Dịch giả Trịnh Lữ: "Mỗi cuộc đời khi được viết lại là một kiếp sau"

13/05/2025

Tôi gặp bác Trịnh Lữ tại Amanoi, trong một chuyến retreat giữa núi rừng Ninh Thuận. Người đàn ông gần 80 tuổi ấy xuất hiện không chút ồn ào, lặng lẽ nhưng không hề nhạt nhòa.

Có những lúc, tôi thấy bác ngồi đọc hay viết bên căn phòng cạnh hồ bơi chung, ánh mắt trầm tư hướng ra khoảng xanh tĩnh lặng. Có khi lại bắt gặp bác cất giọng nói nhẹ nhàng, truyền cảm, ân cần hỏi han từng người trong đoàn – những người trẻ đáng tuổi con, cháu mình. Dáng đi bác chậm rãi nhưng vững vàng trên hành trình chinh phục đỉnh Goga, khiến tôi thầm ngưỡng mộ.

Bài liên quan
Trong bác, có gì đó vừa kiên cường như đá, lại vừa mềm như nước

Trong bác, có gì đó vừa kiên cường như đá, lại vừa mềm như nước

Tóc bác đã bạc trắng, nụ cười luôn hiền hậu. Nhưng điều khiến tôi xúc động nhất là khi thấy ánh mắt bác chợt xa xăm mỗi khi nhắc đến bố mẹ hay con gái. Một người đàn ông từng kinh qua bao vui buồn, sống một đời đầy trải nghiệm, vậy mà vẫn nghẹn lại khi nói về cha mẹ, vẫn rưng rưng khi kể về đứa con thân yêu. Trong bác, có gì đó vừa kiên cường như đá, lại vừa mềm như nước – như một đứa trẻ khi nhớ về mẹ cha và như biển cả khi nghĩ đến con mình.

Với bác, điều gì khiến mình nhận ra đâu là điều quan trọng nhất của thời gian?

Điều ấy đến từ chính trải nghiệm với bố mẹ mình. Mỗi con người là một kiếp sống. Và khi cuộc đời ấy được viết thành sách, nó giống như "kiếp sau" – một cách để con người hiện diện lâu dài cùng nhân loại. Đó là một điều rất thiêng liêng.

Thế hệ của bố mẹ mình khác lắm. Khi còn trẻ, người ta dễ dành thời gian cho bạn bè, người yêu, đồng nghiệp... những mối quan hệ xuất hiện nhiều màu sắc và mới mẻ. Còn bố mẹ thì… luôn có đó, như một điều mặc định. Ta dễ quên mất sự hiện diện ấy, hoặc coi đó là lẽ đương nhiên. Chỉ đến một lúc nào đó, thường là muộn màng, ta mới chợt hiểu: hóa ra sự có mặt của họ là điều không bao giờ nên xem là hiển nhiên.

Empty
Empty
Tham gia buổi workshop vẽ cùng bác Trịnh Lữ tại Amanoi

Tham gia buổi workshop vẽ cùng bác Trịnh Lữ tại Amanoi

Có vẻ ký ức đóng vai trò rất lớn trong những gì bác viết và dịch?

Đúng vậy! Mỗi lần làm sách, nhất là khi dịch, là bác lại thấy bao ký ức trỗi dậy. Có khi chỉ một câu thôi, một từ thôi, cũng đủ khiến mình nhớ lại điều gì đó rất riêng.

Nếu không từng ngồi xuống để viết lại cuộc đời của mẹ, có lẽ bác cũng không thể ngồi yên được như bây giờ. Việc làm sách, đặc biệt là khi dịch những cuốn viết về nghệ thuật, về những con người cụ thể, luôn gợi lên trong bác những điều rất thân thuộc, gần gũi.

Trang thông tin du lịch và phong cách sống Travellive+

Có lần, khi đang dịch một cuốn về hội họa Trung Hoa, bác bỗng dưng nhớ lại những lời bố dặn từ thuở bé. Những chi tiết tưởng chừng đã bị thời gian làm mờ đi, vậy mà lúc ấy lại hiện về một cách nguyên vẹn, sống động, như chưa từng rời xa.

Bác cảm thấy mọi thứ thân thiết lắm, như là cục bi, cục phấn ngày xưa. Bao nhiêu vấn đề tưởng như phức tạp: niềm tin, lòng hướng thiện, cách nhìn cuộc sống… hóa ra bố mẹ ngày xưa đã từng dạy cả rồi. Chỉ là mình không đủ lặng để nhận ra.

Với người trẻ ngày nay, việc hiểu mình có lẽ cũng là một hành trình khó khăn. Bác nghĩ sao về điều đó?

Nhiều người nhầm tưởng hiểu mình là cứ ngồi nghĩ mãi về bản thân, vật lộn với ham muốn, với các câu hỏi chưa lời giải. Nhưng thật ra, hiểu mình còn là hành trình quay về – tìm lại gốc rễ, tìm hiểu về bố mẹ, về nguồn cội. Chính điều đó giúp mình hiểu bản thân rõ hơn, củng cố cái chất trong người mình.

Empty
Những cuộc đi bộ và trò chuyện cùng những người trẻ giữa thiên nhiên Núi Chúa

Những cuộc đi bộ và trò chuyện cùng những người trẻ giữa thiên nhiên Núi Chúa

Bác từng nói: dịch không chỉ là chuyển ngữ, mà là đưa chính mình vào câu chuyện đó. Bác có thể nói rõ hơn về điều này?

Hồi xưa bác cứ nghĩ dịch chỉ là chuyển ngữ, là thay chữ. Sau này mới hiểu, người dịch đặt cả câu chuyện, cả bản thân mình vào đó. Những lựa chọn ngôn từ đôi khi đến từ tầng vô thức. Mình không biết tại sao mình viết thế, nhưng nó phản ánh những gì sâu thẳm nhất trong mình - từ tiềm thức, vô thức, từ cả lịch sử di truyền. Con người không phải đến khi sinh ra mới bắt đầu học, mà thực ra là đang kế tục, nối dài một dòng chảy đã có từ trước. Nếu mình có con, thì con mình cũng sẽ kế tục mình như thế. Đó là bản chất sinh học – ADN là thứ mang theo toàn bộ những đặc tính được truyền lại qua nhiều thế hệ. Mình sinh ra đã thừa hưởng cả một kho tàng rồi!

Empty
Trên con đường chinh phục đỉnh Goga

Trên con đường chinh phục đỉnh Goga

Empty
Empty

Vậy nếu con người là sự tiếp nối, thì có cách nào để những thế hệ sau không lặp lại tổn thương, đứt gãy?

Phải hiểu. Phải quay về mà hiểu. Dù là những điều đau đớn. Bác may mắn vì gia đình mình không có những mâu thuẫn sâu sắc. Nhưng bác biết, nhiều gia đình khác thì có. Có bố mẹ bỏ con, có những người không thừa nhận con cái của mình, thậm chí có khi con phản kháng lại vì không được thấu hiểu. Những điều tưởng như phi lý đó, thật ra lại rất gần với bản năng sinh tồn của các loài.

Như bác từng đọc về loài sư tử, khi con cái không còn là điều kiện để đảm bảo sự sống còn của giống loài, nó buộc phải bị loại bỏ. Những quy luật nghiệt ngã ấy, khi soi chiếu vào con người, phần nào lý giải được những đổ vỡ, những rạn nứt trong các mối quan hệ gia đình tưởng chừng vô lý.

Tất cả đều có lý do. Và điều quan trọng là mình phải hiểu được cái lý do sâu xa đó, từ đó mới có thể bao dung, cảm thông, và tìm lại được sự kết nối với người thân, đặc biệt là với bố mẹ mình.

Dù ở độ tuổi nào, con người ta cũng bỗng hóa hồn nhiên khi đứng trước vẻ đẹp tinh khôi của thiên nhiên

Dù ở độ tuổi nào, con người ta cũng bỗng hóa hồn nhiên khi đứng trước vẻ đẹp tinh khôi của thiên nhiên

Bác Trịnh Lữ trên đỉnh Goga

Bác Trịnh Lữ trên đỉnh Goga

Và sau sự thấu hiểu ấy, điều quan trọng là gì?

Là sự bao dung. Là tìm lại kết nối. Khi mình hiểu được những tầng sâu trong mỗi người, nhất là với người thân, thì sự tha thứ sẽ đến như một phản xạ tự nhiên. Và mình sẽ học được cách yêu thương mà không cần điều kiện.

Cảm ơn bác Trịnh Lữ đã dành thời gian trò chuyện cùng Travellive!

Bài và ảnh: Hà Mai Trinh
RELATED ARTICLES