3 bộ phim về thảm họa đại dịch

01/08/2021

“Giữ tinh thần tích cực” là điều chúng ta thường nhắn nhủ, nhắc nhở lẫn nhau trong những ngày này. Nhưng nếu chỉ giữ sự tích cực bằng việc tập trung vào những điều tươi sáng, những chuyện tốt lành và lảng tránh đi mặt tối của thực tại - đó cũng không phải là cách tốt nhất. Dưới đây là 3 bộ phim đặc biệt được lấy đề tài về dịch bệnh, chúng không phải những bộ phim với “happy ending” để tinh thần bạn thêm tích cực, mà giống như những thước tư liệu chân thực và sống động về thảm họa virus, để từ đó bạn có một cái nhìn rõ ràng vào cuộc khủng hoảng toàn cầu này. Nhận thức về nó, khống chế được nỗi sợ trước nó.

Contagion 2011 - khi kịch bản phim trở thành cơn ác mộng tồi tệ nhất

Lấy cảm hứng từ những đại dịch như dịch SARS 2002-2004 và đại dịch cúm 2009, nguồn gốc của virus Nipah đến từ Malaysia vào năm 1997, bộ phim như một dự báo chính xác về một loại dịch bệnh khó lường trước trong lịch sử loài người, đồng thời, nó cũng nói về cái cách mà con người chúng ta ứng xử trước đại dịch.

Empty

Không như các bộ phim về đề tài thảm họa khác, Contagion của đạo diễn Steven Soderbergh không phụ thuộc quá nhiều vào hiệu ứng hình ảnh, điều đáng sợ nhất của bộ phim là tính hiện thực của nó. Có lẽ trong cơn ác mộng tồi tệ nhất, đạo diễn Steven Soderbergh cũng không nghĩ rằng gần 10 năm sau, kịch bản của ông gần như trở thành một sự thật khó chấp nhận với toàn nhân loại.

Trong Contagion, một loại bệnh dịch cảm cúm gây chết người đột nhiên bùng phát lan rộng khắp nước Mỹ và thế giới, không rõ nguyên nhân. Chỉ trong vòng 12 ngày kể từ ca phát bệnh đầu tiên, hơn 8 triệu người Mỹ nhiễm bệnh. Đến ngày thứ 26, đã có tới 2,5 triệu người Mỹ chết cùng với 26 triệu người khác trên toàn thế giới.

Các nhà khoa học tính toán được rằng với tốc độ lan truyền này, 1 phần 12 dân số toàn cầu sẽ mắc bệnh với tỉ lệ tử vong lên đến 30%. Trong cơn hoảng loạn trước thảm họa, mỗi người lại có một mối quan tâm và lựa chọn hành động khác nhau: có người quên đi hiểm nguy để tìm ra thuốc chữa và giúp đỡ những người bệnh, có những kẻ lại loay hoay giẫm đạp lên nhau để tìm cách sống sót, có người tin rằng bệnh dịch là âm mưu làm giàu của những tập đoàn dược phẩm lớn, có kẻ lại cho rằng đó là sự trừng phạt của Chúa trời,... Tất cả quay cuồng trong một thảm họa chết chóc không cách nào ngăn cản, với nguyên nhân khởi phát hóa ra lại cực kỳ đơn giản: chỉ vì sự chủ quan khinh thường các quy tắc bảo vệ an toàn sức khỏe của con người.

Empty
Empty

Tác phẩm khai thác nhiều hướng đối tượng khác nhau, từ các yếu tố gây hoảng loạn đám đông và làm sụp đổ trật tự xã hội - như sự lây lan nhanh của bệnh và mất kiểm soát trên toàn cầu, đến một chủ đề khó và nhạy cảm như quá trình giới khoa học lúng túng trong việc ngăn chặn một mầm bệnh chưa rõ lai lịch. Đi vào lát cắt của từng tuyến nhân vật trong đội ngũ y tế, bộ phim khắc họa sự mất cân bằng giữa các hành vi cá nhân với trách nhiệm và đạo đức nghề nghiệp khi phải đối mặt với một mối đe dọa sống còn, những mặt hạn chế và hệ quả của phản ứng y tế công cộng, và sự kết nối mật thiết phủ khắp giữa các cá thể có thể đóng vai trò như yếu tố trung gian lây bệnh.

Contagion giống như một bức tranh toàn cảnh, một tấm gương phản chiếu để chúng ta nhìn thấy chính mình đâu đó trong trận đại dịch này. Một cái nhìn khách quan sẽ giúp chúng ta có những ý thức và hành vi bớt đi chủ quan.

“Bóng ma” Đậu Mùa trong Variola Vera 1982

Ra đời năm 1982, Variola Vera (đạo diễn Goran Marković) là một bộ phim kinh điển về đề tài dịch bệnh, ngay tại thời điểm công chiếu, bộ phim đã gây sốc khi lấy cảm hứng từ những sự kiện có thật về dịch bệnh đậu mùa xảy ra ở Nam Tư cũ vào năm 1972.

Kịch bản phim chỉ lấy cảm hứng từ sự kiện, mọi chuyện diễn ra và ý nghĩa của phim không phản ánh những gì thật sự diễn ra trong lịch sử. Nhưng đây vẫn là một bộ phim chúng ta nên xem để hiểu sự đáng sợ của căn bệnh, lẫn con người.

Trang thông tin du lịch và phong cách sống Travellive+
Trang thông tin du lịch và phong cách sống Travellive+
MV5BOTZjMGYzY2YtMzU3My00YTM2LWJmMzgtMThjNzFhMDcwZmZlXkEyXkFqcGdeQXVyMzIwMTIwODc@._V1_FMjpg_UX1000_

Bối cảnh phim xoay quanh Bệnh viện Đa khoa ở Belgrade, khi có một bệnh nhân số 0 đã lây lan cho các bệnh nhân khác và toàn bộ y bác sĩ ở đây.

Bắt nguồn từ một người Nam Tư theo đạo Hồi khi trở về sau chuyến hành hương ở các nước Ả Rập, anh ta mang theo một vật phẩm có mầm bệnh mà không hề biết, anh ta đã nhiễm bệnh. Sau khi bị chuẩn đoán sai, căn bệnh lây lan khắp bệnh viện và khiến cho nhiều người chết.

Kể cả khi bệnh dịch đã đến tai chính quyền và được sự cảnh báo của người có kinh nghiệm nhưng họ vẫn phớt lờ. Tới khi có bằng chứng cụ thể, họ phong tỏa ngay bệnh viện, cắt đứt mọi thông tin với bên ngoài và chỉ cử một người duy nhất đến để chữa trị. Sau khi mọi thông tin bị rò rỉ, họ mới công bố với người dân rằng đó là bệnh Đậu Mùa.

Người xem được dẫn dắt một cách khéo léo về cung bậc cảm xúc sợ hãi leo thang, đi từ hình ảnh đau đớn của bệnh nhân số 0 trước khi chết, lần lượt từng người trong bệnh viện bị lây nhiễm, việc cách ly được thực hiện bởi quân đội, toàn bệnh viện không được phép ra ngoài, cho đến việc họ phải chứng kiến ngay trước mắt từng người chết được đem đi thiêu.

Cùng với sự xuất hiện một cách bất ngờ của vị bác sĩ duy nhất được cử đến bệnh viện, khi đến nơi, ông ta mặc bộ đồ phòng hộ kín cả người - trớ trêu khi chính sự hiện diện này khiến vị bác sĩ như đại diện cho thần Chết, bởi hình ảnh đó vốn gắn liền với chiến tranh sinh học, một dự báo của cái chết lan rộng.

Empty

Bộ phim đã vạch ra rằng một phần của chuỗi lây lan khủng khiếp bắt nguồn từ những bất cẩn, ích kỷ, sai lầm của con người. Nếu vị bác sĩ có trách nhiệm hơn, người bệnh đã được chăm sóc kỹ; nếu các bệnh nhân khác có ý thức hơn, họ đã không tiếp xúc với người mang mầm bệnh khác; nếu y tá không trốn vào phòng để “mây mưa” với bác sĩ thì người bệnh không chạy lung tung khắp nơi; nếu vị viện trưởng không sĩ diện thì đã không chuẩn đoán bừa thứ bệnh mà ông không biết... Chữ “nếu” hay chữ “vì” rút cục đều đem đến hậu quả như nhau.

Variola Vera còn mang tính phê phán và cảnh tỉnh cao độ với các chi tiết như: cái ống tiêu (mang mầm bệnh) nằm trong tay vị quan chức, ngầm cảnh báo về những vũ khí sinh học trong tương lai. Vị quan chức này đã nhận được giấy khen từ WHO, nhưng cũng chính ông ta trước đó ngăn cản sự công bố về căn bệnh, chính ông ta phong tỏa bệnh viện trong sự thiếu thốn thuốc men. Hay, một chi tiết khác khi có người bệnh chết vì xuất huyết não, song vị bác sĩ lại nói rằng đó có thể là một biến thể mới của bệnh Đậu Mùa. Rút cục, căn bệnh thật sự nằm trong suy nghĩ của con người, là thứ “Đậu Mùa” nằm trong trí não.

Outbreak 1995 - Lời tiên tri về dịch bệnh Ebola

Outbreak, ra đời dựa trên cuốn tiểu thuyết phi hư cấu The Hot Zone của nhà văn Richard Preston, cũng đã trở thành lời tiên tri về dịch bệnh Ebola bùng phát năm 2013 ở châu Phi.

Outbreak là câu chuyện về virus Motaba, thủ phạm gây ra cơn sốt chết người, được phát hiện tại một khu rừng ở châu Phi năm 1967. Hình ảnh của “quái vật” Motaba được xây dựng dựa trên tính chất và câu chuyện thật của virus Ebola được phát hiện năm 1976.

Empty

Motaba ẩn mình trên chú khỉ Besty để đến đất Mỹ và nhanh chóng trở thành thảm họa, đúng như tên phim: Bùng phát. Motaba từ Besty lây sang cho James "Jimbo" Scott, một nhân viên của Sở thu giữ và kiểm dịch động vật. Anh này vì tiền mà cố lấy cắp Betsy và đưa đến thành phố Cedar Creek (California) để bán lậu cho một tiệm thú cưng. Cedar Creek nhanh chóng chìm trong dịch bệnh và sự hoảng loạn. Quang cảnh trong bệnh viện khá giống với những gì chúng ta phải chứng kiến trong trận dịch Ebola ở châu Phi năm 2013 và cả hiện tại với Covid-19.

Empty
outbreak_pic03

Nhịp phim nhanh, nhấn mạnh vào sự bùng phát khó lòng kiểm soát, cảnh phim về các triệu chứng xuất huyết, nội tạng “hóa mùn” lặp đi lặp lại tạo cảm giác về sự tấn công không khoan nhượng của Motaba, như bất kỳ loại virus chết người nào khác. Nhưng phim không chỉ tập trung vào điểm đáng sợ của virus hay sự nguy hiểm của hoảng loạn, mà còn đưa ra tình huống rất đáng suy nghĩ về sự cẩn trọng của con người trong việc nghiên cứu những loại virus chết người.

Trong Outbreak là sự toan tính của chính quyền về việc dùng Motaba như vũ khí, là lỗ hổng trong buôn bán/vận chuyển và kiểm dịch thú rừng. Một giây phút thiếu tỉnh táo dẫn đến bất cẩn của nhân viên phòng thí nghiệm, tưởng nhỏ, nhưng đã lấy đi sinh mạng hàng ngàn người và suýt nữa xóa sổ cá một thành phố 26.000 dân - nếu không kịp ngăn chặn, có thể là cả nước Mỹ, thậm chí toàn cầu.

Bộ phim một lần nữa đặt ra câu hỏi, liệu chúng ta có đủ khả “dập” đám cháy khi “chơi” với lửa - trong công cuộc nghiên cứu những sinh vật siêu nhỏ nhưng có sức tàn phá khủng khiếp như loại virus này?

Empty

Cả 3 bộ phim nói trên cũng được tìm kiếm và phân tích sôi nổi trở lại khi dịch Covid-19 bùng phát. Rất nhiều ý kiến cho rằng dù đã được làm từ khá lâu nhưng cả 3 tác phẩm đều như lời tiên tri về hiện tại. Liệu đó là lời tiên tri hay có chăng là vòng lặp lịch sử, và liệu chúng ta đã học được bài học cần thiết?

HieuKien
RELATED ARTICLES