Đến làng Lò trải nghiệm văn hóa bản địa miền biển
Làng Lò là một trong những làng chài đặc trưng của vùng ven Nam Trung Bộ với nét riêng biệt nằm tại Hòa Hiệp Trung, thị xã Đông Hòa, tỉnh Phú Yên. Nếu bạn ngồi trên máy bay nhìn xuống sẽ thấy cả một ngôi làng nằm bên bờ biển với những mái ngói đỏ tươi kéo dài 3-4 km dọc theo bờ biển. Tên gọi "Lò" gắn liền với lịch sử hình thành của một làng chài ven biển. Lò ở đây có nghĩa là chiếc lò hấp sấy cá được người dân xây dựng từ lâu để giữ cá lâu hơn nhằm phục vụ cho những chuyến đi đánh cá và trao đổi sản vật với vùng miền ngược.

Làng Lò nằm tại Hòa Hiệp Trung, thị xã Đông Hòa, tỉnh Phú Yên
Điểm độc đáo của làng Lò mà du khách nhất định phải trải nghiệm là cát biển. Cả vùng đất trải dài từ Quy Nhơn đến Nha Trang chỉ có nơi đây là cát hạt to, màu hơi đỏ vàng, tròn mịn, loại cát từ núi lửa. Người dân địa phương thường sử dụng cát này để massage toàn thân. Vào mùa Hè, người dân thường đào những hố lớn trên cát, sau đó nằm xuống và phủ cát lên người. Sau khoảng 30 phút, sức nóng từ cát giúp kích thích các huyệt đạo, mang lại cảm giác thư giãn và hỗ trợ phục hồi sức khỏe đáng kể.
Từ Làng Lò, du khách có thể dễ dàng đi ngắm bình minh tại Đại Lãnh cách đó chỉ khoảng 20 phút lái xe hoặc tham gia các hoạt động như: ngắm san hô tại Hòn Nưa, trekking núi Đá Bia, tắm suối hoặc chèo SUP dọc sông Ngọn vào mỗi buổi hoàng hôn. Cảnh tượng giữa hai hàng tàu thuyền đánh cá trên sông Ngọn, ngăn cách biển và làng chắc chắn sẽ mang lại một cảm xúc khó quên. Tối đến, bạn có thể tham quan làng khi người dân bắt đầu phơi cá cơm dưới ánh đèn, nhìn những con cá cơm óng ánh hoặc thăm các cơ sở sản xuất mắm hay bánh tráng.



Ở Phú Yên, làng Lò không chỉ là một mà bao gồm ba khu vực chính: Lò 1, Lò 2 và Lò 3, mỗi nơi mang một nét đặc trưng riêng nhưng vẫn giữ được vẻ hoang sơ của vùng chài ven biển. Mỗi khu vực của làng Lò đều mang một sắc thái riêng nhưng tất cả hòa quyện tạo nên một điểm đến hấp dẫn, vừa giữ được bản sắc văn hóa, vừa có tiềm năng phát triển du lịch bền vững.
Lò 1 là khu vực phát triển sớm nhất, nơi vẫn còn đậm nét văn hóa làng chài truyền thống. Du khách đến đây có thể trải nghiệm nhịp sống của ngư dân, thưởng thức hải sản tươi ngon tại những quán ăn ven biển với giá cả hợp lý. Lò 2 có diện tích lớn, nơi các nhà đầu tư đã bắt đầu xây dựng các khu nghỉ dưỡng quy mô nhỏ và khép kín. Đây là điểm giao thoa giữa sự hoang sơ của làng chài và các dịch vụ du lịch cao cấp hơn. Lò 3 giữ nguyên nét cổ kính nhất với những mái ngói đỏ còn nguyên trạng, nơi đây đang phát triển theo mô hình "stay village" – du lịch cộng đồng kết hợp nghỉ dưỡng. Homestay, quán cà phê và nhà hàng được đầu tư bài bản, mang đến trải nghiệm vừa gần gũi thiên nhiên vừa tiện nghi. Đặc biệt, Lò 3 có vị trí độc đáo "trong sông, ngoài biển", với sông Ngọn chia tách làng và biển, tạo nên khung cảnh thanh bình hiếm có.

Mỗi khu vực của làng Lò đều mang một sắc thái riêng nhưng tất cả hòa quyện tạo nên một điểm đến hấp dẫn, vừa giữ được bản sắc văn hóa, vừa có tiềm năng phát triển du lịch bền vững
Anh Tùng Lê, kiến trúc sư và là người sáng lập chuỗi homestay mang phong cách thân thiện với kiến trúc, văn hóa địa phương đã tìm đến Lò 3 và quyết định cải tạo một ngôi nhà cổ thành Dreamville Beach. Không chỉ mang nét đẹp riêng biệt so với các điểm lưu trú khác, Dreamville Beach còn giữ lại được vẻ xưa cũ, mộc mạc của những ngôi nhà cổ ở làng chài ven biển xứ Nẫu. Anh Tùng cho biết thêm, điểm đặc biệt nhất trong ngôi nhà là đất nung và ngói cổ hơn 100 năm tuổi. Những vật liệu này được anh sáng tạo thành các món đồ trang trí như bồn tắm, kệ treo quần áo, giúp không gian thêm độc đáo.

Ngôi nhà cổ được cách tân thành homestay

Dreamville Beach còn giữ lại được vẻ xưa cũ, mộc mạc của những ngôi nhà cổ ở làng chài ven biển xứ Nẫu
Khi bắt đầu cải tạo nhà cổ, anh Tùng chia sẻ rằng, việc giữ lại những đặc trưng kiến trúc độc đáo của từng ngôi nhà xây dựng từ năm 1960 mà vẫn đảm bảo tiêu chuẩn dịch vụ nghỉ dưỡng là một thách thức không nhỏ. Tuy nhiên, anh Tùng tin rằng những ngôi nhà cổ này là tài sản quý giá, có thể mang lại giá trị bền vững mà không cần phải phá bỏ để xây dựng mới. Việc bảo tồn và khai thác đúng cách sẽ mang lại giá trị lâu dài cho cộng đồng và du lịch địa phương.

Lò 3 có vị trí độc đáo "trong sông, ngoài biển", với sông Ngọn chia tách làng và biển, tạo nên khung cảnh thanh bình hiếm có
“Làng Lò mang lại cho tôi cảm giác thân quen như lúc còn thơ bé với mái ngói đỏ, tường rêu phong, những ngôi nhà cổ kính nằm giữa sân, nơi có thể ngắm nhìn bầu trời đầy sao. Người dân ở đây vẫn sống gắn bó với hơi thở của biển và nghề đánh bắt cá. Cuộc sống ở làng Lò hào sảng và hồn hậu như đúng con người sinh ra từ biển. Tôi mong muốn giữ gìn bản sắc của ngôi làng, bảo tồn những ngôi nhà cổ và hy vọng một ngày nào đó, làng sẽ phát triển nhưng vẫn giữ được vẻ đẹp mộc mạc, xưa cũ,” anh Tùng tâm sự.
Một điểm độc đáo tại Dreamville Beach là du khách có thể thưởng thức dân ca Bài Chòi – di sản văn hóa phi vật thể của xứ Nẫu, tham gia vào các buổi chơi Chòi và hòa mình vào điệu hát đặc sắc này.
Tiềm năng du lịch của làng Lò
Với chi phí du lịch hợp lý, dịch vụ chất lượng và thiên nhiên tươi đẹp, du khách đến Làng Lò có thể tận hưởng những trải nghiệm tuyệt vời như: cảnh đẹp, hải sản tươi ngon với giá cả phải chăng và bãi biển hoang sơ, nổi bật như Bãi Gốc, Bãi Tiên, Hòn Nưa…
Hiện tại, làng Lò đang từng bước khẳng định vị trí của mình trên bản đồ du lịch Việt Nam. Với định hướng phát triển bền vững, làng Lò trong tương lai sẽ trở thành một điểm đến du lịch cộng đồng nổi bật, nơi du khách không chỉ trải nghiệm văn hóa địa phương mà còn được tận hưởng không gian nghỉ dưỡng trong những ngôi nhà hơn 100 năm tuổi với cây xanh, thực phẩm sạch và sự ưu đãi từ biển cả dành cho vùng đất này.

Theo anh Tùng Lê, hiện nay, làng Lò đã có những thay đổi đáng kể trong việc mở rộng dịch vụ nghỉ dưỡng, các nhà hàng, quán cà phê phục vụ nhu cầu của du khách ở mọi phân khúc khác nhau. Chính quyền địa phương cũng đã công nhận làng Lò là làng du lịch cộng đồng của tỉnh và đang tiếp tục quy hoạch để phát triển bền vững, tạo cảm hứng và trải nghiệm thú vị cho du khách mỗi khi ghé thăm. Sự phát triển này không chỉ mang lại lợi ích về kinh tế mà còn giúp bảo tồn và phát huy các giá trị văn hóa truyền thống của cộng đồng địa phương.
Bên cạnh đó, các hoạt động du lịch tại làng Lò như tham quan làng nghề truyền thống, lễ hội văn hóa địa phương hay trải nghiệm cuộc sống dân dã của người dân nơi đây cũng là những yếu tố thu hút du khách. Những chuyến du lịch cộng đồng ở làng Lò sẽ không chỉ mang lại sự thư giãn mà còn tạo cơ hội để du khách hiểu hơn về đời sống và những câu chuyện thú vị của vùng đất này.
