Ở độ cao 2.329 m so với mực nước biển, Bromo khiến bất kỳ ai lần đầu đặt chân đến đều phải choáng ngợp. Không xa đó là núi lửa Semeru - đỉnh núi cao nhất của đảo Java, vẫn đều đặn phun khói khoảng 10 phút một lần. “Đó là một cảnh tượng tôi chưa từng được chứng kiến ở Việt Nam”, Đức Ngô cho hay.



“Nhắc đến núi lửa Bromo, đây là điểm đến quen thuộc với những người đam mê du lịch - nơi mà ai đặt chân đến đất nước ‘vạn đảo’ cũng đều mong được một lần trải nghiệm”, nhiếp ảnh gia Đức Ngô chia sẻ
Dù thuộc khí hậu nhiệt đới gió mùa, nhưng do nằm ở độ cao lớn, thời tiết tại khu vực Bromo lạnh sâu vào buổi sáng sớm và ban đêm. Trong cái lạnh buốt ấy, bầu trời trong vắt là điều kiện lý tưởng để nam nhiếp ảnh gia bắt trọn ánh sáng tự nhiên và xử lý ảnh một cách dễ dàng ở giai đoạn hậu kỳ.



Trong cái lạnh buốt ấy, bầu trời trong vắt là điều kiện lý tưởng để nam nhiếp ảnh gia bắt trọn ánh sáng tự nhiên và xử lý ảnh một cách dễ dàng ở giai đoạn hậu kỳ
Khi tiếp xúc với con người bản địa nơi đây họ rất thân thiện, có lẽ một phần vì đây là vùng đất du lịch. Người dân luôn niềm nở, sẵn sàng giúp đỡ mỗi khi cần hỏi han điều gì. Nhiếp ảnh gia Đức Ngô còn cảm nhận được sự quý mến đặc biệt họ dành cho người Việt, điều này thể hiện rõ trong những cuộc trò chuyện giản dị nhưng ấm áp.


Giữa ánh sáng xiên đặc trưng lúc bình minh và hoàng hôn - thời khắc vàng của nhiếp ảnh phong cảnh, những “chàng kỵ sĩ Nam Dương” xuất hiện, cưỡi ngựa băng qua biển cát mù mịt, tạo nên những khung hình sống động, ngoạn mục như một thước phim điện ảnh. “Chúng tôi gọi những người cưỡi ngựa bản địa bằng cái tên thân mật đó vì khung cảnh quá đỗi lãng mạn và hoang dã”, Đức Ngô nói. Bên cạnh cưỡi ngựa, phương tiện di chuyển phục vụ du khách tại Bromo còn có cả xe jeep.




Giữa ánh sáng xiên đặc trưng lúc bình minh và hoàng hôn - thời khắc vàng của nhiếp ảnh phong cảnh, những “chàng kỵ sĩ Nam Dương” xuất hiện, cưỡi ngựa băng qua biển cát mù mịt
Rời Bromo, hành trình của nhiếp ảnh gia Đức Ngô tiếp tục đến Bali, nơi anh dừng chân bên hồ Tamblingan mờ sương, thác Banyumala tung bọt trắng xóa và khu rừng Djawatan với những tán cây cổ thụ kỳ bí. “Với tôi, nhiếp ảnh không chỉ là ghi lại khoảnh khắc, mà là sống trọn vẹn trong khoảnh khắc ấy. Ở Bromo, từng cú bấm máy đều mang theo bụi tro, tiếng gió và nhịp vó ngựa dồn dập giữa đất trời - đó là điều khiến tôi ấn tượng sâu sắc nhất trong chuyến đi này”.

