Nhà thờ Đức Bà Paris đang dần hồi sinh

16/03/2022

Ba năm sau trận hỏa hoạn lớn khiến cả nước Pháp và thế giới bàng hoàng, giờ đây, Nhà thờ Đức Bà Paris - biểu tượng lịch sử hơn 850 năm của Pháp, đang dần hồi phục trước khi chính thức trở lại vào năm 2024.

Ký ức về trận hỏa hoạn tàn khốc tối ngày 15/4/2019 vẫn còn in đậm trong tâm trí của người dân Pháp, dường như họ còn nhớ rõ mình đã ở đâu, làm gì vào đêm tháng 4 ấy - khi Nhà thờ Đức Bà bị ngọn lửa dữ dội nhấn chìm.

Khi ấy, Tổng thống Pháp Emmanuel Macron đang ghi hình cho một bài phát biểu trên truyền hình quốc gia tại Điện Elysee. Ông đã cho ngừng bài phát biểu rồi chạy đến Nhà thờ. "Nhà thờ Đức Bà là lịch sử, là văn học, là lý tưởng, là thứ quan trọng nhất trong cuộc đời của chúng ta", ông nói trước ống kính, "Nhà thờ sẽ được xây dựng lại, và chúng ta sẽ cùng nhau làm điều đó".

Empty

Nhìn từ trên cao, có thể thấy trong lòng Nhà thờ chỉ còn lại một đống đổ nát. Ngọn tháp cao nhất của Nhà thờ đã rơi xuyên qua mái vòm, nghiền nát một bệ thờ và để lại một lỗ thủng ngay chính giữa, xung quanh là hàng loạt tấm gỗ đã cháy thành than.

Empty

Mặc dù bị hư hại nghiêm trọng nhưng may mắn là không có tác phẩm nghệ thuật mang giá trị lịch sử nào bị hủy hoại.

Những khó khăn trong công tác sửa chữa

Tổng thống Macron tuyên bố rằng Nhà thờ Đức Bà sẽ được sửa chữa để mở cửa lại vào Thế vận hội mùa hè Paris năm 2024, tuy nhiên việc thu thập các mảnh vỡ không hề đơn giản. Đó đều là những di tích được bảo vệ hợp pháp và phải mất một khoảng thời gian để các chuyên gia phân loại chúng.

Empty

Do các hầm bị hư hại và có nguy cơ đổ sập nên các nhà khoa học phải sử dụng robot điều khiển từ xa để thu thập các mảnh vỡ, mất hai năm để họ hoàn tất việc thu thập và chuyển chúng đến một nhà kho gần sân bay Charles de Gaulle.

Trong lúc đeo mặt nạ chống bụi chì, các kỹ thuật viên phải dùng vữa để cố định lại các viên đá rơi trên mái vòm. Ngọn lửa đã ăn sâu vào bức tường đá vôi dày trên đỉnh mái, làm bong tróc lớp đá và tạo ra nhiều vết nứt bên trong.

Empty

Một công nhân đang cố định lại giàn giáo nhờ sự hỗ trợ của hai thanh nẹp gỗ phía trên.

Empty

Một người thợ mộc đang cố định giàn mái của Nhà thờ Đức Bà.

Trang thông tin du lịch và phong cách sống Travellive+

Trong khi Nhà thờ Đức Bà được dọn dẹp, các bức tường và hầm phải được đảm bảo không sập xuống bất ngờ. Một nghiên cứu kỹ thuật đã phát hiện rằng nếu không có phần mái chì và xà gỗ đè phía trên, buộc chúng lại với nhau, chỉ cần một cơn gió giật hơn 90 km/h là đã có thể lật đổ các bức tường.

Từ năm 2019 đến mùa hè năm 2021, những người thợ mộc đã dùng trụ ốp tường và một số vật liệu để dựng mái vòm, họ lồng những thanh nẹp gỗ nhiều tấn rồi điều chỉnh các giàn giáo bên dưới mỗi chiếc sao cho phù hợp. Trong khi đó, các kỹ thuật viên có nhiệm vụ tháo dỡ phần ống thép và giàn giáo cũ.

Empty

Các công nhân đang di chuyển qua lại trên mái nhà bằng thang máy thủy lực.

Empty
Empty

Điều không may là đại dịch bất ngờ ập đến đã làm quá trình sửa chữa Nhà thờ bị gián đoạn trong thời gian dài, đó là lí do mà hiện tại công cuộc trùng tu phải được đẩy nhanh tiến độ để kịp hoàn thành vào năm 2024.

Cuộc chạy đua với thời gian

Vào mùa hè năm 2020, Chủ tịch và Ủy ban Di sản Quốc gia Pháp phê duyệt bản kế hoạch trùng tu của Philippe Villeneuve - kiến trúc sư chỉ đạo công việc trùng tu Nhà thờ. Theo đó, Nhà thờ Đức Bà sẽ được xây dựng lại như cũ, tức là trạng thái cuối cùng mà kiến trúc sư Viollet-le-Duc đã tu bổ hồi giữa thế kỉ 19.

Những phần bên trong nhà thờ, bao gồm các nhà nguyện, tranh vẽ, tượng và các lớp kính màu sẽ được làm mới toàn bộ.

Nhà nguyện St. Ferdinand vốn yên tĩnh, nay đã biến thành một xưởng phục chế bận rộn khi các bức tranh tường từ thế kỉ 19 đều đang được các chuyên gia phục hồi.

Empty

Vào tháng 2 năm 2021, Ban cố vấn khoa học của Bộ Y tế Pháp khuyến nghị cấm sử dụng chì trong các mái nhà mới của Nhà thờ và nên tìm các giải pháp thay thế, bởi vì bụi chì tràn lan trong không khí mỗi khi mưa xuống sẽ ảnh hưởng xấu đến sức khỏe những người dân trong khu vực.

Tuy nhiên, kiến trúc sư Villeneuve đã khẳng định rằng: "Chì là yếu tố quan trọng trong việc xây dựng", chỉ chì mới có thể tạo được hình chóp và điêu khắc phần mái của Nhà thờ Đức Bà. Ông cho biết thêm, lượng nước mưa đọng lại trên mái nhà sẽ được lọc cẩn thận, tránh cho bụi chì bay trong không khí.

Villeneuve cũng quyết định dựng lại khung gỗ để làm ngọn tháp trông giống lúc trước. Khi Viollet-le-Duc sửa chữa lại ngọn tháp, ông đã thay thế bộ khung phần cánh ngang của Nhà thờ hoàn toàn khác so với thời Trung cổ, và giờ Villeneuve cũng sẽ làm như vậy.

Empty

Một kỹ thuật viên đang phục chế lại bức tượng đồng của Thánh Philip tại Công ty trùng tu Socra.

Empty

Những bức tượng của Mười hai Tông đồ đã may mắn được dỡ khỏi mái nhà của Nhà thờ bốn ngày trước trận hỏa hoạn.

Trước tình trạng thiếu hụt cây sồi trên khắp nước Pháp, chuyên gia lâm nghiệp Philippe Gourmain, đồng thời cũng là người quản lý các khu rừng của nước Pháp, đã phải chạy đua với thời gian để thu thập lượng gỗ cần thiết - thông qua các khoản quyên góp ngay từ khi vụ hỏa hoạn xảy ra.

Vào mùa đông năm ngoái, Gourmain đã thu về khoản quyên góp 1.200 cây sồi từ khắp nơi trong nước. Những cây lớn nhất, lâu đời nhất được trồng từ trước Cách mạng Pháp, chúng sẽ đóng vai trò là cơ sở để dựng ngọn tháp.

Mặc dù đại dịch đã làm công cuộc trùng tu Nhà thờ chậm lại, đi kèm với đó là các vấn đề khó khăn liên quan đến thu thập gỗ sồi và chì, nhưng chỉ hơn hai năm nữa thôi, Nhà thờ Đức Bà sẽ trở lại như vốn có, sẽ lại nhộn nhịp với những người lao động, những tín đồ và cả khách du lịch đến từ khắp nơi trên thế giới.

Empty

Ngày ngày, người dân Pháp vẫn luôn dõi theo và mong đợi đến lúc nhìn thấy Nhà thờ Đức Bà Paris hoàn toàn hồi sinh trở lại.

Empty

Vào năm 2024, nếu mọi việc diễn ra theo đúng kế hoạch, một chiếc máy bay không người lái sẽ bay lơ lửng ngay trên đỉnh ngọn tháp mới của Nhà thờ Đức Bà, để công chúng cùng chiêm ngưỡng kiến trúc vĩ đại của Viollet-le-Duc được hồi sinh.

Khánh Hà - Nguồn: National Geography
Trang thông tin du lịch và phong cách sống Travellive+
Trang thông tin du lịch và phong cách sống Travellive+
Trang thông tin du lịch và phong cách sống Travellive+
RELATED ARTICLES