Bồng bềnh sông Hoài, tìm về “Ký ức Hội An”

20/03/2018

Du lịch Hội An sẽ có thêm lựa chọn dành cho du khách với show nghệ thuật biểu diễn thực cảnh Ký ức Hội An vừa được công diễn khai màn vào đêm 18/3.

Đây là kết quả của hai năm ấp ủ, phát triển ý tưởng và ngần ấy thời gian chuẩn bị, dàn dựng công phu từ nhà sản xuất chương trình và ê kíp thực hiện.

Show diễn thực cảnh được dàn dựng trên một không gian biểu diễn rộng đến 25.000m2 -  hạt nhân của Công viên văn hóa chủ đề Ấn tượng Hội An, nơi cũng sẽ được khai trương vào tháng 4 tới. Công viên được xây dựng bao trùm một ốc đảo nổi giữa sông Hoài thuộc hai phường Cẩm Châu và Cẩm Nam. Sân khấu ngoài trời được thiết kế cho show diễn có thể phục vụ cùng lúc đến 3.300 khán giả, và được Tổ chức Kỷ lục Việt Nam (VietKings) công nhận“Sân khấu ngoài trời lớn nhất Việt Nam”.

Show diễn là “bữa tiệc” của âm thanh và ánh sáng với công nghệ hiện đại

Với thời lượng hơn một tiếng đồng hồ, show diễn thực cảnh đã đưa khán giả quay về với Hội An xưa, cảng thị nhộn nhịp có vai trò quan trọng trên “con đường tơ lụa trên biển” từ thế kỷ thứ 16 đến Hội An thời hiện đại. Năm màn diễn tái hiện lịch sử, văn hóa và những thăng trầm đã đi qua đô thị cổ và là di sản văn hóa nổi tiếng bậc nhất tại miền Trung.

Linh hồn của show diễn được tạo nên bởi hơn 500 diễn viên được tuyển lựa, đào tạo kỹ lưỡng từ khắp ba miền đất nước. Họ đã góp phần kể lại câu chuyện phố Hội bằng ngôn ngữ vũ đạo mô phỏng các sinh hoạt đặc trưng của người dân Hội An và miền Trung từ thế kỷ thứ 16. Giảng viên Thanh Hằng - biên đạo múa của show diễn, cho biết các màn vũ đạo được thể hiện chủ yếu từ sự phối hợp giữa vũ đạo tân cổ điển và nghệ thuật múa ballet.

Một Hội An lung linh và quyến rũ

Trang thông tin du lịch và phong cách sống Travellive+
Trang thông tin du lịch và phong cách sống Travellive+

Toàn bộ câu chuyện được “kể” lại bởi nhân vật trung tâm là cô gái dệt vải với nhịp điệu khung cửi đầy thổn thức và tâm trạng, cũng là nhịp thời gian. Ở đó, thời gian trôi chảy qua những bước chân, qua những vòng quay xe đạp của 100 cô gái mặc áo dài lướt qua một cách nhẹ nhàng nhưng đầy ám ảnh.

Show diễn đưa khán giả vào không gian đặc quánh văn hóa truyền thống, với hình ảnh cây tre, những sinh hoạt sông nước, đám cưới, văn hóa Chăm hay áo dài…

Cây tre được sử dụng làm đạo cụ tạo nên hình ảnh đẹp, ấn tượng cho show diễn

Quyện vào đó là âm nhạc tích hợp giữa nhạc giao hưởng, âm nhạc dân gian, với tiếng đàn bầu và đàn tranh làm “âm nền” chủ đạo cho câu chuyện Ký ức Hội An. Show diễn thực cảnh trở nên quyến dụ hơn, biến ảo hơn khi được tương tác bởi công nghệ âm thanh, ánh sáng hiện đại. Tất cả cho thấy một Hội An cổ kính, nhỏ bé mà biên độ rộng mở đến vô cùng, một không gian sống đa sắc màu văn hóa, sự hội ngộ Đông - Tây.

Quyến rũ áo dài

 

Show diễn thực cảnh là loại hình nghệ thuật còn khá mới mẻ tại Việt Nam. “Ký ức Hội An” là show diễn thực cảnh thứ hai tại Việt Nam, sau show “Tinh hoa Bắc Bộ” ở Sài Sơn, Hà Nội. Nó được các nhà sản xuất kỳ vọng sẽ góp phần thay đổi diện mạo về đêm của phố Hội.

Nhiều khán giả trong nước khi xem show có thể hơi bỡ ngỡ khi vẫn chưa quen với loại hình nghệ thuật này. Dù vậy, show diễn là một nỗ lực đáng ghi nhận khi mang đến cho khán giả “Cảm xúc về Hội An cổ khi ta sống trong không gian Hội An thời hiện đại”, như bình phẩm của nhà sử học Dương Trung Quốc sau khi xem xong show diễn này.

Có ý kiến lo ngại rằng, vị trí Công viên văn hóa chủ đề Ấn tượng Hội An, nơi tổ chức show diễn, khá gần với khu phố cổ. Điều này sẽ ảnh hưởng đến sự bảo tồn của di sản văn hóa này, đặc biệt khi show diễn thu hút lượng đông đảo khán giả đến xem hằng đêm, như kỳ vọng từ phía nhà sản xuất.

Bài: Thưởng Trần | Ảnh: BTC cung cấp

 

RELATED ARTICLES