Trở lại A Lưới - miền viễn Tây xứ Thừa Thiên

24/10/2021

Shi Jang - người hướng dẫn viên luôn có 1001 câu chuyện để kể sau mỗi chuyến trải nghiệm, kỳ này sẽ đem đến cho độc giả câu chuyện về vùng đất A Lưới. Chuyến trở lại A Lưới này có phần đặc biệt hơn, khi đoàn Shi Jang lưu trú tại Hachi - một căn homestay mới mang theo những nề nếp truyền thống.

Lần đầu tiên tôi lên A Lưới cách đây đã hơn 15 năm

Hồi đó, tôi chạy xe Minsk một mình, vào tận bản A Hưa - bản của đồng bào Tà Ôi nằm nép mình bên dưới cánh rừng già, cách đồi Thịt Băm (Hamburger Hill) nửa ngày đi bộ.

Tôi mang theo mấy đồ nhu yếu phẩm mua được từ học bổng của mình, vào tặng cho trẻ con ở bản ấy, là nơi mà cô Trưởng khoa tôi từng vào để hướng dẫn cho bà con trong bản làm Du lịch cộng đồng.

Đón tôi dọc đường vào bản chiều hôm ấy là một anh công an viên người Tà Ôi, sau hồi lâu chất vấn thông tin kĩ lưỡng. Là điểm giáp biên giới (Lào), việc đảm bảo an ninh vùng biên khiến thủ tục đến A Lưới hay các bản làng trong huyện trước đây cần đầy đủ giấy tờ theo quy định. Tôi nói tên của cô giáo mình nên được anh công an viên dẫn thẳng vào nhà sàn của bản, rồi anh ấy đi gọi Trưởng bản đến để… nhận người!

Trưởng bản xuất hiện, chưa thấy nói gì đã nở nụ cười từ xa, nghe nói tôi là học trò của cô giáo từng vào bản dạy nghề cho bà con nên tay bắt mặt mừng, như quen thân từ lâu. Rồi anh Trưởng bản hiền lành đó đi ra góc sân trước nhà sàn, đánh kẻng báo hiệu cho bà con rằng hôm nay bản có đón tiếp khách ở lại.

Tối đó, trẻ con trong bản được bố mẹ dẫn đến tập trung ở nhà sàn. Hội thanh niên phụ tôi phát đồ cho tụi nhỏ. Rồi tới khuya thì con nít theo bố mẹ về hết, riêng đám thanh niên thì được giao nhiệm vụ ngủ lại trên nhà sàn với tôi. Con trai nằm một dãy, con gái nằm một dãy, đối đầu vào nhau, rúc rích nói chuyện bằng tiếng Tà Ôi như lời hát đưa tôi vào giấc ngủ trong tiết trời se lạnh đặc trưng của vùng núi.

Sáng hôm sau, hơn 7h sáng thì tôi dậy, thấy ở giữa nhà sàn đã có đồ ăn sáng. A Zích, cô gái trong đội Văn nghệ là người chuẩn bị đồ ăn cho tôi, gồm xôi nếp cẩm, thịt cuốn lá nướng và muối chấm của người Tà Ôi. Trong bộ Zèng (thổ cẩm) truyền thống do chính tay mình dệt nên, A Zích bẽn lẽn giới thiệu về đặc sản của đồng bào mình. Mãi sau này tôi mới biết, để có bữa sáng ấy, A Zích đã đi bộ gần 10 km ra chợ mua thịt heo về làm đồ ăn sáng cho tôi.

Chuyến đi năm đó đến bản A Hưa đã để lại ấn tượng sâu sắc về sự hiếu khách và tấm lòng của bà con nơi ấy. Nhiều lần quay lại, khi thì vẫn đi một mình, khi thì đi cùng bạn bè hay khi thì lên cùng du khách, tôi lúc nào cũng háo hức khi về miền sơn cước này.

Một bà mẹ Tà Ôi

Một bà mẹ Tà Ôi

Chuyến đi sau mùa dịch

Dịp rồi, khi việc đi lại sau dịch đã được kiểm soát, tôi dẫn theo 3 gia đình ở Huế lên A Lưới chơi. Nhà Army, nhà Lily và nhà Bảo Bảo, ai cũng háo hức, phần vì sau những ngày quanh quẩn ở nhà mùa dịch, phần vì thi thoảng vẫn nghe tôi nói chuyện về A Lưới nên cũng muốn đi cho biết thêm cái hay của đất Thừa Thiên quê nhà. A Lưới, nằm cách trung tâm thành phố Huế khoảng 70 cây số, vốn là nơi chứa nhiều điều thú vị về cuộc sống và văn hoá của đồng bào sinh sống dọc dãy Tây Trường Sơn.

Hơn 9h sáng, ăn uống thoải mái xong, cả đoàn rời thành phố, mỗi nhà mỗi xe riêng tự lái. Đường từ thành phố Huế lên A Lưới men theo Quốc lộ 49 được làm lại rất “mượt”. Sau khoảng gần 2 tiếng chạy xe, băng qua 3 con đèo, uốn lượn dọc theo vài con suối, vài bản-làng trên đường thì đến ngã ba Bốt Đỏ.

Nơi tôi chọn cho cả đoàn nghỉ lại lần này nằm gần đó, ở ngôi nhà có tên Hachi.

Hiên nhà Hachi

Hiên nhà Hachi

Hachi nguyên là một căn nhà gỗ của người đồng bào Tà Ôi trong bản, được đội kiến trúc sư SiLaa Architecture biến tấu và thổi vào đó một đời sống mới, nhờ cách kết hợp giữa vật liệu gỗ cũ và tư duy kiến trúc sáng tạo, phát huy yếu tố văn hoá bản địa.

Trang thông tin du lịch và phong cách sống Travellive+
Trang thông tin du lịch và phong cách sống Travellive+

Nhà có đủ chỗ cho nhóm dưới 10 người ở chung, với một gian bếp có cửa sổ nhìn ra ngoài sân vườn rất thoáng, và một nhà tắm có bình nóng lạnh. Khoảng hiên bao quanh nhà với đầy tia nắng sớm hay hoàng hôn mỗi lúc chiều về, là nơi có thể ngồi đọc sách hay pha cà phê tám chuyện - không gian chung hay riêng đều có hết. Sàn nhà bằng gỗ làm cho cảm giác rất gần gũi, mộc mạc. Nhiều cây ăn quả như bưởi, hồng hay mít trồng xung quanh vườn nhà vừa tạo bóng mát, vừa là món quà mà chủ nhà muốn gửi tặng khách khi đến với nhà Hachi. Cả đoàn lên lần này được ăn hồng chín mọng, ngon vô cùng.

Thung lũng A sầu buổi chiều tà

Sau bữa trưa với mấy món đặc sản như lẩu xương Bò A Lưới, thịt trâu khô xào kiệu…, tôi để mọi người tự do nghỉ ngơi trước khi bắt đầu hành trình khám phá vào giữa buổi chiều.

Hơn 3 giờ chiều, trời nắng đẹp. Tôi báo lại về cung đường sẽ đi cho các ông bố - tài xế của mỗi nhà nắm, rồi theo đường Hồ Chí Minh, cả đoàn trực chỉ về hướng thung lũng A Sầu.

Nơi đây từng là căn cứ quân sự quan trọng của quân đội Mỹ thời Chiến tranh Việt Nam. Di tích sân bay A So còn đó, với vài đoạn đường băng chỉ có cỏ mọc phủ xanh nhưng dấu tích một thời vẫn còn vang bóng với những ai thích tìm hiểu về lịch sử đất nước.

Chúng tôi vào tới A Sầu lúc chiều đang buông nắng, từng vạt nắng xuyên qua mấy đám mây đang lơ lửng trôi, trải xuống cả thung lũng được bao quanh bởi đồi núi làm hậu cảnh phía sau và cánh đồng lúa đang mùa gặt ở phía trước cùng con sông A Sáp uốn quanh, tạo nên một bức tranh phong cảnh tuyệt đẹp.

...Tác giả đây

...Tác giả đây

Đồng bào Tà Ôi nơi đây có nhà vẫn đang thu hoạch lúa vụ Hè - Thu. Dừng ở trên cầu bắc qua sông A Sáp, tôi chỉ cho cả nhóm cách xem cách người nông dân Tà Ôi kè đá suối thành những ô hình chữ nhật ngay dưới dòng suối, xong bỏ tấm bạt vào bên dưới rồi đổ lúa vừa thu hoạch lên trên. Sau đó, người ta mở đầu và đuôi của khoanh hình chữ nhật đó để nước theo dòng suối chảy qua. Những hạt lúa xép, lúa hỏng nổi lên trên sẽ bị nước cuốn đi; hạt lúa chắc, lúa tốt thì chìm xuống, được giữ lại ở tấm bạt. Xong xuôi, người ta túm 4 góc tấm bạt rồi kéo lên, cho lúa vào bao và chở về phơi khô, rồi cất lại để ăn dần hoặc làm giống cho vụ tới. Đó cũng là nét đặc trưng của người nông dân trồng lúa nơi đây, khác cách người Kinh dưới đồng bằng thu hoạch, khiến ai cũng thích thú khi ngắm nhìn.

Đồng bào Tà Ôi chọn lọc lúa sau thu hoạch

Đồng bào Tà Ôi chọn lọc lúa sau thu hoạch

Sông A Sáp có một đoạn với bãi đá khá đẹp nên tôi đưa cả nhóm băng qua ruộng, xuống tắm sông. Đám trẻ con rất thích thú với trò này. Army và Lily, kéo nhau trên chiếc phao hơi của bố mẹ mang theo, tíu tít hùa vào làn nước mát lạnh. Mấy ông bố còn nhặt đá thi nhau ném thia lia rất vui trong tiếng cười cổ vũ của mấy cô vợ.

Tà dương gác non tây, chúng tôi rời thung lũng A Sầu. Từ trong xe, tôi ngoái lại phía sau nhìn những vệt khói trắng bay lên do bà con đốt rơm rạ từ những ruộng lúa đã gặt xong, cảm giác man mác khi nhớ về lịch sử mà thung lũng tuyệt đẹp này từng trải qua.

Đêm và sáng trong homestay Hachi

Bữa tối ở nhà Hachi hôm nay là tiệc nướng ngoài trời. Có một nhóm khách quen của chị chủ nhà tham gia cùng nên khá xôm tụ.

Cả đoàn tập trung quây quanh khu vực đám đàn ông, con trai đang nhóm lửa nướng thịt. Mấy cô, mấy chị người thì bày nếp nương, người thì xếp lại rau rừng dọn ra từng bàn và chỉ dẫn cho đám trẻ con ăn uống. Mấy bạn trẻ trong nhóm kia thì mở nhạc nhè nhẹ, giăng thêm ít đèn thắp sáng, không khí rất ấm cúng giữa trời đêm trên núi.

Dưới bầu trời sao và bên bếp lửa bập bùng, chúng tôi trò chuyện với nhau cho tới khuya. Tôi kể về chuyện mình tới bản A Hưa năm nào và sự gắn kết với A Lưới từ dạo đó, chắc chắn rồi.

Đám trẻ đi ngủ trước, còn mỗi Lily vẫn ôm chú cún con vừa làm bạn hôm nay, ngồi bên mẹ, cạnh than hồng và thỉnh thoảng quay sang nghe ngóng, dù chưa chắc là hiểu hết những chuyện người lớn đang nói.

Empty
Empty
Các vị khách ở nhà Hachi được trải nghiệm không khí se lạnh đặc trưng của vùng núi, cùng với tiếng côn trùng

Các vị khách ở nhà Hachi được trải nghiệm không khí se lạnh đặc trưng của vùng núi, cùng với tiếng côn trùng

Ban mai chộn rộn nắng. Tôi không muốn lỡ tia nắng sớm nên nhẹ nhàng rời chăn ấm, dậy ra ngoài sân vườn. Nắng le lói qua kẽ lá cây hồng làm cho trái hồng trông mọng hơn, đẹp đẽ hơn hôm qua nữa.

Army cũng đã dậy, theo mẹ ra ngồi dưới hiên nhà, nơi vạt nắng sớm cũng đang rưới dần lên đó. Đột nhiên trong làng lúc đó có cô bán hàng rong đi ngang trước nhà, mẹ Army mua cho hai chú cháu hai bì chè đậu ván. Vậy là trong lúc chờ cả nhóm dậy để ăn sáng, tôi và Army ăn hai bịch chè kia, cùng ngắm nắng vàng ruộm dọi vào mặt nhau, dù cả hai chú cháu đều chưa rửa mặt. Ba của Army thức dậy sớm nhất, chạy bộ một vòng vào tuốt cuối làng. Phía đó, vẫn bảng lảng sương mai quanh núi.

Chị chủ nhà nấu nồi cháo gà nóng hổi, bày ra khoảng sàn gỗ ở phía sau nhà Hachi cho cả đoàn quây quần ăn sáng. Ba của Lily và Army ăn xong thì đi hái thêm hồng. Tôi sửa soạn đồ pha cà phê ra bên hiên nhà rồi xay cà phê pha cho cả nhóm.

Cà phê K’Ho pha với mật ong, có mấy trái bơ và hồng xếp cạnh cùng với bánh tự làm của cô bạn trong đoàn mang theo, cả nhóm chúng tôi ngồi đó, dọc hiên nhà Hachi đầy nắng, thưởng thức buổi sáng ở A Lưới như vậy. Lily, dĩ nhiên, vẫn ôm chú cún hôm qua. Còn Army thì vẽ lại cảnh ấy. Army và Lily đều cùng đang học lớp Chồi.

Lily và em cún

Lily và em cún

Army tạo dáng ở ô cửa homestay Hachi

Army tạo dáng ở ô cửa homestay Hachi

Pha cà phê sáng cho mọi người bên hiên nhà

Pha cà phê sáng cho mọi người bên hiên nhà

Giữa đại ngàn Trường Sơn

Thấy sương trên lá trước nhà đã tan, tôi báo cả nhóm chuẩn bị rời nhà Hachi để tiếp tục hành trình. Sáng nay, đoàn đi thăm bản của người Pa Cô và tắm thác Anor hùng vĩ.

Qua khỏi thị trấn A Lưới, có một bản của đồng bào Pa Cô. Bà con làm du lịch cộng đồng từ vài năm nay với nhiều nhà có dịch vụ homestay hay phục vụ ăn uống, văn nghệ cho du khách khi ở lại bản.

Ngay gần đó là thác Anor. Ngọn thác có 3 tầng, cao hơn 100 m, đổ nước trắng xoá xuống tạo nên “kỳ quan” nổi tiếng trong vùng. Ngay chân thác là hồ nước trong vắt. Nước đổ từ trên cao xuống tạo thành luồng gió mát lạnh thổi ra quanh hồ nước ấy. Thỉnh thoảng có dịp, tôi cũng pha cà phê ngay đó cho bạn bè thưởng thức.

Hôm nay có nắng nên từ trẻ con tới người lớn trong nhóm đều mạnh dạn nhảy xuống nước, bơi quanh và cảm nhận được thiên nhiên tuyệt vời giữa chốn rừng núi của đại ngàn Trường Sơn. Bữa trưa với các món ăn đặc sản của người Paco như thịt nướng lá ngũ gia bì, cá suối nướng ống tre, măng rừng, xôi nếp cẩm, rồi cả bánh A Quát...

Thác Anor

Thác Anor

Trước khi lên xe xuôi về thành phố theo cung đường ngoạn mục mà hôm qua đã đi lên, cả đoàn dạo quanh chợ trung tâm A Lưới - nơi bà con đồng bào Tà Ôi, Pa Cô, Pa Hy, Vân Kiều bày bán các món đặc sản trong vùng. Dọc đường về, đoàn dừng một lúc cho đám trẻ con nghỉ ngơi. Mắt hướng về phía núi, ai cũng tấm tắc khen về những trải nghiệm từ hôm qua tới giờ.

Thông tin thêm

- Hachi Homestay & Spa là homestay mới đi vào hoạt động từ tháng 9/2021, hiện vẫn còn là cái tên mới lạ (và chưa quá đông khách lưu trú). Liên hệ trực tiếp với Hachi qua Facebook hoặc SĐT: 090 587 95 89.

- Nếu muốn trải nghiệm những chuyến đi cùng Shi Jang, bạn có thể liên hệ đặt tour qua SĐT: 098 5555 827.

Shi Jang
RELATED ARTICLES