Đón Tết ở nơi tận cùng thế giới

16/01/2020

Đặt cốc socola nóng thơm ngào ngạt và bốc khói nghi ngút vào giữa hai lòng bàn tay cho ấm trước khi mang găng vào và bước ra thế giới của tuyết trắng bên ngoài, tôi nhẩm tính giờ này đang là mùng 2 Tết ở Việt Nam, vào tầm 5h chiều.

Tôi yêu cái Tết cổ truyền. Trong ký ức tuổi thơ, đó là thời điểm mọi hoạt động buôn bán đều dừng lại, mọi nhà đều sửa sang, trưng hoa đón tết. Cuộc sống đô thị hóa ít nhiều thay đổi những truyền thống cũ: đường phố đông đúc hơn, hàng quán cũng ít nghỉ Tết và mở mắt ra là biết bao nhiêu phim quảng cáo, poster từ thang máy đến tivi với những thông điệp na ná nhau. Với một người quê ngay tại Sài Gòn, tôi thường chọn cho mình cách “trốn” Tết để tìm khoảng lặng bình yên.

Một tuần sống chậm ở Lofoten

Đã đến Na Uy nhiều lần và lần này tôi quyết định đến những hòn đảo Lofoten nằm ở gần vòng Bắc Cực vào mùa tháng 2. Đây là thời điểm Lofoten khá yên lặng, vì mùa du lịch cao điểm là tháng 7 và tháng 8. Hầu hết du khách đến đây mùa này là những người mê Bắc Cực quang muốn được một lần chiêm ngưỡng hoặc ghi lại những hình ảnh kì diệu đó.

0R0A1764

Tôi thích sự yên tĩnh ở đây, mỗi ngày thức dậy trong không gian ấy, chậm rãi pha một ly cà phê chờ mặt trời mọc (vào mùa này mặt trời thường mọc vào khoảng 8h sáng và lặn tầm 4h chiều). Mặc lên người ba lớp áo, tôi lại xách máy ảnh đi lang thang ra bến cảng nhìn những chiếc tàu đánh cá quay về, bay theo sau là đàn hải âu huyên náo mong kiếm được ít đồ ăn.

Empty
Empty
Empty

Hằng năm, ngoài nguồn thu từ du lịch thì những hòn đảo này có nguồn thu nhập lớn từ việc đánh bắt cá tuyết. Cá tuyết di cư về phương Nam từ biển Barents, tập trung tại Lofoten để đẻ trứng và ngành công nghiệp đánh bắt phát triển mạnh từ đó. Trong nhiều thế kỷ, Na Uy đã trở thành quốc gia xuất khẩu cá tuyết lớn đến các nước Bắc Âu và xuống cả trung tâm “lục địa già”. Tôi may mắn có bạn là người địa phương nên được dẫn đến tận nơi tàu vừa cập cảng và mua cá tuyết tươi về chế biến.

Cách nấu của người Na Uy khá đơn giản, họ chỉ bỏ cá vào nồi để luộc hoặc hấp chung với khoai tây rồi ăn với một ít muối và tiêu, vì họ cho rằng nguyên liệu tươi ngon thì không nên chế biến nhiều. Ngoài ra, một cách chế biến khác của cá tuyết là đem phơi qua một lúc rồi đem đút lò. Thức ăn trong nhà hàng ở Na Uy khá đắt đỏ nên tôi thường đi siêu thị mua đồ về nấu. Người Na Uy cũng ít khi nào ăn uống bên ngoài, trừ khi có dịp quan trọng. Cá tuyết là một trong những loại cá ngon và đắt tiền bậc nhất nhưng tôi hay nói đùa rằng đó là một trong những thứ mà khi ăn tại Na Uy sẽ rẻ hơn tại Việt Nam.

Trang thông tin du lịch và phong cách sống Travellive+

Ngoài biển cả rộng lớn bao phủ tứ phía, Lofoten còn có những trang trại chăn nuôi cừu và dê, có những dãy núi dựng đứng tạo nên khung cảnh hùng vĩ luôn thay đổi theo ánh sáng trong ngày.

Empty
Empty

Một trong những hình ảnh tiêu biểu ở đây là những ngôi nhà gỗ sơn đỏ với kiến trúc Bắc Âu đặc trưng nằm cạnh biển, khi xưa là những ngôi nhà của các thủy thủ, nay đã sửa thành những khách sạn cho du khách. Vào buổi tối, tôi thường cùng người bạn là Aleksander đi ra các bờ biển để chụp ảnh Bắc Cực quang. Dù là người Na Uy và đã ngắm nhìn những ánh sáng nhảy múa này không biết bao nhiêu lần nhưng với cậu ấy, đó vẫn là một trong những cảnh tượng kì diệu nhất của trái đất này. Cũng không dễ dàng ghi lại hình ảnh của Bắc Cực quang, nhất là khi phải thao tác với máy ảnh trong khi đeo găng tay, nhiệt độ bên ngoài rơi xuống -10oC. Nhưng một khi những dải lụa ánh sáng ấy xuất hiện và tung bay thì bỗng nhiên tôi và Aleksander quên cả lạnh, đứng chụp, tìm góc, cân chỉnh suốt cả giờ đồng hồ.

0R0A1555

Những ngày sống… giữa rừng

Sau một tuần sống chậm tại Lofoten, tôi lên tàu để đi đến thành phố lớn nhất miền Bắc Na Uy - Tromso. Từ đây, tôi bay tiếp lên phía bắc là thành phố Alta, hội ngộ với một vài người bạn từ Việt Nam sang để cùng tham gia chặng tiếp theo của hành trình. Alta đặc biệt bởi là nơi có Đài thiên văn Bắc Cực quang đầu tiên trên thế giới và thậm chí còn có biệt danh là “thị trấn của Bắc Cực quang”. Một lý do thú vị khác để ghé thăm nơi này là những bức chạm khắc đá nổi tiếng của Alta - Di sản Thế giới thời tiền sử duy nhất của Na Uy, được tạo thành từ khoảng 6.000 hình khắc. Thế nhưng, lý do lớn nhất khiến chúng tôi phải lặn lội tới tận đây là vì Alta là nơi mà Nils, một người Sami (dân tộc sống xa nhất về phía bắc của châu Âu) chăn tuần lộc sẽ đón chúng tôi vào rừng để trải nghiệm cảm giác… ở giữa rừng.

Empty

Dân tộc Sami chỉ có hơn 80.000 người, sinh sống chủ yếu ở những vùng bình nguyên xa xôi phía bắc Na Uy, Thụy Điển, Phần Lan. Họ đang nỗ lực gìn giữ đất đai - những bãi cỏ, con suối, thung lũng và dòng sông mà họ đã chăn thả tuần lộc hằng trăm năm nay khỏi những tập đoàn, chính phủ muốn lấy lại vùng đất đó để xây dựng khu mỏ, khai thác khoáng sản. Chăn thả tuần lộc đối với người Sami không chỉ là một nghề mà còn là cả cuộc sống. Dù thực tế là 20 năm nay, bên cạnh lối sống thay đổi, biến đổi khí hậu cũng ảnh hưởng nặng nề đến cuộc sống của họ.

Empty
Empty

Nils, 40 tuổi, đã chăn tuần lộc từ khi 16 tuổi. Anh tự hào rằng nghề chăn tuần lộc là công việc tuyệt vời nhất mình từng làm. Cuộc sống đó có những ngày rất vất vả, có khi làm việc đến 16 giờ/ngày, nhưng bù lại không có căng thẳng hay sự bon chen. Nils nói với tôi, anh muốn thông qua du lịch để hướng dư luận thế giới “giúp” dân tộc mình bảo tồn một nền văn hóa riêng với trang phục, tiếng nói, chữ viết, tôn giáo riêng.

Nils bên đàn tuần lộc của mình

Nils bên đàn tuần lộc của mình

Tôi đã trở thành một người bạn của gia đình Nils, thích việc ngắm nhìn họ chăn thả đàn tuần lộc, sống ở một nơi mà mỗi ngày cuộc sống chịu khá nhiều ảnh hưởng của thời tiết. Ở nơi đây, tôi cảm nhận sự kết nối rất khăng khít với thế giới này. Việc phải đi chặt cây làm củi, ra suối lấy nước, hay giết thịt cho tôi thấy tác động môt cách rõ ràng cuộc sống của mình đến thiên nhiên một cách trực quan: không phải điện, hơi ấm, máy lạnh, nguồn nước sạch đến một cách tư nhiên, mà mình đang dùng những tài nguyên thiên nhiên. Mỗi hành động như quên tắt bếp lò hay phung phí nước, làm dơ nguồn nước, chặt cây quá nhiều, xử lý chất thải không tốt sẽ ảnh hưởng đến cuộc sống ở ngay lán trại đó. Ngay cả việc giết thịt tuần lộc cũng cho thấy họ có trách nhiệm với những gì họ ăn vì đó là một sinh mạng. Ở Na Uy, họ làm việc đó một cách nhẹ nhàng nhất có thể để con thú được ra đi êm ái, sau đó sẽ ướp muối xông khói để bảo quản. Phần nội tạng sẽ để ra ngoài cho các chú cáo (xem như trả lại cho thiên nhiên), phần da và lông được xử lý để dùng làm thảm trong lều.

AB8I1675

Cabin của Nils nằm giữa rừng, một nơi không có cả điện và sóng điện thoại, công việc hằng ngày của chúng tôi là ra suối lấy nước (sạch đến nỗi uống được ngay và rất ngon), đặt bẫy chim, khoan băng để câu cá. Củi cũng phải đi thu hoạch trong rừng, nấu nước, xông khói bảo quản thịt, thời gian còn lại là mài dao, mài rìu, mài cái khoan băng, sửa sang đồ đạc. Cuộc sống hiện đại cho khách ghé thăm như tôi đã tiện nghi hơn với bếp ga (một số nhà vẫn nấu bằng củi), có máy phát điện, cưa máy thay rìu. Tất cả những việc cơ bản như rửa bát hay đi lấy nước đều không đơn giản khi nhiệt độ xung quanh là từ -10oC đến -40oC.

Empty
Empty

Cảm giác về một vùng đất rộng hàng trăm kilomet không có tiếng ồn động cơ hay tiếng người huyên náo mà tất cả chỉ có thiên nhiên, nguồn nước, không khí trong lành và khung cảnh như một bộ phim sinh tồn trong hoang dã thật đặc biệt. Hoàng hôn, bình minh, bầu trời sao hay cực quang là những thứ đẹp và tinh khôi nhất. Ngay cả bông tuyết rơi lững lờ trong không khí cũng đẹp nao lòng, khiến tôi xuyến xao.

Tôi vẫn nhớ mãi khi Nils chở đoàn đến thăm bầy tuần lộc, chúng tôi ngồi ngay trên tuyết, nhóm lửa, nấu tuyết thành nước để pha trà và cà phê, ăn sáng với bánh mì vợ anh tự làm trong lúc nhìn ngắm đàn tuần lộc nhởn nhơ trong ánh chiều tàn. Cảm giác làm việc bằng tay chân, đốn củi sưởi ấm hay ngồi câu cá yên bình đến kì lạ. Buổi tối, Nils đem xương tuần lộc vừa mổ buổi chiều hầm trên bếp lửa ở giữa căn lều. Món xương tuần lộc hầm (giống xí quách) là món ăn không thể thiếu trong ngày xẻ thịt tuần lộc. Vậy đó, Tết năm ấy, thay vì quây quần quanh nồi bánh chưng như những gia đình Việt Nam, chúng tôi ngồi quây quần bên bếp lửa, quanh nồi thịt hầm và cảm nhận Tết theo một cách khác.

Empty

Thông tin thêm

  • Visa: Bạn có thể sử dụng visa Schengen để vào Na Uy hoặc nộp hồ sơ xin visa tại Trung tâm tiếp nhận thị thực VFS (có văn phòng tại Hà Nội và TP.HCM). VFS sẽ tiếp nhận hồ sơ trong vòng 90 ngày trước ngày khởi hành dự định của bạn và hồ sơ sẽ được xét duyệt trong khoảng 15 ngày.
  • Hành trình: Từ Việt Nam bạn có thể bay đến Oslo (Na Uy) với Turkish Airlines, sau đó bay với hãng SAS lên Alta để bắt đầu hành trình.
  • Phương tiện di chuyển: Để đến Lofoten, có hai hành trình được nhiều du khách lựa chọn nhất là bay từ thủ đô Oslo tới một trong ba sân bay quanh quần đảo là Svolvaer, Narvik, Leknes và thuê xe tự lái hoặc dùng xe buýt. Narvik là sân bay duy nhất trong ba lựa chọn nói trên có chuyến bay thẳng từ Oslo nhưng sân bay này xa Lofoten nhất. Hai sân bay còn lại đều gần Lofoten nhưng bạn sẽ phải nối chuyến ở thành phố Bodo. Từ thành phố Narvik, bạn cũng có thể bắt xe buýt đi tới Lofoten.
  • Thời tiết: Nếu bạn chọn trải qua Tết Nguyên đán ở Na Uy, cần lưu ý rằng đây là thời gian rất lạnh giá ở Bắc Âu, nhiệt độ thường dao động từ -10oC đến -40oC.
  • Chi phí: Nếu bạn mua tour ở với người Sami, bạn sẽ phải trả mức phí là 1.600 euro cho 4 ngày, bao gồm các hoạt động đưa đón tại sân bay, ăn ngủ, câu cá, chụp cực quang, ngủ lều, nướng thịt.
Hoàng Lê Giang
Trang thông tin du lịch và phong cách sống Travellive+
RELATED ARTICLES