Chương trình này nhằm xác định các nhiệm vụ trọng tâm phát triển du lịch Việt Nam trong bối cảnh mới, được chia làm hai giai đoạn với các mục tiêu cụ thể cho từng giai đoạn.
Cụ thể, giai đoạn 2022 - 2023 đặt mục tiêu phục hồi khoảng 8 - 9 triệu lượt khách du lịch quốc tế đến Việt Nam (bằng 45 - 50% so với năm 2019); 65 - 70 triệu lượt khách du lịch nội địa (bằng 75 - 80% so với năm 2019) và tổng thu từ khách du lịch đạt khoảng 400 - 450 nghìn tỷ VND (bằng 50 - 55% so với năm 2019).
Trong giai đoạn này, các doanh nghiệp và cộng đồng tham gia du lịch sẽ được tập trung hỗ trợ, để đẩy nhanh phục hồi hoạt động kinh doanh, bằng các giải pháp cụ thể như tiếp tục kéo dài chính sách giảm thuế giá trị gia tăng, giảm giá điện, tiền thuê đất, thuế thu nhập doanh nghiệp, gia hạn thời hạn nộp thuế của doanh nghiệp đến hết năm 2023. Song song với đó là hoạt động truyền thông và quảng bá du lịch tại các thị trường trọng điểm trong nước và quốc tế, nhằm nhanh chóng phục hồi lượng khách du lịch đến Việt Nam.
Đồng thời, đây cũng là giai đoạn thực hiện chuyển đổi số trong ngành du lịch, triển khai áp dụng "hộ chiếu vaccine" và thí điểm đón khách quốc tế tại một số địa phương.
Giai đoạn 2024 - 2026 đặt mục tiêu đến năm 2025 đạt khoảng 15 - 16 triệu lượt khách du lịch quốc tế, khoảng 75 - 80 triệu lượt khách du lịch nội địa, tổng thu từ khách du lịch đạt khoảng 680 - 780 nghìn tỷ VND.
Đến năm 2026, số lượng khách du lịch quốc tế đến Việt Nam đạt 18 triệu lượt (bằng con số năm 2019 là thời điểm trước dịch Covid-19), khách du lịch nội địa đạt khoảng 85 triệu lượt, tổng thu từ khách du lịch đạt khoảng 800 - 900 nghìn tỷ VND.
Giai đoạn này sẽ phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao và thị trường lao động du lịch bền vững, cùng nhiều giải pháp phát triển du lịch khác, nhằm hoàn thành các chỉ tiêu trong Chiến lược phát triển du lịch Việt Nam đến năm 2030. Bên cạnh đó là triển khai các đề án phát triển sản phẩm du lịch đặc thù của mỗi địa phương, phù hợp với lợi thế tài nguyên du lịch.