Bước vào những thực tại song song bên trong triển lãm Alternate Existence/s

30/11/2022

Triển lãm nhiếp ảnh nghệ thuật “Alternate Existence/s” – “Những thực tại thay thế” của của nhiếp ảnh gia – nhà giáo dục nghệ thuật Tom Hricko không những phản ánh 40 năm sáng tác miệt mài của ông mà còn là cuốn nhật ký ghi lại những thay đổi của lịch sử nhiếp ảnh nghệ thuật.

“Alternate Existence/s” hay “Những thực tại thay thế” là một hành trình hồi tưởng về 40 năm kiến tạo nên những thực tại lạ thường được chứa đựng trong từng tác phẩm của nhiếp ảnh gia Tom Hricko.

Được tạo nên từ kinh nghiệm bậc thầy trong kỹ thuật in ấn thủ công và nhiếp ảnh kỹ thuật số, những bức ảnh của Tom Hricko cũng chính là cuốn hồi ký phản ánh nửa thế kỷ phát triển nhanh chóng và đầy những biến đổi vừa qua của bộ môn nghệ thuật Nhiếp ảnh - từ khi chỉ có nhiếp ảnh thủ công, phòng tối cho tới khi máy ảnh kỹ thuật số xuất hiện và phát triển nhanh chóng.

Hành trình trải nghiệm được sắp xếp theo thời gian sáng tạo nghệ thuật của tác giả với ba không gian tách biệt tại tầng 6 - 11 - 14 ở số 198 Nguyễn Thị Minh Khai, quận 3. Sự sắp xếp đặc biệt này giúp cho người xem dễ dàng đồng hành cùng Tom Hricko hồi tưởng những năm tháng miệt mài sáng tạo của ông.

Không gian trải nghiệm được sắp xếp ở tầng 6 - 11 -14

Không gian trải nghiệm được sắp xếp ở tầng 6 - 11 -14

Hành trình bền bỉ 40 năm

Tom Hricko sinh năm 1945, ông được biết đến như một nhiếp ảnh gia mỹ thuật người Mỹ, một nhà giáo dục nhiếp ảnh và bậc thầy về in ấn nhiếp ảnh thủ công. Tác phẩm của ông xuất hiện trong nhiều bộ sưu tập tại Mỹ bao gồm Lincoln Financial Group, Phoenix Mutual và People’s Bank. Tom Hricko từng dạy nhiếp ảnh đen trắng nâng cao và kỹ thuật in ấn tại trường Đại học bang của New York ở Purchase và trường Đại học Fairfield. Từ hơn 20 năm gần đây, ông tìm thấy ngôi nhà đích thực và quê hương thứ hai của mình tại Việt Nam.

Tom Hricko sinh năm 1945, ông được biết đến như một nhiếp ảnh gia mỹ thuật người Mỹ, một nhà giáo dục nhiếp ảnh và bậc thầy về in ấn nhiếp ảnh thủ công

Tom Hricko sinh năm 1945, ông được biết đến như một nhiếp ảnh gia mỹ thuật người Mỹ, một nhà giáo dục nhiếp ảnh và bậc thầy về in ấn nhiếp ảnh thủ công

Ngay từ khi còn rất nhỏ, Tom Hricko đã bắt đầu làm bạn với giấy, mực, đủ các loại hoạ cụ và cả bộ dụng cụ rọi ảnh cơ bản do cha mẹ ông trang bị sẵn, từ đó nuôi dưỡng tâm hồn nghệ sĩ giữa vòng tay của một gia đình giàu truyền thống nghệ thuật.

Sau khi chuyển hướng từ hội họa để theo đuổi bộ môn nhiếp ảnh nghệ thuật, Tom Hricko đã rong ruổi khắp nước Mỹ, châu Âu và nhiều quốc gia để đi tìm những bức ảnh phong cảnh truyền thống lãng mạn và khơi gợi vẻ đẹp nguyên sơ của tự nhiên. Trong quá trình thực hành nghệ thuật ấy, ông cũng nhanh chóng nhận ra khả năng kỳ diệu của nhiếp ảnh trong việc thiết lập những thực tại mới và tách biệt, những thế giới phi lý nhưng khả dĩ.

Trang thông tin du lịch và phong cách sống Travellive+
Trang thông tin du lịch và phong cách sống Travellive+
Tác phẩm “Feather” thuộc series Object/Image(1979)

Tác phẩm “Feather” thuộc series Object/Image(1979)

Những chiêm nghiệm tĩnh lặng

Những bức ảnh đen trắng khổ trung và khổ lớn trong của Tom Hricko chịu ảnh hưởng bởi Edward Weston và Paul Caponigro. Đi ngược với suy nghĩ "nắm bắt khoảnh khắc", Tom mong muốn có thể "kéo dài thời gian" của quá trình trích xuất hình ảnh bằng kỹ thuật phơi sáng nhiều lần trên một chủ thể. Một quá trình nhiếp ảnh được tạo ra ngang với quá trình sáng tác trong hội họa.

Phương pháp này thường xuyên được bắt gặp trong các tác phẩm của ông như "Requiem" - Lễ cầu siêu. Ở Requiem, Tom Hricko đã sử dụng con số 3 để tôn vinh cho sự ra đi của hành trình cảm xúc: 3 vật thể ở 3 vị trí khác nhau, với 3 lần phơi sáng. Bằng nghệ thuật chồng hình, mỗi một lần phơi sáng sẽ đại diện cho thời khắc tương lai trở thành hiện tại, rồi từ hiện tại trở thành quá khứ. Khi bức ảnh được hoàn thành cũng là lúc hành trình cảm xúc đi đến hồi kết.

Tác phẩm “Requiem” (1982) được ví von như sự vô thường của vạn vật xuôi theo dòng thời gian

Tác phẩm “Requiem” (1982) được ví von như sự vô thường của vạn vật xuôi theo dòng thời gian

Cũng với kỹ thuật phơi sáng nhiều lần, nhưng đối với Tulips, Tom Hricko lại mang đến một khái niệm về thời gian khác. Ông đã chụp lại một bông hoa với hai điểm nhìn khác nhau cùng một lúc. Và khi ngắm nhìn Tulips, chúng ta đang có đến hai góc nhìn ngay trong một lần nhìn ngắm. Tom Hricko đã dùng kỹ thuật nhiếp ảnh để đánh lừa thị giác khiến chúng ta nhầm tưởng có hai bông hoa trong cùng một tác phẩm. Tulips được sinh ra từ ý niệm thách thức những giới hạn mà con người cảm nhận về thời gian, cũng khiến người xem phải suy xét về bản thân nên nhìn thế giới qua lăng kính đa chiều nhiều hơn.

Khi ngắm nhìn Tulips, chúng ta đang có đến hai góc nhìn ngay trong một lần nhìn ngắm

Khi ngắm nhìn Tulips, chúng ta đang có đến hai góc nhìn ngay trong một lần nhìn ngắm

Ngoài kỹ thuật phơi sáng nhiều lần, Tom Hricko cũng yêu thích việc nắm bắt lấy những khoảnh khắc của những vật thể có phản ứng đặc biệt với ánh sáng như giấy can mờ, gương phản chiếu, lọ thủy tinh trong suốt và hoa. Bố cục sắp đặt tĩnh vật kinh điển trong tác phẩm Arrangement gợi nhớ đến những nằm tháng theo học hội họa của ông. Ta có thể thấy những hình dạng mềm mại của hoa và lá đối lập với những hình học, những vật thể to đối lập với nhỏ, hình đối lập với bóng, nhân tạo đối lập với tự nhiên, rõ ràng đối lập với mơ hồ.

Tác phẩm Arrangement (chính giữa) gợi nhớ đến những nằm tháng theo học hội họa của ông với bố cục tĩnh vật đặc trưng

Tác phẩm Arrangement (chính giữa) gợi nhớ đến những nằm tháng theo học hội họa của ông với bố cục tĩnh vật đặc trưng

Tom Hricko còn đưa người xem đến với một không gian song song nơi những tác phẩm như "In Vitro Landscape" ( Phong cảnh trong ống nghiệm) được chụp với kỹ thuật phơi sáng đơn và sử dụng các loại kính lọc màu để tạo ra những sắc độ không thể tồn tại trong hiện thực khiến ta hoài nghi về thực tại. Đây cũng là là bộ ảnh đánh dấu bước chuyển mình của Tom Hricko từ chụp ảnh phong cảnh thiên nhiên thực tế sang phong cảnh nhân tạo được tạo ra bằng các đồ vật tĩnh vật.

Tom Hricko chia sẻ về khái niệm thực tại của từng tác phẩm rằng: “Tôi hy vọng rằng mọi người sẽ dành thời gian để “chiêm nghiệm” tác phẩm thay vì chỉ “nhìn” đơn thuần như họ vẫn làm với các màn hình phổ biến ngày nay. Sống chậm lại và ngắm nhìn thật sâu các tác phẩm nghệ thuật, tôi mong rằng người xem sẽ khám phá một điều gì đó thật sự nguyên bản từ sâu thẳm tâm khảm của mỗi người.”

Đặc biệt hơn cả, những ý tưởng và kỹ thuật này đã được nhiếp ảnh gia thực hiện hoàn toàn thủ công vẫn còn được sử dụng và tạo cảm hứng trong thời đại kỹ thuật số hiện nay.

"In Vitro Landscape" ( Phong cảnh trong ống nghiệm) được chụp với kỹ thuật phơi sáng đơn và sử dụng các loại kính lọc màu để tạo ra những sắc độ không thể tồn tại

Việt Nam và những mối duyên lành

Tom Hricko và Việt Nam có một sự kết nối kì lạ ngay từ những ngày đầu tiên ông đặt chân đến đây vào năm 1967. Chiếc máy ảnh quang trắc Petri 7s mà ông mua ở Việt Nam với mục đích khỏa lấp nổi nhớ nghệ thuật lại đã dẫn dắt ông đến với con đường nhiếp ảnh đích thực. Và rồi cứ như thế ông lui đến Việt Nam vô số lần từ những năm 1995, tình cảm cùng sự gắn kết với ngôi nhà thứ hai đã thôi thúc ông bước ra khỏi thể nghiệm nhiếp ảnh "phòng thí nghiệm" để quay về lưu giữ cảnh sắc của Việt Nam với bộ ảnh "Echo beach" và "Huế".

Vũng Tàu chính là niềm cảm hứng cho chuỗi tác phẩm Echo Beach của Tom Hricko

Vũng Tàu chính là niềm cảm hứng cho chuỗi tác phẩm Echo Beach của Tom Hricko

Chuỗi tác phẩm Echo Beach được Tom Hricko thực hiện tại Vũng Tàu với rất nhiều sự thử nghiệm biến đổi độ bão hoà màu, sắc độ, cũng như dựa trên thực tế là bãi biển này vốn thường rất đông đúc người nhưng lại gần như trống hoàn toàn trong tác phẩm của ông. Trong quá trình thưởng lãm, Charlie Lam, một người Mỹ gốc Việt đã phát hiện ra những chuyển động cuộc sống như một chuỗi thời gian. Hình ảnh của một con tàu ở ngoài khơi được lưu giữ bên trong từng bức ảnh tĩnh thôi thúc anh nói ra suy nghĩ của mình với Tom Hricko về sự sắp đặt thú vị này liệu có phải là sự tính toán của ông. Để đáp lại Charlie, Tom Hricko đã nhắc đến một câu nói của bậc thầy về ánh sáng trong nhiếp ảnh - Ralph Gibson để giải thích cho quan điểm của ông: "Tôi không phải âm nhạc, tôi chỉ là chiếc radio phát ra âm nhạc ấy. Vậy nên tôi chỉ theo chân tác phẩm, chứ tôi không sắp xếp chúng. Tôi đi đến những nơi mà tác phẩm thôi thúc tôi đến."

Tom Hricko không cố ý sắp đặt những điều ấy, ông chỉ đơn giản là để tác phẩm dẫn đường. Và cứ như thế ý niệm kéo dài thời gian lại được thiên nhiên sắp đặt và lúc này Tom Hricko là người mang sự sắp đặt ấy vào thực tại khác do ông tại ra.

Tom Hricko đã có những chia sẻ thú vị với Charlie Lam, một trong những người thưởng lãm yêu thích chuỗi series Echo Beach của ông

Tom Hricko đã có những chia sẻ thú vị với Charlie Lam, một trong những người thưởng lãm yêu thích chuỗi series Echo Beach của ông

Alternate Existence/s đã đưa người thưởng lãm vượt qua khỏi khái niệm "nhìn" thông thường. Mỗi một tác phẩm ở đâu đều là minh chứng cho khả năng độc đáo của nhiếp ảnh: tạo ra những “bản thể thay thế” vừa giống lại vừa khác với những sự vật và sự kiện quen thuộc của thế giới thường nhật. Từ ấy, người nghệ sĩ kiến tạo nên những thực tại mới chỉ có thể thấy được qua biểu hiện của tác phẩm nhiếp ảnh. Đó là phép màu làm ta rúng động vì sự thân thuộc dung dị lẫn tính biến đổi vô thường của nó.

Triển lãm hiện đang mở cửa từ 9h – 20h ngày 19/11 – 10/12/2022, tại TOONG lầu 6-11-14, 198 Nguyễn Thị Minh Khai, Quận 3, Hồ Chí Minh.

Yến Nhi
RELATED ARTICLES