GOm Show không chỉ là một buổi trình diễn, mà là một không gian trải nghiệm đa giác quan, nơi khán giả được mời bước vào thế giới của âm thanh và nghệ thuật trình diễn. GOm Show không có lời dẫn cho từng tác phẩm, tại đây âm nhạc tự kể một câu chuyện với lớp lang, chương hồi, mở ra một chiều không gian riêng, nơi chỉ có những giai điệu vừa thân quen – vừa lạ lẫm ngân vang từ các nhạc cụ bằng chất liệu bản địa độc đáo – gốm.

Hai đêm diễn GOm Show ngày 28-29/6 tại Nhà hát Lớn Hà Nội đều chật kín người xem
Trên sân khấu, những vật dụng từng quen thuộc trong đời sống người Việt – vại, chum, niêu – nay trở thành những nhạc cụ đặc biệt như trống Chum, trống Lãng, đàn Niêu, chiêng sành, gốm xoay… Không nhạc cụ nào giống nhạc cụ nào, mỗi món đều mang âm sắc riêng, được tạo nên từ bàn tay và trải nghiệm của người nghệ sĩ.

Những nhạc cụ sáng tạo độc bản từ chum, niêu, vại… tạo ra âm thanh vừa lạ - vừa quen



Âm thanh từ gốm không phô trương mà vô cùng mộc mạc, ngân lên từ những chuyển động xoay, gõ, chạm – lúc trầm lắng như tiếng đất, lúc lanh lảnh như tiếng gió lùa qua mái ngói, lúc mơ màng như tiếng nước va nhẹ vào thân vò. Trong không gian ấy, khán giả không chỉ nghe, mà còn nhớ – nhớ đến những điều rất cũ, rất trong, và rất thật.

Trong chương trình, các nghệ sĩ sẽ kết hợp giai điệu mới với âm nhạc truyền thống của các dân tộc M’Nông, Tày, Lô Lô, Ê Đê, Hà Nhì...
GOm Show còn là hành trình của những thanh âm bản địa. Nơi tiếng tù và, tiếng trống chăm dịp lễ lạt, tiếng chiêng trong ngày hội rẻo cao… – thanh âm từ nhiều vùng văn hóa khác nhau như H’mông, Tày, Nùng Dín, Lô Lô, Ê Đê, Hà Nhì – hoà quyện đầy sắc màu trong một không gian tập thể. Tất cả cùng gặp gỡ trên bàn xoay gốm Việt, như một dòng chảy văn hóa xuyên suốt, sâu lắng và bền bỉ.

GOm Show là bức tranh đa sắc của âm nhạc và thị giác


Điểm đặc biệt của GOm Show nằm ở sự kết nối giữa âm nhạc và thị giác. Trong cùng không gian diễn, họa sĩ Nguyễn Đức Phương mang đến một triển lãm thị giác đồng chủ đề: gốm. Những tác phẩm sắp đặt từ tre, gỗ và ống gốm cùng loạt tranh giấy dó trong triển lãm như một phần mở rộng không lời cho buổi diễn, kể lại những lát cắt đời sống của nghề gốm – sản xuất, sinh hoạt, phát triển cộng đồng – ở khắp các vùng đất Việt.



GOm Show là kết quả của hơn một thập kỷ nghiên cứu và sáng tạo của nhóm nghệ sĩ Đàn Đó. Sau hành trình dài với nhạc cụ từ tre, nhóm tiếp tục mở rộng chất liệu sáng tạo của mình với gốm – một chất liệu mang đậm tính biểu tượng, gắn liền với văn hóa và tín ngưỡng Việt Nam. Đồng thời GOm cũng là bước ngoặt trên chặng đường âm nhạc của Đàn Đó, khi nhóm quyết định lui về hậu đài, trở thành người truyền dạy cho lớp thế hệ trẻ kế cận – những người mang sứ mệnh truyền bá văn hoá ra thế giới với tư duy nghệ thuật trẻ trung và độc đáo.

Nhóm Đàn Đó nhường ánh sáng sân khấu và sứ mệnh truyền bá văn hoá, âm nhạc bản địa tới công chúng cho lớp nghệ sĩ kế cận
Sau hai đêm công diễn tại Hà Nội, GOm Show sẽ tiếp tục hành trình của mình tại Thành phố Hồ Chí Minh vào ngày 19 tháng 7 tới. Các buổi diễn định kỳ tại Hà Nội cũng đang được lên kế hoạch để phục vụ khán giả trong nước và quốc tế, với mong muốn lan tỏa âm thanh và văn hoá bản địa Việt tới đông đảo bạn bè quốc tế.