Bầu trời, cảnh bụt,
Thú Hương Sơn ao ước bấy lâu nay.
Kìa non non, nước nước, mây mây,
Đệ nhất động hỏi là đây có phải?
(Hương Sơn Phong Cảnh Ca - Chu Mạnh Trinh)
Bên trong kiến trúc thuộc địa từng là nhà khách của ngôi đền Hindu Sri Thendayuthapani, triển lãm Kìa non non nước nước mây mây được ra đời từ ý thơ trong bài Hương Sơn Phong Cảnh Ca của Chu Mạnh Trinh - một danh sĩ thời nhà Nguyễn. Câu thơ miêu tả các sắc thái tuyệt mĩ của thiên nhiên, khiến nhiều người đọc rung động. Cảm xúc này cũng được thể hiện xuyên suốt qua quan sát nghệ thuật của Hà Mạnh Thắng. Tại triển lãm, anh đã khai thác tính đa nghĩa, sự biến đổi lịch sử cách nhìn về hình thức tranh phong cảnh trong nghệ thuật cổ cho tới hiện tại.
Hà Mạnh Thắng và những bức tranh thơ
Hà Mạnh Thắng tốt nghiệp Đại học Mỹ thuật Hà Nội năm 2004. Trong các tác phẩm trước, bảng màu anh lựa chọn thiên về màu sắc tươi sáng và yếu tố nghệ thuật đại chúng. Đến với "Kìa non non, nước nước, mây mây", bảng màu của anh có phần trầm lặng.
Là một người yêu thích, tìm hiểu những di sản văn hóa lâu đời, Hà Trọng Thắng luôn ấn tượng cách người xưa nhìn và thể hiện phong cách qua cảnh dựng, bình phong cũng như thi ca cổ. Phong cảnh trong cảnh dựng, bình phong thường được giản lược về mặt chi tiết, không tuân theo quy luật phối cảnh. Vì thế, các chủ thể đều đồng thời ẩn hoặc hiện trên nền sơn.
Hóa lụa thành đá
Trong một lần đến tham quan Bảo Tàng Lịch sử Việt Nam ở Hà Nội, tác giả bắt gặp chiếc bia đá cổ có niên đại từ thời nhà Tuỳ (581 - 618). Trong lịch sử văn hóa Á Đông, phom hình của chúng thường có ba phần: phần trán; phần đế khum tròn, xưa kia có thể là hình lưng rùa, bệ sen… Phần lòng bia ghi khắc các thông tin quan trọng có ảnh hưởng xã hội, như đạo lý, áng văn chương, ghi công trạng để truyền lại đời sau. Hà Mạnh Thắng đã sử dụng phom dáng của chiếc bia đá cổ để phản ánh về sự trường tồn và yếu tố phi thời gian cho loạt tác phẩm lần này.
Điểm đặc biệt trong tác phẩm của Hà Mạnh Thắng nằm ở chất liệu. Những tấm "bia" của anh đến từ sự kết hợp giữa lụa, vải toan với những chất liệu phức hợp như màu vẽ arcylic, sơn mài, vàng lá và các hạt màu ánh kim (glitter) rải rác trên tranh. Nhờ đặc tính xuyên thấu của lụa, bề mặt của tấm bia sẽ thay đổi dựa trên chuyển động của ánh sáng. Đặc biệt, mặt sau mỗi tác phẩm là một lớp mica mờ, khắc laser những dòng thơ cổ mà nghệ sĩ tâm đắc nhất.
Với cách xử lý của Hà Mạnh Thắng, sử gia nghệ thuật Nora Taylor quan sát và nhận xét về bản chất các chất liệu anh đã sử dụng: "Làm thế nào lụa có thể vừa trong suốt, vừa mờ ảo? Vừa nhẹ như lông vũ, vừa trông nặng như đá? Bản chất kéo của vũ trụ được bộc lộ như hai thể đối lập âm và dương".
Khác với cách sử dụng truyền thống, Hà Mạnh Thắng đã biến lụa trở thành bề mặt bền chắt để các lớp sơn phủ lên, neo đậu. Các xử lý bề mặt khiến tác phẩm trông như đá. Mười sáu bức tranh ở "Kìa non non, nước nước, mây mây" nằm trong loạt tác phẩm Vòng tròn thời gian được anh thực hiện từ năm 2016 đến nay. Mỗi tác phẩm là hành trình khám phá sự trường tồn và phi thời gian trong nghệ thuật của Hà Mạnh Thắng.
Không gian sống của một tác phẩm
Hà Mạnh Thắng gợi ý đến khán giả xem tranh của anh rằng: “Nếu có thể, bạn hãy đến triển lãm khi trời vẫn còn nắng. Ánh sáng tự nhiên sẽ phản chiếu lên bề mặt tác phẩm – mặt trước có những hạt màu ánh kim, mặt sau là những mảng màu ‘rớt’ khỏi lớp lụa mỏng. Và khi ánh sáng thay đổi trong ngày, sẽ có sự biển chuyển mạnh mẽ và liên tục trên tác phẩm, ảnh hưởng đến cả không gian triển lãm. Đó là điều mình muốn có ở triển lãm này, muốn được ngắm nhìn các tác phẩm trong ánh nắng tự nhiên như vậy”.
Họa sĩ Hà Mạnh Thắng mong muốn tác phẩm có thể gần với môi trường đã tạo ra chúng nhất. Chia sẻ về không gian của Kìa non non nước nước mây mây, Hà Mạnh Thắng cảm thấy rằng bốn bức tường gạch đỏ cùng trần nhà phủ rêu xanh lại mang đến cảm giác kết nối với các tác phẩm của anh: "Mình kết nối được với không gian này, có lẽ vì mình có khả năng tạo được một lớp rêu xanh, một lớp gỉ đồng, một vẻ cũ kỹ giống căn nhà này vậy”.