Từ một vùng rốn lũ cứ mùa mưa về là ngập lụt, Tân Hóa - ngôi làng xa xôi ở huyện Minh Hóa, tỉnh Quảng Bình vụt sáng thành ngôi sao sáng trên bản đồ du lịch bền vững thế giới.

Empty

Rảo bước trên con đường làng Tân Hóa, lữ khách sẽ thấy đang đi giữa một vùng nông thôn vừa bình dị lại vừa mang nét đẹp sơn thủy hữu tình hiếm nơi nào có được. Ở đó có những mái ngói đỏ, sân vườn nhà ai cũng rất đỗi nhỏ xinh gọn gàng, bao quanh là hàng rào gỗ xanh tươi điểm xuyết sắc hồng, đỏ của những bông hoa. 

Thi thoảng, phía ngược chiều, bạn bắt gặp một người nông dân nở nụ cười hiền hòa, hay lũ trẻ con còn chơi đuổi bắt, vô tư đạp xe trên đường làng và nhìn khách ghé thăm làng với ánh mắt vừa bẽn lẽn, vừa tò mò thích thú. Đó chính là khoảnh khắc bình dị chinh phục bất kỳ vị khách nào đang tìm kiếm một khoảng thời gian sống chậm lại sau những ngày tháng bộn bề nơi thành thị. Và đó là cách những điều bình thường làm nên thương hiệu “Làng du lịch tốt nhất thế giới” cho Tân Hóa.

Thực tế, làng Tân Hóa - dù cái tên nghe còn xa lạ với phần đông du khách - đã xuất hiện trong những bộ phim nổi tiếng của Việt Nam và thế giới. Nằm trọn giữa thung lũng lòng chảo, bao quanh là núi đá vôi và những cánh đồng bất tận, ngôi làng xa xôi này sở hữu cảnh quan thiên nhiên hữu tình, đặc biệt là hệ thống hang động Tú Làn đẹp say đắm lòng người. Tân Hóa từng trở thành bối cảnh quay những bộ phim đình đám, nổi bật nhất phải kể đến bom tấn “Kong - Đảo Đầu lâu” của đạo diễn Jordan Vogt-Roberts.

Empty

Những lần lên phim không thực sự lan tỏa danh tiếng của ngôi làng bình dị này, mà phải đến khi mô hình du lịch thích ứng thời tiết ra đời, cả cuộc sống của người địa phương lẫn vị thế của Tân Hóa mới đổi thay.

Không quá nhiều người biết rằng trước khi được vinh danh là Làng du lịch tốt nhất thế giới, Tân Hóa vốn là vùng “rốn lũ” của Quảng Bình. Ngôi làng nhỏ vốn nằm ở vùng hạ nguồn sông Rào Nan này chìm trong biển nước mỗi mùa lũ vào những tháng cuối năm, nước có thể dâng cao đến 12 m khi lũ đạt đỉnh.

Kể từ trận lũ lịch sử năm 2010, người dân xã Tân Hóa học hỏi kinh nghiệm và được chính quyền hỗ trợ làm nhà chống lũ. Nhà phao chống lũ ban đầu ra đời để giúp đảm bảo an toàn về người, hộ nào có điều kiện có thể làm thêm những căn nhà nhỏ để nuôi lợn, gà trong mùa lũ. Nước dâng cao đến đâu, nhà nổi theo đến đó, người dân Tân Hóa chủ động đón lũ thay vì chạy lũ như xưa.

Từ vùng rốn lũ của Quảng Bình, Tân Hóa tiến thêm một bước đổi thay. Đầu năm 2023, mô hình du lịch thích ứng thời tiết bắt đầu được triển khai tại Tân Hóa. Chính quyền địa phương và ngành du lịch “bắt tay” đưa Tân Hóa thành trung tâm du lịch trọng điểm phía Tây Bắc của Quảng Bình. Dân làng vốn quanh năm chỉ đi rừng, làm nông, chăn nuôi… bắt đầu học làm nghề du lịch. 

Empty

Nhờ chính quyền vận động, người dân liên kết với Oxalis - công ty du lịch mạo hiểm có trụ sở tại Phong Nha (Quảng Bình) và bắt đầu đón khách du lịch lưu trú tại chính những căn nhà chống lũ của mình. 10 hộ gia đình, mỗi hộ được đầu tư 150 triệu đồng để làm homestay và đào tạo những kỹ năng nhỏ nhất như dọn phòng nghỉ đến nấu ăn sao cho vừa giữ bản sắc, vừa hợp khẩu vị khách du lịch. Nhà phao đơn thuần biến thành homestay nhỏ xinh, bữa cơm nhà của người Tân Hóa có thêm những vị khách từ khắp nơi trên thế giới cùng nấu nướng, thưởng thức đặc sản truyền thống. 

Mô hình du lịch này chứng minh tính hiệu quả và được Tổ chức du lịch thế giới (UNWTO) công nhận là mô hình du lịch nông thôn tôn trọng và bảo tồn các giá trị tự nhiên, văn hoá, đồng thời phát huy giá trị của du lịch cộng đồng và cam kết rõ ràng về phát triển bền vững.

Dù bắt đầu hành trình làm du lịch với những con số khiêm tốn, ngôi làng xa xôi hẻo lánh ở rẻo đất miền Trung ấy đã vượt qua 260 làng du lịch từ 60 nước trên khắp thế giới để xuất sắc thắng giải thưởng “Làng du lịch tốt nhất thế giới” năm 2023 của UNWTO. Điều được đánh giá cao nhất là mô hình phát triển du lịch xanh, bền vững và sản phẩm du lịch thích ứng thời tiết, biến đổi khí hậu.

Empty
Empty

Điều không thể bỏ qua trong chuyến khám phá Tân Hóa là trải nghiệm ngủ trong homestay phao nổi. Nhìn từ phía trước, ít ai có thể thấy nhà chống lũ có vẻ gì quá khác biệt, thậm chí còn khá giống một căn nhà sàn ở vùng cao. Nhỏ mà có võ, những căn homestay ấy có thể nâng lên hạ xuống theo dòng nước vào mùa lũ. Khoảng 20 chiếc thùng phuy rỗng bên dưới sẽ giúp nhà nổi, xung quanh là ba hoặc bốn cọc cố định cao đến hơn chục mét đóng vai trò như chiếc mỏ neo.

Bên trong căn nhà đầy đủ tiện nghi như một khách sạn, từ giường nệm, đèn điện đến nhà tắm có bình nóng lạnh. Trong không gian tĩnh mịch của vùng quê về đêm, thi thoảng giữa tiếng ếch nhái, dế kêu xen kẽ âm thanh lục bục lạ tai. Đó chính là tiếng những thùng phuy giãn nở bên dưới. 

Empty

Và nếu đến Tân Hóa vào đúng mùa lũ chuẩn bị đổ về, biết đâu ngày mai thức giấc, du khách sẽ thấy bao quanh mình là biển nước! Đó chính là cái thú của trải nghiệm du lịch thích ứng thời tiết. Đừng lo lắng, căn nhà thực sự vững chãi và an toàn để bạn tận hưởng chuyến nghỉ dưỡng ngay giữa mùa lũ.

Một trải nghiệm thú vị khác là hòa mình vào cuộc sống thường ngày của địa phương. Làng Tân Hóa có khoảng 3.300 người, tất cả đều là người Nguồn. Người Nguồn là cộng đồng Việt - Mường gồm khoảng 35.000 nhân khẩu ở huyện Minh Hóa, tỉnh Quảng Bình. Họ chưa được công nhận là một dân tộc, nhưng họ có ngôn ngữ đặc trưng riêng, văn hóa riêng và văn nghệ dân gian phong phú. 

Empty

Một bữa cơm ở Tân Hóa cùng người Nguồn vừa lạ vừa quen từ những nguyên liệu quen thuộc, nhưng cách chế biến và tên gọi lại rất khác. Mâm cơm hàng ngày đem đãi khách của người Nguồn có cơm pồi, thâu lang (rau khoai lang), ốc tực (ốc), cà lào… Cơm bồi là ngô hoặc sắn, gạo… ngâm nước sôi, để ráo nước trước khi đem giã, dần lấy bột. Hỗn hợp sau đó được nhồi với nước lã, đánh tơi và đồ chín. Nếu muốn, bạn hoàn toàn có thể cùng chủ nhà chuẩn bị bữa ăn để có cơ hội trò chuyện, hiểu thêm về cuộc sống, văn hóa và ẩm thực địa phương.

Nếu muốn thăm thú quanh làng, du khách không thiếu lựa chọn. Thám hiểm hệ thống hang động Tú Làn, băng rừng, bơi lội, lái xe ATV xuyên rừng lim cổ thụ… là những trải nghiệm phiêu lưu vừa sức dành cho mọi lứa tuổi.

Empty

Tân Hóa nằm cách Phong Nha khoảng 70 km, cách trung tâm TP Đồng Hới 130 km. Từ Hà Nội hoặc TPHCM và các tỉnh thành khác, nếu đến sân bay Đồng Hới, du khách cần đi thêm khoảng 100 km về hướng Tây Nam dọc theo đường Hồ Chí Minh trong hơn 2h30 phút để đến Tân Hóa. Tuyến đường này sẽ đi qua thị trấn Phong Nha, đèo Đá Đẽo và sân bay Khe Gát - một di tích lịch sử thời kháng chiến chống Mỹ. 

Nếu xuất phát từ trung tâm TP Đồng Hới, du khách có thể đi quốc lộ 1A, khoảng 130 km qua các huyện Bố Trạch, Quảng Trạch, Tuyên Hóa đến huyện Minh Hóa là tới làng Tân Hóa.

Empty