Năm ngoái, một bức tranh sơn mài đã được bán ra với giá 972.000 USD. Điều gì khiến loại tranh này đặc biệt? Tại sao nó lại đắt như thế?
Đó là câu hỏi mở đầu của Business Insider - một tờ báo điện tử về tài chính, kinh doanh nổi tiếng tại Mỹ.
Để trả lời thắc mắc này, họ đã tìm đến ông Phạm Chính Trung, một nghệ nhân tranh sơn mài có thâm niên gần 50 năm ở Việt Nam. Ông là người hiểu rõ quá trình đầy may rủi và kỳ công để hoàn thành tác phẩm tranh sơn mài. Phóng sự của Business Insider đã mang đến những thông tin chi tiết và góc nhìn chân thực về quá trình một bức tranh sơn mài được tạo ra cũng như lý giải tại sao dòng tranh này có giá trị đến vậy.
Từ những nguyên liệu đắt đỏ
Kỹ năng, thời gian và nguyên liệu là ba yếu tố quan trọng cho bức tranh hoàn hảo. Các nguyên liệu làm tranh sơn mài phải lấy từ tự nhiên. Chất sơn của tranh chính là nhựa của cây sơn (hay còn gọi là "rhus succedanea"), loại cây này xuất hiện đầu tiên ở khu vực Đông Nam Á. Để có khoảng 1,5 kg nhựa, họ phải cắt khoảng 400 cây.
"Cây sơn được trồng trong 3 năm và có thể thu hoạch từ 4-5 năm. Để thu hoạch nhựa cây, chúng tôi phải bắt đầu từ 4 giờ sáng. Sau khi cắt, chúng tôi dùng vỏ trai để đựng nhựa cây. Sau khoảng 3-4 giờ, nhựa sẽ được thu hoạch" - một người trồng cây sơn chia sẻ với Business Insider.
Phần nhựa cây được thu hoạch vẫn còn lẫn tạp chất nên cần làm sạch. Sau đó, họa sĩ trộn chúng trong vài giờ trước khi bắt đầu tác phẩm sơn mài. Bảng màu của tranh sơn mài cũng được làm từ thành phần tự nhiên theo công thức trộn. Ví dụ màu trắng đến từ vỏ trứng gà, màu đỏ làm từ chu sa - một loại quặng khá độc.
Trong quá trình vẽ, họa sĩ còn sử dụng bạc lá hoặc vàng lá để tạo ánh sáng nhẹ nhàng. Đây là những nguyên liệu đắt nhất nhưng không thể thiếu của tranh sơn mài. Chính vì sự đắt đỏ của nguyên liệu và sự kỳ công trong quá trình tạo ra chất sơn là một phần lý do khiến giá của dòng tranh này cao đến vậy.
kỹ thuật kỳ công và đầy may rủi
Về kỹ thuật vẽ, tranh sơn mài lại trái ngược với tranh sơn dầu. Nếu như họa sĩ sơn dầu vẽ từ sau ra trước, tức là toàn cảnh trước và chi tiết sau thì tranh sơn mài lại hoàn toàn ngược lại.
Theo ông Trung, tranh sơn mài được vẽ chi tiết trước và toàn cảnh sau nên khi hoàn thành, họa sĩ cũng không thể thấy điều gì bên dưới. Họ phải mài dần để các chi tiết và màu sắc nổi lên. Đây chính là lý do việc vẽ tranh sơn mài cũng đi kèm với sự hồi hộp. Họa sĩ không thể nhìn thấy hình nhưng lại luôn băn khoăn chất liệu mình dùng đã chuẩn chưa hay sắc độ liệu có chính xác.
"Những người có tay nghề cao phải tạo được sự tương quan giữa các yếu tố đó, nếu không tác phẩm sẽ trở thành gần giống tranh sơn dầu" - ông nhấn mạnh.
Giá trị của bức tranh cũng đến từ kỹ năng và sự kiên nhẫn của các họa sĩ. Mỗi tác phẩm đều là duy nhất và không thể dự đoán trước được. Họa sĩ hoàn toàn không biết tác phẩm sẽ ra sao sau quá trình chà nhám. Nó có thể trở thành một tác phẩm đắt giá, hoặc ngược lại, họa sĩ cũng có thể phải bỏ đi làm lại từ đầu.
Theo ông Trung, kể cả những họa sĩ có kiến thức, kỹ năng vững, họ cũng chỉ làm chủ được 80% ý tưởng của mình, 20% còn lại phụ thuộc hoàn toàn vào may mắn. "Đôi khi 20% ngẫu nhiên đó lại mang đến kết quả hơn mong đợi nhưng cũng có lúc chỉ một phần nhỏ không đạt yêu cầu thì họa sĩ bắt buộc phải vẽ lại" - ông Trung chia sẻ.
Sau khi vẽ xong, họa sĩ phải ủ sơn để khô nên độ ẩm là yếu tố đặc biệt quan trọng.
"Lý tưởng nhất là độ ẩm trong nhà tầm 70-80%. Những hôm trời hanh, sơn không khô được. Hơi nước trong không khí giúp các thành phần sơn liên kết với nhau, tạo nên phản ứng khô. Nếu thuận lợi, bức tranh có thể khô trong 1-2 ngày. Trong điều kiện trời hanh, quá trình này sẽ mất đến hơn ba ngày. Do đó, muốn hoàn thành bức tranh sơn mài, họa sĩ có thể mất cả tháng" - ông chia sẻ.
Công đoạn cuối cùng cho bức tranh sơn mài là đánh bóng bằng bột than. Sau khi hoàn tất công đoạn này, bề mặt bức tranh sẽ xuất hiện lớp mịn, sáng bóng. Cũng chính bởi quá trình kỳ công và đầy may rủi đã tạo ra phong cách độc đáo và duy nhất cho dòng tranh sơn mài Việt Nam, nâng tầm giá trị cho từng tác phẩm được tạo ra.
Thử thách tạo nên thú vui của người họa sĩ
Mặc dù các họa sĩ không thể đoán chính xác 100% tác phẩm cuối cùng của mình, nhưng chính sự hồi hộp, cảm giác băn khoăn lại là thú vui và động lực của các nghệ nhân đam mê dòng tranh này.
"Khi hoàn thành một bức tranh sơn mài truyền thống là gần như không nhìn thấy gì ở bên dưới. Trong quá trình vẽ, mài, những chi tiết dần hiện lên, màu sắc từ từ lộ ra tạo cho họa sĩ một sự hồi hộp, ngóng chờ đến đích cuối cùng. Đây chính là cảm giác mà nhiều họa sĩ rất yêu thích".
Mặc dù nghệ thuật sơn mài đã xuất hiện cách đây hàng nghìn năm tại các nước trên thế giới như Nhật Bản, Trung Quốc,... nhưng từ đầu thế kỷ 20, những họa sĩ Việt Nam đã phát triển niềm đam mê với tranh sơn mài và tạo ra một phong cách nghệ thuật độc nhất vô nhị trên thế giới. Cùng khám phá loại hình nghệ thuật độc đáo này qua phóng sự của Business Insider.