Đáp ứng nguồn nhân lực du lịch chất lượng với Bộ Tiêu chuẩn Nghề Du lịch Việt Nam

15/01/2016

Ngày 15/1, Dự án "Chương tình Phát triển Năng lực Du lịch có trách nhiệm với Môi trường và Xã hội" do Liên minh Châu Âu tài trợ (gọi tắt là Dự án EU-ESRT) đã chính thức bàn giao bộ tài liệu song ngữ "Tiêu chuẩn nghề du lịch Việt nam - VTOS phiên bản 2013" cho Tổng cục Du lịch. Bộ Tiêu chuẩn Nghề Du lịch Việt Nam

Bộ tiêu chuẩn phiên bản mới được xây dựng dựa trên sáu lĩnh vực nghề chính là Lễ tân, Phục vụ buồng, Phục vụ nhà hàng, Chế biến món ăn, Điều hành Du lịch & Đại lý lữ hành và Hướng dẫn du lịch. Ngoài ra, Bộ tiêu chuẩn cũng được xây dựng mở rộng cho bốn lĩnh vực nghề chuyên biệt đáp ứng các nhu cầu cao của ngành gồm Thuyết minh du lịch, Phục vụ trên tàu thủy du lịch, Quản lý khách sạn và Vận hành cơ sở lưu trú nhỏ.

 

 

Trang thông tin du lịch và phong cách sống Travellive+
Trang thông tin du lịch và phong cách sống Travellive+

Chuyên gia Mary McKeon bàn giao tài liệu VTOS cho Tổng cục Du lịch

Tiêu chuẩn nghề VTOS đề cập những chuẩn mực thực tiễn tối thiểu cần thiết để thực hiện công việc hiệu quả trong lĩnh vực du lịch/ khách sạn, bao gồm cả các yêu cầu điều lệ (pháp luật, sức khỏe, an toàn, an ninh). Những tiêu chuẩn này cũng xác định cụ thể những gì người lao động cần biết và làm được cũng như cách thực hiện để có thể hoàn thành chức năng công việc cụ thể trong bối cảnh môi trường làm việc. Ngoài ra, nó còn bao gồm các đơn vị năng lực về Du lịch có trách nhiệm phù hợp với nhiều công việc trong tất cả các lĩnh vực nghề.

Tiêu chuẩn nghề VTOS phiên bản 2013 được xây dựng tương thích với Tiêu chuẩn Năng lực chung về nghề Du lịch trong ASEAN và đáp ứng các quy định của Thỏa thuận Thừa nhận lẫn nhau về nghề du lịch trong ASEAN (MRA-TP), đảm bảo yêu cầu hội nhập Cộng đồng kinh tế ASEAN từ năm 2016. VTOS có thể được sử dụng cho công tác đào tạo của các doanh nghiệp từ quy mô vừa và nhỏ, các khách sạn lớn, các công ty du lịch và lữ hành, cũng như để xây dựng giáo trình đào tạo tại các trường cao đẳng, đại học và các cơ sở giáo dục, đào tạo. Thời gian triển khai áp dụng và phổ biến Bộ Tiêu chuẩn VTOS trên khắp cả nước đã cho thấy nhiều cơ sở giáo dục và đào tạo đánh giá rất tích cực về tính hiệu quả của VTOS cả về lý thuyết và thực hành, trong đó nhiều cơ sở đề nghị được tiếp tục thực hiện các khóa đào tạo VTOS hàng năm.

Đánh giá lợi thế của VTOS khi Cộng đồng Kinh tế ASEAN được thành lập vào 2016, bà Mary McKeon cho biết VTOS sẽ tạo điều kiện cho các doanh nghiệp du lịch và khách sạn lần đầu tiên có thể dịch chuyển và trao đổi lao động một cách tự do giữa các nước ASEAN nếu hệ thống tiêu chuẩn năng lực quốc gia của đất nước họ được chứng nhận phù hợp theo khuôn khổ MRA-TP. Bên cạnh đó, VTOS sẽ là yếu tố quan trọng giúp những người lao động trong ngành Du lịch của Việt Nam được công nhận theo MRA-TP cũng như giúp các công ty du lịch hỗ trợ nhân viên của mình đạt được những trình độ cần thiết. 

Khi bàn giao tài liệu VTOS cho Tổng cục Du lịch, Chuyên gia Mary McKeon tin tưởng rằng Bộ Tiêu chuẩn Nghề Du lịch Việt Nam sẽ hỗ trợ Tổng cục Du lịch trong công tác quản lý hoạt động chuyên môn bền vững và hiệu quả trong mô hình đối thoại và quan hệ đối tác công tư trong tương lai. Dự án EU-ESR cũng khuyến nghị Tổng cục Du lịch Việt Nam sử dụng hiệu quả nhất “Bộ Tiêu chuẩn Nghề Du lịch Việt Nam” trong chiến lược phát triển nguồn nhân lực Du lịch của Việt Nam.

Để tham khảo chi tiết về tiêu chuẩn VTOS phiên bản 2013 và tải các tài liệu song ngữ cho 10 lĩnh vực nghề, vui lòng truy cập trang web: http://vtos.esrt.vn.

RELATED ARTICLES