Khu di sản, quần thể danh thắng Tràng An nằm ở rìa phía nam của đồng bằng châu thổ sông Hồng thuộc tỉnh Ninh Bình, có diện tích 6.226 ha và vùng đệm rộng 6.026 ha, trên địa bàn của các huyện: Hoa Lư, Gia Viễn, Nho Quan và các thành phố Tam Điệp, Ninh Bình.
Khu di sản gồm ba khu vực được bảo vệ là: Khu di tích lịch sử văn hóa Cố đô Hoa Lư, khu danh thắng Tràng An - Tam Cốc - Bích Động và khu rừng đặc dụng Hoa Lư; chứa đựng tất cả giá trị cảnh quan đặc sắc và các giá trị văn hóa liên quan. Theo thống kê hiện có khoảng hơn 20.000 dân sinh sống trong vùng lõi khu di sản.
Ngày 25/6/2014, Quần thể danh thắng Tràng An được UNESCO ghi danh là Di sản Văn hóa và Thiên nhiên thế giới. Đây là di sản thế giới hỗn hợp đầu tiên ở Việt Nam và Đông Nam Á với các bằng chứng về quá trình tương tác của người cổ xưa với cảnh quan thiên nhiên và nỗ lực thích ứng của họ với những biến cố môi trường trong hơn 30.000 năm.
Khu di sản Quần thể danh thắng Tràng An cũng đóng vai trò quan trọng trong đời sống tín ngưỡng không chỉ cho người dân địa phương mà cả người dân từ các khu vực khác. Khách hành hương chiếm phần lớn lượng khách đến thăm quan di sản, đặc biệt trong các dịp lễ hội, số lượng khách có thể lên tới 35.000 lượt khách/ngày. Với giá trị đặc sắc, độc đáo về cảnh quan, văn hóa lịch sử ở tầm nhân loại, Tràng An có vai trò quan trọng trong việc phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh Ninh Bình, tạo thế và lực đưa Ninh Bình trở thành trung tâm du lịch lớn của Việt Nam, hàng năm thu hút lượng lớn khách du lịch trong nước và quốc tế đến tham quan.
Tốc độ tăng trưởng lượng khách đến Ninh Bình giai đoạn 2010 - 2019 bình quân đạt trên 11%/năm. Năm 2019, toàn tỉnh đón được gần 7,65 triệu lượt khách, trong đó khách nội địa là 6,58 triệu lượt, khách quốc tế là 970.000 lượt. Doanh thu du lịch đạt trên 3.600 tỷ đồng. Riêng các khu, điểm du lịch trong vùng lõi di sản, năm 2019 đón được trên 3,1 triệu lượt, trong đó khách quốc tế khoảng 650.000 lượt, với tốc độ tăng trưởng khách khoảng 9,7%/năm.
Các hoạt động du lịch, dịch vụ và bảo tồn di sản đã mang lại thu nhập và lợi ích trực tiếp cho người dân địa phương, từ đó tạo nên mối quan hệ mật thiết, gắn bó của cộng đồng dân cư đối với di sản, nâng cao ý thức, trách nhiệm của từng người dân, đảm bảo hài hòa giữa giữ gìn cảnh quan tự nhiên, bảo tồn và phát huy giá trị di sản và phát triển du lịch.
Theo đánh giá của các chuyên gia UNESCO, công tác bảo tồn giá trị di sản thế giới Tràng An gắn với phát triển bền vững đã có sự cân bằng tương đối tốt, hài hòa giữa bảo vệ môi trường, quản lý nhà nước, người dân và doanh nghiệp. Chủ trương và chính sách phát triển bền vững gắn với đảm bảo sinh kế cho người dân đã làm thay đổi bộ mặt nhiều địa phương trong khu di sản, làm chuyển đổi cơ cấu kinh tế từ nông nghiệp sang dịch vụ du lịch, nhiều nghề thủ công truyền thống được khôi phục, nhiều ngành nghề mới, sinh kế mới được tạo ra, đặc biệt đã có sự gắn kết giữa các hoạt động du lịch với nông nghiệp và trải nghiệm cuộc sống của người dân.
Công tác an ninh trật tự, vệ sinh môi trường được đảm bảo, cơ sở vật chất kỹ thuật luôn được đầu tư và nâng cấp; văn hóa, văn minh du lịch đã được nâng cao, chất lượng nguồn nhân lực và công tác phục vụ, đón tiếp khách du lịch đã cơ bản đi vào nề nếp; công tác quảng bá xúc tiến du lịch luôn được chú trọng, hình ảnh và thương hiệu du lịch của các khu, điểm du lịch trong Quần thể danh thắng Tràng An ngày càng được khẳng định.
Danh hiệu Di sản của UNESCO đã thực sự đóng vai trò là hạt nhân, là trung tâm thúc đẩy phát triển du lịch trong toàn tỉnh, khẳng định được vị trí du lịch Ninh Bình trên thị trường du lịch trong nước và quốc tế. Hoạt động phát huy các giá trị Di sản gắn với phát triển du lịch theo hướng tăng trưởng xanh trong Quần thể danh thắng Tràng An được thực hiện khá tốt, thể hiện qua sự tham gia của cộng đồng địa phương vào các hoạt động sinh kế có liên quan đến dịch vụ du lịch, phát huy giá trị của di sản.
Mới đây, tại Hội nghị quốc tế về phát huy giá trị các danh hiệu UNESCO phục vụ phát triển bền vững tại Việt Nam diễn ra tại Ninh Bình, ông Michel Croft, Quyền trưởng Văn phòng UNESCO tại Hà Nội cho biết, ông đã theo dõi và chứng kiến những thành tựu từ mô hình hợp tác công-tư tại Ninh Bình từ những năm đầu tiên tỉnh Ninh Bình xây dựng danh hiệu cho di sản. Đây là bài học rất thành công của Ninh Bình khi kêu gọi hiệu quả sự quan tâm và tham gia của nhiều đối tác khu vực công và khu vực tư trong việc xây dựng và duy trì bền vững công tác bảo tồn và phát huy giá trị các di sản thế giới đã được công nhận, có thể áp dụng cho nhiều khu di sản thế giới khác ở Việt Nam.
Ông Firmin Edouard Matoko, Trợ lý Tổng Giám đốc UNESCO về ưu tiên châu Phi và quan hệ đối ngoại cho rằng, để phát huy giá trị các danh hiệu UNESCO cần phải có cơ chế, chính sách rất đặc thù cho những khu vực đô thị, từ đó vừa phát triển kinh tế vừa bảo tồn và phát huy giá trị của di sản. Nhu cầu của mọi người là cần có việc làm, đặc biệt là thế hệ trẻ, vì vậy chính sách cần phải áp dụng khác nhau giữa khu vực đô thị và khu vực nông thôn.
Thách thức không nhỏ để Tràng An phát triển bền vững
Tuy nhiên, bên cạnh những kết quả đã đạt được, Di sản Tràng An còn đối mặt với nhiều thách thức để phát triển một cách bền vững, thành một điểm đến hấp dẫn của du lịch khu vực và quốc tế. Đó là, việc giải quyết hài hòa giữa bảo tồn di sản và phát triển kinh tế - xã hội.
Hiện nay, số lượng khách du lịch đến tham quan các khu, điểm du lịch trong khu Di sản tăng nhanh kéo theo nhu cầu cao về lưu trú du lịch, đặc biệt ở các khu vực có cảnh quan tự nhiên và khu dân cư nằm xen kẽ; loại hình cơ sở lưu trú dạng homestay tự phát tăng nhanh, chủ yếu tập trung trong vùng lõi của di sản. Công tác quản lý đất đai, các hoạt động xây dựng, kinh doanh dịch vụ lưu trú du lịch, sử dụng tài nguyên du lịch trong khu di sản chưa nghiêm, có vi phạm kéo dài chưa xử lý triệt để; công tác nghiên cứu khoa học, nhất là nghiên cứu về văn hóa, đa dạng sinh học còn ít, chưa có những công trình nghiên cứu chuyên sâu, toàn diện về các giá trị của di sản.
Công tác đầu tư, tôn tạo các di tích lịch sử văn hóa, bảo vệ cảnh quan môi trường chưa tương xứng với vị thế và tầm vóc của di sản; các dự án đầu tư về cơ sở hạ tầng du lịch trong khu Di sản triển khai còn chậm; sản phẩm du lịch trong khu di sản còn trùng lặp, đơn điệu, thiếu các chương trình du lịch chuyên sâu về khảo cổ học, khám phá di sản gắn với các giá trị, truyền thống văn hóa - lịch sử về vùng đất Cố đô Hoa Lư.
Giải quyết hài hòa mâu thuẫn giữa bảo tồn di sản và phát triển kinh tế
Nhận thức được tầm quan trọng của phát triển bền vững trong thời kỳ hội nhập, toàn cầu hoá và thách thức của biến đổi khí hậu cùng các vấn đề xã hội khác, tỉnh Ninh Bình luôn xác định quan điểm phát triển bền vững dựa trên nền tảng các tiềm năng, thế mạnh của tỉnh, nhất là hệ thống di sản văn hóa và thiên nhiên, các danh hiệu UNESCO, tập trung xác định con người là trung tâm, là mục tiêu của phát triển bền vững, tăng cường sinh kế bền vững cho người dân trong vùng di sản.
Đối với cộng đồng sống trong khu vực di sản, bên cạnh việc tạo điều kiện, khuyến khích cộng đồng vận dụng những kinh nghiệm, tri thức truyền thống mà họ tích lũy được trong việc bảo vệ, phát huy giá trị di sản, cần có cơ chế chia sẻ lợi ích với cộng đồng từ hoạt động bảo tồn di sản và phát triển du lịch bền vững, tạo điều kiện cho người dân tham gia vào các hoạt động bảo vệ di sản, bảo tồn các di tích lịch sử - văn hóa, các di sản văn hóa phi vật thể đang nắm giữ, phát triển đa dạng sinh học, tạo công ăn việc làm cho cộng đồng sống trong khu vực di sản.
Đồng thời, tiếp tục hoàn thiện và thực hiện mô hình hợp tác công – tư trong quản lý, phát huy giá trị di sản, tạo động lực cho phát triển bền vững. Tại Ninh Bình, sự đồng thuận giữa chính quyền, người dân và doanh nghiệp, cùng sự tham vấn của các nhà khoa học đã tạo nên những kết quả đáng ghi nhận trong việc bảo vệ và trao truyền các giá trị của di sản, góp phần bảo tồn di sản và phát triển một cách bền vững.
Những năm qua, mô hình hợp tác công - tư đang được triển khai ở các khu, điểm du lịch tại Di sản văn hóa và thiên nhiên thế giới Quần thể danh thắng Tràng An dựa trên ba trụ cột chính: Cơ quan quản lý nhà nước – doanh nghiệp – cộng đồng dân cư địa phương. Trong thời gian tới, tỉnh Ninh Bình tiếp tục hoàn thiện mô hình hợp tác công – tư trong bảo tồn và phát huy giá trị di sản, tập trung vào các vấn đề liên quan cơ chế phối hợp quản lý, chia sẻ lợi ích, sự phối hợp và trách nhiệm giữa các bên liên quan nhằm tiếp tục nâng cao hiệu quả công tác bảo tồn di sản gắn với phát triển bền vững.
Bên cạnh đó, các nhiệm vụ cấp thiết trong bảo tồn phát huy giá trị di sản gắn với phát triển bền vững gồm: Sử dụng tiết kiệm, hiệu quả tài nguyên, đặc biệt là tài nguyên không thể tái tạo, hạn chế tác hại của thiên tai, chủ động thích ứng có hiệu quả với biến đổi khí hậu, bảo tồn và phát triển đa dạng sinh học.
Tỉnh Ninh Bình cũng tập trung tăng cường năng lực quản lý và phát triển nguồn nhân lực bền vững. Xây dựng đội ngũ cán bộ quản lý và chuyên môn có tính chuyên nghiệp cao, được trang bị và nắm vững những quy định của Luật Di sản văn hóa và những văn bản quy phạm pháp luật có liên quan, cũng như những quy định của Công ước và Hiến chương quốc tế về Di sản thế giới; được trang bị các phương pháp khoa học về bảo tồn; có năng lực phối hợp và liên kết với các chuyên gia trên nhiều lĩnh vực khác nhau, cả khoa học tự nhiên và khoa học xã hội nhân văn để quản lý và triển khai trên thực tế các hoạt động quy hoạch, thiết kế, bảo quản, tu bổ, tôn tạo, phục hồi di sản.
Đặc biệt, nâng cao công tác tuyên truyền cho cộng đồng, đặc biệt tại nơi có di sản được khai thác du lịch, nhằm làm cho cộng đồng thấy được tầm quan trọng và giá trị của di sản, từ đó nâng cao ý thức trách nhiệm, tự giác đối với việc bảo vệ di sản, môi trường nói chung và môi trường du lịch nói riêng.