Người giữ hình bóng Napoléon trên hòn đảo hẻo lánh

05/07/2021

Những chứng tích về quãng đời bị lưu đày của Napoléon trên hòn đảo St Helena được người đàn ông Pháp - Michel Dancoisne-Martineau trông coi suốt 30 năm qua.

St Helena - Hòn đảo hẻo lánh nhất thế giới

St Helena là hòn đảo thuộc một phần lãnh thổ hải ngoại của nước Anh, được xác định là một trong những hòn đảo xa xôi và khó tiếp cận nhất thế giới. Nhưng nó lại nổi tiếng bởi đây là nơi gắn liền với quãng đời lưu đày của vị hoàng đế nước Pháp - Napoléon Bonaparte. Sau sự thất bại trong trận đánh cuối cùng (Waterloo) vào năm 1815, Napoléon bị người Anh đày đến hòn đảo này.

Napoléon đã sống tại đây trong suốt sáu năm đến khi qua đời vào 1821. Đây là nơi ông tạo ra những "thần thoại" về mình, viết hồi ký và chiến đấu với những cơn đau mãn tính do di chứng sau chiến tranh và có thể là cả căn bệnh ung thư dạ dày đã gây ra cái chết của ông.

St Helena là nơi vị hoàng đế nước Pháp Napoléon bị lưu đày (Ảnh: Internet)

St Helena là nơi vị hoàng đế nước Pháp Napoléon bị lưu đày (Ảnh: Internet)

Khoảng hai thế kỉ sau, những chứng tích về vị hoàng đế này vẫn còn tồn tại trên đảo nhờ sự trông coi của một người đàn ông 55 tuổi - Michel Dancoisne-Martineau. Người đàn ông Pháp này đến St Helena từ năm 18 tuổi và từ đó đến nay rất ít khi rời khỏi đây, mỗi năm ông ấy chỉ rời hòn đảo một lần.

Ngày nay, hòn đảo là nơi sinh sống của 4.000 cư dân; cuộc sống trên St Helena diễn ra khá chậm rãi. Hòn đảo không có chuỗi cửa hàng và hầu hết các cửa hàng địa phương đều đóng cửa vào 4 giờ chiều. Hàng hóa phục vụ cho hòn đảo cần được đặt trước khoảng một tháng và tàu sẽ chuyển tới đây. St Helena không có mạng di động, mạng internet cũng không phổ biến.

St Helena là một trong những hòn đảo xa xôi và khó tiếp cận nhất thế giới (Ảnh: Maloff)

St Helena là một trong những hòn đảo xa xôi và khó tiếp cận nhất thế giới (Ảnh: Maloff)

nơi ở cuối đời của Napoléon

Có một sự thật rằng lâu đài Château de Malmaison không phải là nơi vị hoàng đế bắt đầu cuộc sống lưu vong, ông chỉ ở lại đây 100 ngày trước khi bị lưu đày đến St Helena và ở tại ngôi nhà nhỏ có tên Briars. Tuy nhiên, ông cũng chỉ sống tại Briars vài tháng rồi bị chuyển đến Longwood House.

Tuileries Gardens cũng không phải là khu vườn cuối cùng mà vị hoàng đế chăm sóc, mà lại là khu vườn tươi xanh nằm trong dinh thự Longwood House - nơi ở sau cùng của Napoléon cho đến cuối đời.

Ngôi nhà nhỏ Briars - nơi Napoléon ở trước khi bị đày đến Longwood House (Ảnh: Internet)

Ngôi nhà nhỏ Briars - nơi Napoléon ở trước khi bị đày đến Longwood House (Ảnh: Internet)

Và ngoài sự xa hoa của điện Les Invalides - nơi được biết đến là lăng mộ của vị đại đế tại thủ đô nước Pháp, St Helena mới là nơi chôn cất ban đầu của Napoléon. Ông được chôn cất trên một sườn đồi xanh tươi cho đến khi nước Pháp đến nhận lại thi hài của ông vào 19 năm sau. Ngày nay, khu vực này chỉ còn lại một phiến đá bao quanh bởi những hàng rào màu đen.

Michel Dancoisne-Martineau đã trông coi, bảo tồn tất cả những di tích này suốt nhiều năm qua. Việc bảo tồn đi liền với những biện pháp cải tạo, bởi người phụ trách trước đó đã để lại một đống ngổn ngang trước khi rời đi. "Tôi muốn dựng lại phiên bản giống nhất của dinh thự trước lúc Napoléon qua đời".

Napoléon chăm sóc khu vườn của mình trên đảo (Ảnh: Internet)

Napoléon chăm sóc khu vườn của mình trên đảo (Ảnh: Internet)

Dancoisne-Martineau đã sửa lại đồ gỗ và sơn lại phần bên trong ngôi nhà, đồng thời khôi phục lại khu vườn mà Napoléon rất yêu thích. Khu vườn rực rỡ sắc màu do vị hoàng đế tự tay chăm sóc đã biến một trong những địa điểm ảm đạm nhất thế giới trở nên đẹp diệu kỳ.

Longwood House hiện tại (Ảnh: Internet)

Longwood House hiện tại (Ảnh: Internet)

"căn nhà đổ nát" chỉ còn trong truyền thuyết

Không phải tất cả mọi người đều vui mừng trước những nỗ lực của Dancoisne-Martineau trong việc cải tạo các chứng tích đó, bởi còn một điều làm nên huyền thoại Napoléon chính là việc vị hoàng đế này từng phải sống trong điều kiện vô cùng tồi tệ.

Trang thông tin du lịch và phong cách sống Travellive+

“Napoléon thực tế đã sống trong không gian tồi tệ, bẩn thỉu ở Longwood House, trải qua điều kiện thời tiết xấu để tự biến bản thân thành một người tử vì đạo” - Dancoisne-Martineau nói.

Longwood House đã trải qua nhiều lần cải tạo Ảnh: Internet)

Longwood House đã trải qua nhiều lần cải tạo Ảnh: Internet)

Vào thời điểm đó, Longwood House là nơi tồi tệ nhất ở trên đảo. Chỉ cao hơn 500 m so với mực nước biển, hòn đảo quanh năm bị bao phủ bởi mây và gió mậu dịch. "Sàn gỗ mục nát, mái dột, có nước chảy qua tường, chuột chui qua ván, có mùi nước đọng dưới chân là hiện trạng ban đầu của ngôi nhà này" - Dancoisne-Martineau cho biết.

Không những thế, công trình xây dựng chỗ nghỉ kéo dài hàng năm trời cho đoàn tùy tùng của Napoléon cũng gây ra ô nhiễm tiếng ồn trên hòn đảo. Và mặc dù người Anh hứa sẽ xây một ngôi nhà mới cho ông, đến khi ngôi nhà hoàn thành thì ông ấy đã... mất.

Longwood House và khu vườn xinh đẹp ngày nay (Ảnh: Internet)

Longwood House và khu vườn xinh đẹp ngày nay (Ảnh: Internet)

Tuy nhiên, sau nhiều lần cải tạo, Longwood House ngày nay là một địa điểm khang trang và xinh đẹp. “Quá lộng lẫy” là điều mà nhiều người nhận xét sau khi ghé thăm nơi này. “Một vài du khách thất vọng vì nó không đổ nát; người ta cứ nghĩ nó phải giống y như trong truyền thuyết - họ mong được nhìn thấy một hiện trạng tồi tệ hơn là được giữ gìn cẩn thận như vậy” - Dancoisne-Martineau chia sẻ.

"THe French Men" - người lưu giữ hình bóng Napoléon trên hòn đảo

Ngày nay, Michel Dancoisne-Martineau là một trong những cư dân nổi tiếng nhất trên đảo, người dân tại đây gọi ông là “người đàn ông Pháp” - người từ bỏ châu Âu đến sống trên hòn đảo hẻo lánh và lưu giữ ký ức về vị hoàng đế gây tranh cãi nhất lịch sử.

Câu chuyện về hành trình đến St Helena của người đàn ông này giống như một cuốn tiểu thuyết.

Michel Dancoisne-Martineau (Ảnh: Internet)

Michel Dancoisne-Martineau (Ảnh: Internet)

Năm 1985, khi còn là một sinh viên 18 tuổi, Michel Dancoisne đọc tác phẩm "Lord Byron" và yêu thích nó đến mức viết ngay một bức thư cho tác giả của cuốn sách - Gilbert Martineau. Vị tác giả này đồng thời cũng là quản lí đã nghỉ hưu trên đảo St Helena - người trông coi các di tích còn lại của vị đại đế nước Pháp.

Kỳ nghỉ hè sau đó, chàng trai 18 tuổi Michel Dancoisne đến thăm hòn đảo sau lời mời của Gilbert Martineau. "Martineau ngày càng già yếu. Ông ấy đã nghỉ hưu nhưng vẫn phải tiếp tục trông coi các di tích, bởi cho đến giờ không có ai đồng ý tiếp quản. Người ta nói không tìm được ai đủ “điên rồ” để làm việc này cả” - "người đàn ông Pháp" kể lại.

“Ngay lúc đó tôi đã phải lòng hòn đảo này và quyết định ứng tuyển”. Sau khi thực hiện nghĩa vụ quân sự tại Pháp, ông đã đăng kí nhiệm kỳ ba năm trông coi di tích từ tháng 12/1987. Nhiều người đặt câu hỏi về lý do Dancoisne-Martineau chọn làm việc này, liệu có phải vì sự mến mộ quá lớn dành cho vị hoàng đế nước Pháp?

Thực tế, có lẽ không phải vậy.

"Người đàn ông Pháp" đã đến St Helena từ năm 18 tuổi (Ảnh: Internet)

Dancoisne-Martineau chia sẻ ông không thực sự hạnh phúc khi sống ở Pháp: “Tôi bị gia đình từ mặt nên cảm thấy cuộc đời rất trống trải”. Cùng lúc đó ông gặp Gilbert Martineau, người cũng rất thiếu thốn tình cảm do chọn cuộc sống cô độc sau chiến tranh. Sau hai năm gặp gỡ, Gilbert Martineau đã nhận Michel Dancoisne làm con nuôi, kể từ đó cái tên Michel Dancoisne-Martineau ra đời. “Ông ấy là người cha tuyệt vời mà tôi chưa từng có. Tôi rất tự hào khi là con trai của ông ấy. Chúng tôi đã có mối quan hệ cha con thân thiết trong suốt 10 năm".

Michel Dancoisne-Martineau trở thành người phụ trách các di tích của Pháp trên đảo St. Helena và là Lãnh sự danh dự của Pháp. Sau ba năm nhiệm kì trên đảo, ông tiếp tục gia hạn thêm nhiều lần, rồi sau đó mua đất, xây nhà và lấy vợ. Cha nuôi của ông mất năm 1995 do ung thư sau khi được chữa trị tại Pháp. Dancoisne-Martineau quay trở lại St Helena và kể từ đó không bao giờ rời đi.

Ngôi mộ của Napoléon trên đảo St Helena (Ảnh: Internet)

Ngôi mộ của Napoléon trên đảo St Helena (Ảnh: Internet)

"Nhà"

Sự thật là Dancoisne-Martineau... không quan tâm đến những sự kiện về Napoléon, ông cũng không cố gắng giải thích hay định hướng khách du lịch những ý niệm về vị đại đế, thậm chí lúc ban đầu ông còn cảm thấy kỳ quặc khi phải trông nom một ngôi mộ trống. "Công việc của tôi chỉ là trông coi, bảo tồn và giới thiệu cho du khách về ngôi nhà của một người đàn ông đã qua đời" - Dancoisne-Martineau nói.

Mặc dù ông không thích cũng không ghét Napoléon, nhưng lại thừa nhận ông ấn tượng với vị hoàng đế không bao giờ bỏ cuộc này. “Rất nhiều người từng ngồi ở vị trí của Napoléon đều cảm thấy chán nản và áp lực, nhưng ông ấy thì rất kiên định, luôn giữ tinh thần của một chiến binh, không bao giờ chịu khuất phục”.

St Helena ngày nay (Ảnh: HKM)

St Helena ngày nay (Ảnh: HKM)

Thật khó để hiểu Dancoisne-Martineau đã trải qua cuộc sống khác biệt trên hòn đảo như thế nào? Bình thường ông chỉ rời hòn đảo một lần mỗi năm. Ông mua thức ăn trên đảo, dự trữ quần áo, đồ đạc từ các chuyến đi thường niên đến Nam Phi và Pháp. Ông cho biết: “Nếu muốn mua thêm bất cứ thứ gì, bạn phải nhập chúng từ Anh và tầm ba tháng sau mới nhận được".

Tuy nhiên, ông ấy chưa từng có ý nghĩ muốn rời đi.

“Ngày xưa tôi từng sống ở một ngôi làng nhỏ nên cũng quen rồi, không quá khó khăn để thích nghi với cuộc sống ở nơi này. Tôi yêu cộng đồng ở đây và tôi có cảm giác rất mạnh mẽ rằng, mọi người chọn ở lại đây là vì nhau, đó là lí do vì sao tôi rất yêu hòn đảo này” - ông giãi bày.

"Đây chính là ngôi nhà mà tôi tìm kiếm cả cuộc đời mình".

Huyền Châu - Nguồn: CNN
Trang thông tin du lịch và phong cách sống Travellive+
Trang thông tin du lịch và phong cách sống Travellive+
RELATED ARTICLES