Miền đất của bầu trời xanh
Rời khỏi Ulaanbaatar tắc nghẽn giao thông, nơi sinh sống của chừng một nửa trong tổng số ba triệu dân Mông Cổ, ta có có cảm giác như đang đi tới một hành tinh khác.
Tại vùng ngoại ô của thành phố lớn nhất nước này, các toà nhà dân cư và các nhà máy nhanh chóng nhường chỗ cho cảnh hoang vu như thể trên Mặt Trăng, trải dài tới tận chân trời.
Miền đất dưới bầu trời vĩnh viễn xanh, như Mông Cổ vẫn thường được gọi vậy, hầu như quanh năm không bóng mây. Nhưng ánh nắng chan hoà rất dễ đánh lừa ta. Hầu hết đất đai Mông Cổ có địa hình khắc nghiệt, gồm các thảo nguyên trải rộng chỉ có cỏ với lác đác bóng cây và những cấu trúc do con người tạo nên, khiến gió cuộn lộng trên bề mặt.
Thời tiết đặc biệt khắc nghiệt trong mùa đông, khi gió Siberia từ phía bắc thổi xuống mang theo cái lạnh cùng cực, làm nhiệt độ thường xuyên xuống dưới âm 40oC.
Đông cứng giữa băng đá
Nằm ở vùng Bắc Mông Cổ, gần biên giới với Nga, hồ Khövsgöl là hồ nước ngọt lớn nhất nước, trải rộng 2.620 km2 và ở nơi sâu nhất sâu đến 233 m.
Lớp nước trong vắt khiến hồ được đặt biệt danh "viên ngọc lục bảo của Mông Cổ". Mỗi năm có ít nhất sáu tháng hồ này bị đóng băng dày hàng mét, dư sức để con người, gia súc và thậm chí các phương tiện xe cộ đi bên trên.
Trước khi bắt đầu mỗi ngày giá lạnh, cư dân nơi này trèo lên đỉnh một tảng đá thiêng để tỏ lòng tôn kính thần hồ. Một khi thần hồ Khövsgöl hài lòng thì mặt nước mới trở thành nơi an toàn cho ta bước xuống.
Hơi thở sự sống
Trong sự lắng đọng của buổi sáng, không khí nơi này tràn ngập những âm thanh nổ lốp bốp và tiếng nứt vỡ. Mặt hồ Khövsgöl trông như thể đóng băng vĩnh viễn, nhưng lớp băng thật ra lại có hơi thở, có sự sống của nó.
Tan dần vào những ngày nhiệt độ ấm, tấm thảm băng nở rộng ra, tạo thành những vết nứt trên mặt hồ và rồi lại đông cứng khi hoàng hôn xuống, tạo thành những vết rạn chằng chéo phức tạp như mạng nhện.
Lối sống cổ xưa
Mông Cổ có diện tích quãng bằng với phần Tây Âu, nhưng dân số ít hơn 130 lần, khiến cho nước này trở thành quốc gia có mật độ dân số thưa nhất thế giới.
Cuộc sống bên ngoài các khu đô thị vẫn còn hầu như giữ nguyên như từ hàng thế kỷ trước, khi ngựa hoang sải vó trên những thảo nguyên bất tận.
Các ngành công nghiệp khai thác mỏ đồng, mỏ than và kim loại quý đang phát triển nhanh chóng đã làm thay đổi nền kinh tế trong vài thập niên qua, nhưng nông nghiệp và nuôi thả gia súc vẫn là nền tảng cho đời sống của người dân Mông Cổ. Các gia đình sống trên thảo nguyên cần dựa vào đàn gia súc để kiếm sống, để đi lại, để có thực phẩm và để sinh tồn.
Vô cùng khéo léo
Nhiều gia đình chăn thả gia súc sống đời sống bán du cư, xua đàn ngựa hoặc đàn tuần lộc của mình tới những nơi có cỏ mọc xanh tốt trong lúc vẫn sống gần với một ngôi làng nào đó để có điều kiện được chăm sóc y tế và đáp ứng các nhu cầu cộng đồng khác.
Bởi gió thổi suốt mùa đông, những người mục đồng tìm cách hạ trại ở một địa điểm lặng gió trong thung lũng hoặc gần một ngọn đồi để tránh lạnh. Họ khó có thể sống cuộc đời rong ruổi đó nếu như không có được một cái ger, tức ngôi nhà di động của người du cư Mông Cổ.
Kiểu nhà hình tròn giúp cho ger cách nhiệt khỏi những trận gió kéo dài không dứt và giúp nhiệt lượng được tản đều ra từ lò sưởi đốt bằng củi, tâm điểm của ngôi nhà cả về thực tế cũng như về tinh thần. Ger được thiết kế để khoảng năm người có thể ngồi trong đó cả giờ đồng hồ, cho phép các gia đình di chuyển nhanh chóng cùng đàn gia súc.
Chia sẻ khó khăn
Ngựa là loài vật chiếm phần đặc biệt quan trọng trong bản sắc Mông Cổ. Không có hàng rào hay chuồng nhốt nào để giữ ngựa bên trong, ngựa nhà sống thành đàn, di chuyển tự do từ đồng cỏ này sang đồng cỏ khác. Trong những tháng mùa đông khắc nghiệt, chuyện sinh tồn của chúng luôn là mối quan tâm của nhiều người.
Tình trạng thời tiết dzuz - tức là hạn hán vào mùa hè và cực lạnh giá vào mùa đông ngay sau đó khiến các trảng cỏ bị thu hẹp đi ghê gớm - trước kia chỉ xảy ra chừng mười năm một lần, nhưng gần đây xuất hiện thường xuyên hơn, nghiệt ngã hơn.
Đến bên nhau
Bất chấp những khó khăn phải đối diện, người dân vẫn tìm các cách để tôn vinh mùa đông và ăn mừng cho sự sinh tồn của mình.
Vào tháng 3 hàng năm, khi mùa xuân tới, người Mông Cổ trên cả nước tới hồ Khövsgöl để dự Lễ hội Băng Khövsgöl. Để đến được đây không phải là chuyện dễ dàng. Không có mấy đường sá được trải nhựa, hầu hết mọi người từ xa tới bằng cách vượt qua những đoạn đường gập ghềnh không biển báo chỉ dẫn.
Mang theo một bình tsai - thứ hỗn hợp gồm nước, sữa, trà đen hoặc trà xanh, và một chút muối - và một gói khuushuur mới rán (một dạng bánh nhân thịt), các gia đình tụ tập nơi nước hồ đóng băng sâu hàng mét để ăn mừng dịp kết thúc thời gian khó khăn nhất trong năm.
Trò chơi truyền thống
Lễ hội trở nên nổi tiếng đối với du khách trong những năm gần đây. Trong thời gian hai ngày, mọi người có thể quan sát và tham gia các trò chơi truyền thống của người Mông Cổ.
Trong ngày đầu tiên của lễ hội, các xe ngựa kéo chạy qua chạy lại trên khắp mặt hồ đông cứng, và các vị khách thì tranh đua trong các trò chơi truyền thống như kéo co và bắn cung.
Ngày thứ hai được dành để tổ chức các cuộc thi lớn như đua xe ngựa kéo và làm tượng điêu khắc trên đá.
Ăn mừng
Từ các tỉnh khác nhau, từ các bộ lạc, sắc tộc và các nhóm tôn giáo khác nhau, du khách tới sống trong các ger dựng ở trên và xung quanh hồ, cùng nhau tỏ thái độ trân trọng sâu sắc đối với thiên nhiên. Dẫu cho phải đối diện với nhiều khó khăn trong những tháng mùa đông như tâm trạng chung của mọi người đều rất vui vẻ.
Vào ban đêm, trước khi thầy cúng gọi đám đông tới quanh đống lửa mừng, những người tham dự tụ tập quanh các bàn để đầy đồ ăn lặt vặt như aaruul (váng phô-mai khô) và boortsog (bột chiên phồng). Tsai bày ê hề cùng các bát đựng airag (sữa ngựa lên men) để mọi người chuyền tay nhau uống.
Màn trời đêm bên ngoài thì lạnh, nhưng không khí trong ger rất ấm cúng.