Những ngày này, phố thì như được bao phủ bởi một lớp áo đỏ rực, màu đỏ của câu đối, lồng đèn, bao lì xì, gian hàng thì bày bán đủ loại mứt Tết, bánh kẹo. Tất cả cùng hòa quyện tạo nên một không gian lễ hội không thể nhầm lẫn. Dọc theo những con đường là các cửa hàng gia truyền, nơi mà mọi người vẫn hay truyền tai nhau bảo: “Tết đến thì cứ mua đồ trên phố. Người nào phải sành sỏi lắm mới biết những cửa hàng này”.
Tết ở Hà Nội không chỉ nằm ở những chợ hoa, hàng quán mà còn hiện hữu trên từng bước chân, từng dáng người. Những cô gái, chàng trai trong tà áo dài truyền thống thướt tha giữa phố phường như tô điểm thêm nét thơ mộng cho không gian đã rực rỡ sắc xuân. Dưới ánh nắng nhẹ của những ngày đông cuối cùng, họ cười, họ trò chuyện, họ chụp những bức ảnh để lưu giữ thanh xuân. Nhưng đâu đó, vẻ đẹp ấy còn mang theo khát khao về một năm mới an lành, hạnh phúc.
Mỗi người đều có cách đón Tết riêng. Người trẻ tranh thủ những ngày cuối năm để chụp ảnh, dạo phố, hay đi du lịch để đổi gió. Như Linh Đan, 24 tuổi, hiện đang sinh sống tại Hàng Trống chia sẻ: “Tết là lúc để mình sống chậm lại, nghỉ ngơi sau một năm bận rộn. Chỉ cần được ăn bữa cơm cùng gia đình, đi dạo loanh quanh và xem bộ phim mình yêu thích là đủ hạnh phúc”. Những cô cậu học sinh như Vân Hà lại coi Tết là khoảng thời gian quý giá để thư giãn trước kỳ thi lớn: “Mình sẽ tận dụng những ngày này để nghỉ ngơi, vì năm sau là một năm quan trọng”.
Trong khi đó, đối với những người đã có tuổi, Tết đối với họ có khi cũng chẳng khác ngày thường là bao. Có chăng là đường phố sẽ bớt đông đúc hơn, cuộc sống sẽ chậm hơn vài nhịp. Dù cách đón Tết có khác nhau, tất cả đều chung một mong muốn: tìm lại sự cân bằng, nạp thêm năng lượng để bắt đầu một năm mới.
Nhưng không phải ai cũng có được sự thong thả ấy. Trên những con phố nhộn nhịp, vẫn có những mảnh đời khác nhau, lặng lẽ mưu sinh giữa dòng người tấp nập. Đó là bác xe ôm bên góc đường vẫn đang chờ một vài cuốc xe ngày cuối năm tay; là cô bán hàng rong với chiếc nón lá cũ kỹ, len lỏi giữa các khu phố để chào mời từng món hàng. Họ tất bật, vội vàng, nhưng đôi mắt vẫn ánh lên hy vọng về một cái Tết đủ đầy hơn cho gia đình. Đối với họ, Tết không chỉ là niềm vui mà còn là trách nhiệm, là sự cố gắng không ngừng nghỉ để mang lại niềm hạnh phúc giản dị nhất cho những người thân yêu.
Hà Nội ngày cận Tết còn mang trong mình sự giao thoa kỳ diệu giữa cũ và mới, giữa truyền thống và hiện đại. Người lớn tuổi thường hoài niệm về những cái Tết xưa, khi đường phố chưa nhộn nhịp như bây giờ, khi mọi người còn ngồi quây quần gói bánh chưng bên bếp lửa. Còn giới trẻ, họ lại đón Tết theo cách mới mẻ hơn, năng động hơn – từ việc chụp ảnh check-in tại những quán cà phê trang trí Tết đến những chuyến du lịch ngắn ngày. Nhưng dù có là cách thể hiện nào, giá trị cốt lõi của ngày Tết – sự đoàn tụ, gắn kết và hy vọng – vẫn luôn hiện hữu trong từng ánh mắt, nụ cười.
Hà Nội những ngày cận Tết là thế, vừa náo nhiệt, vừa lắng đọng; vừa mới mẻ, vừa thân thuộc. Mỗi góc phố, mỗi con đường đều mang trong mình câu chuyện riêng, nhưng tất cả hòa quyện để tạo nên một bức tranh hoàn chỉnh – một bức tranh vừa đẹp đẽ, vừa chan chứa hy vọng. Những tà áo dài, những bước chân khi vội vàng, khi chậm rãi, tiếng cười nói, mùi hương trầm quyện lẫn hương hoa mùa Xuân thoang thoảng thơm trong tiết trời lành lạnh… Tất cả như nhắc nhở rằng Tết không chỉ là sự hối hả bên ngoài mà còn là khoảng lặng để mỗi người nhìn lại, để lắng nghe nhịp đập của chính mình.
Một số hình ảnh khác về đường phố Hà Nội những ngày cận Tết: