Loạt tranh “Ám ảnh đồng nội” của Hà Trí Hiếu, với những hình ảnh bò và thiếu nữ hát, đã làm ông “thành danh” những năm thập kỷ 90 của thế kỷ trước. Đó chỉ là những hình ảnh tượng trưng, như những tiết tấu tượng trưng trong một bài ca bất tận vẽ nên một không gian từ trong tiềm thức. Tranh của ông giống như một hồi ức tập thể được đánh thức. Họa sĩ dùng kiệm hai tông mầu chủ đạo: nâu – vàng, đỏ – lục cho loạt tranh “sơn mài hóa” những mô-típ ông đã thực hiện lâu năm bằng chất liệu sơn dầu.
Sinh ra đầu thập kỷ 70, nhà điêu khắc Trần Đức Sỹ tuy triển lãm không nhiều, nhưng mỗi lần anh đưa ra tác phẩm, là một sự đáng nể với quá trình nung nấu và thận trọng tìm hình thức thể hiện. Trần Đức Sỹ ấn định một thao tác nghệ thuật của mình như một phong cách, đó là thao tác “cắt lớp”. Anh bổ dọc đối tượng hình thể ra, rồi định vị “xâu” lại trên trục ngang, xoay từng lát cắt theo hướng khác nhau. Bên ngoài thì cái vỏ đối tượng vẫn còn nhang nhác nguyên dạng, nhưng bên trong thì đã lộn tùng phèo. Sự tự do của tác giả để tạo ý nghĩa cho từng tác phẩm cũng là sự đảo chiều, nhưng vẫn đặt cạnh nhau của các “lát cắt hiện thực”.
Những tác phẩm cắt lớp đầu người, ghế của Trần Đức Sỹ gợi nên những cảm giác rất hứng thú cho tư duy, với tham vọng phân tích một kiểu tâm lý phức tạp của con người thời đại bằng nghệ thuật điêu khắc.