Hà Nội là gì? Thế nào là Hà Nội? Sự tìm kiếm một định nghĩa cụ thể về Hà Nội dường như luôn thường trực trong bất cứ suy nghĩ nào về thành phố này, nhưng cũng vì thế mà những khả thể về vùng đất kinh kỳ cứ dày lên, trở thành những lăng kính đa sắc bồi đắp nên Hà Nội. Có một ngàn người đi tìm Hà Nội thì hẳn phải có một ngàn lẻ một cái hình ảnh Hà Nội hiện lên. Trần Anh Hùng cũng là một trong số đó, Hà Nội của anh là Hà Nội của những ký ức thơ ấu, là Hà Nội của những ngày đã qua được lưu dấu qua từng thước phim Mùa hè chiều thẳng đứng.
Từ một Hà Nội qua nhãn quan của người xa xứ
Trần Anh Hùng là một đạo diễn người Pháp gốc Việt, anh tốt nghiệp trường điện ảnh danh tiếng tại Pháp École-Louis-Lumière. Các bộ phim của Trần Anh Hùng mang đậm phong cách cá nhân cùng thứ điện ảnh duy mỹ đánh mạnh vào các giác quan của người xem, đồng thời hướng lăng kính vào đời sống Việt Nam đương đại. Tuy Trần Anh Hùng luôn trăn trở và xoáy sâu vào đề tài Việt Nam, song với những ảnh hưởng từ nền điện ảnh đặc trưng Pháp cùng những mảnh ký ức không trọn vẹn, vô hình trung anh đã áp đặt lăng kính tưởng tượng của người ngoài cuộc. Một người đứng ngoài cuộc luôn gắn lên hình ảnh Hà Nội trong "Mùa hè chiều thẳng đứng". Từ đó, Trần Anh Hùng đã lựa chọn cách giải mã, khắc họa hình ảnh Hà Nội trong phim qua việc khơi gợi những xúc cảm của người xem một cách đầy tinh tế.
Quả vậy, Mùa hè chiều thẳng đứng không đào sâu vào các mảnh đời riêng của nhân vật nhằm đẩy tác phẩm sa đà vào lối làm phim “melodrama” kịch tính, các câu chuyện giờ đây thoảng hoặc lướt qua, đôi khi là phông nền cho những gợi nhắc về hình ảnh Hà Nội lên ngôi. Khác với những nhà làm phim Việt khi đặt Hà Nội hoặc trong những ký ức bi thương của những cuộc chiến hoặc Hà Nội như một biểu hiện tiêu cực của đô thị, của đời sống hiện đại, Trần Anh Hùng đã lựa chọn khắc họa một Hà Nội từ những ánh sáng của một miền ký ức xưa cũ, đưa người xem vào một không gian tưởng tượng bằng trải nghiệm của tất cả giác quan.
Trong không gian ấy, Hà Nội hiện lên cùng với vẻ đẹp duy mỹ qua những khuôn hình được trau chuốt đến độ tinh xảo, những góc quay tỉ mỉ cùng những gam màu rực rỡ qua lăng kính của ký ức Trần Anh Hùng. Hà Nội là sắc xanh tươi mát của những vòm cây, của búp sen non, là gam đỏ rực của đam mê và cũng lại trở về với màu trầm buồn của xanh biển khi những bí mật được ánh sáng mùa hè soi chiếu tới. Có lẽ Trần Anh Hùng đã nhìn lại những hồi ức xưa cũ về Hà Nội bằng một nhãn quang của tình thương, của những xúc cảm mạnh khiến cho cách anh tái hiện lại hình ảnh này cũng mang một diện mạo đầy duy mỹ.
Cái không khí từ tốn của Hà Nội từ lăng kính của người xa xứ ấy được lấp đầy bởi những tầng âm thanh đan cài nhau giữa thiên nhiên và con người như tiếng mưa rào một ngày mùa hạ, tiếng dế nhái kêu trong đêm hay tiếng trò chuyện trong một buổi giỗ được ghép lại trên một tiết tấu chậm rãi từ những bản nhạc xưa của Trịnh Công Sơn. Hà Nội của Trần Anh Hùng còn là Hà Nội của những cái chạm, của cảm giác da thịt. Cái nắng mùa hè để lại những nhớp nháp trên da thịt của con người nhưng ta không thấy khó chịu với điều đầy, ta vui vẻ quệt đi giọt mồ hôi để tiếp tục tận hưởng mùa hè.
Trần Anh Hùng đã đưa người xem vào một cuộc viễn du về một Hà Nội tưởng tượng. Từ những ký ức về Hà Nội dưới nhãn quang của một người đã đi xa khỏi thành phố này, anh đưa ra những gợi ý rất tế nhị về một Hà Nội đầy sinh khí và đồng thời dẫn dắt cảm xúc của chúng ta bằng những hình ảnh đầy chất thơ.
Đến một Hà Nội của những ngày đã qua
Để rồi khi đã được thỏa mãn tất cả các giác quan về một Hà Nội tưởng tượng, người xem lại mơ hồ nhận thấy một sự bồi hồi, ngậm ngùi như hoài nhớ về một thời quá vãng. Cách phối cảnh căn phòng của hai anh em Liên và Hải trong phim ngay lập tức khiến người xem liên tưởng đến những khu tập thể xưa cũ của Hà Nội, một nét văn hóa cộng đồng của người Hà Thành đang dần bị mai một. Ngày nay, các tòa chung cư cao tầng mọc lên với tốc độ chóng mặt, đẩy các khu tập thể cũ đứng lạc lõng, trơ trọi giữa nơi phố thị hiện đại. Bên cạnh hình ảnh khu tập thể cũ như một biểu tượng của đất Hà Thành, Trần Anh Hùng còn tái hiện lại được những căn nhà cổ với tường rêu vàng, cửa gỗ xanh, mái ngói nâu nâu như bước ra từ tranh của Bùi Xuân Phái.
Ngôi nhà gia đình chị em Sương nằm giữa con phố cổ, nhìn ra ngoài phố là những thiếu nữ trong tà áo dài xuất hiện thoáng qua bên khung cửa sổ và những guồng quay chậm rãi của xe đạp. Những hình ảnh này đã in đậm vào ký ức của những người nơi đây về phố thị Hà Nội một thời đã xa. Hàng quán trong bộ phim Mùa hè chiều thẳng đứng đều mang một phong vị xưa cũ với đôi chiếc bàn ghế gỗ con con, với vài ba món dân dã. Nó gợi nhắc người ta về hình ảnh Cà phê Giảng, Cà phê Lâm vẫn còn oằn mình tồn tại giữa hàng loạt nhà hàng, quán cà phê hiện đại đang nở rộ trong lòng đô thị Hà Nội.
Dẫu cho những dấu tích của một Hà Thành thời xa vắng ngày càng ẩn mình, nhường chỗ cho cái hiện đại thì những ký ức về những ngày xưa ấy được gìn giữ bởi những con người thương nhớ nơi đây và bởi chính những người xem đã làm cho Hà Nội mang đầy hơi thở thi vị của màu thời gian.
Tuy đã đạt tới độ hoàn thiện công phu và chỉn chu về mặt hình ảnh, Mùa hè chiều thẳng đứng lại xuất hiện những thiếu sót đáng tiếc trong việc xây dựng lời thoại và đài từ của diễn viên, đặc biệt là vai người em út của Trần Nữ Yên Khê. Nhiều khán giả xem phim cho rằng thoại của các nhân vật còn chưa thực sự gần gũi với đời sống khiến một số người khó cảm nhận được cái hay của bộ phim. Nhưng nhìn chung, Trần Anh Hùng đã giải mã, đã thành công khắc họa hình ảnh một Hà Nội đầy chất thơ, giàu cảm xúc nhưng vẫn giữ được những sắc thái vô cùng tế nhị và kín đáo.