Một Cát Bà rất khác sau nhiều lần quay lại
Với nhiều người, Cát Bà từ lâu đã là một cái tên quen trong danh sách điểm đến mùa hè. Bãi Cát Cò, vịnh Lan Hạ, món hải sản tươi rói hay những resort sát biển… tất cả đã làm nên hình ảnh một hòn đảo nghỉ mát thân thuộc. Chiến Thắng - một người đam mê du lịch bụi cũng đã từng đến Cát Bà nhiều lần với lịch trình quen thuộc ấy. Nhưng phải đến tận chuyến đi giữa tháng 7 này, anh mới có cơ hội khám phá một góc nhìn khác: trekking xuyên rừng Cát Bà, rồi lênh đênh giữa vịnh để ngắm hoàng hôn.
“Ban đầu tụi mình cũng chỉ định đi tắm biển thôi, nhưng khi biết đến cung trekking xuyên Vườn quốc gia, mình thấy cực kỳ hấp dẫn. Thời điểm này đang trái mùa leo núi, nên cảm giác được hít thở bầu không khí rừng núi giữa hòn đảo như thế này thật sự dễ chịu, rất khác biệt”, Thắng chia sẻ.

Thời tiết Cát Bà vào hè mát mẻ hơn khu vực đất liền nhờ gió biển và rừng cây xanh mướt
Dù là một chuyến đi ngắn ngày, nhóm của Thắng vẫn dành nhiều thời gian chuẩn bị. Từ việc xem bản đồ, kiểm tra điều kiện thời tiết cho đến lựa chọn lịch trình, tất cả đều được tính toán kỹ lưỡng để đảm bảo trải nghiệm mượt mà nhất. “Mùa hè ai cũng nghĩ tới biển, nhưng tụi mình lại muốn tìm một hành trình có cả trekking, cả biển và Cát Bà là một trong ít những nơi có thể làm được cả hai điều đó”, Thắng nói.



Cát Bà tháng 7 khá oi vào ban ngày nhưng thời tiết nhìn chung vẫn ủng hộ đoàn: không nắng gắt, trời xanh trong, mưa giông chỉ kéo đến lúc đêm khuya và nhanh chóng dứt vào sáng hôm sau. Không khí sau mưa khiến ngày Chủ nhật thêm mát mẻ, lý tưởng để kết thúc hành trình bằng những giờ tắm biển nhẹ nhàng.
“Điều khiến mình ngạc nhiên nhất là sự đa dạng của thảm thực vật ở Vườn quốc gia Cát Bà. Nhiều cây cổ thụ to và các loại thực vật mà mình chưa từng thấy khi leo núi ở Tây Bắc”, anh nói. Tuy vậy, Thắng cũng hài hước kể thêm: “Ấn tượng mạnh nhất có lẽ là… muỗi nhiều. Nhưng thật ra đó cũng là một phần thú vị của rừng nhiệt đới mà”.

Trên đường trekking xuyên rừng, đoàn anh Thắng được chiêm ngưỡng thảm thực vật nguyên sinh phong phú
Trekking xuyên rừng - từ Ao Ếch đến làng cổ Việt Hải
Đoàn của Thắng xuất phát từ Hà Nội lúc 6 giờ sáng ngày 12/7 và có mặt tại Cát Bà vào buổi trưa. Không nghỉ ngơi quá lâu, họ bắt đầu hành trình trekking ngay trong ngày với vé vào cửa Vườn quốc gia là 160.000 đồng/người. Toàn bộ quãng đường khoảng 12 km, được đánh dấu rõ ràng với biển chỉ dẫn, phù hợp cả với người mới tập trekking nếu có sức khoẻ ổn định.
Đoạn đầu khoảng 6 km khá bằng phẳng, cây rừng rậm rạp tạo bóng mát, đường đi chủ yếu là lối đất và bậc đá, chưa có nhiều thách thức. Nhưng khi vượt qua Ao Ếch - một đầm lầy tự nhiên nằm sâu trong rừng thì địa hình bắt đầu thay đổi: nhiều dốc đá sắc, đường trơn và hẹp hơn. Người đi cần thận trọng, giữ sức và mang đủ nước vì trong rừng rất oi, gần như không có gió. Nhiệt độ không cao nhưng cảm giác nóng vì độ ẩm rất lớn, mồ hôi đổ ra không kịp khô khiến ai cũng nhanh chóng thấm mệt.

Cả đoàn mất 5 tiếng để băng qua khu rừng thuộc VQG Cát Bà
“Tuy không có vắt như khi đi rừng ở Tây Bắc, nhưng thỉnh thoảng lại gặp rắn bò ngang đường”, Thắng kể. Anh cảm giác như đang thực sự bước vào một thế giới hoang dã đúng nghĩa.
Sau gần 5 tiếng băng rừng, đoàn đến được làng cổ Việt Hải - một ngôi làng đặc biệt nằm giữa rừng già, và rừng già lại nằm giữa biển khơi. Cách biệt hoàn toàn với bên ngoài, Việt Hải gần như không có xe máy, người dân chủ yếu đi xe đạp hoặc đi bộ. Nhà cửa giản dị, không khí yên ả, chỉ có tiếng gió và tiếng côn trùng râm ran.

Băng qua đoạn rừng ngập nước để đến với làng cổ Việt Hải
“Đặt chân đến đây giống như mình được đưa sang một thế giới khác vậy. Mình thật sự bị cuốn hút bởi vẻ đẹp bình dị mà gần như không thể tìm thấy ở đâu khác tại Việt Nam”, Thắng nói.
Làng chỉ có vài chục hộ dân, chủ yếu làm du lịch sinh thái và giữ rừng. Những bức tường đá rêu phong, ao cá nhỏ trước hiên nhà, những hàng tre đung đưa trong gió, khung cảnh quá đỗi mộc mạc. Nếu không phải vì lịch trình gấp rút, nhóm đã chọn ở lại một đêm để tận hưởng trọn vẹn không khí ở đây.


Từ Việt Hải, đoàn thuê đò (500.000 đồng/lượt) quay trở lại trung tâm Cát Bà. Họ vừa kịp ra biển khi mặt trời lặn xuống, rải những tia nắng vàng cuối cùng lên mặt biển, khung cảnh như trong một bức tranh sơn dầu dịu dàng. Mặt nước ánh lên màu cam đỏ, phản chiếu vệt sáng cuối ngày khiến ai nấy đều ngẩn ngơ.
“Khi lênh đênh trên thuyền ngắm hoàng hôn, mọi mệt mỏi của hành trình trekking như tan biến. Mình thấy mình thật nhỏ bé giữa thiên nhiên quá đỗi hùng vĩ và yên bình”, Thắng nhớ lại.

Hoàng hôn trên biển Cát Bà
Chèo kayak giữa vịnh xanh, ghé thăm đỉnh Phượng Hoàng
Sáng hôm sau, cả đoàn lựa chọn thư giãn nhẹ nhàng tại bãi tắm Cát Cò 2 - một trong những bãi biển đẹp nhất đảo Cát Bà, nổi tiếng với bờ cát mịn và làn nước xanh ngọc. Tại đây có dịch vụ thuê kayak cho du khách muốn tự mình khám phá những hang nhỏ và hốc đá ẩn hiện giữa biển trời.
“Khi tự chèo thuyền giữa làn nước trong vắt, mình như quên hết cái nóng oi ả của ngày hôm trước. Cảm giác mệt sau 12 km băng rừng cũng biến mất, chỉ còn sự yên tĩnh, thư thái”, Thắng kể.

Du khách có thể kết hợp hoạt động chèo kayak và tắm biển trên bãi Cát Cò 2
Vào khoảng 14h, đoàn rời Cát Bà qua phà Gia Luận, kết thúc hành trình hai ngày với những trải nghiệm đậm chất thiên nhiên. Trước khi quay về Hà Nội, đoàn ghé qua đỉnh Phượng Hoàng - nằm ở phường Bắc Sơn, thuộc thành phố Uông Bí, tỉnh Quảng Ninh, còn có tên gọi khác là núi Ba Tầng. Dù không ở lại camping như dự định ban đầu, cả nhóm vẫn tranh thủ leo lên để ngắm toàn cảnh ngọn đồi cao khoảng 500 m, rừng thông và thảm cỏ rừng trải dài. “Từ đây nhìn xuống, mình thấy toàn một màu xanh mướt. Nếu không biết trước, có khi người ta nghĩ đang ở châu Âu”, Thắng nói vui.

Check in trên đỉnh Phượng Hoàng (Quảng Ninh) trước khi về với phố thị
Hành trình ngắn ngủi nhưng đủ để Thắng cảm nhận rõ sự thay đổi trong cách mình nhìn về Cát Bà - không chỉ là một điểm đến mùa hè đơn thuần, mà là nơi dung hòa được giữa núi rừng hoang dã và biển trời phóng khoáng.
“Mình chắc chắn sẽ quay lại, có thể là một chuyến camping ở đỉnh Phượng Hoàng, hoặc nghỉ lại một đêm ở làng Việt Hải. Cát Bà giờ không chỉ là biển mà còn là những cung đường rừng kỳ thú đang chờ mình quay lại”, anh chia sẻ.