Chuyện người phụ nữ làm thời trang bền vững từ lá dứa

16/09/2021

Năm 1993, Tiến sĩ Carmen Hijosa đến Philippines thăm một trong những xưởng làm đồ da tại nơi này, và đã bị sốc khi chứng kiến những tác động của ngành công nghiệp sản xuất thuộc da đối với môi trường và sức khỏe của người dân địa phương. Sau đó, bà quyết định nghỉ việc ngay lập tức.

Vài năm trở lại đây, song hành với xu thế lối sống xanh thì thuật ngữ "thời trang bền vững" đang dần trở thành định hướng và trách nhiệm của mỗi cá nhân, đặc biệt đối với những người làm thời trang. Rất nhiều nhà thiết kế có xu hướng tìm kiếm các vật liệu thay thế cho vải truyền thống. Carmen Hijosa, một nhà thiết thế đồ da 69 tuổi người Tây Ban Nha, cũng không ngoại lệ. Từng nghiên cứu chất liệu da và ảnh hưởng của chúng đến môi trường trong nhiều năm, Hijosa đã tạo ra một giải pháp bền vững hơn: dùng sợi của lá dứa để sản xuất loại vật liệu thời trang thay thế cho da động vật.

Chuyến đi mang tính quyết định

Khi mới 19 tuổi, Carmen Hijosa chuyển đến Ireland học tập và bắt đầu làm việc trong ngành da thuộc. Vào thời điểm đó, bà làm việc ở công ty nhỏ, thường xuyên phải tiếp xúc với sản phẩm da xa xỉ để sản xuất cho các công ty như Harrods, Liberty và Takashimaya.

Tuy nhiên, đó không phải là lý do đưa đẩy bà đến với con đường thời trang thuần chay. Mọi thứ bắt đầu từ khi Carmen Hijosa trở thành cố vấn thiết kế cho Liên minh Châu Âu và Ngân hàng Thế giới tại thị trường Nam Mỹ, Philippines, Thái Lan và EU. Công việc này tạo cơ hội cho bà đi khắp nơi và tìm hiểu về những sản phẩm mà mình thực sự yêu thích.

Tiến sĩ Carmen Hijosa được biết đến là một doanh nhân đạo đức với tầm nhìn và chiến lược phát triển nền thời trang bền vững.

Tiến sĩ Carmen Hijosa được biết đến là một doanh nhân đạo đức với tầm nhìn và chiến lược phát triển nền thời trang bền vững.

Năm 1993, bà đến Philippines thăm một trong những xưởng làm đồ da tại nơi này, và đã bị sốc khi chứng kiến những tác động của ngành công nghiệp sản xuất thuộc da đối với môi trường và sức khỏe của người dân địa phương. Quy trình thuộc da động vật đòi hỏi sử dụng các hóa chất độc hại như formaldehyde và kim loại nặng như crom - tất cả đều gây ra ô nhiễm. Sau đó, bà quyết định nghỉ việc ngay lập tức. "Tôi không có kế hoạch công việc nào trước cả nhưng sau khi nhìn thấy cảnh ấy, tôi tự hứa sẽ không làm việc với đồ da nữa", Hijosa nói.

Cũng từ đó, Hijosa đã hình thành ý tưởng tìm kiếm một vật liệu thay thế cho da thuộc và cấp thiết hơn cả, là sản xuất một loại da từ nguyên vật liệu tự nhiên ở đảo quốc Đông Nam Á. Với 15 năm kinh nghiệm trong ngành, bà hiểu rằng loại vật liệu thay thế cần có các đặc tính như bền, dai, sáng, nhẹ và có khả năng sản xuất bền vững. Và cuộc hành trình của bà bắt đầu...

giải pháp nằm trong thứ bỏ đi

Carmen Hijosa bắt đầu làm việc với Trung tâm Thiết kế tại Phillipines, tiếp xúc với những người nông dân, thợ dệt thủ công và tham gia trực tiếp vào quá trình sản xuất. Đối với bà, đó là cách duy nhất để kết nối với những gì bản thân muốn tạo ra.

Trang thông tin du lịch và phong cách sống Travellive+
Trang thông tin du lịch và phong cách sống Travellive+

Sau nhiều năm nghiên cứu, bà nhận ra rằng, chính các phụ phẩm trên những đồn điền trồng dứa là câu trả lời mà bà đang đi tìm. "Tôi bị ấn tượng bởi lá dứa. Tôi đã thử đi thử lại nhiều lần, sợi của chúng rất tốt, chắc chắn và linh hoạt, chúng có thể kéo thành lưới", Hijosa chia sẻ. Năm 2014, bà đã nghiên cứu ra quy trình sản xuất vải Piñatex và khởi nghiệp lần nữa ở tuổi 62 với công ty Ananas Anam.

Bằng sự kiên trì cùng trách nhiệm với xã hội và môi trường, bà đã cho ra mắt một chất liệu mới đi liền với dây chuyền cung ứng, mang đến giải pháp cho cộng đồng nông dân trồng dứa.

Bằng sự kiên trì cùng trách nhiệm với xã hội và môi trường, bà đã cho ra mắt một chất liệu mới đi liền với dây chuyền cung ứng, mang đến giải pháp cho cộng đồng nông dân trồng dứa.

Lá dứa được coi là một phụ phẩm tại các đồn điền ở Philippinies. Thông thường, sau mỗi vụ thu hoạch, người nông dân sẽ đốt ngay hoặc để chúng tự mục nát. Theo ước tính, mỗi năm có khoảng 40.000 tấn lá dứa bị thải loại trên toàn cầu.

Nhưng kể từ sau khi ý tưởng của bà Carmen Hijosa xuất hiện, lá dứa ở Philippines được người dân địa phương gom lại, xử lý thông qua quá trình tách sợi từ phiến lá. Sau khi rửa sạch, phơi khô sẽ được loại bỏ chất diệp lục và nhựa cây. Sợi lá dứa tinh chế tiếp tục được xử lý thành một loại lưới không dệt. Tiếp đó, chúng được gửi về Tây Ban Nha để hoàn thiện vòng đời của mình. Tại đây, chúng sẽ được xử lý hóa học và cơ học nhằm có độ dai, bền và bề ngoài giống da thật, đặt tên là Piñatex. Trung bình, cứ 480 chiếc lá dứa thì dệt được 1 m2 loại vải giả da này.

Quá trình sản xuất Piñatex đảm bảo đáp ứng yếu tố trách nhiệm với môi trường. Vòng đời của sản phẩm đều được chú trọng và sản xuất theo mô hình vòng tròn khép kín.

Quá trình sản xuất Piñatex đảm bảo đáp ứng yếu tố trách nhiệm với môi trường. Vòng đời của sản phẩm đều được chú trọng và sản xuất theo mô hình vòng tròn khép kín.

Empty

Không giống như sản xuất da thuộc, chế biến nguyên liệu dứa không hề tạo ra độc tố có hại đến môi trường. Ngoài ra, phần thừa còn lại sau khi tách sợi sẽ được ủ làm phân hữu cơ hoặc dùng làm nguyên liệu đầu vào cho quá trình sản xuất năng lượng sinh học.

Piñatex - tương tự như da thuộc, có thể được nhuộm, in và xử lý để tạo ra nhiều loại kết cấu và độ dày khác nhau. Nó có thể thay thế hoàn hảo cho da thuộc để làm giày, túi, ghế sofa,… với giá chỉ 18 Bảng Anh/m2 - rẻ hơn 40% so với da thuộc, có giá khoảng 20-30 Bảng Anh/m2.

đam mê không "nghỉ hưu"

Bà Hijosa kể rằng mặc dù nhận được nhiều lời mời đầu tư cho dự án của mình, nhưng thực tế chúng không hề thuận buồm xuôi gió, bà cũng phải đối mặt với nhiều lần vấp ngã. “Không dễ để tìm được những người có tầm nhìn tương lai và có thể hình dung được những gì bạn đang làm”, bà nói.

Đối với Hijosa, một trong những điểm nổi bật trong hành trình sáng tạo chất liệu thời trang thuần chay là khi nhận được bằng sáng chế vào năm 2011. "Tôi đã có thể tự tin làm việc trên sản phẩm mà mọi người tin tưởng và cho phép tiếp tục phát triển", bà cho hay.

Hiện nay, công ty sản xuất vải Piñatex của bà đã kết hợp với 3.000 nhà mốt lớn nhỏ trên toàn thế giới.

Hiện nay, công ty sản xuất vải Piñatex của bà đã kết hợp với 3.000 nhà mốt lớn nhỏ trên toàn thế giới.

Khi ra mắt năm 2016, phát kiến sáng tạo của bà đã được đón nhận rộng rãi ở khắp mọi nơi. Rất nhiều thương hiệu và nhà thiết kế thời trang trên thế giới đã ứng dụng Piñatex vào sản phẩm của mình, từ giày dép cho đến quần áo hoặc đồ nội thất, xe hơi. Giờ đây, Ananas Anam đã kết hợp với 3.000 thương hiệu trên toàn cầu, bao gồm Hugo Boss, Chanel, Mango, Ecoalf... Loại da Piñatex cũng được nâng cấp, có những màu thời trang như tím than, nâu, đỏ cam, và màu bạc.

Các sản phẩm da Piñatex ngày càng được nâng cấp và ứng dụng rộng rãi.

Các sản phẩm da Piñatex ngày càng được nâng cấp và ứng dụng rộng rãi.

Alicia Lai, nhà sáng lập thương hiệu thời trang Bourgeois Boheme (London) cho biết: “Đối với chúng tôi, việc sử dụng Piñatex trong các bộ sưu tập là sự lựa chọn tự nhiên. Nó không chỉ mang vẻ đẹp đạo đức: không giết hại động vật, không gây ô nhiễm môi trường, mà nó còn giúp chúng tôi thành công khi định nghĩa lại khái niệm về những đôi giày, bốt, dép da mà không phải là da”.

Empty
Empty
Empty

Thông qua câu chuyện thành công của chính mình, sáng kiến vải Piñatex từ lá dứa đang giúp mọi người nâng cao nhận thức về cách tiếp cận với thời trang theo hướng bền vững. Đối với Carmen Hijosa, đó là đặc ân khi bà có thể tôn trọng môi trường và đấu tranh chống ô nhiễm bằng cách cung cấp sản phẩm làm từ chất thải. Và điều quan trọng hơn, ở độ tuổi lẽ ra cần được nghỉ hưu, người phụ nữ 69 tuổi này vẫn miệt mài tìm ra lối đi cho ngành công nghiệp thời trang bền vững.

Huyền Châu - Ảnh: Internet
RELATED ARTICLES