Khi đại dịch trở thành mối thách thức lớn đối với các tổ chức văn hóa - xã hội, làm trì hoãn nhiều dự án mới và ảnh hưởng nghiêm trọng đến doanh thu, thì đây cũng là cơ hội để con người nhận ra vai trò quan trọng của bảo tàng trong xã hội. Chúng không chỉ hữu ích trong việc giáo dục, mà còn có tác dụng gắn kết mọi người với nhau.
Tạp chí Travel + Leisure đã tổng hợp lại 9 bảo tàng mới, đáng chú ý nhất trên khắp thế giới với các chủ đề trải dài - từ nghệ thuật thời Trung cổ cho đến bộ sưu tập công nghệ số dựa theo Blockchain - nhằm giúp du khách có thêm nhiều chuyến đi trải nghiệm thú vị trong năm 2022.
Bảo tàng Grand Egyptian (Ai Cập)
Bảo tàng Grand Egyptian (GEM) được thiết kế theo phong cách hiện đại bởi công ty kiến trúc Ailen Heneghan Peng với khoảng 1 tỷ USD, tọa lạc tại rìa cao nguyên Giza, cách Kim Tự Tháp cổ đại khoảng 1,2 km lái xe. Đây sẽ được coi là địa điểm văn hóa của Bảo tàng Ai Cập hiện đang mở cửa ở thành phố Cairo.
Bảo tàng Grand Egyptian sẽ lưu giữ khoảng 100.000 hiện vật cổ đại, bao gồm những đồ vật từ lăng mộ của vua Tutankhamun và bức tượng đồ sộ 3.200 năm tuổi của Ramses II - một trong những vị pharaon vĩ đại trong lịch sử Ai Cập. Với diện tích khoảng 500.000 m2 - gấp đôi diện tích của Bảo tàng Nghệ thuật Metropolitan (MET) tại New York, GEM dự kiến sẽ chào đón hơn 15.000 lượt khách mỗi ngày sau khi mở cửa vào tháng 11 năm 2022.
Bảo tàng Quốc gia Trung cổ - Musée de Cluny (Pháp)
Đã 7 năm kể từ khi Pháp bắt đầu công cuộc cải tạo diện rộng trong Bảo tàng Quốc gia Trung cổ. Từ ngày 29/9/2020, Bảo tàng đã đóng cửa hoàn toàn để triển khai giai đoạn cuối của dự án này. Ngay sau sự thay đổi đó, du khách sẽ được khám phá một bảo tàng hoàn toàn mới, sẽ lại một lần nữa được bước vào khuôn viên dinh thự từ thế kỷ 15 của các trụ trì Clunny, choáng ngợp trước 1.800 tác phẩm trưng bày - bao gồm các đồ vật từ Nhà thờ Đức Bà Paris và Sainte-Chapelle tại đây.
Bảo tàng Quốc gia Na Uy
Được thiết kế bởi kiến trúc sư người Đức Kleihues Schuwerk, sau khi mở cửa vào ngày 11/6/2022, Bảo tàng Quốc gia Na Uy sẽ trở thành bảo tàng Bắc Âu lớn nhất từ trước đến nay. Bên trong Bảo tàng sẽ bao gồm Phòng trưng bày Quốc gia, Bảo tàng Nghệ thuật Đương đại, Bảo tàng Thiết kế và Nghệ thuật trang trí, đồng thời cũng có cả tầm nhìn lý tưởng ra quảng trường trước Tòa thị chính và bờ sông Oslo.
Hơn 5.000 tác phẩm về kiến trúc, thiết kế, nghệ thuật của các nghệ sĩ Na Uy và quốc tế sẽ được trưng bày tại đây. Trong đó có một số tác phẩm đáng chú ý như: Bức tranh quan trọng nhất của Na Uy, tác phẩm "Đêm mùa đông trên núi" của Harald Sohlberg, "Tiếng thét" của Edvard Munch, và một bức chân dung tự họa của Vincent van Gogh.
Bảo tàng Sydney Modern (Úc)
Mặc dù trên thực tế thì Sydney Modern không phải là một bảo tàng hoàn toàn mới, nhưng phần mở rộng đến Phòng trưng bày Nghệ thuật của New South Wales chắc chắn sẽ trở thành một điểm đến thu hút, nhờ vào bộ sưu tập mới và kiểu dáng thiết kế mới của tòa nhà.
Được thiết kế bởi Studio SANAA - studio từng đoạt giải Pritzker của Nhật Bản, Sydney Modern bao gồm một số gian nhà hình chữ nhật lồng vào nhau, hướng ra cảng Sydney và một khu vườn nghệ thuật công cộng cùng không gian ngoài trời rộng lớn. Bảo tàng kỳ vọng sẽ đón hơn 2 triệu lượt khách mỗi năm sau khi mở cửa đón khách.
Công viên dưới nước ReefLine (Bãi bIỂn Miami, Mỹ)
Công viên dưới nước ReefLine mới của Miami chắc chắn sẽ là điểm điến tuyệt vời đối với những người đam mê lặn, bởi vì đây là một công viên điêu khắc dưới nước thực sự, trải dài hơn 11 km, được xây dựng bởi studio kiến trúc nổi tiếng OMA. Tại đây bao gồm các module bê tông xếp chồng lên nhau, cách bờ biển Miami khoảng gần 3 m. Du khách sẽ được trải nghiệm cảm giác thưởng thức các tác phẩm nghệ thuật sắp đặt giữa các rạn san hô và những sinh vật biển (có nguy cơ tuyệt chủng) khi đến đây.
Ximena Caminos - người phụ trách của Bảo tàng cho biết: "Chuỗi rạn san hô nhân tạo do nghệ sĩ thiết kế từ nghiên cứu của các nhà khoa học này sẽ chứng minh cho thế giới thấy rằng du lịch, biểu hiện nghệ thuật và việc tạo ra môi trường sống cần thiết cho sinh vật có thể hòa hợp với nhau đến thế nào".
Bảo tàng Tương lai - Museum of the Future (Dubai)
Bảo tàng Tương lai mới của Dubai lưu giữ những giá trị phi thường mà du khách hoàn toàn có thể chiêm ngưỡng ngay từ bên ngoài. Cả tòa nhà là một hình xuyến khổng lồ với vòng tròn bên ngoài là biểu tượng cho nhân loại và tri thức, còn khoảng trống ở giữa tượng trưng cho tương lai xa xôi không xác định.
Mặt tiền của tòa nhà, do studio kiến trúc địa phương Killa Design thiết kế, được bao phủ bởi những câu thơ của Sheikh Mohammed Bin Rashid Al Maktoum - Thủ tướng Dubai, đồng thời cũng là một nhà thơ Nabati nổi tiếng. Bên trong, mỗi tầng sẽ tổ chức các cuộc triển lãm tương tác khác nhau về các chủ đề: biến đổi khí hậu, du hành vũ trụ, sức khỏe, tâm linh và sinh thái. Bảo tàng dự kiến mở cửa vào ngày 22/2 và hiện đã mở bán vé.
Bảo tàng Robot - Robot Science Museum (Hàn Quốc)
Dự kiến mở cửa vào cuối năm 2022, bảo tàng mới nhất của Seoul sẽ là nơi đầu tiên trưng bày tất cả mọi thứ về người máy. Cấu trúc bên ngoài của tòa nhà giống là một quả cầu tròn tạo cảm giác như đến từ tương lai, kiến trúc này được thiết kế bởi studio Melike Altinisik Architects (MAA) có trụ sở tại Thổ Nhĩ Kỳ. Khi Bảo tàng mở cửa, du khách sẽ được trải nghiệm những công nghệ trí tuệ nhân tạo, công nghệ ảnh ba chiều, thực tế ảo và các mẫu người máy mới nhất.
Bảo tàng Broadway (New York, Mỹ)
Những người hâm mộ của âm nhạc và yêu thích các nhà hát chắn chắn sẽ vô cùng phấn khích bởi vì trong mùa hè năm nay, bảo tàng đầu tiên dành riêng cho sân khấu Broadway sẽ mở cửa tại trung tâm Khu Nhà hát Thành phố New York.
Bảo tàng Broadway sẽ cung cấp các "trải nghiệm tương tác để tái hiện lại những khoảnh khắc mang tính đột phá trong lịch sử phát triển của sân khấu Broadway". Các video nhập vai được trình chiếu và thực hiện bởi nhiều nghệ sĩ đương đại, qua đó kể lại câu chuyện về ngành sân khấu hào nhoáng của thành phố New York và làm nổi bật những vở nhạc kịch nổi tiếng của Broadway.
Bảo tàng kỹ thuật số NFT (Washington, Mỹ)
Vào tháng 3/2021, một tác phẩm kỹ thuật số NFT từ nghệ sĩ kỹ thuật số Beeple đã thu về 69 triệu USD - một số tiền đáng kinh ngạc. Tác phẩm này đã đưa tên tuổi của Beeple vào hàng ngũ những nghệ sĩ tầm cỡ như Claude Monet và Mark Rothko về giá trị nghệ thuật mà ông đóng góp.
Theo Collins, NFT (non-fungible token) là "một chứng chỉ kỹ thuật số duy nhất được đăng ký trong một blockchain, được sử dụng để ghi lại quyền sở hữu một tài sản như tác phẩm nghệ thuật hoặc đồ sưu tầm". Trong năm 2021, cụm từ NFT được sử dụng với tần suất lớn, vượt qua các chủ đề nóng như Covid-19, Crypto, Metaverse để trở thành từ nổi bật của năm. Vì vậy, không có gì bất ngờ khi bảo tàng kỹ thuật số NFT đầu tiên đã mở cửa vào ngày 27/1/2022 vừa qua tại một trong những trung tâm công nghệ lớn nhất của nước Mỹ - thành phố Seattle, và đương nhiên, đây là một bảo tàng hoàn toàn thực chứ không hề dựa trên công nghệ metaverse.
Không gian rộng lớn của Bảo tàng sẽ chứa khoảng 30 màn hình, mỗi màn từ 43-85 inch, cho phép du khách chiêm ngưỡng các tác phẩm nghệ thuật của nhiều nghệ sĩ quốc tế và địa phương. Nổi bật trong đó là hàng loạt tác phẩm của nghệ sĩ Blake Kathryn, hình đại diện CryptoPunks cực kỳ nổi tiếng của Larva Labs, và những bức ảnh chưa từng thấy về ban nhạc Nirvana và ca sĩ Kurt Cobain dưới dạng NFT của nhiếp ảnh gia Charles Peterson.