Nhìn ngắm những nhánh cây phủ đầy hoa anh đào trong mùa xuân, tới màu xanh sống động trên tán lá mùa hè, nhuộm vàng khu vườn trong mùa thu và màu trắng tĩnh lặng của mùa đông là cách người Nhật tận hưởng khung cảnh thiên nhiên sinh động qua khung cửa sổ.
Yukimi Shoji (Của sổ Tuyết)
Yukimi Shoji được thiết kế che đi một phần bầu trời để tầm nhìn của người ngồi trong nhà gần với mặt đất. Đây là thủ thuật để mọi người tập trung ngắm cảnh tuyết rơi lặng lẽ, chầm chậm phủ kín mặt đất.
Kazari Shoji (Cửa trang trí)
Cửa sổ này được dùng để tăng tính nghệ thuật của căn nhà. Những hình trang trí sẽ hiện lên khi có ánh sáng ở bên ngoài chiếu vào.
Cửa sổ phòng trà của Meigetu-in, Kamakura.
Loại cửa này giúp thu gọn không gian bên ngoài.
Unryu-in, Kyoto
Những cửa sổ riêng biệt chia cảnh sắc thành 4 phần khác nhau. Mỗi khung cửa gây ấn tương hoàn toàn khác biệt khi được cắt ra thành một phần khác từ cảnh quan chung.
“Cửa sổ của sự giác ngộ tâm linh” và “Cửa sổ lạc lối”, Genkou-an, Kyoto
Cửa sổ hình tròn bên trái được đặt tên là "Cửa sổ của sự giác ngộ tâm linh". Trong Thiền Tông, vòng tròn tượng trưng cho hình ảnh ngây thơ không có định kiến. Cửa sổ này thể hiện giai đoạn cuối cùng của sự giác ngộ tâm linh.
Ngược lại, cửa sổ hình chữ nhật được đặt tên là "Cửa sổ lạc lối". Hình chữ nhật thể hiện cuộc sống của một con người. Bốn góc thể hiện bốn nỗi đau người ta không thể tránh trong cuộc đời: sinh, lão, bệnh, tử.
Ngọc Anh (Theo Tsunagujapan)