Được coi là một trong những cung đường trekking đẹp nhất Việt Nam, cung đường trekking Tà Năng - Phan Dũng bắt đầu từ vùng cao nguyên xã Tà Năng (huyện Đức Trọng, tỉnh Lâm Đồng) kéo đến vùng duyên hải xã Phan Dũng (Tuy Phong, tỉnh Bình Thuận), dài hơn 35 km. Với các mùa chính trong năm ở khu vực này, dân "phượt" cung Tà Năng - Phan Dũng có cách gọi riêng, ứng với đặc điểm của các đồi cỏ ở Tà Năng: mùa cỏ xanh (mùa mưa) và mùa cỏ cháy (mùa khô); còn Phan Dũng thì chỉ như một địa danh... đi kèm. Dường như bao nhiêu cái đẹp của cung đường này, Tà Năng đã “ôm” lấy cả.
Nhưng có đúng như vậy? Hãy thử cùng nhóm chúng tôi khám phá cung đường Phan Dũng vào “mùa cỏ cháy”, bạn có thể sẽ bất ngờ bởi vẻ đẹp của rừng mùa khô - đặc biệt trên nhánh đường đi qua thác Yavly.
Mùa cỏ cháy ở Tà Năng
Mùa mưa ở khu vực này thường bắt đầu từ cuối tháng 4 và kết thúc vào cuối tháng 11 dương lịch. Khi mưa mới chấm dứt, các đồi cỏ ở Tà Năng vẫn còn xanh mướt thêm một thời gian rồi mới bắt đầu ngả sang úa vàng, và khoảng từ tháng 1 năm sau mới thực sự là “mùa cỏ cháy”, khi cỏ chết khô dần sau một thời gian dài thiếu nước, dưới cái nắng thiêu đốt của mùa khô.
Từ đỉnh đồi nơi đặt chóp inox của cùng Tà Năng - Phan Dũng, có nhiều lối để xuống Phan Dũng, trong đó hai đường chính mà các nhóm treking thường đi là: hướng “thác Yavly” và hướng “đồi lính”.
Hướng “đồi lính” được nhiều nhóm lựa chọn, bởi chỉ cần thời gian 2 ngày 1 đêm, khá thuận tiện với dân văn phòng được nghỉ hai ngày cuối tuần. Hướng này đi qua duy nhất một con suối nhỏ chỉ có nước trong mùa mưa, còn mùa khô thì cũng… không được tắm.
Hướng qua thác Yavly tốn nhiều thời gian hơn, vì đường xa hơn hướng đồi lính khoảng 15 km. Hướng đi này, phải nhiều lần vượt qua suối, đặc biệt mùa mưa có thể gặp khá nhiều nguy hiểm những khi nước lớn hay có lũ ống do mưa nguồn. Tuy nhiên vào nửa cuối của mùa khô, đi theo hướng này sẽ được chiêm ngưỡng vẻ đẹp mê hồn của rừng Phan Dũng - mà nếu đi theo hướng đồi lính sẽ khó có thể sánh được.
Thác Yavly mùa nước cạn
Hành trình Tà Năng - Phan Dũng 3 ngày 2 đêm theo hướng thác Yavly, từ sáng ngày thứ hai của hành trình, chúng tôi đã phải hai lần vượt suối để đến thác Yavly vào tầm trưa. Mặc dù giữa mùa khô, nhưng suối và thác vẫn có nước, chỉ là ít nước hơn mùa khô mà thôi. Cũng vì ít nước nên việc vượt qua các con suối rất dễ dàng và an toàn.
Sau khi tắm thác thoải mái và ăn trưa ở khu vực thác, chúng tôi đi thêm vài km dọc suối, vượt qua vượt lại suối vài lần và hạ trại đêm thứ hai ở bờ suối, ngay cạnh nhà già Lê - ông già người Raglei. Nơi này vốn là… lòng suối vào mùa mưa, còn giữa mùa khô, nó là một bãi cát và sỏi nhỏ khá bằng phẳng, đủ chỗ dựng vài chiếc lều.
vẻ đẹp của rừng Phan Dũng mùa khô
Những ai đã đi qua cung đường này vào mùa mưa, khi rừng cây xanh lá, có lẽ sẽ thấy ngày cuối cùng của hành trình này thực là chán nhất, bởi đường xa, bằng phẳng và quang cảnh đều đều với rừng cây bình thường như mọi khu rừng thưa bất kỳ nào đó. Nhưng vào cuối mùa khô - lại là điều khác hẳn.
Rừng Phan Dũng mùa khô mang một diện mạo hoàn toàn khác với lúc rừng xanh lá vào mùa mưa. Lá vàng thảm dày dưới mặt đất của toàn bộ khu rừng, chẳng khác gì mùa thu ở những khu rừng vùng ôn đới.
Những loại cây đa dạng ở trong rừng rụng lá và bắt đầu ra chỗi vào những thời điểm khác nhau, vậy nên dưới đất thì là một thảm lá khô vàng, phía trên mặt đất lại là những mảng màu vô cùng đẹp mắt.
Có những loại cây vẫn còn màu xanh của lá cũ. Có những loại cây đang khoác trên mình một tấm áo choàng vàng, hoặc một màu đỏ rực lên trong nắng. Có những loại cây chỉ còn trơ là thân cành khẳng khiu, lại có cả những loại cây đã sớm nảy những chồi xanh mới.
Cứ như thế, ngày cuối của hành trình với những mệt mỏi vất vả của việc trèo đèo lội suối hai ngày trước đó tích tụ lại, bỗng trôi vèo qua từ lúc nào chẳng ai hay. Tât cả đều mải mê với những phong cảnh tuyệt sắc của rừng Phan Dũng mùa khô, quên cả thời gian, quên cả mệt nhọc.