Myanmar – Hành trình chân đất và quá khứ

08/06/2010

Người bán hàng trong chợ phiên đá quý đưa cho tôi 1 tờ 50 Kyat, bảo tặng làm quà mang về làm kỉ niệm. Cuộc hành trình đã bắt đầu đầy thú vị trong nụ cười mến khách và vui vẻ của những người dân xứ đạo Phật đáng quý.

Váy Longi, nhà tập thể, cuộc sống chậm và một thế giới không trộm cắp

            Chiếc máy bay ì ạch đỗ lại tại sân bay Yong Gun – thủ đô của đất nước Myanmar khi trời còn khá sớm. Anh chàng tài xế tacxi với tiếng Anh lơ lớ nhanh nhẹn đưa tôi về khách sạn đã đặt trước. Việc đầu tiên ở đây là cất đồ và đi đổi tiền. Các khách sạn nhất định không chịu đổi đô la mỹ sang Kyat mà chỉ ra chợ ngọc cách đó 2 km. Tiền đô la yêu cầu không có tì vết, không dây mực bẩn và phải từ năm 2006 trở lại đây. Sau khi suôn sẻ với giá 1000 kyat = 1 đô la, chúng tôi đã sẵn sàng cho chuyến thăm đất nước chùa vàng.

 

 

 

 

            Yong Gun vốn không phải là thủ đô hiện đại với những tòa nhà cao tầng. Dễ dàng có cảm giác như đi lạc vào Hà Nội của những năm 80 với những tòa nhà còn nguyên dáng vóc từ thời kỳ bao cấp. Những cái hộp diêm chất đầy quần áo phơi lủng liểng, những phòng khách tí hon và những câu chuyện rôm rả từ ô cửa sổ này sang ô cửa sổ khác. Những ngôi nhà mặc nhiên đứng đó, chóc lở những lớp sơn tường cũ kĩ từ những năm 1850 và những chú chim sẻ mải miết nhảy nhót trên ban công.

 Người dân Myanmar hay chuyện và thích thú với những bữa tiệc trà trên hè phố. Một quán trà sữa với những chiếc bánh trứng đơn giản ngay trên vỉa hè. Vừa nhâm nhi vị đắng của tách trà pha lẫn với vị sưa tươi mát dịu, vừa phe phẩy chiếc quạt lá trên tay và ngắm nhìn dòng xe cộ cũ kĩ qua lại. Xe buýt di chuyển liên tục chưa đầy 5 phút có 1 chuyến. Đàn ông với những chiếc longi cuốn đủ màu sắc trên đôi tông loẹt xoẹt. Váy longi truyền thống dành cho đủ mọi kích cỡ, người béo người gày đều có thể mặc được. Quanh váy dắt đủ loại đồ cần dùng, từ cọc tiền Kyat cho đến chiếc điện thoại di động, từ cái quạt cho đến bao thuốc lá quấn. Không trộm cắp, không cướp giật hay cãi nhau, chỉ có những nụ cười bỏm bẻm màu đỏ của trầu và sáng lấp lóa của bột phấn Thanaka. (Cây thanaka để làm kem. Người ta dùng một cái đĩa bằng sành hoặc bằng gỗ, cho một ít nước xâm xấp lòng đĩa, rồi mài thanh thanaka vào đó. Sẽ có một thứ bột màu ngà sền sệt do trộn với nước. Phụ nữ và trẻ em bôi thanaka để tránh nắng, dưỡng da. Khi bôi lên cảm giác mát lạnh, như kem chống nắng.)

 

            Chợ cứ mặc nhiên mà họp ngay trên nhưng con phố. Người ta bán đủ thứ trên cái vỉa hè con con ấy, từ những sạp báo, quầy sách vở, những cuốn sách tiếng nước ngoài cũ bán với giá rẻ giật mình, cho đến những vật đồ cổ có giá trị, tiền xu. Chợ hoa quả và bánh trái cùng đồ ăn thức uống họp muộn hơn mỗi chiều. Những gánh chuối, hàng đu đủ dưa hấu ngon lành, hoa và rau xanh..Ở Myanmar, điện thoại di động là một thứ xa xỉ. Người ta vẫn dùng điện thoại công cộng ngoài phố, trên những chiếc bàn đơn giản với những máy điện thoại quay số cũ.

            Mất 5$ để vào chùa Shwedagon, ngôi chùa vàng nổi tiếng bậc nhất Myanmar. Tôi bỏ giày lại bên ngoài, đi chân trần lên chùa. Cái nắng trưa đã hun đốt nền sân gạch khiến bước chân thêm vội vã. Bóng chiều ngả hoàng hôn cũng là khoảnh khắc đông người ghé thăm chùa nhất. Được xây dựng cách đây hơn 2.500 năm, Shwedagon được lưu truyền là nơi lưu giữ 8 sợi tóc của Đức Phật. Hiện nay, ngọn tháp chính của chùa cao tới 98m và được bao phủ bằng hơn 30 tấn vàng và hàng trăm viên kim cương.

 

Trang thông tin du lịch và phong cách sống Travellive+

            Điểm đáng chú ý nhất là 8 bức tượng ở 8 hướng tượng trưng cho 7 ngày trong tuần (riêng thứ Tư là ngày giữa tuần được chia thành buổi sáng và buổi chiều). Mỗi bức tượng mang hình dáng một loài vật khác nhau và ai sinh vào ngày nào thì tới đó thắp hương rồi dùng nước thánh để tưới lên con vật đó cầu may. Trong khi những người dân Myanmar ngồi quây trong trên nền gạch quanh đền chính, thành tâm lầm rầm khấn vái thì những vị khách du lịch ngồi lại bên bậc tam cấp, lặng ngắm toàn cảnh ngôi chùa, những nghi lễ địa phương trong ánh hoàng hôn đã ngả.

 Đêm nay, Yong Gun mất điện. Điện chính phủ chỉ đến với mỗi nhà trong 4 tiếng đồng hồ. Trong đêm, chỉ có tiếng máy nổ rì rì xen lẫn tiếng quạ kêu liên hồi, bay xuyên trong bóng đêm trầm mặc.

 Đường ngựa xưa, hoàng hôn bình nguyên rực lửa và giấc ngủ trong ngôi đền 1000 năm tuổi

             Chuyến bay từ Yongun đến Bagan bị trễ hai tiếng. “Chuyện delay máy bay ở đất nước này là thường xuyên. Chỉ có đi oto là không mấy khi bị mà thôi.” - anh bạn nước ngoài giải thích. Họ gọi vui là hãng hàng không “chân tay Air” vì cách làm việc vẫn còn rất thô sơ của sân bay. Hành lý được những người khuân hàng nhận ngay tại khu làm thủ tục bay và khi đến sân bay bên kia, chúng tôi được nhận lại khi chuẩn bị bước ra ngoài tacxi. Không có loa thông báo đến giờ bay mà chỉ có những tấm biển báo: “Chuyến bay E1772 đi Bagan, xin mời lên máy bay!”

            Bagan một buổi sớm bình minh quạnh đỏ bắt đầu thức giấc khi những bước chân của dòng sư khất thực. Với dòng Phật giáo tiểu thừa, khu di tích Bagan và Angkor Wat là hai đại diện tiêu biểu nhất của những kiến trúc độc đáo, giàu tính lịch sử. Không náu mình trong những khu rừng rậm rạp, quần thể Bagan với hơn 2000 chùa tháp trải dài trên một diện tích rộng hàng chục km dưới cái nắng thiêu đốt của miền đất đỏ. Mặt trời lên, màu bụi đỏ cuộn sau những bước chân, sau vòng quay của chiếc xe đạp lững thững và tiếng ngựa leng keng. Mùa khô, những thảm lá vàng rụng đầy hai bên lối đi và cái nắng hanh hao khiến cát thêm nóng bỏng dưới chân, khiến những ngôi đền được làm bằng đất đỏ rực lên như màu lửa. Không khí quạnh đỏ màu đất, màu trời và những thân cây cũng nhuộm một màu nắng gió.

 Bagan không thu vé vào cửa cho từng địa điểm mà thu ngay từ cửa ngõ vào thành phố. 10$ là phí để vào thành phố lịch sử này. Lọc cọc, chiếc xe ngựa đưa chúng tôiđến khám phá Old Bagan, khu đền đài tỉ mẩn với từng đường nét của bức tường chạm trổ đượm màu thời gian, những ngôi đền đã đứng vững trong nắng gió và cát hay những trận mưa vần vũ của đất trời. Một nền văn minh huy hoàng đã từng có vẫn còn hiện hữu trong cuộc sống thường nhật. Con đường ngựa tung bụi đỏ, những người khách bộ hành nhường đường cho xe qua. Lũ trẻ đến trường trên những chiếc xe đạp lênh khênh, bày em nhỏ ríu rít vẫy vẫy tay chào khách và những ngôi đền im lìm đứng hai bên bình nguyên rộng lớn như muôn đời nay.

 “Mingalarbar..Mingalarbar..Mingalarbar..” - rộn rã khắp con đường đất đỏ.

 Cái nắng như muốn vắt kiệt sức lực của những vị khách đang lắc lư trên mình xe ngựa. Tiếng xe lọc cọc trong cái yên ả quyến rũ của buổi trưa nồng. Tiếng gió xào xạc và những ngôi đền hiện mình trong nắng, sau những nhành cây thâm thấp gần và xa. Dừng lại trong ngôi đền Sulamani, tôi nghỉ lại ăn lót dạ với những chiếc bánh còn thơm mùi bột mì, uống trà sữa trong bát tô, nhấm nháp những trái táo dại mọc đầy quanh đó và ngả lưng chợp mắt trong không khí mát lạnh của ngôi đền gần 1000 năm tuổi.

            Chiều buông, những chiếc xe trở hàng trăm vị khách từ các ngả đổ về Thatbyinnyu, ngôi đền cao nhất Bagan để ngắm nhìn cảnh mặt trời lặn ngoạn mục. Tôi theo lối dẫn của người dân Bagan canh đền, leo lên tầng cao nhất của Sulamani. Từ nơi đây, trải rộng ra bình nguyên mênh mông, vầng dương rực đỏ hạ thấp xuống đường chân trời xa xăm, bao trùm một vầng hồng cam rực rỡ lên những ngôi đền, lên những hàng cây chỉ còn trơ trụi cành, những đàn bò vội vã về chuồng khiến bụi hồng mù mịt. Tựa như cảnh sắc của một sa mạc khô cằn, vạn vật huyền ảo trong màn bụi. Và từ đây, có thể phóng tầm mắt tới địa đạo Kyansittha umin với những bức họa nổi tiếng hơn 1000 năm tuổi. Migala Zedi – ngôi chùa vĩ đại được xây vào thế kỉ 13 và chùa Ananda với những trụ tháp cao nhất Myanmar.

 Đêm nhanh chóng sầm sập đổ xuống những mái đền và bầu trời huyền ảo ánh sao lấp loáng. Những ngôi đền vững chãi và im lìm trong bóng đêm đặc quánh, hiện hữu trong những giấc mơ, xen lẫn tiếng ngựa lắc lư, lóc cóc trên mặt đường đỏ quạch màu đất lẫn mãu trời. Nhấp nhóa nụ cười rạng rỡ của anh nài ngựa vừa ghìm cương vừa nhiệt tình giới thiệu nơi này nơi kia cho các vị khách phương xa.

 Hành trình chân đất trong xứ sở của những ngôi chùa giát vàng

 Sau 12 tiếng đồng hồ trên chuyến xe đêm để di chuyển từ Bagan đến cố đô Mandalay, tôi nhanh chóng thuê 1 chiếc xe máy với một bình xăng đầy. Cách thức đổ xăng ở đây được miêu tả bằng cách dùng xô khiến ai cũng hơi hãi hùng vì không biết phải mua như thế nào.

 Thay vì ghé thăm hoàng cung và đồi Mandalay cùng những ngôi chùa nổi danh quanh đây, chúng tôi chọn cây cầu gỗ U Bien nổi tiếng là nơi đến trước tiên. Buổi sớm chói lọi trong màu áo khất thực của các nhà sư chân trần, bộ hành trên mọi con phố lớn nhỏ. Mandalay là thành phố có nhiều chùa nhất trong toàn đất nước Myanmar và số nhà sư cũng đứng đầu trong cả nước.

            Chùa Mahaganddayong sát cầu U Bien sáng nay đón hai người khách lạ lùng từ phương xa tới. Gương mặt phấn khởi với nụ cười tươi tắn, chúng tôi có mặt tại ngôi chùa này, háo hức chờ đợi nghi thức ăn  trưa của những người khất thực. Những phần cơm được các sư tăng trong chùa chuẩn bị cho gần 1000 xuất ăn. Những nồi cơm khổng lồ được bê đặt trong sân, dưới những tán bàng hoa nắng. Rất đông người dân mang theo nhiều bánh trái hoa quả, xếp hàng có trật tự trong sân. 10h sáng, hàng trăm bóng áo cà sa nâu thẫm, bước chân trần, thong thả tiến vào khuôn viên sân chùa. Những hàng sư khất thực trở về, bước những bước chân điềm tĩnh, những gương mặt bình thản, đón nhận những món đồ từ tay các Phật tử và bước vào vị trí của mình trong nhà ăn của các sư tăng. Đa phần họ có độ tuổi từ 13 đến 26 và ngôi chùa này là nơi đón nhận những bữa ăn sáng lớn nhất trong toàn Mandalay.   

 Sự nhốn nháo của đám khách tò mò nhường chỗ cho những gương mặt từ bi bước nhanh vào sảnh đường. Những khuôn mặt hiền, phúc hậu với những nụ cười nhẹ nhàng rạng rỡ với dáng đi không vội vã, giống như cuộc sống trên mảnh đất này: chầm chậm bước qua.

            Cầu U Bien đón hoàng hôn như bao ngày. Cây cầu dài 1,2km làm hoàn toàn bằng gỗ đã tồn tại từ 2 thế kỉ nay với những nhịp chắc chắn để bao lớp người hai bên hồ Taungthaman qua lại mỗi ngày.Những chiếc xe đạp mang theo cặp lồng cơm mỗi sáng đi làm và trở về. Những đứa trẻ chạy chơi, hò hét dưới bãi bồi. Những thân ngô còi cọc vươn mình vượt khỏi đám lau sậy sống dai dẳng. Thuyền câu cất vó, tiếng mái chèo khua trong đêm thanh vắng giữa bầu trời trăng sao và cả những đôi chân trần sáng sớm bước thành hàng dài. Cầu U Bien buổi chiều là những đôi bạn trẻ thả đôi chân đong đưa tâm tình, là vị sư già ngồi lại bên hiên nhà kể những tích phật từ thời rất xa rất xa, là nhóm bạn trẻ cười rúc rích, bôi phấn thanaka mát lạnh cho nhau hay chỉ là đám du khách tò mò muốn đến ngắm cho thỏa vẻ đẹp của một buổi chiều trên cây cầu huyền thoại.

             Mandalay ngày cuối ra về mà trong lòng vẫn nấn ná. Bữa cơm tối trên vỉa hè với món cơm gà kiểu Ấn cay xè. Người bán hàng chốc lại ra rót thêm nước mát đầy hai cốc vì thấy các vị khách cứ xuýt xoa vì cay. Một đôi bạn chờ xe nhìn theo chúng tôi, mỉm cười. Chuyến xe hết chỗ ngồi, người ta sẵn sàng đứng trên những thanh ngang sau đuôi xe, cứ thế vận hành với 4, 5 người bám sau đuôi xe. Những chuyến xe chở khách như thế có mặt trên khắp các tuyến phố. Phụ nữ và trẻ em được ưu tiên ngồi, còn thanh niên hay các nhà sư đều sẵn sàng đứng trên các chuyến xe.

 Myanmar vương vấn tôi sau mỗi buổi hoàng hôn. Trong đất nước này, có cảm giác bạn quên đi mất quá khứ, quên đi mất tương lai, chỉ sống chậm theo mỗi ngày với mỗi một khám phá mới lạ. Tôi thích thú với những chiều sau khi đôi chân đã mỏi và cái nóng đã tan biến, được ngồi lại trên quán nước vỉa hè, nhâm nhi tách trà sữa thơm, nghe nhịp cuộc sống thường nhật chầm chậm trôi. Những quầy hoa quả ngon lành của miền nhiệt đới với chuối, đu đủ, sầu riêng, dưa hấu...Những câu chuyện bập bõm tiếng Anh trên những chuyến xe chật ních người và nụ cười của những cô bé Myanmar chân trần ngoái lại nhìn những vị khách đến thăm vẫy vẫy tay chào.

 Lưu ý:

 Myanmar sử dụng đồng Kyat với mệnh giá từ 50 đến 1000 đồng. Bạn có thể đổi tiền tại chợ bán ngọc trong trung tâm thành phố Yongun. Đồng đô la Mỹ cũng được sử dụng với điều kiện không rách rời hay có bất cứ vết bẩn nào.

 Có ba hãng hàng không tư nhân nội địa tại Myanmar: Yongun Air, Mandalay Air và Bagan Air và một hãng hàng không quốc gia Myanmar Air. Hàng không tại Myanmar thường xuyên bị chậm trễ chuyến bay. Bạn có thể mua vé máy bay thông qua các khách sạn nơi bạn ở.

 Giá thuê phòng tại Myanmar từ 7 USD/người trở lên. Các khách sạn và nhà nghỉ tại Myanmar đều phục vụ rất chu đáo, nhiệt tình với khách và có đồ ăn sáng miễn phí.

 Visa vào Myanmar giá 20$. Có thể làm trước visa trong nước hoặc đến sân bay nhập cảnh xinh cũng được.

 Lam Linh

Trang thông tin du lịch và phong cách sống Travellive+
Trang thông tin du lịch và phong cách sống Travellive+
RELATED ARTICLES