Theo chân người du mục chăn tuần lộc ở Mông Cổ

16/10/2021

Dukha là bộ lạc chăn nuôi tuần lộc di cư cuối cùng ở Mông Cổ. Qua nhiều thế hệ, họ vẫn rong ruổi trên lưng tuần lộc, sống trong khu rừng Tagai gần biên giới nước Nga và di chuyển qua lại những cánh đồng khi mỗi mùa đông hoặc hè đến. Nhưng hiện nay, đối mặt với thách thức chồng chất của cuộc sống, người Dukha buộc phải đưa ra những quyết định khó khăn về truyền thống và tương lai của chính bộ tộc mình.

Một buổi sáng sương mù bao phủ khắp thung lũng gần ngôi làng nhỏ Hatgal, một nơi phía nam của hồ Khovsgol ở miền Trung Bắc Mông Cổ. Nhìn lướt qua những rặng thông rụng lá, khó có thể phân biệt được bóng của những con tuần lộc và những người chủ chăn gia súc. Tại đây, nhiếp ảnh gia người Bỉ Régis Defurnaux đã có cuộc gặp gỡ đặc biệt với những người trong bộ tộc chăn nuôi tuần lộc bán du mục mà tiếng địa phương gọi là Dukha, hay Tsaatan.

Darima Delger (64 tuổi) và chồng, Uwugdorj Delger (66 tuổi), đang thu dọn đồ đạc và tháo nhỏ một cái bếp han gỉ. Họ ném chiếc áo khoác lên vai đứa cháu đang vắt vẻo ngồi trên lưng một con tuần lộc. Cả đàn đứng yên như một bức tranh tĩnh, chờ đợi để khởi hành. Âm thanh va chạm của những chiếc lều, xen lẫn với một tràng tiếng người nói, là dấu hiệu gần như chắc chắn của một cuộc di chuyển đến những đồng đỏ mới khi mỗi mùa thay đổi. Khi mùa đông đến, đàn ông thường ở cùng đàn tuần lộc trong các thung lũng hẻo lánh gần biên giới Nga để bảo vệ chúng khỏi những con sói đói, còn phụ nữ ở lại làng để giám sát việc học hành của con cái.

Một buổi sáng đầy sương mù giữa khu trại của gia đình Delger.

Một buổi sáng đầy sương mù giữa khu trại của gia đình Delger.

Gia đình Darima và Uwugdorj là thành viên của một nhóm nhỏ người Dukha. Chỉ còn lại vài trăm người của bộ tộc này ở đây, tại miền Bắc Mông Cổ. Cuộc sống của họ xoay quanh những con tuần lộc đã được thuần hoá, chúng cung cấp nhiều sản phẩm đáp ứng nhu cầu hàng ngày, ví dụ như sữa (dùng để pha trà, làm sữa chua và phô mai), da thuộc (để làm vải vóc, trang phục) và phương tiện đi lại, hay những chiếc gạc mượt như nhung được bán để sử dụng làm thuốc và thực phẩm chức năng. Vì phải luôn di chuyển cộng với thời tiết lạnh giá, họ khó có thể trồng trọt hay kiếm được nguồn thực phẩm nào khác. Người Dukha không ăn thịt tuần lộc, trừ khi đó là những con vật không còn khả năng đi lại. Có lẽ khoảng một đến hai năm mới có con tuần lộc bị giết để lấy thịt.

Sumya Batbayar (19 tuổi), một chàng trai Dukha, đang dẫn đàn tuần lộc băng qua tuyết để đến một cánh đồng mùa đông.

Sumya Batbayar (19 tuổi), một chàng trai Dukha, đang dẫn đàn tuần lộc băng qua tuyết để đến một cánh đồng mùa đông.

Quyết định di chuyển cả đàn không hề đơn giản. Uwugdorj giải thích, những năm trước, khoảng mỗi tháng họ di chuyển đàn tuần lộc một lần. "Thực ra, nói đúng hơn phải là ta đi theo chúng" - ông cười, "Những con tuần lộc thông minh lắm".

Nhưng giờ đây, mọi chuyện không còn dễ dàng như vậy nữa, khi chu kỳ mưa và tuyết ngày một thay đổi thất thường. Thời tiết trong rừng Taiga - khu rừng cận Bắc Cực nơi các loài động vật sinh trưởng mạnh mẽ, cũng trở nên khó dự đoán hơn. Địa y, loại thực phẩm chính trong chế độ ăn của tuần lộc, có khả năng sống sót đặc biệt mong manh do biến đổi khí hậu. Chưa kể tới việc quần thể tuần lộc ở Mông Cổ cũng đang suy giảm nặng nề bởi ảnh hưởng của dịch bệnh hay bị sói rừng ăn thịt.

Trang thông tin du lịch và phong cách sống Travellive+

"Nếu tính toán sai, chúng tôi có thể khiến cả đàn gặp nguy hiểm" - Uwugdorj vừa nói vừa kiểm tra dây đai của chiếc yên ngựa. Xong xuôi, ông nhảy lên lưng con tuần lộc, bắt đầu cuộc rong ruổi dài dằng dặc, dọc theo con đường phủ đầy tuyết.

Darima Delger trên lưng con tuần lộc.

Darima Delger trên lưng con tuần lộc.

Trên lưng ngựa, nhà nhiếp ảnh Régis Defurnaux khó có thể theo kịp đàn. So với tuần lộc, ngựa di chuyển chậm chạp và nặng nề như voi. Dù bị thương ở đầu gối, Uwugdorj vẫn len lỏi vào giữa những rặng thông và nhanh chóng biến mất khỏi tầm mắt anh. Cùng với Darima và con gái của hai ông bà, Régis giúp tìm kiếm những con tuần lộc đang yếu bệnh do cái lạnh mùa đông. Anh nhận thấy những ánh mắt tâm tư trên khuôn mặt cả gia đình. “Nếu một ngày mất đi tuần lộc, chúng tôi coi như mất tất cả" - Darima thủ thỉ.

Người Dukha ngủ trong những chiếc lều trắng được gọi là ortz.

Người Dukha ngủ trong những chiếc lều trắng được gọi là ortz.

Sau khi đến đồng cỏ mới trong cơn mưa tầm tã, họ nhanh chóng dựng lều. Tổng cộng có khoảng 20 gia đình cũng đang trong quá trình di chuyển đàn. Darima đi vắt sữa tuần lộc. Sau khi sắp xếp xong công việc, mọi người quây quần bên đống lửa tí tách.

Empty
Empty
Magser Batbayar (một người Dukha) đang dò sóng điện thoại để gửi tin nhắn cho vợ trên cánh đồng mùa đông.

Magser Batbayar (một người Dukha) đang dò sóng điện thoại để gửi tin nhắn cho vợ trên cánh đồng mùa đông.

Darima Delger đang chuẩn bị trà cho gia đình.

Darima Delger đang chuẩn bị trà cho gia đình.

Ông Uwugdorj kể, người Dukha có nguồn gốc từ vùng Tuva, phía bắc nước Nga. Tuva từng là một quốc gia độc lập trước khi được Liên Xô sáp nhập vào năm 1944. Khi biên giới phía bắc Mông Cổ được vẽ lại, cuộc sống của bộ tộc Dukha đã thay đổi chóng mặt - các gia đình ly tán, những cuộc di chuyển đến các đồng cỏ của người du mục cũng bị hạn chế, nhiều người trở thành dân tị nạn ở khắp nơi. Uwugdorj nhớ lại, ngày xưa nhờ vào việc bán những miếng da tuần lộc cho các khách hàng giàu có, gia đình ông mới đủ tiền tiết kiệm để xây một ngôi nhà ở ngôi làng Tsagaannuur, phía tây hồ Khovsgol, cho con cháu được đi học đàng hoàng hơn.

Mỗi khi hè đến, khách du lịch từ Trung Quốc, Israel, Mỹ hay New Zealand sẽ tham quan khu rừng Taiga và khám phá cuộc sống du mục trên lưng tuần lộc của ngừoi dân nơi đây. Nhưng không phải tất cả các gia đình Dukha đều kiếm được tiền từ các hoạt động du lịch này. Thay vào đó, họ kiếm sống bằng nghề bán hạt thông rừng và gạc nhung, cùng với những khoản trợ cấp nhỏ. Mặc dù, theo Dawasurun Mangaljav (28 tuổi), một cô gái người Dukha, "số tiền ấy cũng không đủ để chúng tôi nuôi gia đình".

“Người ta nghĩ cái gì của chúng tôi cũng miễn phí" - Dawasurun nói, "Trên thực tế, tiền nong là một vấn đề dai dẳng”. Trong suốt mùa hè, những đứa con của cô sống cùng với cha mẹ trong rừng. Chỉ khi phụ huynh có đủ khả năng chi trả học phí, các em mới có thể quay trở lại trường học vào tháng 9 hàng năm.

Một con tuần lộc nằm nghỉ dưới ánh hoàng hôn.

Một con tuần lộc nằm nghỉ dưới ánh hoàng hôn.

Năm 2012, sau khi ban hành lệnh cấm săn bắt các loại thú rừng nhằm bảo tồn thiên nhiên, Chính phủ Mông Cổ đã tiến hành trợ cấp hàng tháng cho người Dukha để đền bù. Nhiều gia đình đã sử dụng số tiền đó chuyển đến sống định cư tại một số ngôi làng có trường học, bệnh viện để tiện cho con cái đi học, chấm dứt cuộc sống du mục với đàn tuần lộc và những túp lều trong rừng.

Uwugdorj nói với nhiếp ảnh gia Régis, "Chúng tôi không phải là những bức tượng sáp trong viện bảo tàng. Chúng tôi cũng giống như đàn tuần lộc: luôn trên hành trình di chuyển".

Sumya Batbayar và anh trai Dawaadorj trên đường dẫn đàn tuần lộc đến một cánh đồng khi đông về.

Sumya Batbayar và anh trai Dawaadorj trên đường dẫn đàn tuần lộc đến một cánh đồng khi đông về.

Và dù còn nhiều khó khăn và đầy thách thức, người Dukha - gánh lấy trách nhiệm là bộ lạc chăn nuôi tuần lộc di cư cuối cùng ở Mông Cổ - vẫn kiên trì gìn giữ bản sắc văn hoá truyền thống của lối sống bán du mục, họ gọi đó là một cuộc chiến sinh tồn.

An - Nguồn: The New York Times, Ảnh: Régis Defurnaux
Trang thông tin du lịch và phong cách sống Travellive+
Trang thông tin du lịch và phong cách sống Travellive+
Trang thông tin du lịch và phong cách sống Travellive+
RELATED ARTICLES