Về U Minh xem ăn ong lấy mật

16/01/2015

Xuân về, rừng tràm U Minh trở nên tấp nập với hàng đoàn thợ gác kèo rủ nhau vào đây đón mùa “ăn ong”, theo phương ngữ Cà Mau có nghĩa là công việc vào rừng cạy tổ ong lấy mật.

Bài và ảnh: Quỳnh Hạ

Nếu Năm Căn có cây đước tiêu biểu cho loại rừng ngập mặn thì U Minh lại nổi danh với cây tràm bông trắng, đại diện cho rừng ngập ngọt. Khu rừng này đã tạo nên một không gian sinh thái kỳ thú cho vùng đất Cà Mau màu mỡ. Đây là kiểu rừng rất đặc thù, riêng biệt, độc đáo và quí hiếm của thế giới, nên đã được đưa vào diện bảo tồn và phát triển theo tiêu chuẩn quốc tế.

Khu rừng này được chia thành hai phần với ranh giới tự nhiên là sông Trẹm và sông Cái Tàu. Phần trên gọi là U Minh Thượng, phần dưới là U Minh Hạ. So với thuở xưa, hiện nay, rừng U Minh bị phá hủy khá nhiều, không còn trù phú như trong trí tưởng của tôi khi đọc Hương Rừng Cà Mau của Sơn Nam thời còn cắp sách.

Ở xứ này, mỗi độ xuân về, không gì thú vị bằng vào rừng xem bông tràm. Chúng tôi được Trường - hướng dẫn người địa phương - đưa vào tận khu lõi rừng để ngắm những cây tràm nguyên sinh. Lặn lội trong rừng sâu, cả nhóm thỏa ngắm nhìn những hàng cây tràm rủ rỉ, đong đưa nhành lá xao xác. Xen lẫn trong gió là tiếng ong bay vù vù, tìm hoa hút mật nghe thật vui tai. Giữa khung cảnh rừng còn hoang sơ, thoáng nhẹ không khí gió xuân; thi thoảng, một chiếc ghe vun vút trong rừng băng rẽ sóng hướng về thành phố Cà Mau. Chỉ  tay vào các thùng nhựa xếp san sát để trên ghe, Trường bảo tôi, đây là các ghe đi lấy mật trong rừng.

Nhắc đến U Minh, không thể không nói đến sản vật mật ong rừng tràm. So với các loại mật khác, mật ong rừng tràm được xếp hạng nhất vì chất lượng tốt. Tràm ở U Minh một loại là tràm bông vàng, loại cây cho gỗ hoặc có thể chiết xuất thành tinh dầu tràm dược liệu. Còn tràm bông trắng cho hoa có nhiều hương vị ngọt ngào, khiến lũ ong kéo đến làm tổ trong rừng dày đặc. Lúc này, cả rừng tràm nở hoa trắng xóa, chính là thời điểm những người thợ gác kèo ong tấp nập vào rừng kiếm nguồn mật thiên nhiên hiếm quý.

Trang thông tin du lịch và phong cách sống Travellive+
Trang thông tin du lịch và phong cách sống Travellive+

Ở miền Tây Nam bộ, nghề gác kèo ong rừng tràm hầu như chỉ có ở riêng xứ U Minh. Để làm tốt nghề này, người thợ gác kèo đòi hỏi phải khéo tay và kinh nghiệm. Theo những người giỏi nghề, kèo Ong chính là nhánh tràm non tươi xanh roi rói. Sau khi chặt nhánh xong, thật khéo léo, người thợ gác kèo sẽ tìm và chọn một địa thế thật thích hợp để gác nhánh lên cây. Cây tràm này phải to, nằm cách xa các lối mòn, ít người đi lại nhưng phải có ít nhiều bóng nắng dọi vào. Tính nết ong rất khó, nếu cây tràm ở trong mát hoặc quá nắng, chúng sẽ không chọn để làm tổ. Điều này còn ảnh hưởng đến chất lượng của mật.

Gác kèo ong tưởng dễ nhưng xem ra lại rất kỳ công. Gác kèo xong, người thợ còn phải làm sạch những nhánh cây xung quanh để khi lấy mật khỏi bị vướng víu. Để lấy được mật tốt phải chọn và gác kèo Ong trước khi mùa hoa tràm nở, khoảng chừng 2 tháng. Theo tính toán, gác kèo tốt nhất  là vào khoảng tháng mười, tháng mười một. Lúc này, thời tiết miền Tây đang vào cuối mùa mưa. Như vậy, những cơn mưa muộn sẽ rửa sạch dấu vết, mà nhánh kèo cũng đủ thời gian khô đi, giống như bao nhiêu cành khô khác… Nghe nói, khứu giác của ong rất thính, nếu chiếc kèo nào có dấu vết khả nghi là đàn ong sẽ tránh xa ngay. Gác kèo xong rồi thì chờ cho ong kéo đến xây tổ. Lúc đó, người chủ  của giàn kèo chỉ việc đi thăm định kỳ, ung dung ngồi đợi ong làm tổ sao cho nhiều và tới mùa thì lấy mật mang về nhà sử dụng hoặc đem bán.

Xuân ở U Minh, khu rừng bỗng trở nên tấp nập với hàng đoàn thợ gác kèo rủ nhau vào rừng hành nghề. Đi ăn ong càng đông, càng thú vị và hào hứng. Để chuẩn bị cho mùa ăn ong, trong túi hành trang của các tay thợ ngoài niêu cá, xoong cơm, nước uống cùng thuốc chống muỗi vắt và mùng mền chiếu gối… còn phải chuẩn bị nhiều cây đuốc bằng lá dừa khô. Sau đó, họ đem nhúng đuốc vào nước cho hơi ướt, để khi đốt lên đuốc sẽ tỏa ra nhiều khói, làm cho ong ngạt thở, sợ mà bay tản xa khỏi tổ. Lúc này, anh thợ  ăn ong bắt đầu dùng con dao nhọn xăm thông tổ ong cho mật chảy ra theo máng mà cả đoàn làm sẵn. Khi đó, người đứng phía dưới đưa chiếc thùng nhựa hứng lấy, gọi nôm na là thúng ong. Từ từ, dòng mật ong nguyên chất đặc quánh tuôn ra, mãi cho đến khi nào hết mật mới thôi.

Về Cà Mau, nếu được thử món đặc sản từ mật ong, chắc chắn bạn sẽ nhớ mãi. Ở đây người ta dùng mớ ong non trộn chung với bắp chuối rừng, rau răm hành phi với đậu phọng rang vàng giã nhỏ làm món gỏi chấm với nước mắm chua ngọt. Món ăn có vẻ lạ, nhưng nếu được ngồi bệt bên vạt rừng tràm lung linh hoa nắng trong khung cảnh mùa xuân hiền hòa mà nhấp cùng ngụm nhỏ ly đế đưa cay… thì tuyệt cú mèo!

Thông tin thêm:

+ Rừng tràm U Minh cách trung tâm thành phố Cà Mau khoảng 55 km. Nếu bạn di chuyển bằng xe gắn máy..hãy đi theo quốc Lộ 63, hướng về phía Bắc huyệnTrần Văn Thời  hơn 50 km ..sẽ gặp  cửa Rừng U Minh.

Hiện nay, tour du lịch Cà Mau bằng đường hàng không dành cho các du khách miền Bắc, Trung rất thuận tiện. Bạn có thể đặt tour qua các công ty du lịch.

+ Từ TP.HCM đến Cà Mau khoảng cách 350km. Nếu đi bằng đường bộ, bạn nên đi xe Phương Trang, giá vé từ 230.000 – 250.000 đ/khách.

+ Du lịch Cà Mau, bạn nên chọn mùa khô kéo dài từ tháng 10 đến tháng 4 năm sau là tốt nhất.
+ Khách sạn tại Cà Mau chỉ đạt chuẩn từ 1- 3 sao, giá dao động từ 250.000- 2.000.000đ.

+ Ẩm thực: hải sản ở Cà Mau rất tươi. Bạn có thể mua mật ong, tôm khô, cua gạch, mắm ba khía, dưa chua bồn bồn để làm quà cho bạn bè.

+ Ngoài việc thăm rừng tràm U Minh, bạn có thể ghé thăm các địa danh khác như hòn Đá Bạc,  sân chim Ngọc Hiển, đảo Hòn Khoai… cũng rất thú vị.

RELATED ARTICLES