Những ngày vừa qua, tại khu vực Đông Nam châu Âu xảy ra hỏa hoạn diện rộng. Thảm họa gây nên đợt sốc nhiệt kinh hoàng nhất trong thập kỉ qua.
Đối mặt với tình trạng cháy rừng, chính quyền Thổ Nhĩ Kỳ đang phải chịu sự chỉ trích vì thiếu cơ sở vật chất cần thiết để đối phó với thiên tai. Liên minh châu Âu hứa hẹn sẽ sớm điều trực thăng thả nước để hỗ trợ quốc gia này dập tắt đám cháy dọc vùng vịnh.
Hoả hoạn không chỉ diễn ra ở Thổ Nhĩ Kỳ mà còn lan rộng sang các quốc gia phía Nam châu Âu bao gồm Hy Lạp, Tây Ban Nha và Ý. Nhiệt độ tăng cao đến 40 độ C khiến hàng trăm người phải di tản khỏi nơi ở hiện tại.
Tại Hy Lạp, mức nhiệt đã lên tới 45 độ C, nhiều nơi đã cho phép công nhân nghỉ phép nếu không đảm bảo sức khỏe để tiếp tục làm việc.
Lửa bùng lên gần khu vực Patras (miền Tây Hy Lạp) vào ngày 31/7 khiến năm ngôi làng phải nhanh chóng di tản. Tám người dân được đi cấp cứu trong tình trạng bỏng nặng và ngạt khói.
Cộng hoà Síp - vừa mới chiến đấu với trận cháy rừng kinh hoàng tháng trước - đã điều động máy bay chứa nước đi tuần tra hàng ngày để kịp thời phản ứng nếu hỏa hoạn xảy ra.
Trao đổi với AP, Dann Mitchell, Giáo sư nghiên cứu khí hậu tại Đại học Bristol giải thích các làn sóng nhiệt tăng cao ở khu vực Đông Nam châu Âu không phải điều quá bất ngờ, nguyên nhất xuất phát từ các hoạt động gây biến đổi khí hậu của con người.