Tà Năng mùa cỏ xanh

16/11/2018

Khi những cơn mưa đầu mùa bắt đầu làm dịu bớt cái nóng ngột ngạt của mùa hè cũng là lúc những ngọn đồi cỏ cháy mùa trước ở Tà Năng hồi sinh mạnh mẽ. Màu vàng úa, khô cằn và trơ trọi đã bị thay thế. Một màu xanh mướt mỡ màng giờ phủ lên khắp những ngọn đồi trên con đường mòn được mệnh danh là một trong những con đường trekking đẹp nhất Việt Nam.

Không thể bỏ lỡ dịp này, tôi và một nhóm bạn thu xếp thời gian, công việc, tạm gác lại bao lo toan, bận rộn của cuộc sống để có những giây phút hoà mình thật sự với thiên nhiên. Tà Năng là cung đường trek dài khoảng 20 km đi xuyên qua hai tỉnh Đà Lạt và Ninh Thuận. Để tới được đây, bạn có thể đi máy bay, xe khách hoặc thuê xe riêng tới Đà Lạt, sau đó di chuyển tới ngã 3 Tà Hine (Đức Trọng, Lâm Đồng), thuê xe ôm hoặc tự di chuyển đến bìa rừng và bắt đầu cung đường bộ hành.

Empty

Tà Năng đón tôi bằng một buổi sáng nắng đẹp và mát mẻ. Cơn mưa đêm qua để lại trên đường một vài chỗ lầy lội nhưng chúng tôi đang rất vui vẻ và tràn đầy tinh thần nên những trở ngại nhỏ này không thành vấn đề gì. Tôi băng qua những căn nhà nhỏ nằm bình yên cạnh những đồng cỏ, cánh rừng thông để lên quả đồi đầu tiên, bắt đầu con đường trek vào Tà Năng.

Empty
Empty
Empty

Tự do, xanh mướt và phấn khích

Đó là những cảm nhận của tôi khi đi trên con đường này suốt hai ngày. Tà Năng chỉ có những ngọn đồi, đồi này nối tiếp đồi kia không ngừng nghỉ, cứ leo lên hết đồi này lại phải nghỉ mệt để lấy sức leo tiếp. Nhưng cảm giác được đứng giữa thiên nhiên hoang sơ khiến tôi như được tiếp thêm năng lượng và những bước chân càng trở nên phấn khởi. Tôi thực sự bị choáng ngợp bởi màu xanh của lá cây bao phủ hết tầm mắt, tràn đầy sức sống. Màu xanh của cỏ, màu xanh của trời và màu vàng của nắng khiến Tà Năng đẹp như một bức tranh.

Empty

Cung đường Tà Năng không có bất cứ một nhà nghỉ nào, chỉ có một ngọn đồi bằng phẳng mà những người đi trước đặt tên là đồi 101 để có thể dựng lều trại và bếp để nấu ăn. Đúng lúc này, một cơn mưa rào đổ xuống, chúng tôi vừa dựng lều, vừa che bạt vừa nhóm bếp với củi ướt. Khói lên mù mịt giữa trời mưa gió, sau đó mưa tạnh nhanh nhưng làm không khí lạnh hơn. Chúng tôi phải mặc áo ấm, quây quần bên bếp lửa để nướng thịt, nướng ngô và nấu cơm trong tiếng cười đùa xôn xao, vui vẻ.

Trang thông tin du lịch và phong cách sống Travellive+
Trang thông tin du lịch và phong cách sống Travellive+
Empty

Bình minh ảo diệu

Tôi thức dậy từ 5h30 sáng để đón bình minh. Rất lâu rồi, tôi chưa dậy sớm ở một nơi không ồn ào và khói bụi như thế này. Khi những ánh nắng đầu tiên rọi xuống, Tà Năng lại làm tôi bất ngờ với khung cảnh sương mù và bao áng mây trôi bảng lảng quanh đồi núi, ngọn cây.

Ai cũng muốn hét thật to lên vì khung cảnh thần tiên này. Dựng một chiếc ghế giữa ngọn đồi, pha một cốc cà phê thật nóng, tôi tận hưởng từng giây phút một ở nơi này. Thậm chí đến gói mì tôm kèm miếng xúc xích thôi cũng khiến tôi cảm thấy đây là bữa sáng ngon nhất, có view đẹp nhất trong hành trình.

Empty

Nấn ná mãi rồi cũng đến lúc phải lên đường để quay lại Tà Hine. Tôi vẫn vừa đi vừa cố gắng thu hết vẻ đẹp của Tà Năng vào mắt và bấm máy ảnh lia lịa, vì sợ sẽ lỡ mất một góc đẹp, một khoảnh khắc nào đó.

Tôi sẽ luôn nhớ cảm giác tỉnh dậy lúc 3 giờ sáng khi gió thổi mạnh, tôi và cả nhóm phải gia cố lại lều. Nhưng khi bước ra ngoài, cả một bầu trời đầy sao rực rỡ hiện ra ảo diệu khiến tôi choáng ngợp. Đã bao lâu rồi tôi không được thấy những vì sao khi ánh sáng thành phố đã lấn át hết?

Empty

Tôi cũng sẽ rất nhớ hai ngày đã đi qua bao nhiêu ngọn đồi xanh mướt, leo bốn cái dốc, bốn con suối, bao nhiêu hố sình lầy, quần áo nhem nhuốc bẩn thỉu. Thế mà ai cũng vẫn cười tươi, vẫn thao thao bất tuyệt là “ở nhà chăn ấm nệm êm không muốn, cứ muốn phải ăn ngủ khổ cực thế này mới chịu cơ”. Nói như một anh trong nhóm: “Trong rừng có gì? Trong rừng có cái thú!”, mà chỉ những người đã trải nghiệm Tà Năng thì mới có thể cảm nhận hết cái thú sương gió đó.

Empty

THÔNG TIN THÊM

+ Những lưu ý khi đi Tà Năng:

- Cung đường Tà Năng không khó đi nhưng rất dễ lạc đường vì vậy bạn phải hết sức cẩn thận, chuẩn bị đầy đủ trước khi lên đường. Cách tốt nhất là bạn mua tour của các công ty di lịch nổi tiếng thì sẽ có đội hậu cần lo hết toàn bộ từ lều trại, đồ ăn, nước uống, người dẫn đường. Còn nếu bạn tự đi với một nhóm bạn, bắt buộc phải có người đã từng đi rồi, thông thuộc tuyến đường và có kinh nghiệm dẫn đoàn, thông thạo địa hình và xử lý tình huống tốt.

- Bạn cần trang bị những kỹ năng sinh tồn cơ bản nhất như dựng lều, tìm kiếm đồ ăn, nhóm lửa, sơ cứu với dụng cụ y tế…

- Bạn cần nắm rõ cung đường, lịch trình và chuẩn bị đầy đủ GPS, offline maps, tracklog

- Tuyệt đối không tách đoàn, luôn bám sát đồng đội.

Empty

+ Thời gian đẹp nhất

Mùa mưa, từ tháng 6 tới tháng 9, cỏ bắt đầu mọc lên xanh mướt nên đi vào thời điểm này bạn sẽ thấy một màu xanh bạt ngàn trên các ngọn đồi. Mùa khô, từ tháng 10 tới tháng 12 là mùa cỏ cháy, các ngọn đồi đều chuyển sang màu vàng óng ả.

+ Lịch trình

Cung đường Tà Năng chỉ cần đi trong hai ngày nên bạn có thể sắp xếp để đi vào cuối tuần. Tối thứ 6, bạn lên xe giường nằm khởi hành từ TP. HCM tới Đà Lạt, tới ngã 3 Tà Hine thì bảo tài xế dừng xe cho bạn xuống. Sau đó, bạn thuê xe ôm chở tới cửa rừng, nơi bắt đầu trek. Sau khi ra khỏi rừng vào chiều chủ nhật, bạn quay lại ngã 3 Tà Hine và lên xe về lại TP. HCM. Nếu bạn đi nhóm đông, có thể thuê xe riêng để tiện đi lại.

Empty

+ Hành trang cần chuẩn bị

- Một đôi giầy thể thao tốt, êm chân, độ bám trơn trượt tốt, chống nước nếu đi vào mùa mưa. Cần chuẩn bị thêm bọc giầy.

- Balô chịu lực, có bọc balô

- Áo mưa bộ

- Nước uống: Mỗi người nên mang tối thiểu 4 lít nước trong suốt hành trình.

- Quần áo: Chuẩn bị đầy đủ quần áo ấm, đồ ngủ, đồ trek và nên bỏ vào túi zip có khoá để không bị ngấm nước mưa.

- Đồ ăn: Chuẩn bị lượng đồ ăn đầy đủ theo số ngày dự kiến đi. Nên mang theo những món đồ như mỳ gói, lương khô, xúc xích, kẹo sữa, các loại bánh… (đồ khô dễ dàng mang theo và lấy năng lượng tốt)

- Thuốc: Bạn nên mang một số loại thuốc dự phòng như cảm cúm, đi ngoài, chống côn trùng…

- Lều trại: nên lựa chọn loại có 3 lớp, chống côn trùng và chống mưa

- Vật dụng khác: giấy tờ tuỳ thân, bật lửa, dao, máy ảnh, đèn pin, điện thoại có offine maps/GPS, pin/ sạc dự phòng…

Trần Hồng Ngọc
RELATED ARTICLES