Lễ Giáng sinh là dịp để những người theo đạo Thiên Chúa trên khắp thế giới kỷ niệm ngày sinh của Chúa Jesus. Ngày nay, đây không còn chỉ là ngày lễ dành riêng cho người theo đạo Thiên Chúa, mà cả những người không theo tôn giáo này cũng có thể tham gia. Thông thường mọi người sẽ bắt đầu dọn dẹp nhà cửa, trang trí cây thông Noel và chuẩn bị quà để tặng người thân. Tuy nhiên, ở mỗi quốc gia lại có truyền thống đón Giáng sinh khác nhau .
Con quỷ Krampus của vùng AnPơ
Krampus là con quỷ xuất hiện trong văn hóa dân gian của các quốc gia ở vùng AnPơ như Đức và Áo. Tên gọi của hắn xuất phát từ tiếng Đức: Krampen có nghĩa là “chiếc móng”. Ngày nay, phong tục hóa trang thành Krampus với vẻ bề ngoài cơ thể nửa người nửa dê, cặp sừng dài với một bộ ria, đeo trên mình chuỗi chuông, cùng bó gậy bạch dương và dọa đánh đòn những đứa trẻ cho đến cả người lớn là một truyền thống thú vị tại Áo.
Ban đầu, Krampus không liên quan gì đến đạo Thiên Chúa. Hắn được cho là con trai của thần Hel trong thần thoại Bắc Âu từ những câu chuyện truyền miệng từ trước Công Nguyên. Nhưng chỉ đến thế kỷ XVII, Krampus mới được đưa vào ngày lễ Giáng sinh cùng Thánh Nicholas (hóa thân của ông già Noel) và được coi là “phiên bản độc ác” của ông khi ngày lễ thánh Nicholas được tổ chức vào 6/12 ở nhiều nước Châu Âu thì ngày 5/12, sẽ là ngày mà Krampus ngự trị.
Chú dê Yule bằng rơm ở Galve
Trước khi có câu chuyện về Thánh Nicholas - ông già Noel cưỡi tuần lộc và chui ống khói thì thì câu chuyện về môt con dê đem quà đến tặng mọi người vào dịp cuối năm đã tồn tại cách đó cả ngàn năm ở các nước Bắc Âu. Chú dê được lấy tên gọi là Yule - khoảng thời gian lễ hội mùa đông lớn nhất ở đây. Cho đến ngày nay, người ta vẫn giữ những truyền thuyết tốt đẹp về chú dê Yule với hoạt động trang trí những chú dê bằng rơm và lụa đỏ.
Đặc biệt ở thị trấn Galve - Thụy Điển vẫn có truyền thống trưng bày một hình nộm chú dê Yule khổng lồ bằng rơm cao 4 mét ở quảng trường trong dịp Giáng Sinh. Tuy nhiên vì một lý do nào đó, hoặc do những kẻ cố tình phá hoại mà hình nộm chú dê luôn bị đốt cháy trước Đêm Thánh. Trong suốt mấy chục năm, chỉ có 14 lần dê Yule được bảo toàn nguyên vẹn qua mùa lễ hội. Thậm chí ngày nay người ta còn đặt những kèo cá cược để xem Giáng Sinh năm nay con dê Yule ở Galve có bị đốt hay không.
13 ông già Noel tại Iceland
Người dân khắp nơi trên thế giới đã quá quen thuộc với hình ảnh ông già Noel mặc áo màu đỏ, râu trắng, cưỡi tuần lộc. Tại Iceland, ông già Noel không như vậy. Đó là những Yule Lads, có tổng cộng 13 người. Họ là anh em ruột, con của hai người khổng lồ đáng sợ Grýla và Leppalúði. Theo truyền thuyết, trước đây 13 Yule Lads cũng độc ác và xấu tính như cha mẹ của mình. Họ ăn cắp đồ đạc của dân lành, chọc phá trẻ em.
Qua thời gian, họ trở nên nhân từ hơn và trở thành những người vui vẻ hơn. Mỗi người họ sẽ đến thăm những đứa trẻ vào 13 ngày trước Giáng sinh. Trẻ em sẽ đặt một chiếc giày ở cửa sổ phòng ngủ mỗi tối. Nếu chúng ngoan ngoãn, họ sẽ để lại kẹo hoặc những món quà nhỏ. Ngược lại, trẻ hư sẽ chỉ nhận được một củ khoai tây.
Trang trí cây bằng bằng mạng nhện ở Ukraine
Không như các nước châu Âu ăn mừng Giáng sinh vào ngày 25/12. Ở Ukraina sẽ muộn hơn một chút vào ngày 7 tháng giêng và Đêm Thánh dược gọi là Sviaty Vechir. Người dân Ukraine sử dụng mạng nhện để trang trí cho cây thông và cho rằng ai là người đầu tiên nhìn thấy mạng nhện trên cây thông vào buổi sáng Giáng sinh thì người ấy sẽ gặp may mắn cả năm.
Truyền thống này xuất phát trừ một truyền thống dân gian về một gia đình Ukraine nghèo, không có tiền để mua đồ trang trí cây thông vào dịp lễ. Bất ngờ vào buổi sáng ngày hôm sau, lũ trẻ trong nhà thức dậy và nhìn thấy cây thông được bao phủ đầy mạng nhện bằng vàng và bạc. Kể từ đó, người dân Ukraine cho rằng, phủ mạng nhện lên cây thông sẽ giúp gia đình sung túc, làm ăn phát tài.
Lễ hội đèn lồng khổng lồ của Philippines
Philippines là quốc gia có số người theo đạo Công giáo đông nhất nhì châu Á và Pampanga được coi là vùng đất “thiên thần hạ cánh” trong niềm tin Công giáo của người dân quốc đảo. Vì thế mà hằng năm, thành phố San Fernando, tỉnh Pampanga tổ chức Ligligan Parul (hay còn được gọi lễ hội đèn lồng khổng lồ) với những chiếc đèn lồng rực rỡ tượng trưng cho ngôi sao Bethlehem.
Những chiếc đèn này được gọi là parol, cách gọi này bắt nguồn từ chữ "farol" của Tây Ban Nha, có nghĩa là đèn lồng hoặc ánh sáng. Mỗi parol bao gồm hằng nghìn ngọn đèn chiếu sáng bầu trời đêm. Lễ hội đã biến San Fernando trở thành "Thủ đô Giáng sinh của Philippines."
Truyền thống giấu chổi và cây lau nhà ở Na Uy
Theo tín ngưỡng của của Na Uy, thì Giáng sinh là dịp phù thủy và ác quỷ xuất hiện, do đó vào dịp này, người dân Na Uy sẽ giấu hết những câu chổi và câu lau nhà của họ đi. Còn đàn ông sẽ xả súng của họ lên trời để xua đuổi tà ác.
Ngoài ra, đây cũng là đất nước nổi tiếng với việc tặng cây thông Noel cho nước Anh (được để tại quảng trường Trafalgar, trung tâm Luân Đôn) vào mỗi dịp Giáng sinh như một lời cám ơn dành cho người dân Anh đã giúp đỡ Na Uy trong Thế chiến thứ 2.
Giáng sinh tổ chức 2 lần 1 năm tại Úc
Trái ngược với các quốc gia trên toàn thế giới, thay vì đón Giáng sinh trong không khí mùa đông lạnh giá thì tại Úc, Giáng sinh lại rơi vào mùa hè. Thời tiết vào những ngày này ở đây thường lên tới 30 độ C, vì vậy sẽ không quá lạ lẫm khi các gia đình sẽ tìm đến các bãi biển để đón Giáng Sinh.
Tuy nhiên vào tháng 7 - tháng lạnh nhất của mùa đông tại Úc. Người dân ở đây sẽ xem Yulefest (hay còn gọi là Yuletide) như một ngày Giáng sinh không chính thức. Những hoạt động như ăn thịt nướng và quây quần trước lò sưởi với những món uống nóng được các gia đình yêu thích và trở nên phổ biến.
Trang trí cây cọ thay vì cây thông ở Ấn Độ
Ấn Độ có khoảng 2,3% dân số là người Ki tô hữu, nhưng do là quốc gia đông dân thứ 2 thế giới mà con số này cũng tương đương khoảng 25 triệu người. Những người Ki tô ở đây cũng đón giáng sinh rất nhộn nhịp và trao nhau quà tặng giống như bất kỳ nước nào khác trên thế giới. Nhưng thay vì dùng thông và cây linh sam làm biểu tượng cho ngày noel thì họ dùng cây cọ, xoài và chuối. Lá chuối cũng được trưng dụng làm đồ trang trí nhà thay cho lá nguyệt quế và một số loại khác.
Phong tục này đã có từ rất lâu đời, và khi đến đây vào mùa Giáng sinh, mọi người sẽ không phải ngước tầm mắt nhìn những cây thông noel cao ngút trời mà thay vào đó, hãy chụp ảnh cùng cây cọ, chuối và xoài.
Ngày Thánh Lucia ở Thụy Điển
Giáng sinh của người Thụy Điển bắt đầu bằng ngày Saint Lucia vào ngày 13 tháng 12. Lucia là một vị tử đạo thế kỉ thứ ba, người đã mang thức ăn đến cho những người đạo Thiên Chúa bị bắt bớ. Thông thường, người con gái lớn trong nhà vẽ chân dung St. Lucia, mặc áo choàng trắng vào buổi sáng và đeo vương miện làm từ cành cây với 9 ngọn nến, cô sẽ phục vụ cha mẹ mình bánh và cà phê hoặc rượu nghiền.
Mua xổ số Giáng Sinh Tây Ban Nha
Xổ số Giáng sinh của Tây Ban Nha, được gọi là El Gordo có từ năm 1812 và là một sự kiện lớn trong lịch lễ hội. Với quy tắc cho phép bán nhiều lần 1 số, dẫn đến có nhiều vé trúng thưởng ở nhiều thị trấn hoặc thành phố khác nhau. Tại Tây Ban Nha, gia đình, bạn bè và đồng nghiệp thường cùng nhau mua xổ số và coi đây là truyền thống của kỳ nghỉ lễ. Sau đó, mọi người sẽ cùng quây quần bên ti vi, đài phát thanh hoặc điện thoại, hồi hộp chờ đợi vận may vào ngày 22/12. Đây là giải xổ số của nhà nước và nhằm mục đích từ thiện.