Paris, Provence, tuổi trẻ và chuyến hành hương bằng văn chương

06/05/2025

Có rất nhiều tác phẩm văn học khắc hoạ nước Pháp và mỗi độc giả sẽ tìm thấy cho mình một nước Pháp rất riêng qua trải nghiệm cá nhân và lăng kính của tác giả. Riêng đối với tôi, nước Pháp, Paris, Provence trong những trang sách Hội Hè Miên Man, Lá Thư Hè và Buồn Ơi Chào Mi của Ernest Hemingway, Alphonse Daudet, Francoise Sagan là hiện thân của tuổi trẻ, của những vô ưu và tự do đến cực điểm.

Paris tráng lệ với những con phố dọc sông Seine, những hiệu sách nhỏ, những salon văn hoá, những ly vang trắng ướp lạnh những trái tim cháy rực thanh xuân. Rồi từ Paris tôi thả hồn mình trôi về Provence của thế kỷ 19 qua những Lá Thư Hè của Alphonse Daudet, cánh đồng mùa Hè bất tận, tự do, phóng khoáng làm đường diềm trang trí cho những tháng ngày ta còn rất đỗi thơ ngây.

Nhưng miền Nam nước Pháp đâu chỉ có những ngọt ngào và êm ái như thế, những con sóng ngầm, ánh mặt trời mùa Hè thiêu đốt và nỗi buồn bất khả kháng của tuổi trẻ, của bốc đồng và nông nỗi đã chiếm lấy “hành trình” với câu chuyện buồn da diết của một trong những cây bút nổi bật của nước Pháp, Francoise Sagan.

Bài liên quan

HỘI HÈ MIÊN MAN - “Không bao giờ có kết thúc với Paris”

Trong ba tác giả viết rất tình về nước Pháp là Ernest Hemingway, Alphonse Daudet, Francoise Sagan chỉ có Hemingway là nhà văn người Mỹ, nhưng khi đã đọc Hội Hè Miên Man thì hẳn ta sẽ cảm nhận rất rõ tình cảm dạt dào mà đại văn hào đã dành cho Paris. Tình cảm ấy có khi còn nồng nàn và đậm chất thơ hơn cả một người Pháp đích thực.

“Nếu bạn đủ may mắn để sống ở Paris trong thời thanh xuân, thì dù có đến bất cứ đâu trong suốt đường đời còn lại, nó sẽ vẫn ở bên bạn, bởi lẽ Paris là một hội hè miên man”.

Hội Hè Miên Man - Ernest Hemingway

Hội Hè Miên Man - Ernest Hemingway

Hội Hè Miên Man là hồi ký của Hemingway viết về giai đoạn ông lưu lại Paris cùng người vợ Hadley trong những năm 1921 - 1926 để sáng tác văn chương. Tuy là hồi ký nhưng tác phẩm lại mang âm hưởng tiểu thuyết vì được phân theo từng chương và mỗi chương đều có một câu chuyện hoàn chỉnh, tiếp nối. Ngôn ngữ trong Hội Hè Miên Man vẫn đậm chất miêu tả sinh động; đặc trưng của Hemingway, đặc biệt ở những đoạn ông mô tả trải nghiệm phong nhã của mình tại Paris dù đó là một giai đoạn vô cùng khó khăn về kinh tế của Hemingway và vợ. Nhưng vì đó là Paris và vì khi đó họ còn trẻ!

Họ có thể mang một cái bụng rỗng mà thưởng lãm vườn hoa Luxembourg hay rảo bước vô lo trong bảo tàng nghệ thuật để ngắm tranh. Những buổi chiều ngồi bên tách café và nói về văn chương với những nhà văn, nhà thơ mà ta sẽ thích thú ngay khi vừa thấy tên ở những chương như “F. Scott Fitzgerald”, hay chương “Một Quán Rất Được Trên Quảng Trường St.-Michel”, "Ngồi Ở Dôme Với Pascin”, "Evan Shipman Ở Quán Lilas”, thậm chí ông còn dành hẳn một chương cho hiệu sách nổi tiếng; cho đến tận ngày nay vẫn là một trong những địa điểm du lịch được nhiều người ghé thăm nhất Paris; đó là "Shakespeare and Company", nhờ đó mà độc giả biết đến người chủ hiệu sách là Sylvia Beach và các giai thoại thú vị về nơi này cũng như chủ nhân của nó.

Empty
Những hiệu sách nhỏ và đường phố ở Paris

Những hiệu sách nhỏ và đường phố ở Paris

Mặc dù xuyên suốt quyển sách Hemingway nêu tên các địa danh quán xá như một lời gợi ý tham quan và nói về chúng như những nơi chốn kỷ niệm định hình nên tuổi trẻ. Paris qua lăng kính của Hemingway đâu chỉ là một chuyến ghé thăm chớp nhoáng, mà còn là một đời sống gắn liền với số phận của nhà văn. Paris của Hemingway là một thành phố với đủ mọi thanh âm, hương vị và lối sống.

Ông mô tả chi tiết những buổi sáng có người đến giao sữa dê, những ổ bánh mì thơm phức xâm lấn vào không khí rồi xộc vào mũi. Ông viết những đoạn văn dài tả về dòng sông Seine với từng lớp người ghé lại câu cá, về những hiệu sách bên đường bán những quyển sách tiếng Anh chả mấy ai mua. Đặc biệt hơn cả là những tách Café kem cùng rượu vang trắng mát lạnh luôn hiện hữu cùng Hemingway. Nếu nói rằng “nghề chơi cũng lắm công phu” thì có lẽ chính Hemingway đã chọn đúng nơi để thăng hoa tâm hồn văn sĩ của mình. Bởi chắc hẳn chẳng có nơi thứ hai nào trên thế giới có thể khiến ông đặt bút viết xuống:

pexels-celine-3776818-14771171
pexels-daria-agafonova-2147746189-30173041

“Không bao giờ có kết thúc với Paris và kỷ niệm của mỗi người, những ai từng sống trong thành phố này, không ai giống ai. Chúng ta luôn quay lại đó cho dù chúng ta có là ai, hay thành phố có thay đổi thế nào đi nữa, và dù có những khó khăn, hay thuận lợi, thành phố vẫn trong tầm tay. Paris luôn xứng đáng với điều đó và ta được nhận đầy đủ những gì ta dâng tặng nó.

Trang thông tin du lịch và phong cách sống Travellive+

Nhưng Paris đây là của thuở ban đầu. Khi chúng tôi còn rất nghèo và hạnh phúc”.

Phải chăng chúng ta, những con người hiện đại ngày nay cũng thế khi nói về Paris hay sao? Thành phố của sự tự do và tinh thần phóng khoáng bất diệt, của những tâm hồn nghệ sĩ bay bổng đồng thời ẩn náu trong đó sự nổi loạn bất kham, như cách những con người nơi thành phố này được sinh ra và nuôi dưỡng.

PROVENCE VÀ MIỀN NAM NƯỚC PHÁP - Những hoài niệm và lãng quên

Nếu Hemingway luyến lưu Paris, thì Alphonse Daudet lại tếu táo viết trong Lá Thư Hè: “Và bây giờ làm sao bạn có thể bắt tôi luyến tiếc cái thành phố Paris ồn ào của bạn”. Tương tự cách Francoise Sagan mô tả ngay trong những chương đầu tiên về cảm giác của mình khi được đắm mình trong dòng nước biển vùng Địa Trung Hải, bà viết rằng: “Thứ nước mát lạnh và trong vắt mà tôi ngụp vào, tôi vùng vẫy đến kiệt sức để rửa sạch mình khỏi mọi thứ bóng tối, mọi thứ bụi bặm của Paris”.

Lá Thư Hè - Alphonse Daudet

Lá Thư Hè - Alphonse Daudet

Hai nhà văn người Pháp cách nhau hàng thế kỷ, viết về những câu chuyện nơi miền Nam nước Pháp hoàn toàn khác nhau về bối cảnh, tập tục, con người, ấy thế mà vẫn giao nhau ở một điểm, đó là họ chọn Provence thanh bình, xinh đẹp và hoà nhã để gửi trao những xúc cảm về tuổi trẻ của mình. Alphonse Daudet chọn Provence để tưởng nhớ những tháng ngày tươi đẹp thanh xuân.

“Tác phẩm này đã nhắc lại cho tôi nhớ những giờ khắc đẹp đẽ nhất của tuổi trẻ. Những trận cười điên cuồng, những phút say mê không hối tiếc, những bộ mặt, những bóng dáng bạn bè mà sau này tôi không còn gặp lại bao giờ”.

Alphonse Daudet chọn Provence để tưởng nhớ những tháng ngày tươi đẹp thanh xuân

Alphonse Daudet chọn Provence để tưởng nhớ những tháng ngày tươi đẹp thanh xuân

Còn Francoise Sagan thì chọn nơi đây để gửi lời chào những nông nổi và thơ ngây còn sót lại, như cách nhân vật của bà đã nói Buồn Ơi Chào Mi. Ngòi bút của Francoise Sagan, khi đó còn chưa chớm đôi mươi, đã viết nên một nỗi buồn tuổi trẻ xuyên thấu tâm hồn, xuyên thủng cơn nóng rẫy của vùng Địa Trung Hải trong Buồn Ơi Chào Mi. Chi tiết khi người cha của Cécile cần phải đi đón người phụ nữ đặc biệt của đời mình tại ga Frejus giúp ta mường tượng câu chuyện cũng viết trên bối cảnh của Provence, miền Nam nước Pháp. Khu vực miền Nam được ví hòn ngọc quý giá ở Địa Trung Hải; nơi không chỉ nổi tiếng với Provence mà còn có cả Nice biển xanh tựa ngọc bích, hay biểu tượng của nghệ thuật và xa hoa như Cannes, “thị trấn chanh” Menton… Tại nơi thiên nhiên trù phú và ngọt ngào này, có người tìm đến để vẻ đẹp lấp lánh nơi này khơi gợi những hoài niệm về những ký ức đẹp đẽ nhất đời người, có người lại muốn nhấn chìm những xúc cảm u hoài, man mác của tuổi trẻ lạc lối dưới sóng biển và cái nắng nóng rẫy của ánh mặt trời tháng sáu.

Sức nóng của những rung cảm đầu đời, của những cái chạm xác thịt đầu tiên, của những buổi trưa mơ màng trên bãi cát, cát vàng dính vào tóc lẫn da thịt, thấm đẫm mồ hôi của chính mình và của người tình, sức nóng của cuộc sống tự do, tự tại luôn đầy nhiệt huyết và hừng hực đam mê, cái nóng của lòng đố kị, cái nóng của tuổi trăng tròn, của một cô gái trẻ sẵn sàng thiêu đốt mọi thứ. Và rồi chúng thiêu rụi tất cả, thiêu rụi cả một mùa Hè rực rỡ và nóng bỏng, để bắt đầu từ đó, nàng cảm nhận được sức nóng âm ỉ của những nỗi buồn, âm ỉ và âm ỉ, lan toả và lan toả. Và nàng nhìn nó với ánh mắt mơ màng: “Buồn ơi, chào mi” - Chào mi bước đến bên đời. Bonjour Tristesse!

Buồn Ơi Chào Mi - Francoise Sagan

Buồn Ơi Chào Mi - Francoise Sagan

Văn phong của Sagan bóng bẩy, lấp lánh nhưng lại thẳng thắn và đầy cảm xúc, cùng với cốt truyện chặt chẽ, diễn biến tự nhiên nên độc giả dễ dàng thả trôi mình theo những sự kiện tiếp nối nhau trong tác phẩm. Nhà văn từng tâm sự: “Tôi sẽ sống rất cẩu thả nếu tôi không viết và tôi sẽ viết rất cẩu thả nếu tôi không sống”. Những năm cuối đời, Sagan sống khá chật vật. Năm 2002, bà bị kết án tù treo vì gian lận thuế. Ngày 24/9/2004, bà qua đời vì bệnh suy tim ở tuổi 69. Trong điếu văn tiễn biệt bà, tổng thống Pháp Jacques Chirac viết: “Nước Pháp vừa mất đi một trong những văn sĩ có tài năng và sức ảnh hưởng bậc nhất - một nhân vật kiệt xuất trong đời sống văn học”. Có thể nói, nỗi buồn đã mang đến vinh quang cho Francoise Sagan. Nỗi buồn đã là người bạn đồng hành cho bà trong một quãng đường tuổi trẻ, nhưng cũng chính nỗi buồn đã trở thành người đã nhấn chìm bà xuống trong tiếc nuối của độc giả.

Trong khi đó, đi ngược thời gian về thế kỷ 19, Alphonse Daudet; một nhà văn Pháp đại tài, một người con của Nimes; đã viết nên Lá Thư Hè, một tập truyện ngắn với những mẩu truyện có độ dài ngắn khác nhau, thuật lại cho chúng ta nghe về các mảnh đời, những điển tích, những điều mà chính tác giả đã nhìn thấy và chiêm nghiệm khi ở trong cối xay gió bỏ hoang ở Provence. Những câu chuyện đẹp như tranh vẽ tả về một Provence đầy màu sắc như đưa đường dẫn lối cho tâm trí chúng ta chu du trên những dải cỏ, nền trời xanh ngát đến vàng óng hay đỏ thẫm của một quãng thanh xuân tươi đẹp nhưng ngắn ngủi làm sao.

“Một cánh rừng thông xinh xắn, tưng bừng ánh sáng đang thoai thoải đổ dài trước mặt tôi, xuống tận chân đồi. Dãy Alpilles nhỏ nhắn nổi bật phía chân trời… Thỉnh thoảng từ đằng xa vẳng lại một tiếng sáo, một tiếng chim choắt trong bụi oải hương, một tiếng nhạc la trên đường… Cả cái cảnh đẹp miền Provence này chỉ sống bằng ánh sáng”.

pexels-Menton, Provence-Alpes-Côte d'Azur, France

Rồi cũng chính trong Lá Thư Hè mà vùng Địa Trung Hải được mở rộng ra cho độc giả chạm đến đảo Corse, rồi cửa vịnh Ajaccio… “một chốn đẹp đẽ tôi đã tìm đến để được thả hồn theo mộng và được sống một mình” dù đó là vùng đất thường hay chịu ảnh hưởng của những cơn gió “mistral” (một thứ gió đặc biệt chỉ có vùng Địa Trung Hải nước Pháp và thường thổi rất mạnh). Nhưng nếu ta chịu được những cơn gió thốc ấy, thì ngay trước mắt một cảnh biển đẹp đẽ đến nỗi ta chẳng còn mơ mộng hay suy nghĩ, ta như thoát ra khỏi bản thân mình, hoá thành con chim hải âu và bay vút lên, “là bọt nước bấp bênh trên mặt sóng dưới ánh nắng mặt trời, là làn khói trắng bốc lên từ chiếc tàu ra khơi, là chiếc thuyền vớt san hô có cánh buồm màu đỏ, hạt ngọc này, đám sương kia, bạn là tất cả chỉ không còn là bạn nữa thôi. Chao ôi!”.

Khi ta đọc Lá Thư Hè, có lẽ ta sẽ hiểu được vì sao Daudet lại chọn Provence làm mạch đập chính cho tập truyện ngắn của mình. Một vùng đất không gì ngoài thiên nhiên tươi đẹp và ánh sáng, là một nơi lý tưởng tuyệt đối để ta ngồi ngẫm lại những kỷ niệm đẹp đẽ, trong sáng nhất cuộc đời.

“Đó là thời mà tất cả còn được ủ trong một chiếc lọ thuỷ tinh, được ánh nắng soi rọi sáng rực rỡ ngàn khía cạnh. Thời của những mong manh và chuếnh choáng, của những đợt sóng cảm xúc chỉ đến một lần rồi thôi. Thời của hạnh phúc và cả những nỗi đau cũng thật đẹp đẽ. Thời huy hoàng trong ký ức của chúng ta. Nay bất chợt gõ cửa, ghé vào thăm sau những năm tháng đã lâu không gặp”.

provence-unsplash

Tuổi trẻ của Alphonse Daudet không diễn ra ở miền Nam nước Pháp, nhưng tuổi trẻ ấy lại được hoài niệm ngay chính tại nơi này, là Provence xinh đẹp hoà nhã, là những rung động đầu đời như khi chú mục đồng ngắm nhìn cô chủ mình ngủ gục dưới bầu trời sao và trong trái tìm chàng chẳng có gì ngoài tình cảm trong sáng đến nức nở trong “Những Vì Sao”. Hay là những người dạy cho ông sự cảm thông và can trường trong “Bí Mật Của Lão Cornille”. Hoặc những khát khao đam mê, có khi nông cạn và xuẩn ngốc, được ông kể bằng cuộc đời của “Con Dê Của Ông Seguin” bỏ nhà ra đi, tìm cho mình một chân trời mới, cao hơn, rộng hơn ở đỉnh núi xa tít đằng kia. Ông kể với một giọng văn lãng mạn nhưng vô cùng chân thành và hài hước đậm đà cá tính Pháp. Ông kể mà ta nghe thoảng trong không khí mùi hương cỏ thơm trên những cánh đồng ở Provence, như được tắm mình trong những vạt nắng trên lưng đồi và mắt lấp lành những ánh sao trời huyền bí.

Alphonse Daudet không dừng lại ở việc xây dựng một bức tranh êm đềm, mực thước, mà đó còn là một thế giới được tạo thành từ những thực tế đối lập như Paris xa hoa và Provence thanh bình. Thị thành xô bồ và thôn quê yên ả. Sự phát triển và truyền thống... Để từ đó chúng ta thấy mọi bức tranh trong văn chương Daudet đều có sự chuyển mình, người đọc vừa đi ngược về ngày xa xưa, vừa hiểu được sự thay đổi do quy luật trưởng thành lẫn phát triển của xã hội. Chính tình yêu nơi trái tim thơ trẻ và thuần khiết của những ngày niên thiếu đã giữ cho mọi thứ trong văn của ông được cân bằng và cuối cùng là đọng lại cảm xúc hoài niệm đẹp đẽ, những điều tuyệt vời đã đến và đã xa. Chỉ còn lại đây nơi chốn và những xúc cảm thi thoảng vẫn dắt ta về lại nơi ta đã từng qua.

pexels-slimmars-13-197677686-11681893

Thế giới quá rộng lớn và thời gian thì có hạn nhưng tôi luôn thầm biết ơn văn chương và những quyển sách. Nếu đôi chân chưa thể chạm đến những vùng đất đôi mắt hướng đến thì hãy để những lời văn, câu chuyện, con người nơi trang sách ấy chạm khẽ vào tâm hồn. Một chuyến du hành nơi miền tâm trí. Một cuộc hành hương bằng văn chương để tìm về tuổi trẻ, để tiến vào tương lai, để chạm chân vào hiện tại, chạm vào những mảnh đất xa xôi trên địa cầu rộng lớn.

Như một câu nói rất hay rằng: “That’s the thing about books. They let you travel without moving your feet” (Đó là điều tuyệt vời về sách. Chúng cho phép bạn du hành mà không cần phải di chuyển đôi chân) - (Jhumpa Lahiri).

Bài: Trịnh Nam Trân - Ảnh: Kyanh Trần
RELATED ARTICLES