Nghệ thuật làm giấy washi thủ công truyền thống ở Nhật Bản

17/07/2021

Cùng sự phát triển của quốc gia công nghiệp hiện đại - Nhật Bản, và sự gia tăng của các loại giấy chế tạo bằng máy có chi phí ít hơn, giấy washi nguyên bản truyền thống vẫn có chỗ đứng vững chắc bởi giá trị văn hóa và sự thân thiện với môi trường.

LINH HỒN CỦA NHỮNG CỖ ĐÈN LỒNG KHỔNG LỒ

Nhiều người biết đến giấy washi như một phần không thể thiếu để làm đèn lồng Nhật Bản. Vào mùa hè, thành phố Aomori lại thấp thoáng bóng những "chiến binh khổng lồ" diễu hành trên đường phố. Những cỗ đèn lồng khổng lồ nhiều hình dạng này là tâm điểm của lễ hội Nebuta Matsuri với lịch sử gần 300 năm. Lễ hội diễn ra vào buổi tối, kéo dài suốt một tuần trong tháng 8 và là một trong những sự kiện theo mùa lớn nhất ở xứ sở hoa anh đào.

Người dân địa phương phải mất hàng tháng để thiết kế và sản xuất ra các cỗ đèn lồng. Hiroo Takenami, một người thợ thủ công cho biết lớp phao bên ngoài những "chiến binh khổng lồ" này được làm từ washi - loại giấy thủ công truyền thống được tạo nên từ nhánh cây dâu tằm.

Cỗ đèn lồng khổng lồ trong lễ hội Nebuta Matsuri.

Cỗ đèn lồng khổng lồ trong lễ hội Nebuta Matsuri.

Theo ông Takenami, lớp phao bọc ngoài cỗ đèn lồng hiện đại ngày nay không hoàn toàn là giấy washi nguyên bản truyền thống, mặc dù vẫn có những điểm tương đồng: "Chúng tôi đã gặp những trận mưa như trút nước trong khi diễu hành, mưa làm hỏng lớp giấy truyền thống bọc ngoài cỗ đèn lồng. Vì vậy, chúng tôi phải sản xuất một loại giấy bao gồm cả sợi tổng hợp để tăng khả năng chống nước".

Sự điều chỉnh đó là điều cần thiết khi đất nước vẫn duy trì các hoạt động lễ hội truyền thống. Tuy rằng ngày nay, giấy chế tạo bằng máy đã thay thế phần lớn giấy washi thủ công nguyên bản trên khắp đất nước mặt trời mọc, nhưng tại một số thị trấn, các nghệ nhân vẫn gìn giữ truyền thống sản xuất giấy thủ công.

Lớp phao bên ngoài cỗ đèn lồng hiện đại không phải là washi nguyên bản truyền thống.

Lớp phao bên ngoài cỗ đèn lồng hiện đại không phải là washi nguyên bản truyền thống.

bắt nguồn từ loại giấy để viết kinh sách

Theo bộ sách Nihon Shoki - một trong những cuốn sách cổ nhất của lịch sử Nhật Bản, giấy được giới thiệu bởi các nhà sư Hàn Quốc vào đầu những năm 600 sau Công nguyên. Thời điểm đó, giấy washi được sử dụng để viết kinh sách khi Phật giáo bắt đầu du nhập và được đón nhận khắp Nhật Bản.

Theo thời gian, phương pháp sử dụng các loại sợi có kết cấu chắc chắn hơn từ thực vật như vỏ cây dâu tằm ngày càng phát triển. Độ bền của giấy được cải thiện đáng kể khiến phương pháp sản xuất thủ công này được sử dụng rộng rãi hơn ở khắp xứ Phù Tang. Kết cấu chắc chắn và dễ thấm hút khiến washi trở thành loại giấy lý tưởng cho nghệ thuật thư pháp và các tác phẩm sử dụng mực.

Washi là loại giấy lý tưởng cho nghệ thuật thư pháp.

Washi là loại giấy lý tưởng cho nghệ thuật thư pháp.

Ngoài ra, nhờ khả năng lọc ánh sáng tốt và sự chắc chắn khi đan xen các sợi vào nhau, washi còn được dùng làm tấm chắn giấy ở cửa ra vào, màng che, đèn lồng... Không chỉ có công dụng đa năng, loại giấy này còn rất thân thiện với môi trường. Không giống như sản phẩm được sản xuất công nghiệp, nguyên liệu làm washi chỉ sử dụng các cành cây mới bị loại bỏ nên không phải chặt toàn bộ cây. Quá trình sản xuất washi cũng không sử dụng hóa chất và giấy có thể phân hủy sinh học.

Washi còn được sử dụng làm tấm chắn giấy ở cửa ra vào, cửa sổ.

Washi còn được sử dụng làm tấm chắn giấy ở cửa ra vào, cửa sổ.

Tuy nhiên đến thời Minh Trị (1868-1912), khi Nhật Bản trải qua một giai đoạn Âu hóa, với sự xuất hiện của các loại giấy được làm bằng giấy và có thể sản xuất hàng loạt, washi bắt đầu lui lại một bước, với vai trò là từ sử dụng hàng ngày sang những mục đích mang tính nghệ thuật và truyền thống nhiều hơn.

Trang thông tin du lịch và phong cách sống Travellive+

Mất cả thập kỉ để trở thành một nghệ nhân

Một trong những địa danh làm giấy washi lâu đời nhất ở Nhật Bản là thành phố Mino, nơi có khu phố buôn bán từ thời Edo (1603-1868). Những chiếc đèn lồng được tạo ra bởi bất kỳ người dân địa phương nào từ học sinh, người không chuyên hay là các nghệ nhân lành nghề ở Mino đều sử dụng washi.

Takeshi Kano là một trong 8 nghệ nhân nổi tiếng ở Mino có kỹ năng đạt chuẩn để làm ra giấy washi thủ công với hình thức nguyên bản và truyền thống nhất (chỉ 10% tổng số giấy tại Mino đạt tiêu chuẩn này). Để được công nhận, người thợ phải trải qua quá trình đào tạo ít nhất 10 năm với tư cách thành viên của Hiệp hội Bảo tồn giấy Honminoshi.

"Đào tạo thế hệ nghệ nhân làm giấy trong thời hiện đại và truyền thụ kiến thức làm nghề là rất quan trọng. Chúng tôi vừa gìn giữ ngành nghề thủ công này, vừa duy trì hiệu quả về mặt tài chính" - ông Takeshi Kano cho biết.

Takeshi Kano - một trong 8 nghệ nhân làm giấy washi thủ công nổi tiếng ở Mino.

Takeshi Kano - một trong 8 nghệ nhân làm giấy washi thủ công nổi tiếng ở Mino.

Giấy washi nguyên bản phải được làm hoàn toàn thủ công...

Chia sẻ về quy trình làm giấy washi (honminoshi), nghệ nhân Takeshi cho biết: "Giấy washi chuẩn của Mino phải được làm hoàn toàn thủ công, chỉ sử dụng ba thành phần là nhánh cây dâu tằm, nước và chất nhầy giúp tăng sự đồng đều của các sợi thực vật khi phân tán trên giấy".

Về cơ bản, quy trình thủ công được lưu truyền qua các nghệ nhân suốt nhiều thế kỷ. Đầu tiên, họ sẽ hấp nhánh cây dâu tằm cho đến khi đủ mềm để lột bỏ vỏ. Phần bên trong được rửa sạch với nước sông hoặc suối, sau đó đem phơi dưới ánh sáng mặt trời để tẩy trắng tự nhiên.

Sau đó, những người thợ làm giấy đem phần vỏ đã được tẩy trắng đun sôi và tiếp tục ngâm nước lạnh, cẩn thận loại bỏ vết bẩn và bụi. Họ làm mềm các sợi vỏ bằng cách đập thủ công rồi đem trộn trong thùng với nước và chất nhầy neri để tạo thành bột giấy.

Nhánh cây dầu tằm là một trong những thành phần chính tạo nên giấy washi.

Nhánh cây dầu tằm là một trong những thành phần chính tạo nên giấy washi.

Giấy washi được lột vỏ sau khi hấp.

Giấy washi được lột vỏ sau khi hấp.

Sau đó được rửa sạch với nước sông hoặc suối.

Sau đó được rửa sạch với nước sông hoặc suối.

Nguyên liệu được phơi dưới ánh sáng mặt trời để tẩy trắng tự nhiên.

Nguyên liệu được phơi dưới ánh sáng mặt trời để tẩy trắng tự nhiên.

Khung gỗ với bản lề là vật dụng giúp tạo thành những tấm giấy khi nhúng vào nước lạnh. Các tấm giấy hình thành sẽ được đem ép qua đêm, để khô trên ván. Quá trình này kéo dài khoảng vài tuần để chuyển từ bột giấy sang giấy.

Các tấm giấy được

Các tấm giấy được "định hình" bằng khung gỗ.

Sau đó được ép qua đêm, và để khô trên ván khoảng vài tuần.

Sau đó được ép qua đêm, và để khô trên ván khoảng vài tuần.

Năm 2014, truyền thống làm giấy washi đặc biệt (honminoshi) ở thành phố Mino đã được UNESCO công nhận là Di sản văn hóa phi vật thể. Giấy sekishubanshi (thành phố Hamada) và hosokawa (thành phố Ogawa) cũng được công nhận danh hiệu này. "Những người sống trong cộng đồng này tự hào về truyền thống làm washi của họ và coi đó là biểu tượng của bản sắc văn hóa quê hương" - đại diện UNESCO cho biết.

giá trị văn hóa trường tồn với thời gian

Du khách đến thành phố Mino, thủ phủ của giấy washi, có thể dễ dàng khám phá nền văn hóa đầy tự hào của người Nhật từ những cửa hàng thủ công đương đại, trưng bày các vật phẩm truyền thống làm từ washi như: quần áo, túi xách, ô giấy, đồ trang trí nội thất, bưu thiếp... Thậm chí, nhà sản xuất dệt may Takebe năm ngoái còn tung ra loại mặt nạ có thể tái sử dụng làm từ giấy washi.

Danh thiếp in trên giấy washi.

Danh thiếp in trên giấy washi.

Túi xách washi thân thiện với môi trường.

Túi xách washi thân thiện với môi trường.

Đến những xưởng sản xuất giấy hay một số tòa nhà lịch sử, khách du lịch có thể tham gia làm búp bê washi và các đồ thủ công mỹ nghệ truyền thống. Ngoài ra, còn có một số tour du lịch cung cấp dịch vụ trải nghiệm tham quan đồn điền cây dâu tằm, xưởng thủ công, nhà máy và workshop cho du khách tự tay làm giấy washi...

Ở vùng nông thôn Nhật Bản có ngôi làng giấy Washi Echizen nổi tiếng, nơi đây có hơn 60 nhà máy sản xuất washi, trong đó có những cơ sở làm giấy thủ công. Tại đây, du khách có thể tham quan bảo tàng Giấy & Thủ công Udatsu, các nghệ nhân sẽ hướng dẫn du khách cách làm washi cũng như bày bán nhiều loại giấy thủ công nổi tiếng khắp Nhật Bản.

Du khách trải nghiệm làm giấy washi truyền thống.

Du khách trải nghiệm làm giấy washi truyền thống.

Cùng với sự phát triển của một quốc gia công nghiệp hiện đại như Nhật Bản, giấy washi nguyên bản truyền thống được thay thế bằng các loại giấy khác với chi phí sản xuất tiết kiệm hơn. Mặc dù không phải là loại giấy thủ công duy nhất tại đất nước này, nhưng washi vẫn có chỗ đứng vững chắc bởi giá trị văn hóa và sự thân thiện với môi trường.

Huyền Châu - Nguồn: National Geographic
Trang thông tin du lịch và phong cách sống Travellive+
Trang thông tin du lịch và phong cách sống Travellive+
RELATED ARTICLES