Nhắc đến du lịch mạo hiểm, chúng ta sẽ nghĩ ngay đến trekking. Mặc dù chưa phổ biến rộng rãi tại Việt Nam nhưng loại hình du lịch này đã trở thành trào lưu của đông đảo giới trẻ hiện nay. Để có một chuyến đi thực sự thú vị, người tham gia cần chuẩn bị thể lực đi trekking một cách bài bản và kỹ lưỡng nhất.
Chuẩn bị thể lực tốt, chúng ta cần thực hiện việc luyện tập năm nhóm nội dung sau:
1. Luyện tập các nhóm cơ
Nếu bạn là người luyện tập thể dục hằng ngày, tập gym hay chạy bộ thì bạn có đủ khả năng để thực hiện chuyến đi của mình. Tuy nhiên, nếu bạn không có thói quen tập thể dục thì hãy bắt đầu ngay bây giờ. Bạn hãy bắt đầu bằng việc khởi động các nhóm cơ, đặc biệt chú ý vào lưng và phần cơ thân dưới như là cơ đùi, cơ bắp chân.
Bạn có thể tập những bài Squat cho cơ đùi, cơ bắp chân tại nhà. Hoặc tập các loại máy đẩy đùi, máy tập đùi trước, đùi sau, tập hông,... tại phòng tập. Bên cạnh đó các bài tập lưng cũng rất quan trọng vì khi thực hiện chuyến trekking thì khối lượng hành lý bạn mang trên lưng cũng không nhỏ nên những bài tập lưng chắc chắc sẽ không thừa.
2. Luyện tập sự dẻo dai
Đối với hoạt động trekking, sự dẻo dai của phần cơ chân và hông được chú trọng luyện tập. Sự dẻo dai cho phép cơ bắp hoạt động ở điều kiện tốt nhất, tăng hiệu suất tập luyện, tránh chấn thương, căng cơ hay đau khớp.
Sự dẻo dai được cải thiện bằng cách kéo dãn cơ bắp trước và sau khi tập luyện, việc kéo dãn cơ bắp sau khi tập luyện giúp đẩy nhanh quá trình phục hồi cơ bắp sau tập luyện.
3. Luyện ý chí sức bền
Mặc dù hoạt động trekking mục đích thư giãn đầu óc, giảm căng thẳng nhưng nó đòi hỏi thể chất, sức bền. Bạn nên luyện tập một số bài tập gợi ý như chạy bộ cự ly dài, leo cầu thang, bơi lội, bóng đá,...
Một chuyến trekking kéo dài cả ngày với khoảng phương tiện duy nhất là hai chân nên cần luyện tập phối hợp các nhóm cơ, sự dẻo dai và sức bền để có đủ thể lực cho chuyến đi. Bên cạnh đó ý chí là một yếu tố quan trọng quyết định những chuyến đi, phải xác định đã đi là phải đi cho tới, không bỏ cuộc giữa chừng, và hãy bắt đầu việc rèn luyện ý chí bằng cách đập luyện thường xuyên, không ngắt quãng.
4. Luyện tập với giày
Giày chật thì đau chân, giày rộng quá thì tất nhiên. Trong hoạt động trekking, một đôi giày phù hợp sẽ tốt hơn một đôi giày đẹp. Sau khi chọn được đôi giày phù hợp, việc tiếp theo bạn cần làm là thích nghi với nó.
Giày leo núi là đôi giày có phần đế cứng, mũi giày cũng tương đối cứng và đó có thể là mọt đôi giày cổ cao. Không ai dám đảm bảo sẽ thành công với nó ngay từ lần đi đầu tiên. Cách đơn giản nhất là bạn có thể sử dụng giày trong di chuyển hằng ngày, dùng trong luyện tập hằng ngày.
5. Luyện tập với những hành trình nhỏ
Nếu bạn leo một ngọn núi nhỏ, hay thực hiện chuyến trekking ngắn 1-2 giờ đồng hồ thì bạn chỉ cần tập luyện vài ngày là đủ. Nhưng nếu hành trình của bạn là một dãy núi hùng vĩ hơn 3000m hay những hành trình dài vài ngày thì bạn nên làm quen tập với những hành trình, những ngọn núi nhỏ hơn.
Tác dụng của việc này là mang đến cho bạn những chuyến đi nhẹ nhàng nhưng không kém phần trải nghiệm, vừa chuẩn bị tốt thể lực cho chuyến đi “hoành tráng” phía sau. Tất nhiên là việc tập dợt này không nên thực hiện quá gần với chuyến đi chính vì cơ thể cần có thời gian để hồi phục.