Ra mắt cuốn sách Lịch sử Việt Nam từ nguồn gốc đến giữa thế kỷ XX

02/10/2014

Công ty Văn hóa & Truyền thông Nhã Nam trân trọng giới thiệu đến quý độc giả cuốn sách “LỊCH SỬ VIỆT NAM TỪ NGUỒN GỐC ĐẾN GIỮA THẾ KỶ XX” của nhà sử học – Giáo sư Lê Thành Khôi. Tác phẩm là sự kết hợp của hai chuyên khảo mang tính kinh điển về lịch sử và văn hóa Việt Nam từng được xuất bản tại Paris năm 1955 và 1982.

 Nhân dịp xuất bản bản dịch tiếng Việt, Trung tâm văn hóa và hợp tác Pháp, Nhã Nam và IDECAF hân hạnh  tổ chức buổi tọa đàm ra mắt cuốn sách, cụ thể như sau:

1.      Thời gian: Từ 18h đến 20h, thứ Ba, ngày 07 tháng 10 năm 2014

2.      Địa điểm: Thư viện IDECAF, số 31 Thái Văn Lung, Quận 1, TP. Hồ Chí Minh.

3.      Diễn giả: Dịch giả Nguyễn Nghị, Nhà nghiên cứu Pascal Bourdeaux

Trân trọng kính mời quý vị quan tâm và tham dự!.

A.     VỀ TÁC GIẢ LÊ THÀNH KHÔI

Lê Thành Khôi sinh ngày 3.5.1923 tại Hà Nội. Sang Pháp năm 1947 và bảo vệ thành công Luận án Tiến sĩ về kinh tế học ở Paris năm 1949, sau đó, ông tốt nghiệp Học viện Luật pháp Quốc tế tại Den Haag, Hà Lan, rồi lấy bằng Cử nhân Văn chương ở Trường Đại học Sorbonne, học Hán ngữ tại Trường Ngoại ngữ phương Đông ở Paris. Năm 1968, ông hoàn thành Luận án Tiến sĩ về Công nghệ Giáo dục và bảo vệ lấy học vị Tiến sĩ nhà nước về văn khoa và khoa học xã hội.

Trang thông tin du lịch và phong cách sống Travellive+
Trang thông tin du lịch và phong cách sống Travellive+

Hoạt động trên nhiều lĩnh vực, nhiều ngành và tổ chức khoa học, Lê Thành Khôi đã giảng dạy tại Đại học Paris (Khoa Luật và Kinh tế học), Viện Khoa học Kinh tế Ứng dụng, Đại học Caen, Đại học Nanterre, Trường Cao đẳng Thực hành (École Pratique des Hautes Etudes), nghiên cứu ở Viện Nghiên cứu Phát triển Kinh tế và Xã hội (IEDES). Từ năm 1963, ông được mời làm tư vấn cho một số tổ chức quốc tế như Tổ chức Giáo dục, Khoa học và Văn hóa của Liên hiệp quốc (UNESCO), Phòng Quốc tế Lao động (BIT, Genève), Cục Hợp tác Văn hóa và Kỹ thuật các nước Pháp ngữ (ACCT), Trường Đại học của Liên hiệp quốc ở Tokyo, Chương trình UNDP. Năm 1971, ông được bầu làm Giáo sư Đại học Paris V (René Descartes). Cùng với công tác giảng dạy, ông vẫn tiếp tục làm tư vấn cho các tổ chức quốc tế và thỉnh giảng tại nhiều trường đại học trên thế giới.

Lê Thành Khôi có 25 công trình  nghiên cứu khoa học với tư cách tác giả, 33 công trình là đồng tác giả đã xuất bản. Ngoài ra, ông còn viết hàng trăm luận văn khoa học đăng tải trên nhiều tạp chí khoa học ở Pháp và quốc tế.

B.     VỀ TÁC PHẨM “LỊCH SỬ VIỆT NAM TỪ NGUỒN GỐC ĐẾN GIỮA THẾ KỶ XX”

Bản dịch “LỊCH SỬ VIỆT NAM TỪ NGUỒN GỐC ĐẾN GIỮA THẾ KỶ XX” là sự kết hợp của hai chuyên khảo mang tính kinh điển về lịch sử và văn hóa Việt Nam của Giáo sư Lê Thành Khôi. Đó là cuốn Le Viêt-Nam, Histoire et Civilisation (Việt Nam, Lịch sử và Văn minh, Nxb Minuit, Paris, 1955) và Histoire du Viêt Nam, des origines à 1858 (Lịch sử Việt Nam, từ nguồn gốc đến năm 1858, Nxb Sud-Est Asie, Paris, 1982). Đây là hai công trình có giá trị khoa học cao, được sử dụng phổ biến trong các trường đại học và các tổ chức nghiên cứu và đào tạo về Việt Nam, đã gây ảnh hưởng sâu rộng trong giới học sinh, sinh viên, trí thức không chỉ ở Pháp và Việt Nam mà còn trên phạm vi thế giới, góp phần phổ biến một hình ảnh trung thực về lịch sử và văn hóa Việt Nam. Đây là những công trình được các nhà Việt Nam học hàng đầu như Georges Condominas, Charles Fourniau coi như sách tham khảo căn bản mà họ gần như lệ thuộc khi nghiên cứu lịch sử Việt Nam.

“Tính cách dân tộc Việt Nam thường không được các tác giả châu Âu biết đến. Các tác giả này chỉ nhìn thấy Việt Nam vay mượn của Trung Quốc các thể chế và ngôn ngữ chính thức và cũng chỉ thấy Việt Nam nhìn nhận quyền tôn chủ của Trung Quốc.

Thực ra, Việt Nam đã không sao chép nguyên xi guồng máy nhà nước Trung Hoa mà thích nghi guồng máy này vào bối cảnh riêng của mình và chế độ chư hầu hoàn toàn chỉ có trên danh nghĩa. Đây không phải là một tình trạng lệ thuộc chính trị thực sự, mà là một sự ngưỡng mộ đối với nền văn hóa Trung Hoa cũng như một thái độ ngoại giao đối với cường quốc lớn nhất tại Viễn Đông; các nhà vua Việt Nam, ý thức được thế yếu của mình, đã luôn tìm cách mơn trớn lòng kiêu hãnh của Trung Quốc. Do đó, ngay cả khi đánh bại được các cuộc xâm lăng, nhà vua cũng không hoàn toàn rũ khỏi quyền tôn chủ của Trung Quốc: như Trần Nhân Tông đối với quân Nguyên, Lê Lợi đối với nhà Minh, Quang Trung đại thắng quân Thanh. Suy nghĩ của Quang Trung vào năm 1789 giải thích rõ cách xử sự này: “Nước của họ mười lần lớn hơn nước chúng ta. Trẫm e rằng sau cuộc đại bại này, lòng tự ái sẽ thúc đẩy họ tìm cách trả thù. Nếu chiến tranh tiếp diễn, nhân dân sẽ cực khổ biết chừng nào!” Chính để cho dân tránh khỏi nỗi cực khổ này mà các nhà vua đã chấp nhận một thái độ mềm dẻo không làm tổn thương lòng tự ái của Trung Quốc để bảo đảm hòa bình và độc lập cho dân tộc.

Thực ra, cả việc tấn phong lẫn việc triều cống vốn biểu lộ rõ tính chất chư hầu cũng không làm tổn thương tính dân tộc này. Việc tấn phong nhà vua chỉ là một cử chỉ mang tính nghi thức tương đương như việc thừa nhận theo quy tắc hiện đại. Nó không kéo theo một quan hệ lệ thuộc cả trong lĩnh vực đối nội lẫn trong lĩnh vực đối ngoại (trong đó quyền lực tôn chủ chỉ can thiệp khi có yêu cầu của chư hầu). Nếu nhà vua có chấp nhận được phong làm “An Nam quốc vương”, thì đối với thần dân của mình và đối với tất cả các nước khác ngoài Trung Quốc, nhà vua vẫn xưng mình là hoàng đế, vị hoàng đế trong vương quốc của mình mà ngài sẽ gọi là Đại Cồ Việt (968), Đại Việt (1054), Việt Nam (1804), Đại Nam (1828) chứ không phải An Nam. […]

Bởi vì nhà vua nắm quyền hành trong tay không phải từ hoàng đế, mà là từ “thiên mệnh”, nghĩa là, rốt cuộc, từ sự đồng thuận của dân, nên nhà vua Việt Nam khẳng định một cách mạnh mẽ sự độc lập của mình và đất nước của nhà vua cũng tự khẳng định mình là một Quốc gia, “phương Nam”, cũng “văn hiến”, nhưng khác với Trung Quốc, “phương Bắc”.

                                          (Trích “Lịch sử Việt Nam, từ nguồn gốc đến giữa thế kỷ XX”)

 

Cuốn sáchLỊCH SỬ VIỆT NAM TỪ NGUỒN GỐC ĐẾN GIỮA THẾ KỶ XX” của tác giả Lê Thành Khôi do Công ty Văn hóa & Truyền thông Nhã Nam phối hợp với NXB Thế giới ấn hành.

 

RELATED ARTICLES