Sinai - Nửa châu Á lạ lùng của Ai Cập

19/09/2017

Từ nhỏ, đọc về Ai Cập qua Kinh Thánh, tôi ngỡ miền đất này là một xứ sở xa xôi nào ẩn hiện mơ màng trong sách. Tôi bị ám ảnh và tưởng tượng về nó bởi câu chuyện nổi tiếng trong Kinh Cựu Ước đã từng đi vào phim ảnh, là chuyện về Hoàng tử Ai Cập Moses.

 

Một trong những vùng đất có nền văn minh cổ xưa vĩ đại nhất của nhân loại không chỉ có kim tự tháp hay các đền đài nhiều nghìn năm tuổi vẫn còn nguyên vẹn. Ít ai biết rằng, quốc gia với địa lý lạ lùng nằm vắt ngang hai châu lục này có phần nửa châu Á cũng đầy mê hoặc.

 

Ai Cập ở Bắc Phi với hơn 90% diện tích quốc gia được bao phủ bởi sa mạc, sông Nile chiếm khoảng 5% diện tích và phần lớn con người sinh sống dọc theo đôi bờ sông Nile. Quốc gia này còn nổi tiếng với kênh đào Suez nối Địa Trung Hải với Biển Đỏ. Cũng chính con kênh này là ranh giới chia đất nước thành 2 phần Á - Phi tách biệt. Nửa phía châu Á nằm hoàn toàn trên bán đảo Sinai. 

 

Bán đảo Sinai có địa hình cũng khá kì lạ, được chia làm 2 phần Bắc và Nam. Bắc Sinai gần như là một vùng đồi núi và hoang mạc, trong khi Nam Sinai được bao bọc bởi biển Đỏ - là địa danh nổi tiếng đối với những du khách yêu thích biển. Tôi tới Ai Cập một ngày đầu đông và nảy ra ý định vượt qua kênh đào Suez, qua phía bờ châu Á để được đi lặn ở biển Đỏ, chạm vào núi thánh Sinai.

 

 

“Đổ bộ” vào vùng quân sự

 

Có hai cách để đi qua bán đảo này từ thủ đô Cairo, hoặc bằng xe buýt hoặc bằng máy bay. Mohamed Gad, tay hướng dẫn viên mới quen khi đi du lịch bên này, biết tôi chỉ đi một mình đã đề xuất tôi nên đi bằng máy bay để vừa nhanh, vừa khỏe lại an toàn. Tôi vẫn khăng khăng đòi đi bằng xe buýt đêm. Mục đích của tôi một phần là để tiết kiệm, nhưng trên hết là để trải nghiệm và cảm nhận trọn vẹn cuộc sống thường ngày của người dân.

 

Gad đưa tôi tới bến xe buýt. Anh chỉ cho tôi và bảo bây giờ băng qua bên kia đường, ngay chỗ góc nhà là phòng bán vé. Xong khi nào tới giờ xe chạy thì qua bên này để lên xe đi. Tôi chựng lại: Làm sao biết được chiếc nào là chiếc tôi cần lên để lên cho đúng vì biển số xe ở đây toàn là chữ Ả Rập? Gad trấn an: “Anh cứ đưa vé và hỏi những người ở đây, họ sẽ hướng dẫn cho. Yên tâm, người Ai Cập hiền lành và tốt bụng lắm. Ai Cập cũng là một trong các quốc gia an toàn nhất thế giới cho du khách khi đi lại ngoài đường.” 

 

“An toàn ư?”, tôi tự nhủ. Nhìn những người đàn ông ở đây, ai nấy to cao, râu ria xồm xoàm và mắt thì trắng dã, làm sao tôi không thể không cẩn trọng cho được! Hơn 9 giờ tối, phòng vé lưa thưa người. Chỉ còn một quầy vé hoạt động trong số 4 quầy ở đây. Phòng vé khá nhỏ và sơ sài nhưng hệ thống bán vé ở đây khá hiện đại. Trước mỗi quầy vé đều đặt một màn hình LCD thể hiện sơ đồ chỗ ngồi để khách chọn và người bán vé chỉ cần xác nhận lại các thông tin, sau đó in vé cho khách.

 

 

Bến xe buýt đêm cũng khá vắng. Xe khá sạch sẽ nhưng cho dù là xe đường dài, ở đây chỉ có xe ghế ngồi chứ không có loại xe giường nằm. Tôi cất hành lý dưới gầm, bước lên xe thấy khách chỉ toàn đàn ông. Hơn 30 phút đầu khi còn trong nội đô Cairo, xe phát những bài kinh bằng tiếng Ả Rập nhưng khi xe vừa đi vào cao tốc thì cũng là lúc những bộ phim tiếng Ả Rập với âm thanh chát chúa thay cho những bài kinh khiến tôi không tài nào chợp mắt được. 

 

Nửa đêm, khi vừa lim dim chợp mắt, tôi bị đánh thức vì xe dừng lại và tiếng hành khách trên xe. Bên ngoài, một loạt xe khách khác cũng đang dừng lại và hành khách lên xuống nhốn nháo. Tôi ngạc nhiên khi thấy mọi người bắt đầu tuần tự mang hành lý của mình, đứng quây thành vòng tròn và mở hành lý ra để xuống đất trước mặt. Phía trước họ, rất nhiều cảnh sát mặc quân phục đen, tay lăm lăm súng dài đi tới đi lui. Chưa kịp trấn tĩnh, bác tài ra hiệu cho tôi xuống xe lấy hành lý, và xếp hàng như những hành khách còn lại. 

 

Các tay cảnh sát đi tới lui và rọi đèn pin nhìn vào từng túi hành lý. Lúc này tôi mới hiểu là họ kiểm tra an ninh. Xe chúng tôi sắp sửa qua hầm chui để vượt kênh đào Suez, qua phía bên kia bờ Châu Á. Suốt đoạn đường dài sau đó, cứ chạy chừng 30 phút xe lại phải dừng. Mỗi lần như vậy, xung quanh xe rất nhiều cảnh sát, họ lại kiểm tra gì đó rất lâu. Chỉ có điều, những lần sau, hành khách không phải lấy hành lý cho họ kiểm tra từng người một như lần trước. Gần 7 giờ sáng, xe tới bến phía bên Sharm El Sheikh, sau gần 9 tiếng cho quãng đường hơn 700km.

 

 

Bán đảo Sinai là một vùng quân sự của Ai Cập. Khu vực này có cùng biên giới với Israel, và cách Ả Rập Saudi chỉ qua một cái vịnh Aqada nhỏ hẹp. Với địa lý ở một nơi khá nhạy cảm như vậy, đặc biệt sau cuộc chiến 6 ngày vào năm 1967 giữa một bên là liên minh Ai Cập và các nước khối Ả Rập với Israel, bán đảo này trở thành khu vực quân sự được kiểm tra gắt gao bởi quân đội Ai Cập.

 

Dải khăn xanh trên biển Đỏ

 

Mặc dầu là một khu vực quân sự khá nhạy cảm nhưng Sinai chỉ chịu đứng sau Cairo, nơi có Kim tự tháp Giza nổi tiếng, về lượng khách du lịch nhờ cảnh đẹp và nỗ lực của chính phủ trong việc khuyến khích đẩy mạnh du lịch ở đây. 

 

Sinai sở hữu hai “báu vật thiên nhiên” thu hút du khách, đó là công viên tảo tồn biển quốc gia Ras Mohamed và núi thánh Sinai. Dọc theo bờ biển dài phía Nam của bán đảo này chỉ toàn khách sạn và các resort từ 4 đến 6 sao đẹp như mơ. Gần như không thấy nhà dân ở đây. Người dân sống tập trung tại vịnh Na'ama Bay nằm ở phía Nam và khu thành phố mới Dahab cách thị trấn Sharm El Sheikh hàng trăm cây số. Dahab cũng là địa điểm thứ hai được nhiều khách du lịch lựa chọn cho cách hoạt động biển, sau Sharm El Sheikh. 

 

 

“Toàn bộ bán đảo này chưa tới 600.000 dân nên những lao động ở đây hầu hết đến từ các nơi khác. Vì đạo Hồi là quốc giáo nên đàn ông tham gia gần như toàn bộ các công việc. Phụ nữ chủ yếu ở nhà dành thời gian cho gia đình.” Gad chia sẻ khi tôi đem câu chuyện chuyến xe buýt đêm chỉ toàn đàn ông hỏi anh.

Trang thông tin du lịch và phong cách sống Travellive+
Trang thông tin du lịch và phong cách sống Travellive+

 

Tôi tranh thủ gửi hành lý ở khách sạn, làm vội ly cà phê nóng và lên xe của một công ty du lịch địa phương mà Gad đã đặt sẵn cho tôi để ra bến tàu đi lặn. Ở Sharm El Sheikh có khá nhiều điểm lặn, trong đó, điểm nổi tiếng nhất là Shark Reef ở Ras Mohamed. Điểm lặn này nổi tiếng với các loại cá nhồng (barracuda). Nếu may mắn, khách lặn có thể được nhìn thấy cá mập san hô (reef shark, một loại cá mập không tấn công người). 

 

Dịch vụ tàu cao tốc để đưa khách đi lặn ở đây cũng khá hiện đại. Những chiếc tàu cao tốc rộng rãi và sạch sẽ. Phía dưới tàu là các phòng thay đồ và phòng tắm. Có hẳn một phòng như phòng khách cùng một quầy phục vụ thức ăn nho nhỏ. Toàn bộ phía trên tàu được dùng làm nơi nghỉ ngơi và ngắm biển. 

 

Mahmoud, tay hướng dẫn và lặn chung với tôi, khuyên nếu có thời gian nên đi lặn ở đảo Tiran, là điểm lặn thứ hai ở khu vực bán đảo này được du khách ưa chuộng. Hoặc đi lặn ống thở ở Blue Hole thuộc vịnh Aqada. Tuy nhiên, do Blue Hole là một hố sâu tự nhiên hàng trăm mét sát bờ biển (do đặc thù này mà nước ở chỗ này có màu xanh thẫm), khách lặn cần có bằng lặn cao cấp và phải có kinh nghiệm đi lặn nhiều thì các trung tâm lặn biển họ mới dám nhận. 

 

 

Phải thừa nhận rằng mỗi điềm lặn đều có những vẻ đẹp và hấp dẫn riêng bởi san hô và thuỷ sinh vật đa dạng khác nhau, không điểm nào giống điểm nào. Vì thế mà các điểm lặn ở đây luôn được nhiều tạp chí danh tiếng bình chọn vào danh sách các điểm lặn biển đẹp nhất thế giới.

 

Sau một ngày đi lặn biển với nhiều cung bậc cảm xúc và cảnh tượng như lạc vào xứ sở thần tiên, tôi dành buổi chiều quay về để đón hoàng hôn ở mũi tàu trong khu công viên quốc gia Ras Mohamed. Mũi tàu là một dải đất nhỏ hẹp nhô ra biển, thỉnh thoảng có vài khe nứt địa chất mà đứng từ trên bờ nhìn xuống, tôi có thể nhìn thấy từng bầy cá nhỏ và san hô sâu phía dưới. Tôi phóng tầm mắt về phía xa. Dưới ánh nắng cuối ngày đang sắp tắt trên biển Đỏ, nước biển quầng lên từng dải màu xanh đậm nhạt khác nhau, tựa như những chiếc khăn choàng mềm mại vắt ngang trên cổ người thiếu nữ.

 

Chạm vào miền đất Cựu Ước

 

“Hôm nay Chúa thương dân Người, hôm nay Chúa đem dân Người lên núi Sion.” (*) Đó là một đoạn trong bài Thánh ca nổi tiếng từ thập niên 1950 mà bất kì người Công giáo nào cũng ít nhất một lần nghe qua. Đoạn Thánh ca trích trong thánh vịnh Exodus về việc Moses, một tiên tri lớn trong kinh thánh Cựu Ước, đã đưa 70 người lên núi Thánh để nhận Giao ước Sinai, đó chính là 10 điều răn mà Thiên Chúa giáo vẫn còn sử dụng cho tới tận ngày nay.

 

 

(*) Tên gọi trong kinh Cựu Ước để chỉ khu vực núi Sinai ngày nay. Núi Sinai còn được người Ai Cập gọi là núi Moses.

 

Để đón bình minh trên núi Sinai, khách sẽ phải khởi hành lúc 11 giờ đêm từ Sharm El Sheikh hay Dahab cho 3 giờ xe chạy để tới khu vực tập trung ngay dưới chân núi. Tôi và một nhóm du khách khác được giới thiệu với Mohamed, hướng dẫn viên địa phương ở đây và sẽ là người hỗ trợ cả nhóm trong chuyến leo núi. Sau vài lời chào hỏi và giới thiệu vắn tắt về bản thân, Mohamed giới thiệu về đoạn trekking: đó sẽ là một cung đường mòn, có những đoạn dốc và đá lởm chởm, nhưng không quá khó đi và cũng khá an toàn. 

 

Trời đen thẫm, chỉ vài ánh sáng le loi từ ánh đèn pin của những người đang hành hương, chúng tôi bắt đầu đi. Mohamed đi trước soi đèn pin, liên tục quay lại và đếm người. Cứ 15-20 phút, anh ta lại chọn một điểm bằng phẳng để mọi người nghỉ chân một vài phút, rồi lại đi tiếp. Hơn một tiếng, chúng tôi tới được trạm đầu tiên. Đó là một căn nhà gỗ có kê ghế ngồi xung quanh sát tường. Họ phục vụ trà, cà phê và bánh ngọt. Một đôi người Ý mà trước đó, họ luôn đi sau cả nhóm, đã quyết định dừng lại vì không thể leo thêm được nữa. Họ không muốn sự chậm trễ của mình làm ảnh hưởng đến mọi người, mà với họ, được chạm vào núi Thánh đã là quá đủ.

 

Ở trạm dừng chân thứ hai, sau khi tôi và Mohamed đã nói chuyện với nhau kha khá và thân thiết hơn, anh chỉ vào con lạc đà nằm trước trạm và hỏi tôi có muốn thử không. Con lạc đà này là của ông chủ quán nước ở đây. Mohamed sẽ thương lượng để tôi có giá tốt. Dĩ nhiên, lạc đà cũng chỉ đưa được tới trạm thứ ba. Sau đó, khách vẫn phải leo thêm một đoạn nữa với hơn 600 bậc đá dốc để lên tới đỉnh. Tôi đồng ý ngay vì đã quá mệt, phần vì muốn biết cảm giác cưỡi lạc đà lên núi. 

 

 

Quả thật, ngồi trên lưng lạc đà lên núi là một trải nghiệm không thể quên. Từ cảm giác sợ hãi ban đầu vì đường rất tối với một bên là vách núi, một bên là vực thẳm, lại có thêm những đoạn khá hẹp và trơn trượt. Nghĩ dại, chỉ cần con lạc đà mà dẫm lên một viên đá nào không chắc chắn, không biết chuyện gì sẽ xảy ra. Mohamed động viên tôi: “Anh yên tâm, lạc đà là một loại vật có trí nhớ khá tốt. Nó nhớ từng phiến đá mà nó đặt chân trên suốt cung đường này. Mắt lạc đà nhìn rất tốt trong đêm tối. Từ trước tới nay chưa có bất kì tai nạn nào xảy ra ở đây cả.” Tôi tạm yên tâm và tin lời hắn (mà thực ra thì cũng chả có cách nào). Khi đã bắt đầu quen với cảm giác ngồi trên lưng lạc đà, tôi mới dám ngước mặt nhìn lên. Bầu trời đêm tối thăm thẳm điểm xuyết muôn vàn tinh tú sáng lấp lánh, trải dài ra trong bất tận, trong sự tĩnh mịch tự tại và an yên đến kì lạ.

 

Nhóm chúng tôi là một trong những nhóm đầu lên được đến đỉnh. Mohamed đã luôn động viên và giục mọi người nếu muốn kiếm được vị trí ngồi tốt nhất để ngắm bình mình trên đỉnh núi thì cần tranh thủ và cố gắng. Anh ta chọn được một vị trí là cái bệ đá phẳng dựa vào một bên núi với tầm nhìn khá rộng. Mọi người có thể ngồi tựa vào vách núi trong khi chờ bình minh lên. 

 

Thời gian trôi qua thật chậm. 6 giờ sáng, từ phía xa, một đường màu hồng nhạt chạy dài ngay đường chân trời, rồi từ từ lớn ra và đậm dần, dậm dần, cho đến khi thành một màu cam đỏ loang lổ. Ở ngay chính giữa, mặt trời ló dạng, to và rõ như một quả bóng lửa khổng lồ, cơ hồ như có thể đưa tay chạm được vậy. Chỉ trong chốc lát, bình minh thức giấc như cởi bỏ lớp áo choàng đen cũ của cả một vùng đồi núi chập chùng và thay bằng màu áo nâu hồng mới khiến cho bất kì ai chứng kiến cũng phải choáng ngợp.

 

 

Chiều đi xuống, khách có thể ghé thăm một địa điểm khác đã được UNESCO công nhận là di sản văn hoá thế giới nằm ngay chân núi: Tu viện cổ Catherine. Đây là một trong những tu viện cổ nhất thế giới. Nơi đây, khách có thể thăm nhà nguyện với hàng ngàn cổ vật vô giá, giếng nước cổ nơi nhà tiên tri Moses gặp vợ mình. Và đặc biệt nhất, bụi gai, nơi Thượng đế hiện ra dưới hình ảnh cột lửa để kêu gọi Moses lãnh đạo người Do Thái, vượt qua biển Đỏ để vào vùng đất hứa, chính là đất nước Israel ngày nay.

 

Cho đến khi rời đi, tôi vẫn chưa tin mình vừa được chạm vào Sinai, miền đất của Thánh Kinh. Và tôi hiểu rằng, bằng cách nào đó, hành tinh này vẫn luôn mở cửa cho những ai biết nuôi dưỡng ước mơ chạm chân vào những miền đất ẩn chứa bao điều huyền bí lạ kỳ.

 

Thông tin thêm:

 

+ Visa: Có thể xin tại Đại Sứ Quán Ai Cập tại Hà Nội. Hồ sơ cần chuẩn bị chi tiết và đầy đủ tương tự như xin visa các nước phát triển. Tuy nhiên, quá trình xét hồ sơ và cấp dễ dàng hơn. Phí 25 USD cho visa nhập cảnh 1 lần và 35 USD cho nhập cảnh nhiều lần. Nếu đặt công ty du lịch bên Ai Cập hoặc đi nhóm từ 10 người có thể yêu cầu họ làm visa tại sân bay (Visa on arrival), với mức phí 65 USD/visa/ nhập cảnh 1 lần cho thời gian lưu trú 30 ngày.

 

+ Di chuyển: Buýt từ Cairo đi Sharm El Sheikh khá rẻ, dao động từ 5-10 USD tuỳ hãng xe. Máy bay quốc nội cho chặng bay này cũng khá nhiều chuyến trong ngày, chủ yếu do Nile Air và EgyptAir khai thác, giá khứ hồi dao động từ 120-200 USD cho thời gian bay 1 tiếng.

 

+ Đi lại: Nếu đi gần trong thành phố thì taxi là phương tiện phù hợp nhất. Ở đây taxi chạy cả ngày lẫn đêm và rất dễ tìm. Lưu ý, một số xe taxi sẽ không có đồng hồ nên cần thương lượng giá trước khi lên xe.

 

+ Chỗ ở: Khách sạn và resort ở đây khá nhiều, giá cả hợp lý. Khách sạn 3-4 sao tại trung tâm có giá từ 25-40 USD/đêm/phòng đôi. Resort ngay bãi biển tuỳ hạng sao, loại phòng và dịch vụ đi kèm giá từ 60 USD/phòng. Trước ngày khởi hành 1 tuần có thể lên các trang đặt phòng uy tín để chọn chỗ nghỉ cho phù hợp với ngân sách và mục đích chuyến đi. Lưu ý thêm: kiểm tra vị trí các khách sạn trên bản đồ vì sẽ có nhiều địa điểm tuy rẻ nhưng nằm khá xa trung tâm sẽ bất tiện trong việc di chuyển.

 

+ Thời điểm du lịch: Tất cả các tháng trong năm đều lý tưởng cho việc tham quan ở đây ngoại trừ tháng 6 đến tháng 8 vì thời tiết rất nóng bức. Lý tưởng nhất là từ tháng 10 đến tháng 2 năm sau, lúc thời tiết mát mẻ dễ chịu. Mặc dầu nhiệt độ trong ngày có thể xuống 20 độ nhưng nước biển luôn ấm áp và dao động từ 25-27 độ C.

 

+ Nên thử:

-Trek bằng lạc đà lên núi thánh Sinai: Khách được ngồi trên lưng lạc đà để cưỡi lên núi trong thời gian gần 3 tiếng từ chân núi lên đến trạm thứ 3 trước khi tự leo thêm hơn 600 bậc thang đá để lên tới đỉnh núi ngắm bình minh. Giá dịch vụ: 10 USD/khách.

 

-Du ngoạn một ngày bằng tàu đáy kính: 50 USD/khách. Trong một ngày, khách ngồi tàu đáy kính, sử dụng các tiện ích trên tàu và có thể ngắm san hô từ lớp kính dưới đáy thuyền.

 

-Dịch vụ lặn ngắm san hô bằng ống thở: khách sẽ được đón tại khách sạn từ 8 giờ sáng để đưa tới bến tàu và trả khách vào 5 giờ chiều. Trong một ngày, tàu sẽ đưa khách đi tham quan trên biển. Dừng tại 3 điểm lặn khác nhau để khách lặn ngắm san hô trong 1 tiếng cho một điểm lặn. Chi phí đã bao gồm các thiết bị lặn kèm một suất ăn trưa trên tàu và các thức uống không cồn: 50USD/khách.

 

-Lặn bình dưỡng khí đối với khách đã có bằng lặn PADI: dịch vụ tương tự như lặn ống thở nhưng tại các điểm lặn, khách sẽ được trang bị dụng cụ lặn bình dưỡng khí và lặn kèm với hướng dẫn chuyên nghiệp. Giá 15 USD/lần lặn.

 

-Dịch vụ đặc biệt: thuê tàu trọn gói chụp ảnh cưới 1 ngày. Dịch vụ này khá hấp dẫn ở đây bởi chất lượng đẳng cấp, chương trình và các dịch vụ đi kèm độc đáo, bao gồm: một tàu chuyên dụng có thể chở một nhóm tới 20 người. Tàu sẽ đưa cô dâu chú rể đến các đảo trong khu vực để chụp ảnh cưới. Nếu muốn có thêm bộ ảnh cưới độc đáo chụp dưới nước có thể đăng kí thêm với 20USD cho 1 bộ ảnh và 1 đĩa DVD. Giá 650USD cho chi phí thuê tàu, các dụng cụ lặn, ăn trưa và thức uống không cồn.

 

+ Chi phí: Vé máy bay khứ hồi: 700 USD (bay cùng hãng hàng không Etihad, quá cảnh tại Abu Dabi). Chi phí cho 10 ngày, 9 đêm ở Ai Cập vào khoảng 890 USD, gồm trải nghiệm sa mạc trắng, sa mạc đen (cắm trại 2 ngày 1 đêm), tàu du lịch 5 sao đi và về từ Cairo-Aswan (5 ngày 4 đêm trên sông Nile), tàu lửa 5 sao Luxor-Cairo và các điểm tham quan chính (đền thần Iris, đền Abu Simbel , Edfu, Hatshepsut, kim tự tháp, bảo tàng Cairo). 

 

Chi phí cho 3 ngày 2 đêm ở bán đảo Sinai vào khoảng 240 USD, gồm tour trekking lên núi Sinai, tham quan tu viện cổ Catherine, lặn ngắm san hô bằng bình dưỡng khí 1 ngày, đi lại và ăn uống.

 

Thành Cao: Blogger du lịch, Photographer

 

Từng thành công với vị trí quản lý trong các công ty và tập đoàn đa quốc gia, nhưng niềm đam mê "đi và viết" đã khiến anh bước ra khỏi vùng an toàn để thực sự được đắm mình trong những hành trình khám phá đó đây. Với phương châm "Đi để thực sự chạm vào nơi mình đến và trở về với ít nhiều thay đổi", từng phóng sự, ký sự, và đặc biệt những bức ảnh của anh luôn thể hiện vẻ đẹp chân thực của những cung đường, dấu ấn văn hoá, kiến trúc bản địa, con người và cuộc sống... ở những nơi anh đã đi qua. 

 

Thành Cao hiện là cộng tác viên thường xuyên cho mục du lịch của nhiều báo, tạp chí, đồng thời là người sáng lập công ty OffTrack Travel, hoạt động trong ngành du lịch.

 

Bài và ảnh: Thành Cao

RELATED ARTICLES