Điển hình nhất là cái mà lý trí luôn cho là quá khứ thực chất chẳng phải quá khứ.
Thật ra, cũng giống như linh hồn những người đã mất trong nhiều vô kể những thế hệ ngoài kia, mỗi giây phút trong đời ta một khi đã trôi qua, nghĩa là chúng đã chết, lại hóa ẩn vào một đồ vật nào đó. Thời gian sẽ bị đồ vật ấy cầm tù mãi mãi, ít ra cho đến khi chúng ta vô tình được gặp lại chính đồ vật ấy. Nhờ có đồ vật đó, chúng ta mới nhận ra quá khứ, chúng ta gọi tên nó, vỡ òa trong nó và thế là cảm xúc bấy lâu được giải phóng, ta lại sống lại mãnh liệt như trước đây. Tuy nhiên, có những đồ vật - hoặc những cảm giác - bởi chúng ta nhận biết đồ vật qua cảm giác - sẽ không bao giờ gặp lại trong đời một lần nữa. Chính bởi vậy, có những khoảng thời gian của đời ta không bao giờ được hồi sinh, không bao giờ trở lại. Bởi vì, đồ vật ấy có thể quá nhỏ bé nên mất hút giữa đời này, nên ta có quá ít cơ may để gặp lại!
Giống cái cách mà nhân vật Anton cáu kỉnh trong "Ratatouille" vậy. Chắc hẳn trong bất kỳ ai cũng có những kỉ niệm đặc biệt về mùa hè thời thơ ấu, ai trong chúng ta đôi khi vẫn thường nghĩ về những ngày hè ấy, nhưng đáng tiếc, đó không thật là chúng. Những kỉ niệm về mùa hè thơ ấu có thể đã mất đi mãi mãi. Nhưng chúng đã sống lại với Anton, thông qua một sự tình cờ, giống như mọi sự phục sinh khác. Vào một buổi tối tình cờ như bao buổi tối khác, trong một nhà hàng mà Anton từng khinh bỉ, đã có người phục vụ dám mang đến cho ông một đĩa rau hầm - món ăn miền quê rẻ mạt không đáng để chú ý. Nhưng khi đưa miếng đầu tiên lên mồm, khi những mùi vị của món rau hầm bắt đầu tan ra trong vòm miệng, Anton bỗng thấy bối rối, ông nhận ra mùi của cà tím, của bí ngòi, của cà chua, một cảm giác tràn đầy ánh sáng kỳ lạ và hạnh phúc; Anton chết lặng, đánh rơi cây bút ông hằng chân quý, ngỡ tưởng như ông sợ rằng chỉ một cử động nhỏ cũng làm ngưng lại điều đang diễn ra trong Anton - hình ảnh của người mẹ vỗ về cậu bé gầy gò mỗi khi cậu bị bắt nạt và an ủi cậu bằng một tô rau hầm không lấy gì đặc biệt. Thế là Anton bỗng từ một nhân vật cau có chợt trở nên quyến luyến với những miếng rau nhỏ mềm như hóa được bao nhiêu phép lạ, chính lúc đó, tấm màn che phủ trí nhớ đang lay động bỗng mở toang và những ngày hè nơi thôn quê bỗng tràn vào tâm trí Anton cùng những buổi hoàng hôn nhập nhoạng của mùa hè, kéo théo đó là chuỗi những ngày hạnh phúc. Mùi vị của món rau hầm đã trở thành nơi ẩn náu của quá khứ, của thời gian đã chết - đã chết với lý trí sắt đá của Anton; chắc ông lão khốn khổ ấy sẽ không thể nào tìm lại được nó, nếu không nhờ chú chuột Remy đã nấu cho ông món rau hầm có khả năng làm sống lại dĩ vãng nhờ một thỏa thuận thần diệu mà chính Anton cũng không biết được. Phép màu ấy đã cứu sống Anton khỏi nỗi buồn luôn đeo bám lấy ông mà chính bản thân ông cũng không hề hay biết.
Câu chuyện kể trên chỉ là một ví dụ cho thấy đôi khi không cần phải ép chính ta nghĩ về một hướng tích cực nào đó trong đời, hay khi ta tuyệt vọng nhất thì luôn phải nghĩ thoáng ra, cái đó là lý trí mà lý trí có thể điều hành mọi thứ trừ cảm xúc.
Đã bao lần, khi đang đi trên đường cùng gia đình, tôi bỗng dừng bước, xin phép được đi một mình trong chốc lát, bước một lối đi riêng trồng nhiều cây xanh hay trống trải ở trước mặt. Nhưng vô ích, tôi chỉ hoài công trong sự vô vọng tập trung để nhớ về cảnh vật ấy, thu hết sức mình đuổi theo dĩ vãng, và sau đó, mở mắt ra thật nhanh để cố nhìn lại cảnh vật xung quanh như cái cách tôi thấy chúng lần đầu. Tôi nhận ra hình dáng và vị trí của chúng; đường nét của chúng dường như được vẽ lại từ một bức tranh huyền bí mà tôi vốn yêu thích, đang lay động trong tâm trí tôi. Nhưng tôi không thể nhớ thêm điều gì nữa; vẻ ngây thơ và nhiệt tình, chính chúng cũng như muốn nói thành lời nỗi nuối tiếc vì đã không thể chỉ cho tôi điều bí mật mà chúng cảm thấy rõ rằng tôi không thể tự giải đáp. Và lúc ấy, chính là lý do mà tôi thấy những sự thật mà ta nắm bắt được nhờ lý trí (đặc biệt là về cảm xúc của bản thân) có vẻ như không có thực. Vậy nên việc ngồi trách móc hay suy nghĩ rất lung khi cảm xúc của ta còn hỗn độn, chắc sẽ chẳng đi đến đâu.
Chính vì vậy, mà chúng ta nên tìm về tất cả những gì có thể giúp ta lấy lại nghị lực, nhất là khi sức ta cạn kiệt; phải chăng vì lẽ đó mà những bậc thông thái, những nhà hiền triết, những người viết ra các cuốn sách khoa học phân tích tâm lý ít khi hiểu chúng ta bằng những nghệ sĩ. Rất có thể là một buổi tối nghe nhạc tại quán trà trong không gian ngột ngạt lại gợi lên nhiều kỷ niệm, hoặc lại làm ta nghĩ ngợi, mơ mộng nhiều hơn một buổi diễn tuyệt hảo tại nhà hát lớn, hay một buổi liveshow quy mô lớn nào đó. Tên của một con phố nào đó - hoặc những con phố nơi trong trí tưởng tượng chúng ta thường thích xuống vào một buổi chiều thu, khi cây cối đã rụng lá và tỏa hương nồng trong làn không khí trong sạch. Hay một cuốn sách lạ hoắc mà ta chưa từng nghe tới, đối với chúng ta lại có ý nghĩa quý hơn tất cả những gì ta đã từng được đọc, đơn giản vì cuốn sách ấy đã từng tồn tại đâu đó trong tâm hồn cằn cỗi này, ẩn nấp trong một mảnh ký ức lạc quan nào đó ở quá khứ... tất cả chỉ đang chờ ta lục lại mà thôi.
---
Nguồn tranh:
Crouching Woman - Picasso
Pamono Flowering Tree - Lebadang
Couple with Their Heads Full of Clouds - Salvador Dalí