Về cơ bản, những chuyến đi dài ngày có thể sẽ khiến bạn "đau ví" và đôi lúc đau đầu hơn những chuyến đi ngắn. Làm cách nào để có một nguồn tài chính vững vàng cho việc đi du lịch? Tính toán ra sao để không bị thâm hụt tài chính trong những chuyến đi dài ngày? Travel Blogger Trang Chó sẽ trả lời hai câu hỏi này cho bạn trong bài viết dưới đây.
CHUẨN BỊ TÀI CHÍNH VỮNG VÀNG
Nguyễn Thùy Trang (28 tuổi, Hải Phòng) chia sẻ, suốt 4 năm đại học, cô đã lăn lộn với rất nhiều công việc tự do khác nhau và tiết kiệm hầu hết số tiền kiếm được. Cô cho biết: "Mình không chi tiêu gì riêng cho bản thân nhiều nên đã tích lũy được một khoản tiền kha khá". Sau khi ra trường, cô dành nhiều thời gian và tiền bạc cho những chuyến đi của mình. Tới nay, cô đã chi gần 1 tỷ đồng cho 1000 ngày đi du lịch nhiều nơi.
Năm 2022, dường như không có ngày nào là Thùy Trang không trên đường đi du lịch. Trang chia sẻ: "Xê dịch trên các cung đường dường như là lẽ sống của mình". Trang thường có chuyến đi dài ngày kéo dài trong khoảng một tháng.
Cô cho biết, sau khi tốt nghiệp và đi làm được 6 tháng, cô nghỉ việc và bắt đầu hành trình khám phá thế giới trong nhiều ngày. Cũng từ đó, cô nhận thấy: "Để đi được những chuyến đi dài ngày liên tục như vậy, cần phải có một công việc phù hợp. Và trở thành một 'Digital nomad' (người đi du lịch làm việc trên nền tảng số) là một phần của lối sống đó". Hiện nay, cô đang làm cùng lúc nhiều công việc online khác nhau, ở mọi lúc mọi nơi mà không cần phải đến văn phòng.
Thùy Trang chia sẻ, mình phải lên kế hoạch làm việc hết sức khoa học. Cô xây lịch làm việc cụ thể, tranh thủ giải quyết công việc vào buổi tối, bám sát deadline để luôn hoàn thành đúng hạn. Vào ban ngày, cô khám phá điểm đến, tìm hiểu văn hóa, thưởng thức ẩm thực... Đó là cách để cô gái 28 tuổi vừa có thể kiếm được tiền trong lúc đi chơi, vừa được đi chơi trong lúc làm việc. Quản lý công việc hiệu quả là bước đầu tiên để quản lý tài chính tốt.
Bước thứ hai là biết cách chia tiền ra những túi nhỏ. Riêng bản thân Thùy Trang, cô phân ra hai túi tiền: tiền tích trữ và tiền đi du lịch. Cô cho biết túi tiền thứ nhất được dành cho những hoạt động bắt buộc phải chi trả, và nhất quyết không "đụng" vào số tiền này. Túi tiền thứ hai cô dành riêng cho việc đi du lịch. Trang thường sẽ phân tích cụ thể các nhu cầu sử dụng hiện tại và cân nhắc liệu mình đang phù hợp với chuyến đi như thế nào. Từ đó, cô tự thiết kế một chương trình du lịch hợp lý cho bản thân và bắt đầu lên kế hoạch tài chính cho chuyến đi đó.
LÊN KẾ HOẠCH TÀI CHÍNH CÀNG CHI TIẾT CÀNG TỐT
Trong mỗi chuyến đi, cô lên kế hoạch tài chính bằng việc tính toán chi phí cho 5 quỹ sau: lưu trú, ăn uống, di chuyển, vé tham quan và chi phí phát sinh. Cô lưu ý với bạn đọc hai điều: lên kế hoạch cho chuyến đi sớm nhất có thể và tìm hiểu thật nhiều bên cung ứng dịch vụ để có sự lựa chọn tốt nhất.
Thùy Trang không quá chú trọng vào dịch vụ lưu trú trong những chuyến đi của mình, dù là ngắn ngày hay dài ngày. Cô có thói quen luôn tìm những phòng rẻ nhất trên Booking hoặc Agoda, đa số là phòng ngủ giường tầng (dorm). Trang dành thời gian để đọc những đánh giá của các căn phòng mình có ý định thuê rồi tăng mức chi trả lên nếu cần thiết để chọn được một nơi ở ưng ý.
Cô cho biết, thông thường chi phí của phòng dorm sẽ không quá 200.000 đồng, trừ một số quốc gia có giá thuê khá đắt như Trung Quốc, Đài Loan và Singapore dao động trong khoảng 300.000 - 400.000 đồng. Ngoài ra, bạn sẽ hoàn toàn không tốn một xu cho quỹ ăn ở nếu sử dụng Couchsurfing. Đây là một nền tảng giúp bạn kết nối và xin ở nhà của người bản địa. Bạn vừa có thể tiết kiệm một khối tiền, vừa được học hỏi, chia sẻ và tìm hiểu nhiều hơn về con người, phong tục và văn hóa của nơi mình đi đến.
"Di chuyển là một trong những quỹ cần được tính toán kỹ lưỡng và chuẩn bị càng sớm càng tốt". Thùy Trang cho biết: "Mình thường đặt vé máy bay trước khoảng 3 - 6 tháng để được giá tốt nhất. Ngoài ra, mình hay canh những đợt mở bán của các hãng hàng không giá rẻ để săn được vé máy bay 0 đồng". Đây là cách mà cô nàng vận dụng để giảm đi một khoản phí đáng kể. Trang cũng dành nhiều thời gian để so sánh giá của các hãng vận chuyển từ rất sớm để có được giá ưu đãi. Cô chia sẻ, mình thường sử dụng Klook mua vé các hãng tàu xe với chi phí rẻ hơn so với đặt trực tiếp ở bên ngoài.
Vé tham quan tại các điểm đến là chi phí khó để thay đổi, do đó, cô thường cân nhắc trước mỗi chuyến đi xem mình nên lựa chọn điểm đến nào. Còn về ăn uống, Thùy Trang thường hay ghé những quán ăn địa phương hoặc food court (những tổ hợp ăn uống lớn) để có nhiều sự lựa chọn về món ăn với chi phí hợp lý. Cô nói thêm, bạn có thể tìm hiểu trước những địa điểm ăn uống bằng cách lên Google maps, chọn điểm bạn sẽ đến và tìm kiếm nhà hàng quanh khu vực đó. Bằng cách này, bạn có thể tìm hiểu và đọc những đánh giá của nhà hàng ở gần đó, cũng như biết được mức giá trung bình cần phải chi trả là bao nhiêu.
Thùy Trang chia sẻ, cô luôn chuẩn bị rất sớm trước mỗi chuyến đi, tính toán theo từng quỹ nên hầu như không có quá nhiều phát sinh về chi phí trong hành trình của mình. Tuy nhiên, phải luôn có một quỹ dự phòng cho chuyến đi để đảm bảo. Chẳng hạn như, nếu chi phí cho chuyến đi Thái Lan 5 ngày 4 đêm rơi vào khoảng 7 - 12 triệu đồng, cô sẽ để riêng ra một khoản dự phòng khoảng 3 - 5 triệu đồng để giải quyết khi có sự cố xảy ra.
Cô nàng mê du lịch cũng chia sẻ câu chuyện khó quên về tiền bạc trong chuyến đi Ấn Độ năm ngoái. Cô cho biết, mình đã từng bị các "ảo thuật gia" ở New Dehli 'hack' tài khoản sau chuyến đi vì sử dụng thẻ thanh toán quốc tế để giao dịch trên các trang web ở Ấn Độ. Cô cũng lưu ý thêm với các bạn độc giả Travellive, nên cẩn thận khi sử dụng thẻ thanh toán quốc tế (visa/mastercard) để tránh bị mất tiền oan. Bạn nên ước lượng và đổi một số lượng tiền mặt vừa đủ trước chuyến đi.
Ngoài ra, nếu gặp bất kỳ khó khăn nào trong những chuyến đi, đặc biệt là những chuyến đi dài ngày, bạn hoàn toàn có thể truy cập những hội nhóm du lịch hoặc cộng đồng dân cư người Việt tại điểm đến để kêu gọi sự hỗ trợ. Những thông tin liên lạc trong trường hợp khẩn cấp như: đại sứ quán, an ninh trong khu vực, đường dây nóng,...cũng nên được lưu lại trước chuyến đi phòng khi có vấn đề xảy ra.
Chia sẻ với phóng viên, Trang cho biết hiện nay cô cũng đang trong hành trình du lịch tại Pakistan. Cô nàng mê du lịch lịch trình du lịch "dày đặc" nhấn mạnh việc tìm hiểu kỹ và chuẩn bị từ sớm cho những chuyến đi dài ngày để vừa chủ động về tài chính, vừa có thể kiểm soát và không bị thâm hụt sau chuyến đi.