Cháy rừng tại bang California của Mỹ có chiều hướng diễn biến ngày càng phức tạp. Ngọn lửa ban đầu được cho là bùng phát vào đêm 10/10 tại khu vực Sylmar, thành phố Los Angeles. Sau đó, thời tiết khô ráo và gió mạnh khiến các đám cháy lan rộng và vượt tầm kiểm soát.
Theo thống kê tính đến 29/10, đám cháy ở rừng Kincade đã phá hủy 124 ngôi nhà cùng các cơ sở vật chất và 90.000 công trình nữa bị đe doạ. Ngọn lửa được khống chế 15% khi nó lan sang nhiều khu vực của Sonoma County, quận hạt được miêu tả là đẹp như tranh và nổi tiếng sản xuất rượu vang.
LeBron James - cầu thủ bóng rổ nổi tiếng của Los Angeles Lakers, diễn viên phim “Kẻ huỷ diệt” hay Arnold Schwarzenegger, cựu Thống đốc California và nhiều người nổi tiếng khác chia sẻ trên trang Twitter rằng họ đã buộc phải rời khỏi nhà với tình hình hiện nay.
Ông Robert Carvalho, người phát ngôn của sở cứu hỏa Cal Firecho biết: “Chúng tôi đang phải tìm nhiều cách bởi địa hình ở đây rất khó để các phương tiện có thể tiếp cận được. Rất nhiều địa hình dốc, bắt buộc phải đi bộ đường dài, vì vậy chúng tôi đang tiếp tục đánh giá tình hình và lập kế hoạch đối phó”.
Gió mạnh có nguy cơ sẽ khiến việc chữa cháy càng thêm khó khăn. Marc Chenard, một nhà dự báo của Trung tâm Dự báo Thời tiết Quốc gia, cho biết, “Tốc độc gió ở khu vực phía nam có thể lên đến 50 - 70 dặm/giờ, có lúc lên đến 80 dặm/giờ ở khu vực núi Los Angeles”.
Để ngăn gió lớn làm hỏng thiết bị và gây ra nhiều đám cháy hơn, Công ty Điện lực và Khí đốt Thái Bình Dương (PG&E) - cơ sở cung cấp năng lượng lớn nhất ở bang này cho biết có thể phải tạm ngừng cung cấp điện sinh hoạt cho khoảng 940.000 khách hàng. Đợt mất điện mới nhất của PG&E đã bắt đầu vào sáng sớm 29/10 và ước tính sẽ khiến 2.5 triệu người sống trong cảnh không có điện.
Southern California Edison (SCE), công ty cung cấp điện chính cho phần lớn khu vực Nam California đã bắt đầu ngừng cung cấp điện cho khoảng 800 người vào 28/10 và ra thông báo rằng công ty dự kiến sẽ nâng con số này lên 400.000 người nữa khi gió mạnh quay trở lại. Công ty cũng đang phải đối mặt với sự phản ứng dữ dội ngày càng tăng từ các nhà quản lý và các nhà lập pháp.
“Các trường học đã phải tạm đóng cửa. Chẳng ai có thể ra ngoài để mua đồ được. Khu vực này đang thực sự bị ảnh hưởng nghiêm trọng và mất dần lợi nhuận”, Eddie, một cư dân bang California chia sẻ. Anh đã phải nghỉ việc 4 ngày kể từ khi họ cắt điện ở nhà bếp nơi anh làm việc và anh đang rất lo lắng về việc mình có thể mất tiền lương.
Cơ quan Khí tượng quốc gia Mỹ cảnh báo, cháy rừng tại bang California sẽ tiếp tục diễn biến xấu do điều kiện thời tiết hanh khô, gió mạnh sẽ kéo dài từ nay tới đầu tuần sau, đe dọa các cánh rừng và khu vực dân cư, hiện đang ở trong diện báo động đỏ.