Báo Mỹ viết về ảnh hưởng nặng nề của Covid-19 ở Hội An

11/03/2021

Đại dịch ảnh hưởng nặng nề hơn ở Hội An vì thành phố này phụ thuộc nhiều vào du khách nước ngoài. Nhiều ngư dân đổi nghề nay buộc phải trở lại biển để tiếp tục mưu sinh.

Ngày 11/3/3020, Tổ chức Y tế thế giới (WHO) tuyên bố Covid-19 đã đạt đến mức độ đại dịch, với "mức độ lây lan và nghiêm trọng đáng báo động". Gần như ngay lập tức, hoạt động du lịch quốc tế dừng lại vì các quốc gia đóng cửa biên giới, các hãng hàng không hủy chuyến bay còn các thành phố trên khắp thế giới rơi vào tình trạng bị phong toả.

Thiệt hại về tính mạng, sức khỏe và sinh kế của người dân tiếp tục tăng lên. Cú đánh vào du lịch và tất cả những ai phụ thuộc vào ngành này rất khủng khiếp: Lượng khách quốc tế đến các sân bay của Mỹ giảm tới 98% vào tháng 4/2020 so với năm trước đó, và tiếp tục như vậy suốt nhiều tháng. Theo Tổ chức Hợp tác và Phát triển Kinh tế, nền kinh tế du lịch toàn cầu dự kiến thu hẹp khoảng 80% khi tất cả dữ liệu năm 2020 được tính đến.

Sắp tròn một năm kể từ ngày WHO tuyên bố đại dịch, New York Times đánh giá một số thành phố vốn phụ thuộc chủ yếu vào du lịch đã thích nghi như thế nào, trong đó có Hội An của Việt Nam.

Hội An của Việt Nam, trước mùa dịch Covid-19

Hội An của Việt Nam, trước mùa dịch Covid-19

Trong tâm trạng đan xen nỗi niềm và hy vọng, ông Lê Văn Hùng bước ra khỏi ngôi nhà đơn sơ của ông dưới những rặng dừa ven biển miền Trung Việt Nam, giữa những tiếng gà gáy và rẽ lối tắt để hoà mình vào sóng biển, bầu trời, mặt trời.

Biển lặng, có nghĩa là sau những tháng ngày giông bão, ông có thể yên tâm chèo thuyền thúng ra khơi đánh bắt cua cá để nuôi sống gia đình.

Ông Hùng, năm nay 51 tuổi, từng là ngư dân nhiều năm ra khơi xa trên những con thuyền lớn. Nhưng ông đã ngừng đi biển năm 2019 để giúp con gái điều hành nhà hàng mà họ mở bên bờ biển năm 2017 ở Hội An giữa lúc làn sóng du lịch quốc tế đang dâng cao.

Ông Lê Văn Hùng trên chiếc thuyền thúng

Ông Lê Văn Hùng trên chiếc thuyền thúng

Khách du lịch và phần lớn thu nhập của gia đình ông Hùng đã biến mất khi virus corona bùng nổ đầu năm 2020. Và trong một cú giáng tàn khốc, một trận gió đã kéo nhà hàng Yang Yang của họ, nằm trên một cồn cát, xuống biển khơi vào tháng 11.

Bây giờ, giống như nhiều người khác ở Hội An đã bỏ nghề đánh cá để gia nhập ngành du lịch, làm những công việc như bồi bàn, nhân viên bảo vệ hoặc lái tàu cao tốc, hoặc mở cơ sở kinh doanh riêng để phục vụ du khách, ông Hùng đã trở lại với những gì bản thân biết rõ nhất - cưỡi sóng biển để kiếm sống. Người đàn ông có dáng dấp thấp bé, lưng còng này giờ phải cưu mang 6 người thân sống cùng trong vài căn phòng lợp ngói có cửa chớp bằng gỗ.

Trang thông tin du lịch và phong cách sống Travellive+

Kể từ tháng 9, những cơn bão dữ dội, gần đây là gió mạnh và biển động đã khiến ông Hùng không thể ra biển, vì sợ chiếc thuyền thúng chỉ bằng cái bồn tắm của ông sẽ bị lật. Trông ra những con sóng cuối tháng 2, với một nửa phòng tắm nhà hàng của ông vẫn nằm ngổn ngang trên bãi biển phía dưới, ông thầm nhủ: "Mai kia rồi sẽ an toàn."

Ông Lê Văn Hùng kiểm tra chiếc thuyền thúng mới mua vào tháng 8 năm ngoái

Ông Lê Văn Hùng kiểm tra chiếc thuyền thúng mới mua vào tháng 8 năm ngoái

Vì vậy, vào lúc mặt trời mọc một ngày thứ Ba gần đây, ông Hùng lên thuyền vượt sóng lớn ra khơi. Khi cách bờ khoảng 400 thước, trên mặt nước xanh như ngọc nhấp nhô, ông bắt đầu giăng lưới, vòng một khoảng rộng 500 thước để giăng bẫy những đàn cá.

Ông Hùng lớn lên ở Hội An, nơi trải qua nhiều thế kỷ là cộng đồng ngư dân nằm giữa biển xanh trong và những cánh đồng lúa xanh mướt. Trong 15 năm qua, các nhà phát triển Việt Nam và các khách sạn quốc tế đã đầu tư hàng tỷ USD vào xây dựng các khu nghỉ dưỡng ven sông, trong khi cả người dân địa phương và người nước ngoài mở hàng trăm khách sạn nhỏ, nhà hàng và cửa hiệu bên trong cũng như quanh trung tâm thành phố. Du khách quốc tế đổ xô đến nơi này, chen chúc trên các bãi biển ban ngày và tràn ra khu phố cổ vào ban đêm.

Đại dịch ảnh hưởng nặng nề hơn vì Hội An phụ thuộc nhiều vào du khách nước ngoài. Năm 2019, có tới 4 triệu trong số 5,35 triệu du khách đến đây là từ nước ngoài.

Sau 2 giờ đánh cá, ông Hùng ăn sáng chờ bình minh

Sau 2 giờ đánh cá, ông Hùng ăn sáng chờ bình minh

Ông Hùng gác lưới chờ biển lặng

Ông Hùng gác lưới chờ biển lặng

Những tấm lưới trống khiến người ngư dân lo lắng

Những tấm lưới trống khiến người ngư dân lo lắng

Khi các khách sạn mọc lên quanh nhà ông Hùng trên bãi biển Tân Thành, gần phố cổ, năm 2017, gia đình đã vay mượn người thân để mua vài chục chiếc giường tắm nắng và ô che, dựng một nhà hàng ngoài trời trên cồn cát sau nhà. Con gái ông, Hồng Vân 23 tuổi, chế biến các món hải sản như chả giò tôm mực. Hai con trai của ông giúp nấu ăn và dọn bàn, còn ông rửa bát. Ông Hùng đã bỏ hẳn đội đánh bắt cá biển sâu vào mùa hè năm 2019, tin rằng du lịch là tấm vé giúp họ có một cuộc sống tốt đẹp hơn.

"Khi ấy, tôi rất vui", ông Hùng bày tỏ với New York Times qua một người phiên dịch. "Làm việc tại nhà thật sự thư thái về tinh thần, thoải mái trong sinh hoạt hàng ngày cùng gia đình".

Ông đã thu về gấp 5 lần số tiền 3 triệu đồng/tháng mà ông kiếm được trên biển. Tuy nhiên, các bàn của nhà hàng trống trơn khi virus corona làm tê liệt khu vực Đông Nam Á ,và Việt Nam áp lệnh phong toả gần như hết tháng 4.

Sau đó, Việt Nam hứng chịu đợt bùng phát Covid-19 lần 2 vào tháng 7, cách Đà Nẵng 40 phút về phía bắc, ngay khi người dân địa phương đang cảm thấy hy vọng về sự phục hồi du lịch trong nước. Hội An lại vắng vẻ thêm nhiều tuần nữa.

Với số tiền tiết kiệm gần như cạn kiệt, ông Hùng biết rằng mình phải quay về với biển.

Không chỉ riêng ông Hùng, nhiều ngư dân Hội An bỏ nghề làm du lịch đã phải quay lại biển để mưu sinh vì đại dịch Covid-19

Không chỉ riêng ông Hùng, nhiều ngư dân Hội An bỏ nghề làm du lịch đã phải quay lại biển để mưu sinh vì đại dịch Covid-19

Đến tháng 8, ông đã có thể đẩy được thuyền thúng của mình qua những con sóng bằng chỉ một mái chèo. Con gái của ông đem bán những gì ông đánh bắt được trên trang Facebook cá nhân. Nhưng biển trở nên quá nguy hiểm khi mùa mưa năm 2020 kéo sang năm 2021.

Trên chiếc thuyền đánh cá ở một vùng biển êm ả hơn, ông Hùng mặc một chiếc áo khoác nhựa và đeo găng tay bắt đầu kéo lưới, cuộn thành một đống. Ông thỉnh thoảng gỡ ra một con sứa con, trong suốt như một cục nước đá tròn, và sau 20 phút nữa thì bắt được một con cá bạc và một con cua nhỏ, và 15 phút sau lại một con cá nhỏ khác.

Do biển động nên ông Hùng vất vả chèo chống. Ông tính sẽ nướng cá thay vì đem rán để tiết kiệm dầu. Ông cầu mong mình sẽ vớ được những mẻ cá lớn.

"Chúng tôi hy vọng, nhưng tôi cũng chẳng bao giờ biết được điều gì đang xảy ra dưới biển sâu", ông Hùng tâm sự.

Hà Lê - Nguồn: New York Times
Trang thông tin du lịch và phong cách sống Travellive+
Trang thông tin du lịch và phong cách sống Travellive+
RELATED ARTICLES