Abu Simbel - Di tích Ai Cập cổ đại suýt bị nhấn chìm dưới sông Nile

17/09/2020

Dọc theo dòng sông Nile huyền thoại, những di tích tráng lệ như đền thờ vua Ramesses II tại Abu Simbel và thánh đường Isis tại Philae từng đứng trước nguy cơ bị nhấn chìm dưới lòng sông.

Sông Nile, con sông dài nhất thế giới, chảy xuyên từ phía nam xuống phía bắc Ai Cập và tuôn chảy ra biển Địa Trung Hải. Dọc theo dòng sông, người Ai Cập cổ đại đã để lại rất nhiều kỳ quan cho nhân loại. Khu vực khảo cổ Abu Simbel là một trong số các kỳ quan đó, đóng vai trò quan trọng không chỉ đối với Ai Cập mà đối với cả thế giới. Khu vực khảo cổ nổi bật này chứa những di tích tráng lệ như đền thờ vua Ramesses II tại Abu Simbel và thánh đường Isis tại Philae.

Empty

Ramesses II là một vị vua hùng mạnh nhất trong các pharaoh Ai Cập. Ông trị vì lâu nhất (từ năm 1279 đến năm 1213 TCN) và cũng là một vị vua có nhiều công trình xây cất lăng tẩm và điêu khắc ấn tượng nhất trong tất cả mọi vương triều Ai Cập cổ đại. Pharaoh Ramesses II cho dựng các công trình dọc theo sông Nile để ghi lại những chiến công của mình, trong đó có công trình nổi tiếng Abu Simbel, không chỉ là một kỳ quan nghệ thuật về kiến trúc mà còn là một kỳ quan về thiên văn học của nền văn minh Ai Cập cổ xưa.

Empty

Khu đền Abu Simbel được khởi công xây dựng ngay khi triều đại vua Ramesses II bắt đầu, hoàn tất trong khoảng thời gian 24 năm, là một trong 6 ngôi đền đá được dựng lên tại khu vực Nubia trong suốt thời kỳ trị vì của Pharaoh Ramesses II. Khu vực gồm hai ngôi đền lớn, tạc vào sườn núi đá, nằm trên bờ tây của hồ nhân tạo Nasser, cách thành phố Aswan khoảng 230 km về phía tây nam. Đây được cho là một trong những địa điểm có nền văn minh sớm nhất của châu Phi cổ đại.

Khu đền được xây dựng để thờ ba vị thần Ai Cập cổ đại: thần sáng tạo Ptah (thần của các vị thần), Amun-Re (thần mặt trời), Re-Harakti (thần bổn mạng của Pharaoh), đồng thời thờ cả chính Ramesses II ngay khi ông vẫn còn đang sống và tại vị. Đây cũng là tượng đài kỷ niệm chiến thắng của Pharaoh Ramesses II tại trận Kadesh, trận đánh giữa Đế quốc Ai Cập với Đế chế Hittite (tồn tại ở Anatolia Bắc Trung Đông từ khoảng 1600 - 1178 TCN, ngày nay là một phần của Thổ Nhĩ Kỳ); được cho là một trong những trận đánh bằng xe ngựa lớn nhất thời bấy giờ với sự tham gia của 5.000 - 6.000 chiến xa.

Abu-Simbel-4

Các ngôi đền được tạo tác ngay trực tiếp trên đá sa thạch, ban đầu là dạng thô rồi mới hoàn thiện theo quy chuẩn xây dựng kim tự tháp và lăng mộ ở Thung lũng các vị vua. Đền lớn cao khoảng 30 m và dài khoảng 36 m, ở mặt chính của ngôi đền là 4 pho tượng khổng lồ cao khoảng 22m, được tạc từ hình tượng nguyên bản của Pharaoh Rammsses II trong tư thế ngồi với ánh mắt cương nghị đang nhìn về phía trước, đội vương miện đôi Atef tượng trưng cho Pharaoh của cả xứ Ai Cập thời đó. Mỗi bức tượng đều được đội các loại vương miện khác nhau biểu tượng cho các vùng Thượng Ai Cập và Hạ Ai Cập vào thuở đó. Tuy nhiên, sau một trận động đất bức tượng thứ hai bên trái bị sập mất phần đầu, rơi xuống ngay phía chân của ngôi đền, nên ngày nay khi đến tham quan, du khách sẽ chỉ được chứng kiến 3 bức tượng còn nguyên vẹn.

Empty

Cửa chính của đền dẫn du khách vào một hang động sâu trong vách đá khoảng 70 m, với cấu trúc giống các ngôi đền cổ xưa là càng đi vào trong thì đường càng hẹp dần. Hai bên hành lang được tạc 8 pho tượng thần Osiris khổng lồ - vị thần cai quản địa ngục và tượng trưng cho cái chết. Trên hai bức tường phía sau các bức tượng cũng được trang trí với rất nhiều các bức phù điêu tái hiện sống động hình ảnh những chiến công lẫy lừng của vua Rameses II như trận đánh tại Syria, Libya và Nubia… Bên cạnh đó, có những bức lại miêu tả đời sống thường ngày của vua ở hậu cung, có bức thì nói về quá trình giao tiếp giữa nhà vua với các thần linh Ai Cập hay những hình ảnh thần thánh hóa Pharaoh Ramesses II. Dù thời gian đã trôi qua hàng nghìn năm nhưng những nét chạm khắc tinh xảo ấy như vẫn còn nguyên vẹn, chứng minh bàn tay khéo léo của người xưa.

Trang thông tin du lịch và phong cách sống Travellive+
Abu-Simbel-6
abu-simbel-aswan-egypt-backpackers-image-17
abu-simbel-aswan-egypt-backpackers-image-18

Bước qua hành lang, du khách sẽ được nhìn thấy một điện thờ chính với bốn bức tượng của thần Ptah, thần Amun-Re, thần Re-Harakti và Ramesses II được đặt trên các bệ thờ. Cách sắp xếp các bức tượng trong ngôi đền Abu Simbel cũng là một sự tính toán hết sức tài tình của người Ai Cập cổ đại. Vào ngày 20 của tháng 2 và tháng 10 hàng năm, ánh bình minh sẽ chiếu thẳng vào bức tượng thần Amun-Re rồi từ từ rọi sang các tượng kế bên là Ramesses II và Re-Harakrti nhưng lại không bao giờ chiếu đến thần Ptah vì người Ai Cập quan niệm thần Ptah là vị thần muôn đời ở trong bóng tối.

Abu-Simbel-7

Ngoài ra còn có một công trình kiến trúc nhỏ như đền thờ nữ thần Hathor và hoàng phi Nefertati của vua Ramesses II. Ngôi đền nhỏ của Nefertari chỉ cao khoảng 12 m và dài tầm 30 m, cách đền lớn khoảng 100 m về phía đông bắc. Mặt chính của đền được khắc sáu bức tượng khổng lồ với bốn bức tượng của Pharaoh Ramesses II và hai bức là hoàng phi Nefertari. Bên trong của đền cũng được trang trí bằng các bức phù điêu mô tả hình ảnh Pharaoh và hoàng phi đang dâng lễ vật cho các vị thần Ai Cập.

Empty

Theo thời gian, ngôi đền bị lãng quên và bị cát bụi thời gian bao phủ. Đến những năm 600 TCN, cát đã phủ kín đến tận đầu gối các bức tượng trong ngôi đền chính. Năm 1813, nhà thám hiểm người Thụy Sĩ Johann Ludwig Burckhardt được một cậu bé địa phương tên là Abu Simbel dẫn đến vị trí này và tìm thấy bức phù điêu trên nóc của ngôi đền chính.

Burckhardt đã kể lại khám phá của mình với nhà thám hiểm người Ý Giovanni Belzoni, ông đã đến địa điểm này với mong muốn đánh thức hai ngôi đền thờ Pharaoh Ramesses II và hoàng phi Nefertari sau hơn 3.000 năm ngủ yên dưới lòng cát, nhưng không thể tìm ra lối vào. Bốn năm sau, Belzoni trở lại vào năm 1817, lần này ông đã thành công trong nỗ lực đi vào khu đền thờ. Tuy trải qua thời gian dài thử thách với khí hậu khắc nghiệt, nhưng có lẽ nhờ những trận bão cát đã chôn vùi di tích Abu Simbel vào lòng sa mạc nên di tích này mới may mắn còn tồn tại đến ngày nay.

Empty

Đã có rất nhiều cuộc thăm dò, khai quật và nghiên cứu tại di chỉ này nhưng đến nay vẫn chưa thể tìm được nguồn tư liệu xác thực nào có liên quan đến việc xây dựng đền. Các nhà khoa học đã phải tiến hành giám định và chắp nối nhiều nguồn tư liệu khác nhau để có lời giải cho ý nghĩa cũng như cách người Ai Cập cổ tạo nên những công trình kỳ vĩ như Abu Simbel.

Theo đó, những thợ khắc đá đã phải tặc những pho tượng khổng lồ ở dạng thô theo kích thước của người họa sĩ phác họa. Nhóm thợ thực hiện phần thô chỉ cần tạc pho tượng sau vào trong vách đá. Sau đó công đoạn tiếp theo đến những thợ lành nghề tạo hình dáng cho pho tượng và các nghệ nhân tiếp tục thực hiện công đoạn cuối cùng tạc nên khuôn mặt, hình thái pho tượng. Tất cả các tấm phù điêu chạm khắc bên trong và bên ngoài đều được thực hiện cũng theo công đoạn trên.

Empty

Có thể nói, trong vô vàn các ngôi đền của Ai Cập thì Abu Simbel là công trình phải chịu nhiều biến cố nhất. Trong các năm 1902 và 1971, hai công trình thủy lợi khổng lồ là đập Aswan và đập High được xây dựng tại thành phố Aswan, phía nam Ai Cập. Dưới chân những con đập này, một hồ nhân tạo lớn nhất thế giới có tên Nasser cũng hình thành với diện tích 5.250km2, dài 510km, rộng từ 5 - 35 km. Các công trình này đem lại rất nhiều lợi ích cho người dân Ai Cập thời bấy giờ, với diện tích đất canh tác tăng lên 30%, lượng điện năng sản xuất ra cho đất nước cũng tăng gấp đôi trước đó. Nhưng di tích Abu Simbel có nguy cơ bị nhấn chìm trong lòng sông Nile.

Nhà chức trách Ai Cập buộc phải nghĩ cách di dời các ngôi đền để bảo tồn di sản. Đây quả là công việc vô cùng khó khăn và tốn kém. Cuối cùng, Ai Cập, với sự trợ giúp của UNESCO, đã giải cứu di tích Abu Simbel bằng cách cắt ngôi đền ra thành hơn 13.000 mảnh nhỏ và đưa lên độ cao hơn 65 m so với mực nước sông Nile rồi kết nối lại với nhau trong hơn 8 năm trời, để hậu thế có cơ hội thưởng ngoạn di tích cổ đại có một không hai này.

Empty

Năm 1979, Tổ chức Khoa học, Giáo dục và Văn hóa của Liên hiệp quốc UNESCO đã công nhận các di tích Nubia từ Abu Simbel đến Philae của Ai Cập là Di sản Văn hóa Thế giới. Đây là một kỳ quan được xếp thứ hai, chỉ sau những kim tự tháp vĩ đại, khiến chúng ta không thể giải đáp được tại sao từ hơn 3.300 năm trước mà người Ai Cập cổ đại đã có được một nền văn minh và những kiến thức thiên văn học tuyệt vời như thế.

Hương Thảo - Nguồn: Tổng hợp
Trang thông tin du lịch và phong cách sống Travellive+
RELATED ARTICLES