Du lịch, coi… dông

02/12/2013

Khi tuyến đường Phan Thiết - Mũi Né - Bàu Sen - Đồi Cát Trắng, từng được xem là “cung đường du lịch vàng” một thời của Bình Thuận, đã quá quen thuộc thì ý tưởng về một công viên mini phục vụ du khách đến xem và tìm hiểu về con dông - sản vật đặc trưng của vùng cực Nam Trung bộ đầy nắng gió này - trở nên hấp dẫn kỳ lạ.

Bài và ảnh: Văn Thưởng

Cùng với Ninh Thuận, Bình Thuận có nhiều đồi cát, môi trường sống phổ biến của những con dông ưa chuộng kiểu sống hoang dã trong lòng cát. Nhiều người dân địa phương thường vào những đồi cát săn tìm con vật này về nuôi, sau đó đem những con đã trưởng thành bán lại cho những nhà hàng để chế biến các món ăn độc đáo.

Không như họ, ông Phạm Văn An thuê người tìm dông về nuôi phục vụ cho nhu cầu của những du khách muốn xem, tìm hiểu về dông mỗi khi đến Bình Thuận ghé thăm Photohouse của ông - địa chỉ lưu trú quen thuộc của giới săn ảnh Bàu Sen - Đồi Cát Trắng ở Hòa Thắng, Bình Thuận.

Từ lúc Đồi Cát Trắng nằm bên Bàu Sen được phát hiện, cụm thắng cảnh này nhanh chóng trở thành “cơn sốt”. Vẻ đẹp nguyên sơ của nó cùng với sự thay hình đổi dạng theo thời tiết rất độc đáo luôn là niềm ao ước đối với những tay săn ảnh. Tuy vậy, thời gian trước đây, người săn ảnh đồi cát thường gặp trở ngại về vấn đề di chuyển nếu muốn đến đây tác nghiệp, vì Đồi Cát Trắng nằm cách trung tâm thành phố Phan Thiết đến hơn 50km. Khi ông An mở Photohouse nằm gần khu đồi cát, ông đã thành cầu nối giữa những người sáng tác ảnh và Đồi Cát Trắng vì Photohouse mang nó đến gần với họ hơn. Họ có thể đến lưu trú tại Photohouse, nghỉ ngơi nhiều ngày, thời gian đủ lâu để “phục săn” những tác phẩm ưng ý nhất về Đồi Cát Trắng và còn được ông An hướng dẫn, giúp tìm “người mẫu”, thường là các bà, các chị người địa phương cùng với các loại “đạo cụ” đặc trưng như quang gánh, xe bò…

Trang thông tin du lịch và phong cách sống Travellive+
Trang thông tin du lịch và phong cách sống Travellive+

Đến khi Bàu Sen - Đồi Cát Trắng trở nên quá quen thuộc, Photohouse đã làm mới mình bằng công viên mini nuôi dông, gần đây tỏ ra rất thu hút du khách, đặc biệt là khách nước ngoài. Tiếng là công viên nhưng thực ra, trong giai đoạn đầu, đây chỉ là một trại nuôi dông sơ khai, được bố trí ngay trong khuôn viên Photohouse. Khách đến thăm, muốn thỏa trí tò mò có thể đứng bên ngoài những chiếc “chuồng” - được dựng bằng tôn xi măng, vách thấp, từ đó dõi mắt vào bên trong xem cuộc sống sinh động của những chú dông, khi thì chạy nhảy lộ thiên, lúc thì rúc sâu dưới những tổ cát. Những chú dông rất khỏe, nhanh nhẹn nên muốn xem, chụp ảnh thường du khách phải chịu khó đứng đợi, phục “săn” bằng ống kính tele.

Và không chỉ xem dông. Nếu du khách có nhu cầu, vợ chồng gia chủ sẵn lòng chiêu đãi món xúc xúc dông do chính ông chế biến. Ông An - người từng là chủ một nhà hàng đặc sản cá rất được ưa thích tại Sài Gòn - cho biết, món này do một đầu bếp người Đan Mạch trong lần ghé Photohouse hướng dẫn. Không ngờ, món xúc xích dông lại hấp dẫn nhiều thực khách - du khách mỗi lần đến đây, đặc biệt là những du khách Đức, bởi quốc gia này vốn là xứ sở của món xúc xích.

Tuy vậy, Photohouse thật ra không phải là một dự án kinh doanh, dù chủ nhân của nó một thời từng là nhà kinh doanh. “Ở tuổi của mình, tôi muốn tìm một nơi nào đó vắng vẻ, làm bạn với thiên nhiên cho thanh nhàn sau quãng đời làm việc quá mệt mỏi”, người đàn ông gần 70 tuổi này tâm sự. Đầu tiên, ông An có dự định làm một ngôi nhà vườn ở Bảo Lộc. Nhưng khi đến Đồi Cát Trắng, ông đã bị cảnh đẹp nơi đây hút hồn, và ông quyết định “neo đậu” chốn này. Từ đó, ông thuyết phục vợ từ Sài Gòn ra đây để thêm người bầu bạn. Khi những lai khách ra đi hết, trong không gian yên tĩnh này, chỉ còn hai người bạn già vui thú bên nhau, cùng với hương biển mặn, cùng điệu nhạc bất tận của những hàng dương vi vu trong gió.

Và nếu cho rằng, mỗi người thường có một chốn riêng nào đó vào một quãng đời nào đó thì Photohouse là nơi chốn đó dành cho ông An lúc về già. Mê cảnh đẹp, buổi đầu, mỗi lần từ Sài Gòn ra đây, ông thường lưu lại đến cả tháng, vậy mà không biết chán dù quanh đây nhà cửa, dân cư vẫn còn thưa và nói chung cảnh quê thường bao giờ cũng buồn. Ông chính là một trong những người săn ảnh đầu tiên phát hiện vẻ đẹp như tranh vẽ của cây cóc rừng trơ trọi nhìn ra Bàu Sen và Đồi Cát Trắng, góc chụp sau này được nhiều nhiếp ảnh gia chụp ảnh cưới khai thác, và từ đó trở nên nổi tiếng.

Nhưng ở tuổi của ông An, “chơi” một mình cũng buồn nên ông quyết định mở Photohouse để phục vụ cho những người cùng sở thích làm điểm dừng chân trên đường thiên lý ngang qua thắng cảnh nổi tiếng của Bình Thuận. Nằm ngay trong lòng cụm thắng cảnh gồm Bàu Sen, Đồi Cát Trắng, những thảo nguyên rừng lá thấp, cung đường biển Hòa Thắng, Photohouse nhanh chóng trở thành điểm hẹn của giới nhiếp ảnh khắp nơi, cả trong và ngoài nước. Photohouse của ông An đã từng tiếp đón các thành viên trong cộng đồng photovn, xóm nhiếp ảnh, nhiều nhiếp ảnh gia nổi tiếng, trong số đó có Hoàng Thế Nhiệm và Huỳnh Ngọc Dân… Đó chính là lý do một người “ngoại đạo” như ông An lại có cơ duyên quen biết nhiều nghệ sĩ nhiếp ảnh cả nước.

Chủ nhân còn là một người yêu nghệ thuật. Trong khu vườn Photohouse, góc này góc kia trưng bày những bức ảnh phong cảnh biển, đồi cát hay bức họa của những người bạn từng ghé qua đây lưu lại. Giờ đây, từ khi mở công viên mini cho khách xem dông, hằng ngày đón tiếp du khách qua lại, hai vợ chồng ông An cảm thấy mình thật sự thuộc về nơi này.

Thông tin thêm:

+ Photohouse đã được “chấm” tọa độ trên wikimapia (trang bản đồ trực tuyến của mạng Bách khoa toàn thư mở Wikipedia).

+ Photohouse ở xã Hòa Thắng, huyện Bắc Bình, tỉnh Bình Thuận ở đoạn gần đường vào thắng cảnh Bàu Sen - Đồi Cát Trắng.

+ Từ Phan Thiết, để đến Photohouse xem dông, bạn đi theo tỉnh lộ ĐT 706, ngang qua Mũi Né, chạy thêm khoảng 30km về hướng Bàu Sen - Đồi Cát Trắng. Photohouse nằm gần ngã ba rẽ vào cụm thắng cảnh này.

+ Hai vợ chồng chủ nhân Photohouse rất hiếu khách. Vợ ông An có thể tiếp du khách nước ngoài bằng tiếng Anh.

RELATED ARTICLES