Để tín đồ thời trang không trở thành... tội đồ

16/09/2021

Sự lên ngôi của thời trang bền vững có thể được coi là một bước ngoặt trong tư tưởng của ngành thời trang - thay vì thể hiện cá tính, thời trang nay lại để thể hiện sự quan tâm của chúng ta về vấn đề môi trường. Nhưng kết quả vẫn là... chặt phá rừng và hủy hoại môi trường.

9 năm trước vào một buổi trưa hè, một đoạn băng trên TV ghi lại dấu hiệu của thảm họa sắp xảy ra: một vết nứt lớn kéo dài trên bức tường của tòa nhà Rana Plaza tại Bangladesh - nơi sản xuất quần áo của những thương hiệu thời trang Âu Mỹ nổi tiếng. Ngay sau đó, mọi người lập tức rời khỏi tòa nhà theo lệnh sơ tán khẩn cấp.

Vào buổi tối ngày hôm đó, tiếng chuông điện thoại từ quản lý tòa nhà đánh thức giấc ngủ của những người công nhân, thông báo rằng tòa nhà đã được sửa và ngày mai họ quay lại làm việc bình thường. Sáng hôm sau, trong khi những người công nhân đang làm việc cật lực để xong kịp tiến độ gắt gao, trong một giây, họ đã dừng tay, nhưng không phải để nghỉ ngơi. Vết nứt trên thành tường không còn nữa - cả tòa nhà chính thức sụp đổ. Công việc của họ cuối cùng cũng dừng lại mãi mãi.

20150423rana_plaza

Chính quyền Bangladesh thống kê có hơn 1.000 người chết và hơn 2.500 người bị thương. Sau khi điều tra sâu hơn vào cơ sở vật chất tại nhà máy, thảm họa thực sự mới được vén màn: nơi sản xuất quần áo không có máy lọc khí, không có điều hòa, những người công nhân phải làm việc 18 tiếng mỗi ngày, trong khi hít thở sự nóng nực và hóa chất dày đặc, tại một tòa nhà không giấy phép hoạt động nhà máy.

Trớ trêu thay, một sản phẩm vốn để tôn lên những nét đẹp nhất trên cơ thể con người, nay đã được phát hiện ra lại là một tấm vải mờ ám trùm lên những thứ xấu xí, ích kỷ và độc hại.

Vì sao quần áo quan trọng đến thế trong xã hội loài người?

Trong một thế giới nào đó khác, loài người có thể không cần đến quần áo, nhưng thực tế trong thế giới này, quần áo, nay đã được chuyển thể thành thời trang - lại chính là sợi chỉ kết nối nên cấu trúc của xã hội loài người.

Theo dòng lịch sử, thời đồ đá là khi con người vừa mới biết sử dụng công cụ để biến lông động vật thành áo choàng giữ nhiệt và bảo vệ thân thể. Dần dần những loài không biết sử dụng công cụ để giữ ấm và bảo vệ bản thân trở nên tuyệt chủng, và thế là, những kẻ sống sót được coi là khôn khéo, mạnh mẽ hơn cả. Sự phân cấp bắt đầu được hình thành giữa người mặc áo và người không mặc áo, kẻ mạnh và kẻ yếu. Trong một bộ tộc, con người bắt đầu biết cách phân chia công việc dựa theo giới tính - nam săn bắn còn nữ hái lượm, từ đó quần áo tiếp tục trở thành công cụ để phân loại địa vị và bản chất của mỗi cá nhân.

15015-317ceb23bfa72a3e34bf2cd14e_large

Ngày nay, xã hội được phân cấp và hình thành bằng những bộ y phục sinh ra để phân biệt thứ hạng, hay đồng phục để thể hiện chuyên môn - nghề nghiệp của bản thân. Và trong thời buổi thông tin bùng nổ với hằng hà cơ hội nói rằng ta có thể trở thành bất kỳ ai, con người bắt đầu hình thành nên khát khao muốn được công nhận bằng cách thay đổi hành động, cử chỉ, đầu tóc, bước đi. Và tất cả những điều này, đã biến quần áo thành thời trang.

Một hệ thống xã hội được hình thành nên từ thời trang.

Một hệ thống xã hội được hình thành nên từ thời trang.

Từ những nghiên cứu chuyên sâu vào hành vi của con người, từ khát khao đến ước mơ của từng cá nhân, chúng ta hiểu rằng người hiện đại cũng có bản năng như người tiền sử. Chỉ là, thay vì người tiền sử cần mặc áo để chống lạnh thì người hiện đại cần quần áo để tuyên ngôn về bản thân mình. Thời trang không chỉ là bộ quần áo, thời trang còn là chiếc máy tính bạn đang dùng có màu sắc gì, chiếc ghế bạn đang ngồi có phù hợp với thiết kế không gian hay không,... Lần lượt, chúng trở thành một mảnh ghép tối quan trọng khi hình thành nên xã hội con người và sức ảnh hưởng của chúng đến môi trường sống là chuyện không thể tránh khỏi. Vậy câu hỏi được đặt ra: Làm sao để thay đổi?

Hậu thảm họa

Sau tai nạn chấn động tại Bangladesh, một làn sóng bất bình bắt đầu nổi dậy khắp thế giới. Cuộc biểu tình công đoàn đã xảy ra. Tòa án chính quyền đã xét xử tội của kẻ chủ tòa nhà vô nhân đạo. Người tiêu dùng đã lên tiếng. Các vụ việc nhà máy thải khí thải công nghiệp tràn lan báo chí. Các doanh nghiệp đặt trụ sở nhà máy tại tòa nhà đã ký hợp đồng cam kết sẽ thay đổi. Một bộ phim tài liệu dựa theo sự kiện này đã công chiếu. Ngành thời trang nhanh bị lột trần bản chất bóc lột và khai thác tài nguyên một cách vô trách nhiệm. Đi kèm với việc bảo vệ những người công nhân là việc tạo nên một môi trường làm việc thông thoáng, dừng sử dụng những hóa chất độc hại trong sản phẩm.

140422040934-bangladesh-rana-plaza-anniversary-horizontal-large-gallery

Giữa cuộc chiến giành lại bình đẳng công nhân và sự bảo tồn cho môi trường, khái niệm thời trang bền vững đã được sinh ra với sứ mệnh thay đổi hoàn toàn những điều đó.

Trang thông tin du lịch và phong cách sống Travellive+
Trang thông tin du lịch và phong cách sống Travellive+

“Bền vững” trong kinh doanh, theo định nghĩa của Ủy ban Môi trường và Phát triển Thế giới, có nghĩa là “phát triển doanh nghiệp phục vụ cho nhu cầu hiện tại mà không tạo ra cản trở cho nhu cầu của tương lai”. Thời trang bền vững là một phần của trào lưu thời trang chậm, được xây dựng dựa theo nền tảng tư tưởng xoay quanh những giá trị mang lại sự bền vững, như môi trường làm việc lý tưởng và giảm thiểu tác hại môi trường. Một hệ thống gần như hoàn hảo, nhưng ngay lập tức lại phát sinh ra một vấn đề mới: giả bền vững.

3dc5a87a-53d4-4f00-a166-6c668fc12909

"Bền vững" thật và "bền vững" giả

Yếu tố chủ chốt để một thương hiệu thực sự có thể gán mác bền vững phụ thuộc vào độ tối ưu hóa trong quy trình sản xuất sản phẩm. Quy trình sản xuất thời trang may mặc bền vững lần lượt bao gồm các khâu đoạn: Chuẩn bị vật liệu “xanh”, gia công nhân đạo, giao thương bền vững, bán lẻ minh bạch và đạo đức tiêu dùng.

Theo nghiên cứu về Quy trình sản xuất thời trang bền vững tại Đại học Donghua (Thượng Hải, Trung Quốc), trong các bước gia công để làm nên một sản phẩm thuần “xanh”, doanh nghiệp cần đạt đủ các tiêu chí của định lượng mang tên Triple Bottom Line, đảm bảo 3 “sợi chỉ đỏ”: (1) Sự an toàn của con người bao gồm nhu cầu cơ bản, phát triển cá nhân, cân bằng cuộc sống; (2) Sự an toàn của môi trường bao gồm sức khỏe của môi trường, nhiệt độ, năng lượng tự nhiên; (3) Sự an toàn của kinh tế liên kết đến kế hoạch của doanh nghiệp để đảm bảo cho kinh tế trong tương lai.

Tuy nhiên, để thực thi tất cả, hay chỉ một yếu tố trong chuỗi sản xuất bền vững thôi, cũng đã ngốn phần lớn lợi nhuận của doanh nghiệp - việc mà ít thương hiệu nào mong muốn. Vậy nên, thay vì cố gắng để tạo ra sản phẩm thực sự có giá trị bền vững, nhiều thương hiệu chuyển sang một chiến lược khác tốn ít kinh phí hơn nhưng vẫn có khả năng làm cho thương hiệu trở nên uy tín trong mắt người tiêu dùng: Greenwashing. Greenwashing (tẩy xanh) là cách gọi chiêu thức marketing về tính “xanh” và bền vững của một thương hiệu - nhưng sự thật lại không như những gì thương hiệu đó tô vẽ ra với công chúng. Tất nhiên, các thương hiệu này vẫn nhận được sự thích thú ủng hộ từ những tín đồ thời trang cũng đang chạy theo trào lưu sống “xanh”, giống họ. Nhưng đối với những người thật sự quan tâm đến câu chuyện thời trang bền vững, họ sẽ quan tâm tới việc đằng sau hình ảnh - thông điệp “xanh” của một thương hiệu thời trang, thì sự thực là gì.

Oliver-Spencer

Một trong các ví dụ phổ biến của hành vi “tẩy xanh”, về mặt nguyên liệu, là khi các thương hiệu nói rằng họ sử dụng các chất liệu như cotton, lanh tre vì đặc tính có thể phân hủy sinh học, nhưng lại không hề bật mí sự thật về việc canh tác bông đã là tác nhân dẫn đến cái chết của nhiều người nông dân vì làm việc trong môi trường không có giám sát và sử dụng các loại thuốc trừ sâu độc hại. Ngoài ra, tre là một loại sợi phát triển nhanh nhưng đôi khi được trồng bằng thuốc trừ sâu và hóa chất trong quá trình đưa tre thành vải. Đối với nguyên liệu thuần chay cũng có những lầm tưởng như vậy. Hầu hết được làm từ vải tổng hợp, có nguồn gốc từ dầu mỏ.

Screen Shot 2021-08-29 at 11.25.19 PM

Tiếp đến là môi trường gia công, các sản phẩm bền vững thường đòi hỏi các nguyên liệu xanh ít được sử dụng và từ đó phạm vi của một chuỗi cung ứng cũng trở nên hạn hẹp hơn, kinh phí bị giảm bớt, người công nhân phải làm việc thêm thời gian để đảm bảo tiến độ của sản phẩm đến được tay người mua kịp thời. Giá thành sản phẩm từ đó lại gia tăng, người mua hàng từ đó lại dè chừng mỗi khi liếc mắt tới một sản phẩm dán mác “xanh” trên gian hàng.

Vậy thì, nếu như muốn giá thành vừa đủ để gây sự chú ý tới người mua, doanh nghiệp có thể đặt nhà máy tại những đất nước chưa khắt khe về các luật an toàn cho người lao động - như Ấn Độ hoặc Trung Quốc, để giảm chi phí gia công. Tất nhiên, dựa vào tấm lưng của những người công nhân còi cọc chỉ bằng từng đồng xu họ nhận lại, lấy đi máy lọc không khí và để lại cho họ những hơi thở độc hại, lại chính xác là những gì các doanh nghiệp kinh doanh trong mảng thời trang bền vững đang cố gắng xóa bỏ.

Screen Shot 2021-08-29 at 11.26.38 PM

Bên cạnh đó, nhiều cuộc khảo sát trong những năm gần đây cho thấy, người tiêu dùng có xu hướng mua các mặt hàng có bao bì làm bằng giấy hoặc có chất liệu carton hơn là nhựa. Điều này đã dẫn đến nhiều pha “trá hình” từ cả những thương hiệu nổi tiếng, bằng cách bọc một túi giấy... ra ngoài túi nilon. Để tránh hành vi này tiếp tục, lại dẫn đến việc các thương hiệu thi nhau sử dụng bao bì bằng giấy hoặc các loại túi dùng lâu dài, gây ra một mâu thuẫn mới: sức sản xuất hàng loạt bắt đầu tăng lên, sản phẩm vốn được sản xuất để dùng lâu dài nay lại được các thương hiệu cho đi tràn lan mỗi lần đến cửa hàng để tăng độ nhận diện về khả năng “bền vững” của họ.

fast-fashion-brands-to-avoid-2

Các doanh nghiệp “tẩy xanh” thường khai thác các nguyên liệu đến từ đến từ các vùng nhiệt đới vì chúng đem lại cho người mua một cảm giác “yên bình” và “gần gũi thiên nhiên” khi nghe nói về sản phẩm, trong khi thực chất để khai thác nguồn vật liệu đó, họ cần khai thác rừng nguyên sinh để trồng trọt. Ngoài ra, theo thống kê của Ủy ban Kinh tế Liên Hiệp Quốc châu Âu (UNECE), ngành công nghiệp thời trang chiếm đến 10% lượng khí thải carbon của nhân loạ, chủ yếu từ quá trình vận chuyển đường biển và đường hàng không, nhất là từ các địa điểm cách xa nhau như từ châu Á tới châu Âu.

Sẽ là một vòng luẩn quẩn nếu như người bán muốn tiếp tục kiếm tiền còn người mua hàng thì muốn tiếp tục gìn giữ môi trường.

Sẽ là một vòng luẩn quẩn nếu như người bán muốn tiếp tục kiếm tiền còn người mua hàng thì muốn tiếp tục gìn giữ môi trường.

Giải pháp thực sự là gì?

Nếu nói vui, đây là lúc bạn có thể mặc lá cây lên người và chăm sóc nó đến già. Thực tế, một ý tưởng điên rồ lại có thể là một câu trả lời phù hợp.

Bolt Threads

Bolt Threads là một trong những công ty hiếm hoi sáng tạo nên công nghệ Mylo - một phương pháp gia công chất liệu da thực vật bằng cách kết hợp loại nấm mycelium và công nghệ in 3D. Phát minh đột phá của họ đã được giới tinh hoa trong ngành thời trang như Stella McCartney và Adidas công nhận và sử dụng. Ngoài ra, một số thương hiệu khác còn sáng chế ra những nguồn vật liệu xanh khác rất độc đáo.

e

Pinatex

Tiến sĩ Carmen Hijosa - nhà sáng lập và phát minh công nghệ Pinatex - đã dành 20 năm để tìm cách sử dụng lá dứa - nguồn tài nguyên dư thừa tại Philippines, để tạo thành da thực vật mà không cần đến sự hỗ trợ của nhựa PVC.

Hiện tại, các sản phẩm quần áo, giày, túi, đồng hồ của Pinatex đã hợp tác với hơn 3.000 thương hiệu thời trang trên thế giới, trong đó có những hãng nổi tiếng như Hugo Boss, Chanel, Mango.

Empty

Desserto

Thương hiệu Desserto không chỉ thành công trong việc tạo nên chất liệu da thuần chay bằng chất liệu cây xương rồng khổng lồ, thành tựu của họ còn là xây dựng thương hiệu xanh thành công khi hợp tác với các nhà mốt xa xỉ như Karl Lagerfeld, Saye, Hugo Boss..., mang lại những bộ sưu tập bằng da xương rồng, từ túi xách, quần áo cho đến ghế da xe hơi.

h

Tạm kết

Thời trang bền vững đang trên đà phát triển là một trong những điều cần thiết phải xảy ra. Tuy nhiên nếu không cẩn thận, sự bền vững này rất dễ lung lay, gây hoài nghi, thậm chí sụp đổ, nếu như con người không nhận thức được đầy đủ về chính những gì mình đang mặc, đang đại diện cho.

Suy cho cùng, biện pháp "bền vững" an toàn nhất chính là... không mua gì cả. Trong thời gian dài thực hiện giãn cách, các hoạt động mua sắm - tiêu dùng bị ngưng lại, bạn có thấy ổn không khi không còn được cập nhật những bộ cánh mới? Có lẽ đây là lúc chúng ta nhìn lại những chiếc áo cũ trong tủ, hô biến một sức sống mới cho nó, và mặc lên một cách tự tin nhất. Thời trang mà, cứ 30 năm là mốt sẽ quay lại!

Và hãy tin vào điều Vivian Westwood từng nói: “Trong lúc hoạn nạn, thời trang sẽ trở nên bứt phá”.

Lưu (ảnh: Internet)
Trang thông tin du lịch và phong cách sống Travellive+
Trang thông tin du lịch và phong cách sống Travellive+
Trang thông tin du lịch và phong cách sống Travellive+
RELATED ARTICLES