3 ngày rong ruổi trên Đà Lạt phiên bản Malaysia

12/04/2018

Nhắc đến Malaysia, nhiều người nghĩ ngay tới thủ đô Kuala Lumpur, thành phố mới Putrajaya, cao nguyên Genting… Nhưng ít ai biết đến cảnh đẹp nơi cao nguyên Cameron, được mệnh danh là nước Anh thu nhỏ giữa lòng Malaysia. Và tôi cũng vậy, nếu không gặp được hai vợ chồng người địa phương dễ mến làm bạn đồng hành.

Từ Việt Nam, qua Facebook, tôi được hai cô chú Lum Victor mời đi thưởng ngoạn những khu rừng, những đồi chè xanh mướt trên cao nguyên nằm ở độ cao 1.500m thuộc bang Pahang. Cameron nằm cách Kuala Lumpur khoảng 250km, gần giống như vị trí của Đà Lạt so với Sài Gòn. Chú Victor đón tôi tại KL Sentral - nhà ga trung tâm của Kuala Lumpur - và lái xe đưa tôi về nhà trong khu Kepong, cách Kuala Lumpur khoảng 25 phút ôtô.

Hai nhân vật dễ thương trong bài viết này

Ảnh: Ngọc Hạnh, Lum Victor

Chú Lum Victor, 65 tuổi, người Malaysia gốc Hoa, hiện là giảng viên môn sinh học tại trường Đại học Mahsa ở thủ đô Kuala Lumpur. Là người Malay nhưng chú Victor thích nghe nhạc Việt dù không hiểu ý nghĩa lời bài hát. Chú có cả một album 150 bài nhạc Việt của ca sĩ Elvis Phương, Ngọc Lan, Minh Tuyết, Cẩm Ly... Chú rất thích bài “Hello Vietnam” của Phạm Quỳnh Anh và có nhiều bạn người Việt trên Facebook dù chưa gặp mặt.

Ảnh: Ngọc Hạnh, Lum Victor

Cô Emily Cheong, vợ của chú Lum, 63 tuổi, đã về hưu và ở nhà làm nội trợ. Vào đêm trước khi tôi từ Kuala Lumpur về lại TP.HCM, cô Emily thức tới 2 giờ sáng để chuẩn bị nguyên liệu cho sáng sớm hôm sau nấu chè Barley thết đãi tôi. Chè có vị ngọt thanh, gồm bo bo, bạch quả, trứng cút và các lá đậu hũ mỏng. Món chè có tác dụng giải nhiệt mùa hè rất hữu hiệu.

Tôi biết chú Victor qua Facebook cách đây 2 năm, thỉnh thoảng bình luận hình ảnh. Dịp đầu tiên chúng tôi gặp nhau ngoài đời là vào năm mới 2017. Cô chú đã dẫn tôi đi tham quan Kuala Lumpur trong buổi chiều trước khi tôi đi Ipoh. Hai vợ chồng không có con nên đã coi tôi như con gái.

Lộ trình tham quan:

+ Ngày 1: Từ Kuala Lumpur đi cao nguyên Cameron. Trên đường dừng chân tham quan suối nước nóng Kuala Woh, thác Lata Iskandar thuộc bang Perak, uống trà tại Cameron Valley, ghé vườn xương rồng. Ăn tối tại thị trấn Tanah Rata.

+ Ngày 2: Tham quan đồi trà Boh Tea Sungai Palas, vườn bướm, vườn hoa oải hương. Ăn tối tại Water Cress Valley.

+ Ngày 3: Trên đường từ cao nguyên Cameron về Kuala Lumpur, tham quan tháp nghiêng Teluk Intan (bang Perak).

Đây là hành trình trải nghiệm của tôi.

Ngày 1:

Khám phá suối nước nóng Kuala Woh, thác Lata Iskandar, đồi trà Cameron Valley, vườn xương rồng.

Ảnh: Ngọc Hạnh, Lum Victor

Có ít du khách nước ngoài biết đến cao nguyên Cameron, mà chủ yếu là người Malaysia đến nghỉ dưỡng vào các dịp lễ lớn. Không phải do nó quá xa, mà để đến cao nguyên Cameron, mọi người chỉ có thể chọn một trong hai cách: bằng xe hơi tự lái hoặc xe buýt. Nếu chọn cách thứ nhất, bạn lái xe liên tục 6 tiếng qua những cung đường đèo quanh co. Nếu chọn cách thứ hai, bạn mất 4-5 tiếng đi xe buýt hoặc 2 tiếng rưỡi đi tàu cao tốc ETS từ Kuala Lumpur đến thủ phủ Ipoh của bang Perak, rồi bắt tiếp xe buýt 2 tiếng đi cao nguyên Cameron.

Ảnh: Ngọc Hạnh, Lum Victor

8h30 sáng, chú Victor và cô Emily lái xe chở tôi đi cao nguyên Cameron. Đây là khu nghỉ dưỡng lớn bậc nhất của Malaysia với những đồn điền trà rộng lớn, vườn dâu, hoa, rau, ong mật. Tọa lạc tại độ cao 1.500m so với mực nước biển, cao nguyên Cameron có khí hậu quanh năm mát mẻ với nhiệt độ trung bình 23 độ C vào ban ngày và 16 độ C vào ban đêm. Có thể ví nơi đây là “Đà Lạt phiên bản Malaysia”.

Ảnh: Ngọc Hạnh, Lum Victor

Trang thông tin du lịch và phong cách sống Travellive+

Cao nguyên được đặt theo tên của nhà thám hiểm người Anh William Cameron, là người đã đưa nơi này lên bản đồ thế giới vào năm 1885. Tuy nhiên, ông George Maxwell là người đặt nơi này lên bản đồ của Malaysia vào giai đoạn 1920-1926. Tiếp nối bước chân ông là những nông dân Trung Hoa trồng trà, rau xanh… và những thực dân Anh đi tìm vùng đất mát mẻ để tránh nóng. Có hai yếu tố tạo nên sự khác biệt ở cao nguyên Cameron so với các nơi khác của Malaysia là hoa quả ôn đới và biệt thự cổ kiểu Anh.

Trên đường lên cao nguyên, chúng tôi đi ngang qua bang Perak và dừng chân tại khu rừng sinh thái Kuala Woh, khám phá suối nước nóng và cầu dây văng làm bằng gỗ bắc qua dòng suối. Giữa trưa, dòng nước từ mạch nước ngầm chảy qua hốc của các tảng đá lớn. Do cấu tạo đá hấp thụ nhiệt từ mặt trời nên vùng nước quanh các tảng đá trở nên rất nóng. Chú Victor nói đùa, nước này có thể luộc trứng chín theo kiểu lòng đào.

Những dốc đá granite cùng dòng suối nhỏ phía dưới thác Lata Iskandar như bản giao hưởng tuyệt tác của thiên nhiên.

Cách Kuala Woh 15km là thác Lata Iskandar - một trong 10 thác đẹp của Malaysia. Nó chạy dọc từ Tapah đến cao nguyên Cameron. Những dốc đá granite cùng dòng suối nhỏ phía dưới thác như bản giao hưởng tuyệt tác của thiên nhiên. Khi ghé tham quan thác, tôi liên tưởng đến thác Datanla nằm tựa mình trên đèo Prenn - một trong những cung đèo thơ mộng nhất Đà Lạt.

Quán trà Tea House

Chúng tôi lên xe đi tiếp 2 tiếng rồi dừng chân bên đồi trà Cameron Valley, đi vào thung lũng tới quán trà Tea House. Chúng tôi ngồi bên ban công có tầm nhìn hướng ra đồi trà phía xa. Còn gì tuyệt vời hơn khi vừa thưởng thức những cốc trà thơm nghi ngút khói, tận hưởng không khí mát lạnh của cao nguyên và phóng tầm mắt ngắm các đồi trà xanh rì. Khí hậu trong lành và đất đai màu mỡ đã làm cho đồi trà ở cao nguyên phát triển tươi tốt. Thêm vào đó, những người nông dân cần cù, chăm tỉa lá và tạo hình cho các đồi trà gọn gàng và đẹp mắt.

Ảnh: Ngọc Hạnh, Lum Victor

Ảnh: Ngọc Hạnh, Lum Victor

Cameron còn là nhà của nhiều loài cây xương rồng quý hiếm trên thế giới. Chúng tôi như lạc bước vào thế giới xương rồng (Cactus Point) tọa lạc giữa khu Brinchang và Kea Farm, tha hồ chụp hình những chậu cây từ nhỏ cho tới khổng lồ. Các chậu xương rồng nhỏ xinh có kích thước của một tách trà xếp ngay ngắn thành hàng, dãy và theo loại. Nổi bật là khoảng sân với các chậu xương rồng đỏ, vàng và ấn tượng với những chậu to với loài xương rồng thân tròn đầy gai, mọc thành từng ụ.

Ảnh: Ngọc Hạnh, Lum Victor

Trước đây, vùng cao nguyên Cameron từng là thuộc địa của Anh nên chịu ảnh hưởng mạnh mẽ trong kiến trúc. Đến đây, tôi có cảm giác lạc vào vùng đồng quê nước Anh. Cao nguyên này có 3 thị trấn lớn là Ringlet, Tanah Rata và Brinchang. Đa số mọi người chọn lưu trú tại các nhà nghỉ trong Tanah Rata nhộn nhịp do có nhiều hàng quán hoặc chọn các căn hộ trong khu Brinchang. Buổi tối, chúng tôi dùng món lẩu hải sản cực ngon tại nhà hàng Trung Hoa Tanah Rata.

Ngày 2:

Thưởng trà, bánh nướng và ngắm hoa oải hương trên cao nguyên Cameron

Buổi sáng, chúng tôi đi tham quan đồi trà đẹp và nổi tiếng nhất của cao nguyên Cameron là BOH Tea Sungai Palas, tọa lạc tại Brinchang và cách chợ Kea Farm khoảng 2km. Để đến với nhà máy sản xuất trà BOH Tea tại Sungai Palas, chú Victor chạy xe qua con đường hẹp uốn quanh đồi trà. Nơi đây mở cửa cho du khách tham quan miễn phí từ 9h sáng đến 4h30 chiều, trừ ngày thứ hai.

Ảnh: Ngọc Hạnh, Lum Victor

BOH Tea là thương hiệu trà lớn nhất của Malaysia, có 3 trang trại trên cao nguyên Cameron mang tên Sungai Palas, Habu Ringlet và Fairlie Estate. Boh Tea Sungai Palas là nơi mới nhất so với 2 nơi còn lại, gồm đầy đủ đồn điền trồng trà, phòng trưng bày, nhà máy sản xuất trà, quán cà phê và cửa hàng bán các sản phẩm về trà.

Chúng tôi vào tham quan nhà máy và xem các công đoạn chế biến trà. Rồi qua xem khu bán các loại trà như trà đen, trà thảo dược, trà đào, trà chanh… Tới trưa, chúng tôi ngồi thưởng thức trà bạc hà, trà sữa cùng bánh nướng bên quán trà nằm chơi vơi trên đồi trà. Đây là nét văn hóa truyền thống Anh còn lưu giữ tại cao nguyên Cameron.

Đồi trà Boh Tea có hai dãy hành lang ốp các khúc gỗ tròn cho du khách viết hay vẽ gì tùy thích. Hầu hết mọi người đều hào hứng viết các lời chào, tên của mình để lưu dấu chân nơi đồi trà xinh đẹp nơi cao nguyên, và tôi cũng không ngoại lệ.

Ảnh: Ngọc Hạnh, Lum Victor

Buổi chiều là thời gian lý tưởng cho chúng tôi ghé tham quan vườn bướm và vườn hoa oải hương, điểm đến thú vị của Cameron. Tại vườn bướm, chúng tôi có thể chơi đùa cùng các con bướm rực rỡ sắc màu, nhưng không được phép bắt chúng ra ngoài. Không cần sang châu Âu, tôi có thể tận mắt, sờ tận tay hoa oải hương và hít mùi thơm tại cao nguyên Cameron này. Ngoài trồng hoa, người ta bán các món đồ liên quan đến oải hương như nước hoa và tinh dầu dành cho khách du lịch.

Tối, chú Victor chở chúng tôi đến Water Cress Valley. Thoạt tiên, lúc xuống xe và đứng trước thung lũng, tôi cứ ngỡ đây là khu trồng rau cải xoong cho du khách tham quan. Tới khi bước xuống những bậc thang, tôi nhận ra nơi này vừa trồng rau vừa là nhà hàng. Đặc sản của Water Cress Valley là nước uống được nấu từ cải xoong và các món ăn chế biến từ loại rau này. Tôi sống ở Sài Gòn và đã quá quen thuộc với cải xoong dùng chế biến món canh, món trộn dầu giấm cùng thịt bò, nên khá thích thú khi ở đây lại dùng rau này để nấu nước mát giải nhiệt.

Ngày 3:

Perak cũng có tháp nghiêng!

Ảnh: Ngọc Hạnh, Lum Victor

Từ cao nguyên trở về Kuala Lumpur, chúng tôi ngang qua thị trấn Teluk Intan của bang Perak, nhân tiện dùng bữa cơm trưa thân mật cùng gia đình bạn của chú Victor từ thời tiểu học. Nổi tiếng khắp thị trấn là tháp nghiêng Teluk Intan. Người dân địa phương ví tháp nghiêng Teluk Intan với tháp nghiêng Pisa nổi tiếng của nước Ý.

Tòa tháp cao 25,5m, làm bằng gỗ, được xây dựng vào năm 1885, nhìn bên ngoài có thiết kế giống tháp chùa 8 tầng nhưng thực chất chỉ có 3 tầng dưới cùng. Ban đầu, tháp được xây với bồn chứa nước to bên trong để trữ và cung cấp nước cho thị trấn và đồng thời phòng ngừa cứu hỏa. Tuy nhiên, sức chứa nước trong bồn quá lớn cùng với lớp đất xốp nên nó làm cho tòa tháp bị nghiêng. Từ đó, nó không còn được sử dụng để chứa nước nữa mà làm tháp đồng hồ. Đây là nơi thú vị dành cho bạn khi đến bang Perak để thưởng lãm một công trình xứng tầm “kỳ quan thế giới”.

Sau chuyến đi, tôi cảm thấy thật hạnh phúc. Bởi còn gì tuyệt vời hơn khi được những người địa phương tốt bụng làm người dẫn đường để tìm hiểu về cuộc sống, nét văn hóa độc đáo của vùng đất mới lạ và trải nghiệm trọn vẹn vẻ đẹp nơi cao nguyên Cameron.

Thông tin thêm:

+ Hành trình:

Hàng không Air Asia thường xuyên có chương trình ưu đãi vé giá rẻ cho chặng bay khứ hồi Hà Nội/Đà Nẵng/TP.HCM - Kuala Lumpur. Hãng này đáp xuống sân bay quốc tế Kuala Lumpur 2, viết tắt là KLIA 2 - sân bay quốc tế KL dành riêng cho hãng Air Asia.

+ Đi lại: Có 3 cách di chuyển từ KLIA 2 vào trung tâm Kuala Lumpur (gọi là KL Sentral)

-Xe buýt với thời gian 75 phút nếu không kẹt xe, giá 12 RM (64.000 đồng)

-Tàu điện KLIA Transit giá 55 RM (290.000 đồng), dừng 5 trạm (KLIA, Salak Tinggi, Putrajaya & Cyberjaya, Bandar Tasik Selatan, KL Sentral)

-Tàu điện KLIA Ekspres đi thẳng 33 phút, giá 55 RM, dừng tại KLIA và KL Sentral.

Bạn nên chọn cách thứ ba (tàu điện KLIA Ekspres) vì thời gian di chuyển nhanh.

+ Lưu trú: Bạn có thể chọn lưu trú tại nhà khách, khách sạn hoặc căn hộ tại thị trấn Tanah Rata hoặc Brinchang. Giá phòng đôi dao động từ 600.000 đồng một ngày. Vào các dịp lễ, giá phòng tại cao nguyên Cameron từ 1.200.000 đồng trở lên.

+ Tham quan: Các điểm tham quan nổi tiếng bạn không thể bỏ qua là đồi trà Cameron Valley thuộc Bharat Tea, đồi trà Boh Tea Sungai Palas, vườn hoa xương rồng, vườn bướm, vườn dâu, vườn nuôi ong mật, vườn hoa oải hương…

+ Hoạt động: Bạn nhớ thưởng thức trà chiều trên cao nguyên Cameron và dùng bữa tối tại Water Cress Valley.

Phan Ngọc Hạnh
Trang thông tin du lịch và phong cách sống Travellive+
Trang thông tin du lịch và phong cách sống Travellive+
Trang thông tin du lịch và phong cách sống Travellive+
RELATED ARTICLES