Trong suốt hai năm đại dịch Covid-19 bùng phát, nguồn nhân lực du lịch đã phải bất khả kháng phân tán ít nhiều sang những ngành nghề khác. Giờ đây, du lịch nội địa đã khởi sắc cùng tín hiệu vui khi Việt Nam mở cửa đón khách quốc tế trở lại. Tuy nhiên, đông đảo nhân sự đã ấm êm với công việc mới, những người còn muốn trụ lại với ngành thì vẫn còn tâm lý ngại trở lại vì lo lắng dịch bệnh vẫn còn diễn biến khó lường. Hãy cùng Travellive lắng nghe ý kiến từ chuyên gia, những người quản lý doanh nghiệp lữ hành và nhà hàng - khách sạn chia sẻ xoay quanh vấn đề “những kỳ vọng của doanh nghiệp với nguồn nhân lực du lịch giai đoạn bình thường mới”.

Empty

Hiện tại, với chiến lược thích ứng an toàn và tăng độ phủ vaccine, các doanh nghiệp du lịch cả nước đang háo hức chuẩn bị đón khách trở lại. Vui nhất có lẽ là giới hướng dẫn viên, nhân viên nhà hàng - khách sạn sau hai năm dài chịu cảnh “treo chân”.

Lưu Chấn Huy (27 tuổi, Hướng dẫn viên quốc tế), cảm thấy rất vui mừng khi được dẫn nhiều đoàn khách từ dịp Tết Nhâm Dần đến nay. Với kinh nghiệm dày dặn và khả năng tiếng Anh lẫn tiếng Trung lưu loát, Lưu Chấn Huy hy vọng sẽ sớm trở lại những đường tour quốc tế khi Việt Nam mở cửa du lịch giữa tháng 3. Thời điểm TP.HCM bùng dịch, anh đã tranh thủ lập kênh TikTok và sáng tạo nội dung về du lịch nhằm giữ lửa với nghề, đồng thời bán hàng online các đặc sản vùng miền để kiếm thêm thu nhập.

Riêng Lâm Ngọc My (25 tuổi, Hướng dẫn viên quốc tế) bắt buộc phải chuyển việc để có thể ổn định cuộc sống. My bắt đầu hành trình mới với vị trí Quality Analyst cho một công ty về công nghệ tại Malaysia. Quen đi lại tự do, giờ phải ngồi văn phòng cả ngày thực sự là thử thách với My. Nhưng sau một năm, My đã thích nghi và dành nhiều tâm huyết cho công việc mới.

Empty

Trong khi đó, Nguyễn Đắc Tài (28 tuổi) buộc phải chia tay công việc lễ tân tại một khách sạn cao cấp ở Đà Nẵng sau bốn năm gắn bó. Tài chuyển sang công việc tư vấn căn hộ nghỉ dưỡng trong một tập đoàn bất động sản danh tiếng tại TP.HCM. Nhờ vào ngoại hình chỉn chu và khả năng giao tiếp khéo léo, Đắc Tài nhanh chóng ổn định và thăng tiến với công việc mới.

Trên là một vài trường hợp trong số rất nhiều hoàn cảnh vì dịch bệnh mà đã bị mất việc hoặc nghỉ việc không lương và chuyển đổi sang công việc khác. Họ làm nhiều việc từ bán hàng online, tư vấn tài chính - bảo hiểm, chạy xe công nghệ, trồng nông sản,… để duy trì nguồn thu nhập cá nhân và phụ giúp kinh tế gia đình. 

Đầu năm 2022, du lịch mở cửa hoàn toàn với mục tiêu phục hồi kinh tế sau đại dịch Covid-19, tạo ra cơ hội lớn cho cả doanh nghiệp và lực lượng lao động trở lại nghề nghiệp. Tuy nhiên, nhiều nhân sự đã thích nghi và yên vị với công việc mới khác ngành. Để doanh nghiệp có thể tìm kiếm và tái cơ cấu bộ máy nhân sự phù hợp, đặc biệt nguồn lực chất lượng cao trong giai đoạn hiện nay thực sự là một bài toán nan giải.

Empty

Từ góc nhìn quản lý lữ hành, doanh nhân Phạm Hà, Chủ tịch Lux Group cho biết, doanh nghiệp của ông chuyên đón khách quốc tế sử dụng dịch vụ cao cấp khi đến Việt Nam. Sau hai năm bùng phát dịch bệnh, nhiều nhân sự đã nghỉ việc vì không thích ứng được do sự thay đổi liên tục từ nhiều thị trường khách khác nhau, từ quốc tế sang nội địa. Có những nhân sự cảm thấy yêu thích công việc mới hơn so với du lịch, vì vậy sẽ rất khó để thuyết phục họ quay trở về doanh nghiệp.

Sau mỗi làn sóng Covid-19 thì doanh nghiệp của ông càng khó khăn trong khâu tuyển dụng hơn. Hầu như các phòng ban đều thiếu hụt nhân sự. Riêng với những hướng dẫn viên kỳ cựu, thông thạo ngoại ngữ và am hiểu thị hiếu những thị trường khách quốc tế cao cấp rất khó tuyển lại. Phần vì số lượng khiêm tốn nay đã chuyển công việc khác cũng có người đã mất trong dịch bệnh.

nhanluc 5

Từ kinh nghiệm là nhà tổ chức diễn đàn kết nối hơn 2.500 sinh viên và nhân sự vừa tốt nghiệp ngành quản lý lữ hành với doanh nghiệp, ông Vũ Nguyễn Minh Trí, Chủ nhiệm Diễn đàn Nhân lực Du lịch chia sẻ, đại dịch Covid-19 như một nút “restart” đưa mọi thứ gần như về điểm xuất phát. Đã qua giai đoạn doanh nghiệp càng to càng ít thất bại. Có nhiều doanh nghiệp lớn chênh vênh trong đại dịch và buộc cắt giảm toàn bộ nhân sự, chỉ giữ lại một vài vị trí chủ chốt. Đến năm 2022, doanh nghiệp vẫn còn lo ngại tình hình dịch bệnh, cộng thêm việc thiếu hụt tài chính nên chưa dám tuyển dụng đầy đủ, nếu có thì chỉ ưu tiên nhân sự chất lượng cao làm được nhiều việc.

nhanluc 6

Theo ThS. Nguyễn Phương Ngọc, hiện là tác giả tại cộng đồng Hotel Briefing Blog đồng thời giữ vị trí PR Manager Regent Phu Quoc chia sẻ, dịch bệnh kéo dài không thể đoán trước được khiến doanh nghiệp rất khó khăn trong kế hoạch định biên nhân sự. Nhiều bộ phận nhân sự ngành nhà hàng - khách sạn bị cắt giảm thu nhập. Thậm chí có nơi cho nhân viên thôi việc và đóng cửa. Tình trạng này vẫn có thể diễn ra trong năm 2022, ngay cả khi ngành du lịch đang có tín hiệu phục hồi.

“Ngành nhà hàng - khách sạn chịu ảnh hưởng rất nặng nề từ đại dịch Covid-19, doanh nghiệp không thể tuyển đầy đủ nhân sự. Tình hình thực tế buộc doanh nghiệp phải tuyển những nhân sự chất lượng cao, họ phải thật sự biết làm và làm tốt được nhiều đầu mục công việc hơn. Ngược lại, hành vi người lao động cũng đã thay đổi, họ quan tâm nhiều đến những điều khoản an toàn, an ninh và vệ sinh của một doanh nghiệp. Do đó, doanh nghiệp cần tư duy và linh hoạt nhiều hơn nữa trong chính sách tuyển dụng và quản lý nhân sự”, bà Ngọc nói.

Empty

Khi làn sóng Covid-19 lần thứ tư bùng phát dữ dội trong năm 2021, nhiều doanh nghiệp không đủ khả năng chi trả lương, thưởng cho những vị trí công việc cấp cao dành cho nhân sự là người nước ngoài và buộc họ phải rời đi. Điều này lại mở ra cơ hội thăng tiến cho những nhân sự người Việt Nam. Có những vị trí công việc cấp cao trước dịch bệnh luôn ưu tiên cho người nước ngoài nhưng giờ đây, người Việt Nam đã có thể tận dụng cơ hội để đảm nhiệm và thể hiện năng lực. Trong tình huống này, lợi thế lớn nhất của nhân sự Việt Nam là sự am hiểu về thị trường địa phương một cách nhạy bén và rành mạch, ThS. Nguyễn Phương Ngọc chia sẻ.

Đến nay, tình hình dịch bệnh được kiểm soát ổn định đã kéo theo nhu cầu tuyển dụng ngành nhà hàng - khách sạn tăng cao. Một bộ phận nhân sự thâm niên có nhu cầu đi làm trở lại, tạo sức cạnh tranh khốc liệt với những người đang làm việc trong ngành và thế hệ lao động trẻ vừa ra trường. Lúc này, lợi thế nghiêng về doanh nghiệp, khi cùng một số tiền họ có thể lựa chọn tuyển dụng những người giỏi tay nghề so với những người chưa có hoặc còn ít kinh nghiệm.

Empty

Doanh nhân Phạm Hà, Chủ tịch Lux Group cho biết thêm, hành vi khách du lịch nội địa lẫn quốc tế đã thay đổi rất nhiều, không còn đại trà như trước. Du khách chú trọng chủ yếu vào trải nghiệm riêng tư của chuyến đi, cụ thể là hành trình khám phá “thân, tâm và tuệ”. Do đó, công ty buộc phải có sản phẩm chân thực và độc đáo, đáp ứng gần nhất với nhu cầu du khách. Vì vậy, doanh nghiệp cần có đội ngũ nhân sự chuyên nghiệp hơn, thái độ linh hoạt và kinh nghiệm thực sự thấu hiểu khách hàng.

Ông Vũ Nguyễn Minh Trí, Chủ nhiệm Diễn đàn Nhân lực Du lịch cho rằng, cái khó đối với nguồn nhân lực là thế hệ sinh viên vừa tốt nghiệp. Thời gian qua, các bạn chỉ thực tập nghề nghiệp theo hình thức trực tuyến, không có điều kiện cọ xát với môi trường thực tế. Vì vậy, khi ra trường các bạn buộc phải chấp nhận mức lương thấp, không nề hà và bắt đầu lại hành trình thử việc để tích lũy kinh nghiệm nghề nghiệp cho tương lai dài hạn phía trước. 

Empty

Sự xuất hiện của dịch bệnh cùng sự phát triển nhanh chóng của công nghệ số đòi hỏi nguồn nhân lực phải có khả năng sáng tạo, thái độ thích nghi, đồng thời xây dựng kế hoạch nâng cao giá trị bản thân. Ngoài chuyên môn nghề nghiệp, nhân sự du lịch cũng cần am hiểu và siêng năng tích góp những kiến thức về chính trị, kinh tế - xã hội và văn hoá, để bản thân có thể nắm bắt và thấu hiểu tâm lý phân khúc khách hàng cao cấp cùng đồng nghiệp và đối tác.

Giờ đây, nhiều nhân sự rất chủ động xây dựng thương hiệu bản thân và tiếp cận nhà tuyển dụng, đối tác cấp cao bằng một lý lịch chuyên nghiệp trên nền tảng LinkedIn. Hoặc, có nhân sự lựa chọn tham gia vào cộng đồng KOL (Key Opinion Leader) và KOC (Key Opinion Consumer) trên nhiều nền tảng mạng xã hội để mở rộng hơn nguồn thu nhập và mối quan hệ, thay vì chỉ nộp CV khi cần tìm việc qua các kênh tuyển dụng thủ công như thời điểm trước đại dịch.

Cuối cùng, giới chuyên gia đã chung nhận định rằng, dịch bệnh là vấn đề ngắn hạn so với lịch sử phát triển lâu dài của ngành du lịch. Khi mọi thứ ổn định trở lại, ngành du lịch cũng sẽ vào guồng quay để vực dậy, thậm chí có thể nhanh hơn dự báo. Do đó, nhu cầu về nguồn nhân lực du lịch sẽ luôn luôn có và hấp dẫn với những nhân sự chịu thích nghi, đổi mới tư duy và thái độ cống hiến nhiệt thành với nghề nghiệp đã chọn.

nhanluc 9