Căn nhà của sự "chữa lành"
Sau thời gian dài chịu ảnh hưởng bởi dịch bệnh, đầu năm 2022, vợ chồng Lê Tùng (Hà Nội) quyết định “bỏ phố về biển”, tìm một không gian sống “chữa lành” tự nhiên tốt nhất cho cả gia đình. Một cách rất tình cờ, trong một lần rong ruổi anh chị đã tìm thấy một làng chài cổ ở Lò 3 Hòa Hiệp Trung (Phú Thọ 3), Đông Hòa, Phú Yên.
Vùng biển nơi đây thanh vắng, không gian sống giản dị mộc mạc theo nếp xóm làng truyền thống, thời tiết khá hiền hòa ít gió bão và tài chính phù hợp với khả năng kinh tế của gia đình nên anh chị đã tìm mua và cải tạo lại một căn nhà cổ theo phong cách Dreamers.
Thế là một homestay không gian làng cổ ven biển thích hợp cho các gia đình có trẻ nhỏ đến trải nghiệm và sống trong không gian làng chài truyền thống cùng những đứa trẻ trong làng sinh hoạt, vui chơi bên biển được ra đời.
Căn nhà cổ của vợ chồng Lê Tùng nằm trên trục đường du lịch của tỉnh Phú Yên cách sân bay Tuy Hòa 7 km và cách trung tâm thành phố khoảng 15 km. Dreamville Beach không thể tự nhận là “nhà mặt phố” hay là nơi nghỉ dưỡng thuận tiện nhất, thế nhưng đó lại là cái hay của nơi này. Dreamville ngay sát biển, gần làng, gần chợ và cũng không cách các địa điểm du lịch Phú Yên quá xa.
Dreamville Beach được vợ chồng Lê Tùng tự tay vun đắp từng viên gạch, hòn đá và tạo nên chốn hạnh phúc của riêng mình. Nơi có làng, có biển, có gia đình và có trái tim được "chữa lành" sau khoảng thời gian lênh đênh trước con sóng phố phường đô thị và đại dịch Covid-19 dài lâu.
Ngôi làng cổ ven biển đã được “cách tân” như thế nào? Phong cách của Dreamville Beach có gì đặc biệt so với những điểm lưu trú khác?
Nhắc tới Lê Tùng - founder của Dreamers là người xây dựng chuỗi homestay tại nhiều điểm đến. Dreamers tại mỗi địa điểm đều có phong cách thiết kế thân thiện với kiến trúc, văn hóa địa phương và hài hòa cảnh quan.
Ngôi nhà cổ được gia đình Lê Tùng “cách tân” lại với mong muốn vừa tạo được nét đẹp riêng biệt so với những điểm lưu trú khác, vừa giữ gìn được vẻ xưa cũ, mộc mạc đặc trưng của những ngôi nhà cổ ở làng chài ven biển Phú Yên.
Dreamville được cải tạo dựa trên một ngôi nhà cổ Phú Yên, nhìn qua thấy khá giống nhà Bắc Bộ và ven biển Nam Trung Bộ nhưng có một “phòng lòi” đặc biệt được đặt ngay cổng vào nhà để tụ họp, tiếp đón và làm những công việc gia đình hàng ngày, ngoài ra nó còn thể hiện được lòng hiếu khách và tinh thần hào sảng của người miền biển.
Căn phòng này còn được xem là không gian sinh hoạt cộng đồng của mọi nhà, là nơi đón tiếp cả những người xa lạ có thể vào xin nước uống và nghỉ ngơi hay là nơi cho các mẹ, các chị đan lưới, chờ chồng đi biển trở về... Vì vậy, vợ chồng Lê Tùng đã quyết định giữ nguyên hiện trạng, biến đổi công năng căn nhà và thêm những chi tiết mang dấu ấn cá nhân.
Ngôi nhà rộng 780m2, trong đó xây dựng chiếm khoảng 300m2 diện tích ngôi nhà và được chia thành 4 phòng ngủ với tên gọi khá là lạ: phòng biển, phòng cá, phòng cát, phòng thuyền. Đặc biệt, mô hình villa nhà vườn có bể bơi nước ngọt với hàng ghế cực "chill" ngay trước hiên nhà ngập nắng và cổng cá gỗ đặc trưng của Dreamers.
Hơn nữa, khu sinh hoạt chung với hồ bơi, phòng ăn, bếp, quầy bar liên thông là những khu vực được xây dựng hoàn toàn mới. Nội thất trong nhà được Lê Tùng tận dụng từ những ván thuyền cũ của xưởng đóng tàu gần đó chế tác lại. Trong ngôi nhà còn có một bức tranh được làm từ rác thải ở biển treo một góc nổi bật nhất trong nhà.
"Bức tranh này xuất hiện trong nhà như một lời nhắc nhở bản thân tôi, những thành viên trong gia đình hay du khách đến chơi nhà đừng xả rác xuống biển", Lê Tùng kể.
Mặc dù nhà gần biển nhưng Lê Tùng vẫn thiết kế thêm hồ bơi nhỏ, cải tạo từ hồ tôm trước đây của gia chủ cũ. Đây là nơi các con anh hay những vị khách nhỏ tuổi đến đây tung tăng bơi lội, đắm mình dưới làn nước mát để phóng tầm mắt ra ngoài xa, ngắm những con tàu đi câu gần bờ lúc lên đèn.
Điểm độc đáo nhất trong ngôi nhà chính là đất nung và ngói cổ. Đất nung được dùng để làm bột bồn rửa mặt, kệ móc quần áo, thùng rác. Lớp ngói cổ 100 năm tuổi được "hô biến" thành bồn tắm “xịn sò”.
Bên cạnh đó, cái giếng của người dân vùng biển luôn được đặt ở khu vực chính giữa sân, phía trước gian giữa của ngôi nhà. Đây là nơi những người đàn ông trong gia đình thường xuyên sử dụng cho việc tắm rửa.
Kho làm mắm cũ cũng được "hô biến" thành bếp và phòng khách với không gian lớn, không có cửa, vừa đảm bảo sự thông thoáng, mát mẻ, vừa giữ lại nét hào sảng như "phòng lòi" nay được cải tạo làm phòng ngủ chính.
Toàn bộ công trình được cải tạo và hoàn thiện trong 100 ngày với chi phí 900 triệu đồng. Ngay từ khi bước vào không gian mới, vợ chồng Lê Tùng cùng các con cảm thấy thoải mái tinh thần hơn, tận hưởng bầu không khí trong lành nơi miền biển Phú Yên.
Dreamville Beach và thông điệp muốn gửi gắm
Căn nhà được xem là món quà vợ chồng Lê Tùng dành tặng các con, để những đứa trẻ được sống với thiên nhiên, cảm nhận hơi thở đồng quê, biết được những điều mà khi ở Thủ đô nhộn nhịp chỉ được thấy qua màn hình hay sách vở.
Khi được Travellive đặt ra câu hỏi muốn gửi gắm điều gì vào homestay Dreamville Beach, Lê Tùng chia sẻ: “Có ba điều tôi muốn gửi gắm qua Dreamville. Thứ nhất, ở đâu có gia đình, ở đó luôn là nhà. Thứ hai, những giá trị truyền thống luôn là chất liệu tuyệt vời tạo nên nét riêng vào bản sắc cá nhân cho mỗi người, mỗi bức tranh, mỗi dự án. Và cuối cùng, 'rừng vàng biển bạc'. Tài nguyên biển Việt Nam rất quý giá. Cách bài trí Dreamville dựa trên những chất liệu tái chế - tái sử dụng (nội thất ván gỗ cũ, gạch ngói cũ, bức tranh rác tái chế) là cách nhắc nhở mọi người yêu thương và chung tay hơn vì môi trường biển”.
Dreamville Beach ra đời vừa tạo ra nét đẹp riêng biệt, vừa bảo tồn, gìn giữ được những nét xưa cũ của ngôi nhà trăm năm tuổi. Với Lê Tùng, những đứa trẻ sẽ được lắng nghe tiếng gầm gào hay tiếng sóng biển vỗ của mạn thuyền, thanh âm ấy sẽ vang dội và lắng đọng lại nơi trái tim.
“Các con tôi sẽ lớn lên cùng những ký ức thuần chất, vui vẻ nhất và là hành trang đẹp trong cuộc đời”, Lê Tùng nói.