Len lỏi trên phố cổ Hà Nội, dừng chân tại số 62 Hàng Quạt, bắt gặp hình ảnh người đàn ông lãng tử phong trần Đỗ Thanh Hà đang ngồi miệt mài, tỉ mẩn chạm khắc từng con dấu. Trong khuôn viên cửa hàng hơn 10 mét vuông, Đỗ Thanh Hà đã chứng kiến bấy nhiêu câu chuyện gắn liền với nghề khắc con dấu bằng gỗ trong suốt 27 năm qua. Tưởng chừng mai một theo thời gian nhưng nghề khắc con dấu vẫn tạo những nét mới và trở thành món quà thủ công truyền thống mang đầy giá trị cho nhiều thế hệ và bạn bè quốc tế.

Empty
Empty

Chẳng biết nghề khắc con dấu xuất hiện từ khi nào, nhưng để kể đến công dụng của nó thì đã hiện diện từ rất lâu. Con dấu ban đầu ra đời nhằm xác thực giấy tờ hay niêm phong tài liệu, thư từ quan trọng… Ngày nay, để thích nghi với sự phát triển, những con dấu đã có thay đổi về mẫu mã và kích thước để phù hợp với sở thích chơi dấu thủ công của nhiều người.

Phố Tố Tịch trước đây rất nổi tiếng về nghề làm dấu thủ công, nhưng xã hội ngày càng hiện đại, thị hiếu con người thay đổi khiến con phố này dần thay thế bằng mặt hàng kinh doanh khác. Hiện nay, để tìm một cửa hàng làm nghề thủ công con dấu ở Hà Nội chỉ có thể tìm đến khu phố cổ, đặc biệt ở Hàng Quạt. 

Empty

Dừng chân tại cửa hàng số 62 Hàng Quạt, không khó để bắt gặp hình ảnh người đàn ông mang dáng vẻ phong trần đang miệt mài, cặm cụi, tỉ mỉ điêu khắc từng con dấu thủ công với chi tiết nhỏ, khó nhằn nhất bên chiếc bàn đặt trước cửa, bao quanh bởi hàng loạt khuôn gỗ cùng những con dấu có hình vẽ và kích cỡ khác nhau.

Anh Đỗ Thanh Hà (1974) - chủ cửa hàng và là người ở Hà Nội, đã có hơn 27 năm làm nghề khắc con dấu được truyền lại từ gia đình. Anh kể: “Nghề khắc con dấu vốn là nghề truyền thống được bố tôi truyền lại, bắt đầu từ năm 1996 và gắn bó cho đến bây giờ. Ngày trước, tôi thường lên ý tưởng cho từng hình, nhưng sau này sở thích khách hàng đa dạng, đặt khắc những con dấu gỗ thủ công với những ý nghĩa và mục đích khác nhau, thậm chí nhiều người còn đặt khắc chân dung. Vì vậy, những con dấu gỗ cũng dần phải cách tân. Thợ khắc thì nhiều vô kể, nhưng nét khắc và kĩ thuật khắc sẽ không hề giống nhau. Chỉ cần nhìn con dao của người thợ là biết kĩ năng họ làm đến mức nào”.

Empty

Để tạo ra một con dấu, người thợ phải trải qua nhiều công đoạn khác nhau, đặc biệt là vẽ phác họa hay chạm khắc. Nghề thủ công này đòi hỏi kiên trì, tỉ mỉ và sự sáng tạo tinh tế. 

Chạm khắc cũng là công đoạn khó nhất và cần sự cẩn thận nhất với sự góp mặt của chiếc dao, đục, dũa... Để tạo nên con dấu hoàn chỉnh, người thợ phải có một con dấu làm bằng loại gỗ chuyên là lồng mực với đặc tính nhẹ, dễ khắc và thấm mực tốt. Sau đó, tùy theo yêu cầu của khách hàng, người thợ sẽ phác thảo hình lên con dấu rồi dùng dao khắc từng nét, dùi đục các chi tiết khó. Việc khắc con dấu đòi hỏi người thợ phải khéo léo từng chút một. Bởi khi khắc con dấu, người thợ phải khắc hình ngược lại so với nguyên bản, rồi khi ấn lên giấy mới ra đúng hình dạng mong muốn. 

“Các hình đơn giản một ngày tôi khắc nhiều vô kể, thậm chí nhiều con dấu chỉ cần làm trong 20 phút là hoàn thành. Khi vào nghề đã lâu năm, mọi thứ dù có yêu cầu cao cũng dễ hoàn thành, nhưng theo tôi khó nhất vẫn là khắc chân dung. Người ta chỉ đưa một tấm ảnh cho mình dựa vào đó phác họa để khắc. Kích thước bé thì khắc khó, còn lớn thì mất thời gian”, anh Đỗ Thanh Hà cho hay.

Empty
Empty

Dòng chảy thời gian cứ thế trôi, nghề khắc dấu thủ công tưởng chừng mai một theo thời gian nhưng nay vẫn tạo ra nét mới và trở thành món quà thủ công truyền thống. Giữa nhịp sống đổi thay của phố phường hiện đại vẫn còn những người yêu nghề, gắn bó với nghề cổ. Họ vẫn từng ngày gìn giữ nét giá trị văn hóa truyền thống của phố nghề Hà Nội.

Để bắt kịp xu hướng của xã hội, đáp ứng tối đa yêu cầu của đa dạng đối tượng khách hàng người thợ cũng phải thay đổi để đưa ra thị trường những chiếc dấu đa kích cỡ, họa tiết. Con dấu tuy đa dạng nhưng người nào “sành chơi”, nhìn là biết ngay. Cửa hàng dấu có thể nhiều nhưng chất lượng với kĩ thuật khắc cũng sẽ không hề giống nhau. Theo anh Hà, công việc có thể khắc bằng máy, nhưng đồ chơi chắc chắn phải khắc bằng tay. 

Empty

“Trước đây tôi có 5 cửa hàng làm nghề khắc con dấu, nhưng từ sau khi dịch Covid ập đến, đành phải rút lại toàn bộ và hiện tại chỉ hoạt động ở cửa hàng này. Lúc đó, khách nước ngoài khắc chân dung khá nhiều, con dấu nhỏ cũng vậy, đến nỗi tôi phải thuê thêm thợ ở quê ra làm mới kịp. Người nước ngoài rất thích những đồ chơi làm bằng tay thế này thay vì khắc bằng máy, đặc biệt là người Nhật. Sau Covid, lượng khách đến làm con dấu giảm đi rất nhiều, nhu cầu mua đồ chơi thủ công cũng ít hơn hẳn”, anh Đỗ Thanh Hà tâm sự.

Empty

Bên cạnh họa tiết thường thấy, những con dấu ngày nay còn là món quà lưu niệm với nội dung đa dạng theo sở thích của khách du lịch trong và ngoài nước, đặc biệt là khắc chân dung. Vì đòi hỏi phải có tay nghề cao, cần nhiều thời gian để hoàn thiện nên giá sẽ đắt hơn. Những con dấu anh Hà khắc có giá dao động tùy theo mức độ khó dễ của từng khách hàng, từ 100.000 đến 400.000 đồng. Hoặc có những tấm to hơn và khó hơn thì giá cũng tùy thuộc vào đó mà giá được nâng lên. 

Anh Đỗ Thanh Hà chia sẻ thêm, điều quan trọng nhất là vẫn giữ được đam mê với nghề trước những biến động, phát triển của xã hội hiện đại. Khắc dấu gỗ thủ công là nghề truyền thống mang bản sắc dân tộc. Từng vị khách du lịch quốc tế đến và mua về làm kỉ niệm cũng xem như đã quảng bá văn hóa Việt Nam đến bạn bè quốc tế.

09