Khi các “chiến binh nhí” chinh phục đỉnh núi Chư Nâm

09/12/2021

Có nên cho trẻ con tham gia các chuyến leo núi hay không? Đa số các gia đình nói không, vì lo ngại những bất trắc trên hành trình. Nhưng ở chuyến leo núi Chư Nâm của chúng tôi, các bậc cha mẹ “hổ báo” trong đoàn lại có suy nghĩ khác, và các chiến binh nhí - mà bạn nhỏ nhất chỉ mới hơn 3 tuổi - đã hoàn thành rất tốt hành trình này.

3 gia đình & 6 "chiến binh" nhỏ

Núi Chư Nâm cao 1.470 m - là ngọn núi cao nhất phía tây tỉnh Gia Lai - thuộc địa phận xã Chư Đăng Ya, huyện Chư Păh. Tuy độ cao khá khiêm tốn nhưng tại đỉnh Chư Nâm có thể quan sát được một vùng rộng lớn xung quanh: thủy điện Yaly, Biển Hồ, núi Hàm Rồng, thành phố Pleiku,… Ngay bên cạnh Chư Nâm là núi lửa cũ Chư Đăng Ya - nơi tổ chức Lễ hội hoa Dã Quỳ hàng năm.

Vì tính toán cho các "chiến binh" nhí thử sức với ngọn núi này, cả đoàn thống nhất chờ tới dịp cuối năm - khi mùa mưa ở Gia Lai chấm dứt hẳn mới tiến hành chuyến đi, bởi thành viên nhỏ nhất mới 3 tuổi. Đi vào dịp này, biển mây buổi sớm trên đỉnh Chư Nâm cũng không nhiều như trong dịp còn mưa, Dã Quỳ cũng đã tàn, nhưng đảm bảo an toàn cho các bé là điều quan trọng nhất.

Kế hoạch chuẩn bị của cả đoàn cũng rất chu đáo, nhóm dẫn đường người địa phương lên đến gần chục thanh niên trẻ khỏe, vui tính, sẵn sàng cho phương án mỗi “quân lính” cõng một “thủ trưởng” trong trường hợp cần thiết.

Trong đoàn có 3 gia đình đem theo 6 bé nhỏ: hai chàng trai Seko (12 tuổi), Coca (7 tuổi) đi cùng mẹ Giang; chị Thỏ (9 tuổi) và chàng Kin (6 tuổi) đi cùng ba Nam; hai chị em Kem (5 tuổi) và Ni (3 tuổi) đi cùng ba mẹ. Lũn cũn nhất là bé Ni (3 tuổi), đôi chân còn bé tẹo, mỗi bước đi còn cảm giác ngả nghiêng.

Trong đoàn có 3 gia đình đem theo 6 bé nhỏ: hai chàng trai Seko (12 tuổi), Coca (7 tuổi) đi cùng mẹ Giang; chị Thỏ (9 tuổi) và chàng Kin (6 tuổi) đi cùng ba Nam; hai chị em Kem (5 tuổi) và Ni (3 tuổi) đi cùng ba mẹ. Lũn cũn nhất là bé Ni (3 tuổi), đôi chân còn bé tẹo, mỗi bước đi còn cảm giác ngả nghiêng.

Cả đoàn xuất phát ở Sài Gòn trên chuyến xe đường dài từ chiều hôm trước, và mới 5 giờ sáng đã đặt chân xuống phố núi Pleiku trong cái lạnh buổi sớm cuối năm, khi cả thành phố còn chìm trong giấc ngủ. Sương giăng mờ mịt dưới những ngọn đèn đường vàng vọt, cùng cái giá lạnh buổi sớm của vùng cao nguyên, vậy mà cũng phải chào thua sự háo hức của 6 chiến binh nhỏ - dù mới đây thôi còn ngái ngủ khi bị đánh thức dậy để xuống xe.

Xe trung chuyển đưa cả đoàn đến ăn sáng ở tiệm Phở khô Hồng nổi tiếng Pleiku, rồi trực chỉ hướng đập Tân Sơn dưới chân núi Chư Nâm. Mọi người lớn bé đều nai nịt hành hành lý lên lưng và bắt đầu cất bước.

Hành trình "lãng mạn" của các chiến binh nhí

Đoạn đường “khởi động” khoảng 1 km thoai thoải, hơi dốc nhẹ theo triền núi, bên dưới là hồ thủy lợi Tân Sơn nước xanh như màu ngọc bích. Nắng sớm còn chưa gay gắt, lại đi dưới bóng mát của cây rừng và mặt đường đất khá bằng phẳng nên các chiến binh nhí cứ ríu rít như chim non trên đường.

Rời khỏi đường cái là húc ngay vào con dốc chạy ngược lên sườn núi. Con dốc có thể làm người lớn than vãn chứ bọn trẻ thì lại rất hăng hái. Những bước chân không chút ngập ngừng, phăm phăm dấn tới. Bé Ni bình thường nhìn dáng đi lũn cũn, chiếc balo nhỏ xíu lúc lắc theo bước chân, đến đoạn dốc cần cha mẹ nắm tay đề phòng trượt té, nhưng chỉ là nắm tay thôi, chứ bé vẫn tự bước những bước chân nghiêng ngả để tiến lên.

Hồ Tân Sơn nhìn từ lưng chừng núi

Hồ Tân Sơn nhìn từ lưng chừng núi

Lên lưng chừng sườn núi, cây cao đã vãn, chỉ còn những tảng đá và đám cỏ tranh lúp xúp. Cái nóng do nắng và đường dốc đã làm các chiến binh nhí toát mồ hôi. Những chiếc balo được chuyển qua các chú hoặc ba mẹ để đỡ nóng lưng và dễ bề xoay xở tiến lên.

Trang thông tin du lịch và phong cách sống Travellive+

Chàng Seko đã 12 tuổi nên không khó khăn gì trong hành trình, Coca mới 7 tuổi nhưng bám theo anh Seko cũng không mấy khó khăn. Chị em nhà Thỏ - Kin thì đã được trải qua nhiều chuyến huấn luyện lẫn thực chiến cùng cha, nên hoàn toàn bình thản trước quả núi sừng sững phía trước. Chỉ có hai công chúa Kem và Ni thì còn nhỏ quá, nhưng lại có ông bố bà mẹ “hổ báo” nhất, luôn động viên khích lệ chứ không giúp đỡ khi chưa thật sự cần thiết.

Khi cô Kem bắt đầu vấp ngã nhiều, "bạch mã hoàng tử" xuất hiện. Chàng chính là Kin. Kin được ba sắm cho một chiếc gậy leo núi rất vừa tay, khi thấy em Kem bắt đầu ngã dúi dụi trên trảng cỏ, chàng bèn chủ động giảm tốc độ, để chị Thỏ đi cùng ba, còn mình lui lại đi cạnh nàng Kem. Một tay anh chàng cầm gậy chống xuống làm điểm tựa cất bước, một tay nắm tay cô gái nhỏ, mắt chăm chú vừa nhìn đường vừa nhìn người bạn nhỏ đầy trách nhiệm. Có những đoạn gặp phải bụi cây khô lởm chởm cao chừng gang tay chắn lối, Kem lúng túng dừng lại, chàng Kin bèn buông tay Kem, tiến lên dùng chân dẫm mạnh lên bụi cây khô rồi quay lại chìa tay bảo: “Anh đã dẹp đường rồi, Kem bước tới đi”.

Thương nhất là nàng Ni bé bỏng, tự bước những bước chân còn chưa cứng cáp suốt hành trình, đến một trảng cỏ bằng phẳng dưới tán cây mát rượi, nàng bỗng ngồi phệt xuống, rồi từ từ ngả lưng ra bãi cỏ… ngủ ngay lập tức và còn ngáy khò khè. Mọi người cũng dừng lại nghỉ ngơi, để kệ nàng. Và sau chừng nửa tiếng, bé Ni chớp mắt thức dậy, lại chống tay đứng lên tiếp tục hành trình.

Kin và Kem

Kin và Kem

Phút nghỉ chân của Kin và Kem

Phút nghỉ chân của Kin và Kem

trên đỉnh Chư Nâm

Cứ vừa đi vừa nghỉ, ăn trưa ở lưng chừng núi, hơn 4 giờ chiều cả đoàn lên tới bãi đất bằng phẳng trên đỉnh Chư Nâm để hạ trại. Nắng chiều vàng như mật, rải đẫm các sườn núi xung quanh. Trời Tây Nguyên cuối năm xanh ngắt, đây đó những áng mây trắng trôi lững lờ. Trên đỉnh núi gió lồng lộng, đám trẻ chạy nhảy loăng quăng, xem người lớn dựng lều trại và chuẩn bị nổi lửa nấu nướng.

Núi lửa Chư Đăng Ya nằm ngay dưới chân núi Chư Nâm. Dã Quỳ đã tàn hết, cả trái núi Chư Đăng Ya lẫn miệng núi lửa (đã tắt từ rất rất lâu) hình phễu được chia thành các ô vuông nhỏ đủ màu sắc: xanh, vàng của cỏ cây; nâu, rêu của đất - nhìn như một tấm áo choàng caro phủ lên ngọn núi lửa.

Núi lửa Chư Đăng Ya nhìn từ đỉnh Chư Nâm

Núi lửa Chư Đăng Ya nhìn từ đỉnh Chư Nâm

Khói lam chiều

Khói lam chiều

Ráng chiều buông xuống dần, không khí trở nên giá lạnh khi mặt trời dần lặn xuống phía trời Tây, cũng là lúc mùi thức ăn thơm nức lan tỏa theo gió. Mọi người xúm lại ngồi vòng quanh bếp lửa cho đỡ lạnh và cùng nhau ăn tối. Trong số các chiến binh nhí, nàng Ni thậm chí vẫn còn cần phải nhờ sự phụ giúp của mẹ khi ăn - điều này khiến các cô chú rất phục, khi thấy bé gần như hoàn toàn tự mình đi lên đỉnh núi trên đôi chân nhỏ xíu.

Sự mệt nhọc trên hành trình cùng cái lạnh trên đỉnh núi buổi tối khiến 6 chiến sĩ nhỏ nhanh chóng chìm vào giấc ngủ sau khi ăn bữa tối. Những người lớn mới thực sự bắt đầu bữa tiệc nhỏ của mình. Một chút rượu cho ấm bụng trong cái giá lạnh về đêm, giữa ánh lửa hồng bập bùng trong gió, tiếng guitar réo rắt của anh chàng dẫn đường, và những giọng hát của các thành viên nối nhau cất lên, vang vọng mãi đến khuya.

Ráng chiều

Ráng chiều

Dựng trại trên đỉnh núi

Dựng trại trên đỉnh núi

Đỉnh Chư Nâm

Đỉnh Chư Nâm

Xuống núi

Sớm tinh mơ, trên đỉnh núi đã í ới tiếng gọi nhau dậy đón bình minh, tiếng nhóm dẫn đường lịch kịch nổi lửa nấu nước để chuẩn bị bữa ăn sáng. Tiếng gió quật vào lều phần phật, lẫn vào đó là mùi khói nồng nồng thật dễ chịu. Cuối năm, mùa mưa ở Tây Nguyên đã kết thúc khá lâu, buổi sớm trên đỉnh Chư Nâm sẽ ít có cơ hội được thấy những biển mây dày đặc nữa, nhưng vẫn còn những “vịnh mây” trắng bồng bềnh phủ kín một vùng, với những đỉnh núi nhô lên như những hòn đảo nhỏ.

Chốc lát, tiếng rít rít của lũ trẻ đã vang lên. Sau khi được mặc ấm, cùng lúc những tia nắng đầu ngày đã rọi xuống đỉnh núi, bọn trẻ lại bắt đầu tung tăng nhảy nhót như lũ chim non.

"Vịnh" mây dưới đồng bằng trước bình minh

Áng mây trắng trên núi lửa Chư Đăng Ya

Áng mây trắng trên núi lửa Chư Đăng Ya

Nồi cháo gà đã bốc hơi nghi ngút, thơm lừng trong gió. Cả đoàn lại ngồi quay xung quanh bếp lửa, xì xụp ăn bát cháo nóng, nhâm nhi tách café đậm đà của đất Gia Lai. Chừng mặt trời lên cao, mọi người bắt đầu thu dọn lều trại cũng như thu gom sạch sẽ các loại rác trên đỉnh núi.

Cả đoàn xuất phát xuống núi trở về theo con đường khác so với hôm qua. Chúng tôi chọn đường về dài hơn nhưng thoải hơn để đỡ nguy hiểm cho bọn trẻ. Xuống dốc hoàn toàn không phải dễ hơn so với lên dốc, nếu không muốn nói là đôi lúc còn nguy hiểm hơn. Hành trình trở về, bọn trẻ được người lớn theo sát hơn nhiều so với lúc leo lên. Nhưng lo là việc của người lớn, còn các chiến binh nhí vẫn vô tư tung tăng trên đường.

Kem đã sẵn sàng

Kem đã sẵn sàng

Kin:

Kin: "Anh Seko chuẩn bị xong chưa?"

Em Ni bé nhỏ nhất trong đoàn

Em Ni bé nhỏ nhất trong đoàn

Ngày hôm nay, mặc định là anh Kin “phụ trách” em Kem dọc đường, hai anh em xuống dốc nên khó nắm tay nhau như khi lên dốc, nhưng vẫn đi sát với nhau. Anh Seko thì đã cứng cáp nên thường bứt lên trước cùng chú dẫn đường, chị Thỏ, anh Coca thì bám sát cha mẹ. Chỉ có bé Ni gặp nhiều khó khăn vì đôi chân bé nhỏ còn yếu quá, xuống dốc hay bị ngã, nên những đoạn dốc hoặc đất trơn do sỏi cát thì được ba mẹ ẵm qua.

Đoạn vượt những ghềnh đá cuối cùng dưới chân núi, tất cả các chiến sĩ nhỏ đều được các chú dẫn đường cõng qua để đảm bảo an toàn tối đa. Xe trung chuyển đã chờ sẵn dưới chân núi, đưa cả đoàn về lại phố núi ăn trưa ở một nhà hàng ven Biển Hồ, kết thúc hành trình chinh phục đỉnh Chư Nâm đặc biệt.

Xuống núi

Xuống núi

Tập kết chờ sự trợ giúp qua ghềnh đá hiểm trở

Tập kết chờ sự trợ giúp qua ghềnh đá hiểm trở

Một góc chụp bên sườn núi Chư Nâm

Một góc chụp bên sườn núi Chư Nâm

Các bậc cha mẹ đừng “úm” con mình quá, hãy để chúng có cơ hội tiếp xúc nhiều với thiên nhiên. Bởi trẻ em, chúng có thể làm được nhiều hơn người lớn nghĩ.

Nam Hoa
Trang thông tin du lịch và phong cách sống Travellive+
RELATED ARTICLES