Sự trở lại của series đình đám "Squid Game 3" không chỉ đánh dấu màn tái xuất của những trò chơi sinh tồn tàn khốc và dàn nhân vật đã trở thành biểu tượng toàn cầu, mà còn kéo theo một cơn lốc tiếp thị chưa từng có, khuấy đảo mạnh mẽ các lĩnh vực ngoài điện ảnh, từ thời trang, ẩm thực cho đến thế giới trò chơi điện tử và du lịch.
Vẫn giữ phong cách dàn dựng chi tiết, tiết tấu dồn dập và bối cảnh u ám đặc trưng, mùa phim mới của "Squid Game" đã đưa khán giả bước vào một vòng chơi khốc liệt, đẫm máu hơn. Ngay lập tức sau màn ra mắt ấn tượng trên nền tảng Netflix vào cuối tháng 6, "Squid Game 3" đã vươn lên dẫn đầu bảng xếp hạng Top 1 toàn cầu tại hơn 93 quốc gia, bao gồm cả Việt Nam.

Squid Game 3 (tựa Việt: Trò Chơi Con Mực 3) là chương cuối của loạt phim sinh tồn từng làm chao đảo toàn cầu
Bất chấp những tranh luận trái chiều nổ ra trên mạng xã hội, loạt phim vẫn đạt 8.0 điểm trên IMDb và nhận mức đánh giá tích cực lên tới 89% từ giới phê bình trên Rotten Tomatoes. Đạo diễn Hwang Dong Hyuk đã chọn một câu trả lời táo bạo cho bài toán làm mới: thay vì leo thang sự hoành tráng một cách vô hồn, ông kéo đấu trường phi nhân tính ấy trở về với bản chất trần trụi nhất, phơi bày sự tàn khốc của hệ thống bằng chính thứ ngôn ngữ đã làm nên thương hiệu.

Cốt truyện lần này tiếp nối ngay sau cú phản bội ở mùa hai, khi Gi Hun bị bắt trở lại trò chơi và buộc phải đối mặt với hệ thống mà anh từng cố gắng phá hủy
Các trò chơi được thiết kế chặt chẽ hơn, nhịp kể được gọt giũa gọn gàng, và trên hết, ống kính máy quay đào sâu hơn vào tâm can hỗn loạn của những con người bị dồn vào chân tường, đẩy họ vào trạng thái nguyên thủy: giết hoặc bị giết. Phần ba được đánh giá là “đen tối nhất nhưng cũng sâu sắc nhất” từ trước đến nay, nhận được sự đón nhận nồng nhiệt từ giới chuyên môn.

Các nhân vật bị ném vào thế giới máu me và hỗn loạn, nơi mạng sống được định đoạt chỉ bằng vài cú lia máy
Sức lan toả khủng khiếp trên toàn cầuSức hút của "Squid Game 3" không chỉ dừng lại ở những con số ấn tượng trên các nền tảng đánh giá phim ảnh. Nó đã trở thành một "cỗ máy" bán hàng khổng lồ, tạo ra một "cú sốt" chưa từng thấy trong nhiều ngành công nghiệp khác:

Phần 3 đã tạo nên nhiều xu hướng lan toả khắp thế giới
Ngay khi "Squid Game" trở lại màn ảnh, ngành bán lẻ của Hàn Quốc đã nhanh chóng biến "gã khổng lồ" Netflix thành một "cỗ máy" bán hàng ăn khách. Từ chuỗi cửa hàng tiện lợi đến các trung tâm thương mại sang trọng đều bắt nhịp chiến dịch tiếp thị trị giá hàng triệu USD, tung ra hàng loạt sản phẩm liên quan đến phim như áo hoodie, áo thun, đồ thể thao, phụ kiện, đồ trang trí nội thất cho đến các vật phẩm sưu tầm độc đáo.

Loạt sản phẩm liên quan đến phim "bán đắt như tôm tươi"
Đáng chú ý, GS25, chuỗi cửa hàng tiện lợi lớn của Hàn Quốc, đã hợp tác chiến lược với Netflix để phát hành một loạt sản phẩm độc quyền, bao gồm thẻ đi lại T-Money in hình các nhân vật Young Hee và Cheolsu, viên kẹo dẻo hình dây nhảy dài gần 2m và kẹo dalgona dẻo – đạo cụ nổi tiếng từ phần 1.

GS25 - chuỗi cửa hàng tiện lợi lớn của Hàn Quốc đã hợp tác với Netflix để phát hành một loạt sản phẩm độc quyền gắn liền với mùa mới
GS Retail, đơn vị sở hữu GS25, tiết lộ các sản phẩm hợp tác với Netflix đã bán được hơn 30 triệu mặt hàng, trong đó có 6,3 triệu sản phẩm gắn với thương hiệu "Squid Game", tạo ra doanh thu hơn 12 tỷ won (hơn 231 tỷ đồng) chỉ riêng từ nhượng quyền thương mại. Ở phân khúc cao cấp hơn, trung tâm thương mại Shinsegae cũng không nằm ngoài cuộc chơi khi bắt tay cùng loạt phim, phân phối sản phẩm chính hãng kèm theo loạt ưu đãi dành cho khách hàng, càng làm nổi bật mối liên kết của "Squid Game" với quê nhà.

Cơn sốt còn lan sang các thương hiệu thời trang toàn cầu. Pull&Bear đã phát hành bộ sưu tập vào ngày 27/6, trong khi PUMA và Hot Topic lần lượt ra mắt vào 10/7 và 1/7. Thậm chí, những sản phẩm từng ra mắt vào thời điểm lên sóng mùa 2 như áo khoác đỏ, mặt nạ lính canh, búp bê khổng lồ và bộ đồng phục thi đấu vẫn tiếp tục được săn đón trên các sàn thương mại điện tử và cửa hàng bán lẻ, liên tục được tái sản xuất, nâng cấp hoặc bổ sung phiên bản giới hạn cho mùa 3, củng cố vị thế "Squid Game" như một biểu tượng văn hóa toàn cầu.

Thương hiệu PUMA tung ra sản phẩm lấy cảm hứng từ Squid Game


Không chỉ dừng lại ở thời trang, các nhãn hàng đồ ăn và thức uống cũng không nằm ngoài cuộc chơi. Chai rượu soju HiteJinro quen thuộc từ những mùa đầu tiên tiếp tục trở lại trong "Squid Game 3", cùng với phiên bản giới hạn của Johnnie Walker – loại whisky được quảng bá là "màn nâng ly hoàn hảo cho người chiến thắng cuối cùng". Ngoài ra, nhiều thương hiệu độc đáo khác cũng hợp tác như Bitz (bắp rang bơ tại Mexico), Domino's Pizza (Colombia), Doritos (Anh), gà viên Seara (Brazil) và nước giải khát Mahou (Tây Ban Nha), mang đến cho người hâm mộ những trải nghiệm ẩm thực độc đáo gắn liền với bộ phim.


Tính chất đối kháng và sinh tồn của "Squid Game" là nguồn cảm hứng bất tận cho ngành công nghiệp game. "Squid Game 3" đã thúc đẩy sự ra đời và phát triển của nhiều tựa game mới, cho phép người hâm mộ trực tiếp hòa mình vào thế giới của bộ phim. Nổi bật nhất là tựa game Squid Game: Unleashed, được làm mới với loạt nhân vật và thử thách mới, bao gồm trò "Nhảy dây" được khán giả chờ đợi suốt từ đầu mùa – ra mắt đúng thời điểm tập cuối của mùa 3 lên sóng.
Đặc biệt, "Squid Game 3" còn chứng kiến cú bắt tay ấn tượng giữa giải trí và du lịch. Netflix đã hợp tác với Tổng cục Du lịch Hàn Quốc để triển khai các tour trải nghiệm độc quyền dành cho người hâm mộ. Thông qua chương trình này, du khách có cơ hội đặt chân đến những địa danh, văn hóa và bối cảnh đã truyền cảm hứng cho loạt phim, từ đó khám phá sâu hơn về văn hóa Hàn Quốc – quê hương của cơn sốt toàn cầu mang tên "Squid Game". Đây là một bước đi chiến lược, biến bộ phim thành một cầu nối văn hóa, thu hút du khách quốc tế đến với xứ sở kim chi.

Tổng cục du lịch Hàn Quốc đưa ra những địa điểm thú vị mà người hâm mộ của bộ phim có thể ghé thăm
"Squid Game 3" không chỉ là một thành công vang dội về mặt điện ảnh mà còn là một hiện tượng văn hóa toàn cầu, chứng minh sức mạnh lan tỏa phi thường của một thương hiệu giải trí.